Cách đây vài bữa, bạn Ngô Duy Quyền bỗng lên tiếng phàn nàn về một ông láng giềng (thổ tả) nào đó:
Chiều nay tôi thấy anh chủ nhà hàng xóm là Tiến sĩ vật lý ở Viện Vật lý địa cầu (nơi bác Nguyễn Thanh Giang từng làm việc) có mặt ở nhà mới sang nói chuyện: - anh Cường ơi em nói cái này, em thấy cái camera nhà anh quay hướng thẳng vào cửa nhà em như vậy không ổn chút nào...
Anh ta cười ruồi: - àh, như em cũng biết đấy, việc này nó liên quan tới cái chung...
Mặt tôi đơ ra đợi anh ta ngừng nói để hỏi lại cho rõ. Dường như hiểu suy nghĩ của tôi nên anh ta đổi giọng luôn: - anh em mình ở đây đã quá hiểu nhau nên anh nói thế mà em không hiểu thì anh không nói chuyện với em nữa, em đi ra khỏi chỗ nhà anh ngay (tấn công phủ đầu).
Dù sao cũng là hàng xóm với nhau, hơn nữa anh ta lại nhiều tuổi hơn nên dù hiểu tình thế tôi vẫn cố thiện ý: - quả thực là em chưa hiểu ý anh nên muốn hỏi lại cho rõ: - anh nói liên quan tới cái chung nghĩa là sao?
- Àh, thì họ lắp để giám sát chung ấy mà.
- Ok. Hoá ra là họ chứ không phải nhà anh lắp à? Thôi, em chỉ cần biết vậy thôi, cũng không cần nói chuyện thêm với anh nữa. Tôi quay mặt bước đi.
Anh ta bỗng gầm lên: - nhà tao tao muốn lắp chiếu sang đâu là việc của tao, mày đừng giở cái giọng ấy ra. Họ ở đây là những người thợ. Tao thách đứa nào bước qua đây mà phá phách, mày muốn không bị nhòm sang thì che cổng nhà mày lại.
Tôi đáp lại câu cuối: - chẳng ai nói gì đến phá hay không phá cả. Nhưng anh nói như vậy không đúng đâu, hãy nghĩ kỹ lại đi.
Chế độ độc tài Việt cộng tồn tại là nhờ những con nô lệ như thế này. Ban đầu họ cũng chỉ là nạn nhân, nhưng đến thời điểm cần phải lựa chọn giữ cho mình được lương thiện thanh thản, hoặc tuyệt hơn là đứng về phía đám nô lệ yếu thế đang kêu đòi tự do, thì họ lại quyết định đứng về phía chủ nô, góp công góp sức đàn áp đám nô lệ khốn khổ kia và cho rằng đó là khôn ngoan.
Câu chuyện thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến vài đoạn văn, ngăn ngắn, trong tác phẩm cuối cùng (Hậu Chuyện Kể Năm 2000) của Bùi Ngọc Tấn:
Người ta vận động bà tổ trưởng ngay đầu ngõ liền bên theo dõi, người ta tìm cách giao nhiệm vụ cho những người sống trong các ngôi nhà mới mọc lên ngay cạnh nhà tôi, có thể quan sát được từng cử động của tôi…
Nhà tôi là “điểm nóng.” Tên tôi được ghi trong sổ đen. Loại sổ chỉ ghi thêm chứ không gạc bớt và chỉ gạc bớt khi đương sự đã chết. Nó được truyền từ đời ông bí thư này sang đời ông bí thư khác, từ ông chủ tịch trước đến ông chủ tịch sau, từ thế hệ an ninh này sang thế hệ an ninh khác như một cuộc chạy tiếp sức đường trường mà điểm kết thúc là nấm mồ của đối tượng.
Tôi thấy rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo tôi. Họ đã già đi. Ðã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Ðời này sang đời khác.
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Bốn mươi năm sau, Ngô Duy Quyền mở mắt chào đời. Thời gian vừa vặn hai thế hệ người, và đủ dài để Việt Nam thực hiện được nhiều tiến bộ rất đáng kể (và đáng nể) trong ... lãnh vực “trị an.”
Người nhận nhiệm vụ theo dõi những phần tử (tình nghi) phản động hay bất hảo – nay – không còn là bà tổ trưởng dân phố thất học, hay chị hội trưởng phụ nữ i tờ như xưa nữa. Thay vào đó là một ông có có học vị đàng hoàng và được cung cấp những thiết bị (“tác nghiệp”) rất tân kỳ.
