You are here

Lý Quang Diệu và chính sách song ngữ

Ảnh của NguyenTrangNhung

Trở thành một quốc gia độc lập vào tháng 8 năm 1965, Singapore khi ấy đối mặt với nhiều vấn đề chính sách, trong đó có vấn đề ngôn ngữ. Trên vùng đất nhỏ bé này, người Malay, người Hoa, người Ấn và một số sắc tộc khác cùng sinh sống và có tiếng nói riêng. Dưới thời thuộc địa, các sắc tộc được tự do sử dụng ngôn ngữ theo lựa chọn của họ, mà theo lẽ thường là sắc tộc nào sử dụng tiếng mẹ đẻ của sắc tộc ấy (chủ yếu là tiếng Malay của người Malay, tiếng Hoa của người Hoa và tiếng Tamil của người Ấn). Sự đa dạng này, tuy nhiên, lại là trở ngại đối với một cộng đồng vốn xa cách vì thiếu những đặc điểm chung.

Khi thành lập chính quyền vào năm 1959 để chuẩn bị sáp nhập Singapore vào Malaysia, Lý Quang Diệu đã quyết định chọn tiếng Malay làm quốc ngữ, song ông nhận ra rằng tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ nơi làm việc và ngôn ngữ chung, bởi theo ông, với tư cách là một cộng đồng giao thương quốc tế, người dân Singapore sẽ không kiếm sống được nếu dùng tiếng Malay, tiếng Hoa hay tiếng Tamil. Đó là chưa kể sự khác biệt về ngôn ngữ gây khó khăn trong hoạt động của lực lượng vũ trang và trong cả bộ máy chính quyền.[1]

Nhu cầu phải có một ngôn ngữ chung là rất rõ ràng. Song vấn đề là làm thế nào để tiếng Anh được đón nhận trong khi các sắc tộc đều nhiệt tình bảo vệ tiếng nói riêng của họ. Lý Quang Diệu đã đề xuất việc học tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil trong các trường tiếng Anh, và đảo lại là việc học tiếng Anh trong các trường tiếng Malay, tiếng Hoa và tiếng Tamil.[2] Phạm vi của đề xuất là các trường trung học của chính phủ hay do chính phủ tài trợ, dọn đường cho việc dạy và học bằng tiếng Anh trong các trường đại học. Chính sách được công bố vào tháng 11 năm 1965, và có hiệu lực vào năm 1966.[3]

Phản ứng trước chính sách, các phụ huynh người Malay và người Ấn đón nhận còn các phụ huynh người Hoa thì không.[4] Thậm chí, những người Hoa sốt sắng nhất đã hành động trước khi chính sách được công bố. Phòng Thương mại người Hoa, 8 tuần sau khi Singapore độc lập, đã công khai yêu cầu chính phủ bảo đảm vị thế của tiếng Hoa như ngôn ngữ chính thức, với sự nhấn mạnh rằng người Hoa chiếm đến 80% dân số Singapore. Lý Quang Diệu đã từ chối thẳng thừng yêu cầu đó và khiến họ hiểu rằng ông không cho phép bất cứ ai khai thác tiếng Hoa trở thành vấn đề chính trị và đặt dấu chấm hết cho những âm mưu nâng cao vị thế tiếng Hoa.[5].

Trong số những người phản đối dữ dội nhất có các giảng viên và các sinh viên tiếng Hoa từ Đại học Nanyang và Cao đẳng Ngee Ann. Các sinh viên đã thể hiện sự phản đối bằng cách biểu tình trong khuôn viên của trường hoặc trước văn phòng của Lý Quang Diệu. Cùng phía với họ là các chủ báo, chủ bút và phóng viên báo tiếng Hoa. Các nhóm này đã vận động các phụ huynh gửi con vào các trường tiếng Hoa, và phê phán các phụ huynh gửi con vào các trường tiếng Anh là những kẻ thực dụng và thiển cận.[6] Sự vận động dường như hiệu quả, khi vào năm 1966, số lượng học sinh, sinh viên vào các trường tiếng Hoa tăng lên đến hơn 55%.[7]

Đáp lại sự phản đối này trong khi cần lá phiếu của người Hoa, Lý Quang Diệu đã để các phụ huynh tự do lựa chọn cũng như để thị trường lao động quyết định lựa chọn của họ trong tương lai. Kết quả là, vào thập niên 70, các sinh viên các trường tiếng Hoa khi ra trường khó xin việc, từ đó dẫn đến một cuộc chạy đua vào các trường tiếng Anh. Cuộc chạy đua nhanh đến mức ông phải đề nghị họ chậm lại bởi số lượng giáo viên tiếng Anh không đủ để đáp ứng nhu cầu.[8] Sự chuyển dịch của các sinh viên sang các trường tiếng Anh diễn ra cho đến khi dường như không ai còn băn khoăn khi lựa chọn các trường tiếng Anh nữa. 

