You are here

Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự thay đổi tư duy chính trị

Vốn là một người làm công việc liên quan đến truyền thông, cập nhật liên tục các thông tin, tin tức hàng ngày hàng giờ, song khi đọc một bài viết liên quan đến "Cách mạng Công nghiệp 4.0" (bit.ly/2xmZ2W1) của quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì bản thân tôi (một người cao niên hơn tướng Hùng) đã thấy cần phải xem xét lại tư duy già cỗi của mình.

Vắn tắt thế này, Cách mạng Công nghiệp 4.0 còn gọi là một cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra tại một số nước phát triển. Đó là sự tiếp nối của các cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 1, sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt; Và Cuộc cách mạng lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cách mạng Công nghiệp 4.0 được xây dựng trên nền tảng Kỹ thuật số, sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Ví dụ, trong lĩnh vực Vật lý sẽ với những robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano v.v...

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 này sẽ mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế - xã hội, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Các chuyên gia cho rằng, Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không chỉ là cơ hội tạo ra sự đột phá, bứt phá vươn lên của một quốc gia, mà nó còn tạo ra khả năng một sự chuyển đổi có tính hệ thống bao gồm tác động lên xã hội dân sự, cơ cấu quản trị và sự minh bạch thông tin đối với một quốc gia.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp cận và tiến hành  Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì Việt Nam có những lợi thế là, "Người có quá nhiều quá khứ hoành tráng, có quá nhiều hạ tầng 1.0, 2.0, 3.0 sẽ không có đủ can đảm phá huỷ, chỉ có những ai đang không có gì hay có rất ít thứ trong tay. Chúng ta đang có mọi thứ để thắng vì chúng ta không có gì trong tay, không có gì để mất.".

Điều đáng nói là, qua bài viết liên quan đến "Cách mạng Công nghiệp 4.0" (bit.ly/2xmZ2W1) của quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa kể đã cho thấy vấn đề tư duy của mỗi người cần phải có những thay đổi căn bản. Mà cụ thể theo ông Nguyễn Mạnh Hùng thì, "Chung qui chỉ có một chữ là LÀM NGƯỢC. Cách mạng 4.0 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước, đi theo cách này thì mãi mãi là người đi sau.". Nghĩa là trước đây, cạnh tranh là làm giống người khác và làm tốt hơn họ, thì bây giờ cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người khác để vượt lên trên họ.

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với những người quan tâm đến hiện tình đất nước và muốn có một sự thay đổi cơ bản đối với chính trị Việt Nam. Đó là phải thay đổi hoàn toàn tư duy cũng như cách thức đấu tranh chống "cộng sản Việt Nam". Vì một khi bạn đã bền bỉ đi theo một lối mòn trong 43 năm qua mà không đến đích, cũng có nghĩa là các bạn đã lạc đường. Mà đã xác định là bị lạc đường, thì cách nhanh nhất trong lúc mất phương hướng là đi ngược lại đường cũ.

Ví dụ một chuyện nhỏ mà không nhỏ, đó là việc vận động đấu tranh chống "cộng sản Việt Nam" (cụm từ cộng sản Việt Nam được để trong ngoặc kép) đã là một sự ngộ nhận, sai lầm và hết sức có lợi cho nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay. Nếu chúng ta hiểu nguyên lý cốt lõi của Chủ nghĩa Cộng sản là, không thừa nhận việc bóc lột và công hữu hóa tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân. Đó là điều ưu việt của Chủ nghĩa Cộng sản mà đảng CSVN đã nhồi sọ người dân trong nước để lừa họ theo và ủng hộ hàng chục năm qua. Trên thực tế đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay ngoài danh xưng đảng Cộng sản Việt Nam thì họ không còn mảy may còn gì là cộng sản. Đó chỉ là một chính thể độc tài, toàn trị trong một cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội mang tính tư bản thời kỳ hoang dã.

Chuyện như thế người dân trong nước ai cũng hiểu, nhưng chỉ có những người đấu tranh ở hải ngoại hiện nay không hiểu, và vô tình họ đang tiếp tay cho đảng Cộng sản Việt Nam lừa dân. Không thể trách người dân trong nước có suy nghĩ, "Chính quyền hiện nay ở Việt Nam phải như thế nào thì những người chống cộng mới gọi họ là Cộng sản chứ" - mượn lời ông Nguyễn Phú Trọng.

Bài học vỡ lòng của môn Khoa học Chính trị là, vạn vận, cả kinh tế - chính trị xã hội luôn luôn vận động và thay đổi không ngừng. Vì thế tư duy chính trị nhạy bén thì phải phán đoán được, để thay đổi nhanh hơn nhằm đón bắt các cơ hội.

Mượn chuyện Cách mạng Công nghiệp 4.0 để bàn chuyện đấu tranh hiện nay, với hy vọng cần có một sự thay đổi thật lớn về tư duy chính trị, tư duy tranh đấu. Như thế mới có thể có hy vọng trong vấn đề thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Nếu như chúng ta vẫn cứ dậm chân tại chỗ với những bài bản và cách thức không hề thay đổi trong hàng chục năm qua, trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam như mọt con tắc kè đổi màu theo hướng có lợi cho họ nhất. Đó là lý do họ luôn vững như bàn thạch.

Ngày 29 tháng 09 năm 2018

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA