Giáo dục hiện đại là làm sao để học sinh trở thành chính nó, chứ không noi gương ai.
Tôi thích tư duy giáo dục này của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Dạy trẻ, từ thuở lên 3, đã buộc chúng phải biết yêu thương ông Bác Hồ, là thứ giáo dục bậy bạ, phản giáo dục.
Không am hiểu chuyên sâu nhiều về mặt ngữ âm, nên tôi không dám lạm bàn đúng - sai, nên - không ở việc dạy trẻ đánh vần và tiếp cận con chữ kiểu những ô vuông tròn của “công nghệ giáo dục”. Nhưng tư duy một bộ sách, một kiểu dạy “đồng phục” là thứ giáo dục huỷ hoại và triệt tiêu sáng tạo.
Tại sao cứ duy trì một cách tiếp cận con chữ duy nhất cho con trẻ, mà không phải nhiều cách, lối khác nhau?
Đó là với trẻ bắt đầu tiếp cận con chữ ở lớp vỡ lòng. Với cấp học phổ thông và cao hơn, càng phải “thả” học sinh vào trường tư duy tự do hơn, không cột nhốt trong một khuôn mẫu bất kỳ nào. Con gái tôi, hồi học cấp 3, đã mấy lần tỏ vẻ khó chịu khi “cô giáo cứ bắt con phải thích Thuý Kiều, trong khi con lại thích Thuý Vân”. Tôi bảo “hãy cứ là chính con, thích ai thì viết thích”. Nó nhăn “không được, viết thế cô cho 0 điểm”.
Hỏng. Giáo dục thế, tư duy thế, sẽ chỉ tạo nên tương lai những thế hệ công dân robot đồng loạt gật gù vâng dạ, triệt tiêu khác biệt, triệt tiêu phản kháng.
Tôi nhìn cuộc đánh đấm “công nghệ giáo dục” của giáo sư Hồ Ngọc Đại trên nghĩa đó. Chứ không hẳn ở chuyện vuông - méo - tròn cùng cách đánh vần, tiếp cận con chữ.
Hãy là chính mình. Tôi thích “triết lý” này. Nó đề cao, tôn trọng vai trò cá nhân, chứ không “đồng phục hoá” cả xã hội. Giáo dục, dạy dỗ sao để con trẻ là chính mình, không lẫn lộn, không noi gương, không ra rả học tập làm theo ai. Dạy trẻ, khác dạy con vẹt ở điểm đó.
Giáo dục, phải nhìn trên nghĩa đó. Chất lượng giáo dục là chất lượng con người. Chất lượng con người là chất lượng chế độ. Không độc lập tư duy, không là chính mình, suốt đời cứ “học tập và làm theo” một tấm gương nào đó, thì dân Việt mãi mãi chưa trưởng thành.
Hãy nghe thầy Đại nói về sự so sánh "cậu ấy đẹp trai như anh hàng xóm": Tại sao lại so sánh thế, nó phải là chính nó chứ!
Cũng như tại sao, cứ phải ước ao Hà Nội như Paris, Sài Gòn như Singapore mà không là chính nó. Giá trị riêng biệt của Hà Nội, Sài Gòn là gì?
Hoặc lớn hơn, đâu là giá trị Việt riêng biệt?
Bài bình luận gần đây