Một chủ trương có liên quan đến chính sách là khuyến khích người Hoa dùng tiếng Hoa phổ thông, tức tiếng Quan thoại, thay vì dùng phương ngữ. Cho đến cuối thập niên 70, khoảng 60% người dân vẫn dùng chủ yếu phương ngữ tại nhà.[9] Trước thực trạng đó, vào năm 1979, Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch nói tiếng Quan thoại và dùng uy tín của mình để thuyết phục mọi người dùng tiếng này. Bên cạnh đó, ông đã hạn chế các chương trình bằng phương ngữ trên tivi và radio. Chiến dịch đã có tác dụng. Từ năm 1980 đến năm 1990, tỷ lệ người dân dùng chủ yếu tiếng Quan thoại tại nhà đã tăng từ hơn 10% lên đến gần 24%.[10]

Là một người Hoa, bản thân Lý Quang Diệu không phải không lo lắng về hệ quả của chính sách song ngữ đối với văn hóa Trung Hoa. Chính ông cảm thấy mất kết nối với nền văn hóa này vì được giáo dục từ nhỏ bằng tiếng Anh. Thêm vào đó, ông nhận thấy chính sách đã làm cho các sinh viên trở nên ngoại lai, thiếu năng động và quan tâm về mặt chính trị – xã hội như trong quá khứ. Giải pháp của ông cho vấn đề này là giữ lại 9 trường tiếng Hoa tốt nhất dưới sự bảo trợ của một chương trình trợ giúp đặc biệt. Các trường này, theo ông, đã thành công trong việc giữ gìn kỷ luật và nghi thức xã hội của các trường tiếng Hoa truyền thống.[11]

Bảng: Tỷ lệ người dân dùng ngôn ngữ chính tại nhà ở Singapore (%) (Nguồn: Tổng hợp)

Nhờ chính sách song ngữ, tiếng Anh đã sớm trở thành ngôn ngữ thống trị nơi làm việc. Ngày nay, tiếng Anh thậm chí trở thành ngôn ngữ thống trị trong các gia đình, thay thế vị trí của tiếng Hoa phổ thông trong mấy thập niên trước. Theo một khảo sát của chính phủ Singapore vào năm 2015, 36,9% người dân dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính tại nhà. Đối với tiếng Hoa phổ thông, tỷ lệ này là 34,9%. Ngoài ra, chỉ còn 12,2% người dân dùng phương ngữ, và 73,2% người dân biết ít nhất 2 ngôn ngữ.[12]

Hơn 5 thập niên trôi qua, cho dù còn những tranh cãi về chính sách song ngữ, nhất là tác động làm mai một các phương ngữ cũng như sự thiếu thành thạo đồng thời cả tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ trong trong một tỷ lệ không nhỏ người Singapore, song ít ai có thể phủ nhận rằng tiếng Anh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của Singapore. Đảo quốc này từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều công ty nước ngoài và là một trung tâm tài chính một phần là nhờ ngôn ngữ nơi đây là ngôn ngữ toàn cầu.

Xét về phương diện văn hóa, Lý Quang Diệu đã làm những gì có thể để bảo tồn văn hóa Trung Hoa, để người Hoa còn tìm thấy những nét độc đáo của mình trong một đất nước trên đà Tây hóa với ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Bên cạnh đó, ông đã làm tiếng Anh trở thành phương tiện kết nối các sắc tộc khác nhau, ngăn ngừa xung đột và mâu thuẫn giữa họ, làm tăng tính đồng nhất của người dân trong một quốc gia. Và, đúng như ông chia sẻ, “Để tồn tại như một quốc gia thống nhất, bạn cần phải có chung một vài đặc điểm nhất định”.[13]

Chú thích:

[1][2] Lý Quang Diệu (2000), Bí quyết hóa rồng: Lịch sử Singapore 1965 – 2000

[3] Breaking down barriers with bilingualism
https://www.straitstimes.com/singapore/education/breaking-down-barriers-...

(Đối với bậc tiểu học, việc học ngôn ngữ thứ hai được thực hiện kể từ năm 1960)

[4][5][6] Như [1]

[7][8] In his own words: English for trade; mother tongue to preserve identity
https://www.straitstimes.com/singapore/in-his-own-words-english-for-trad...

[9][10] Bolton và Ng (2014), The dynamics of multilingualism in contemporary Singapore

[11] Như [1]

[12] Department of Statistics Singapore (2016), General household survey 2015
http://www.singstat.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/...

[13] Fareed Zakaria (1994), Culture is destiny: A conversation with Lee Kuan Yew 

(Bài viết được đưa ra nhân khi đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam được báo chí nêu ra và thảo luận trong những ngày gần đây. Người viết hi vọng rằng việc tìm hiểu về chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu sẽ giúp ích cho cuộc thảo luận này.)