Thế nước, rõ ràng, đang lên. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, nói nào ngay thì VN vẫn chưa “lên” được ngang tầm thời đại – nếu so với những tiến bộ kỹ thuật vượt bực nước bạn Trung Hoa Vỹ Đại.
Hôm 10 tháng 10 năm ngoái, BBC ái ngại cho hay:
“Trung Hoa đang thiết lập cái mà họ gọi là ‘hệ thống giám sát lớn nhất thế giới.’ Toàn quốc đã có 170 triệu CCTV cameras và ước lượng sẽ có thêm 400 triệu cái nữa sẽ được lắp đặt trong ba năm tới.” (China has been building what it calls "the world's biggest camera surveillance network". Across the country, 170 million CCTV cameras are already in place and an estimated 400 million new ones will be installed in the next three years.)
Nói cách khác là chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi là mỗi gia đình trung bình hai (hoặc ba) người, ở nước Tầu, sẽ được theo dõi và giám sát bởi một cái camera.
Thiệt là quá đã, và quá đáng!
Qua năm nay, trang Vnexpress lại vừa có bài viết khá thú vị và rất chi tiết (“Trung Quốc – Xã Hội Không Góc Khuất”) về những chuyện (“quá đã, và quá đáng”) này. Xin trích dẫn đôi/ba đoạn ngắn:
Hàng trăm triệu camera trên khắp cả nước giúp chính phủ Trung Quốc kiểm soát hơn 1,4 tỷ công dân, đánh giá mỗi người dựa trên "tín nhiệm xã hội".
Một viễn cảnh giống như ở thì tương lai đang diễn ra tại Trung Quốc, phá vỡ cuộc sống thông thường. Chính quyền Trung Quốc gọi đó là “tín nhiệm xã hội” và nói rằng hệ thống này sẽ hoạt động một cách hoàn thiện vào năm 2020.
Tín nhiệm xã hội giống như một phiếu ghi điểm cá nhân cho mỗi công dân của quốc gia có 1,4 tỷ người này. Trong một chương trình thí điểm, mỗi công dân được chỉ định số điểm trong khoảng 800. Ở một chương trình khác là 900...
Những người ở nhóm điểm thấp phía dưới có thể bị đẩy ra ngoài vòng xã hội, bằng những cách như cấm đi du lịch, cấm vay vốn hoặc làm các công việc thuộc chính phủ. Liu Hu là một trong số họ.
Nhà báo Liu Hu. Ảnh: ABC News
Là một nhà báo điều tra, Hu đã mất nhiều điểm tín nhiệm xã hội của mình khi bị buộc tội vì các phát biểu cá nhân. Hiện ông bị đẩy ra ngoài vòng xã hội do điểm số quá thấp của mình.
Vào năm 2015, Hu được cho là đã mắc tội phỉ báng sau khi cáo buộc một quan chức tội ăn hối lộ. Ông được đề nghị phải xin lỗi và trả tiền phạt. Nhưng khi tòa án yêu cầu nộp thêm một khoản phí bổ sung, ông đã từ chối.
Năm ngoái, người đàn ông 43 tuổi này nhận ra mình bị đưa vào danh sách đen vì đã "không trung thực", theo chương trình đánh giá điểm tín nhiệm xã hội thí điểm...
ABC News, đọc được vào hôm 17 tháng 9 năm 2018, còn cho biết thêm: “Chinese journalist Liu Hu lost his social credit and is effectively confined to house arrest.” Nói theo tiếng Việt (và nói một cách bỗ bã) là thằng chả đang bị nhốt tại nhà. Hay nói một cách văn hoa hơn là tù tại gia, hoặc tù tại chỗ.
Thế mới biết là Ngô Duy Quyền … may thật! May là nhà đương cuộc Hà Nội chưa được nước bạn giúp cho những thiết bị hiện đại để ghi điểm cho từng công dân, nếu không thì tư thất của đương sự đã trở thành lao thất mất rồi.
Quyền, Nhân & Lucas. Ảnh lấy từ trang Dân Luận
Sự may mắn này (chắc chắn) sẽ không kéo dài cho mãi đến đến thế hệ của Lucas – ái nữ của Ngô Duy Quyền và Lê Thị Công Nhân, vừa tròn 7 tuổi. Nếu cha mẹ – cũng như ông bà và chú bác – của Lucas vẫn cứ im lặng cam chịu và chấp nhận chế độ hiện hành thì trong tương gần con bé sẽ được giám sát bởi đôi ba cái camera, chứ (e) không phải một.
Bài bình luận gần đây