You are here

Chỉ số niềm tin của người Việt

Kết quả, từ một cuộc khảo sát xã hội học của Viện nghiên cứu phát triển Mekong, với 1.400 người Việt được chọn lựa ngẫu nhiên: 90% cho rằng mình hạnh phúc, 90% tin tưởng vào hệ thống giáo dục, 90% tin tưởng vào hệ thống y tế và pháp luật, 68% tin tình hình tham nhũng sẽ được cải thiện trong 5 năm tới, 75% cho rằng triển vọng kinh tế và việc làm sẽ được cải thiện trong 5 năm tới (*).

Tôi tin, cuộc khảo sát có thể là nghiêm túc, khách quan. Nhưng, không quá ngạc nhiên về kết quả này.

Năm 2011, Viện dư luận BVA và tổ chức quốc tế Gallup cũng từng công bố một kết quả khảo sát tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới về chỉ số lạc quan của người dân: nước Việt đứng đầu, dân Việt được xem là lạc quan nhất thế giới.

Điều đáng nói, không phải ở vị thế nhất nhì, hay những chỉ số 90% ấy.

Báo chí, rồi lại sẽ tung hê, hồ hởi trước những chỉ số niềm tin, với hạnh phúc này. Còn tôi nghĩ khác: Đó là một nỗi lo, nếu không muốn nói là báo nguy, về bản tính tiếp nhận dễ dãi của người Việt, dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.

Một đất nước, một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn.

Nhìn ở nghĩa đó, cái chỉ số niềm tin với hạnh phúc 90% kia là đáng lo, chứ không phải đáng mừng.

______________________

(*): https://drive.google.com/file/d/1uH7PnxRI9RFB1QYJK3JzuttQN5c-pME9/view?fbclid=IwAR09EOwZr-R0P_TPUvuaJuQszTDe2_m5ysqctN72ueG4aIFGA2GOGs0HfqM