You are here

Hồ Ngọc Đại - ông đang dạy cái gì?

Ảnh của nguyenlanthang

Tôi biết đến ông Hồ Ngọc Đại từ rất lâu, từ khi còn bé, vì chính ông Hồ Ngọc Đại ngoài quan hệ với các chú bác trong gia đình tôi còn là người đã dạy ông anh họ tôi, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu từ lớp 1 cách đây 40 năm. Mấy tuần nay chủ đề Công nghệ giáo dục (CNGD) của ông Hồ Ngọc Đại trở thành một đề tài gây tranh cãi cực lớn trên mạng xã hội. Tôi cũng biết qua qua và nghe qua qua chuyện của ông Đại rồi chia sẻ lại một số bài viết của người trong cuộc họ nói về CNGD, vậy mà cũng bị chửi mắng tơi bời trên mạng xã hội. Tại sao lại có chuyện này? Ông Đại dạy cái gì? CNGD có ảnh hưởng thế nào với xã hội? Đấy là một vài câu hỏi lớn mà một người hoạt động xã hội như tôi không thể bỏ qua.

Gạt hết những hiểu biết và quan hệ cá nhân trước đây để cho khách quan, tự tìm tòi theo con đường riêng, tôi có bộ sách 3 tập Tiếng Việt theo CNGD trên tay. Nói phải có sách mách phải có chứng, tôi không ưa cách nói đổng, nói theo, nói với lý lẽ ngược ngạo trong một chủ đề rất quan trọng và nghiêm túc như thế này.

Sau quá trình trực tiếp đọc sách Tiếng Việt theo CNGD và tham khảo ý kiến chung của bà con trên mạng xã hội, của các chuyên gia giáo dục trên báo chí, tôi quyết định sẽ viết về vấn đề này, để tự minh định cho mình một thái độ đối với chương trình CNGD, đồng thời chia sẻ ý kiến cá nhân tôi với những ai quan tâm. Tất cả sẽ chia thành 4 bài với nội dung chính như sau:

Phần 1 - Hồ Ngọc Đại - ông đang dạy cái gì?

  • Những phản ánh về nội dung cuốn sách trên mạng xã hội có đúng không?
  • Những người lên tiếng về sách công nghệ giáo dục là những ai?
  • Sách công nghệ giáo dục qua các thời kỳ bộ trưởng bộ Giáo Dục

Phần 2 - Tìm hiểu triết lý giáo dục của Hồ Ngọc Đại

  • Quá trình học tập, nghiên cứu và phát triển của ông Hồ Ngọc Đại
  • Triết lý căn bản về giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại
  • Phạm vi áp dụng của chương trình công nghệ giáo dục
  • Tìm hiểu thực tế trong trường áp dụng công nghệ giáo dục
  • Tại sao chương trình bị phản đối?

Phần 3 - So sánh sách công nghệ giáo dục và sách theo chương trình chính thống của Bộ Giáo Dục

  • Nhận xét chung về bố cục 2 loại sách
  • Những điểm khác biệt của sách công nghệ giáo dục
  • Liệu có bị nhồi sọ không?
  • Nhận xét của cha mẹ học sinh có con theo học sách công nghệ giáo dục

Phần 4 - Giáo dục Việt Nam và thái độ của chúng ta

  • Quyền lên tiếng
  • Đánh giá công bằng
  • Hệ thống giáo dục trong công giáo
  • Nên làm gì tiếp

Và sau đây là nội dung phần 1, các phần tiếp theo bài sau tôi có thể thay đổi chút ít bố cục tuỳ theo những quan sát và phát hiện của tôi trong thời gian tới đây.

Phần 1 - Hồ Ngọc Đại - ông đang dạy cái gì?

  • Những phản ánh về nội dung cuốn sách trên mạng xã hội có đúng không?

Vừa đúng vừa không!

Đúng là có trang sách in hình ông Hồ Chí Minh với câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" ngay bài đầu tiên trang số 7.

Đúng là có trang sách với các nội dung về "quả bứa", về "cá gỗ", về "phép lịch sự", về "dỗ bé", về "bé xách đỡ mẹ", về "cháo rìu", về "vẽ gì khó".

Không đúng là, hoàn toàn không có bài toán chặt ngón tay trong sách CNGD. Nội dung đó cùng với một số nội dung phản cảm khác được đưa lên mạng xã hội để gán ghép cho sách CNGD, quý vị và các bạn có thể tìm hiểu thêm qua nội dung bài báo từ năm 2013 này: https://vtc.vn/truy-tim-bai-toan-chat-ngon-tay-d135945.html

Không đúng là, các hình vuông, hình tròn và tam giác được chế thêm bằng cách trộn lẫn với nhau như một câu văn để phản đối nội dung sách CNGD. Nội dung sách CNGD chỉ có từng loại hình vuông, hoặc tròn, hoặc tam giác được chọn và thể hiện trong sách nhằm giúp trẻ tập đọc và phân biệt từng chữ, từng từ, từng tiếng trong cả câu văn. Đặc biệt, sách của chương trình CNGD của ông Hồ Ngọc Đại không liên quan gì hết đến việc đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền. Cái này rất nhiều người nhầm lẫn.

 

  • Những người lên tiếng về sách công nghệ giáo dục là những ai?

Theo quan sát cá nhân của tôi thì những người lên tiếng và phản ứng về sách CNGD gồm có:

+ Theo trình độ, nghề nghiệp: Từ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, luật gia, thầy giáo... cho đến những người thuộc giới bình dân như bán quần áo, bán hoa quả, lái xe taxi, nông dân... đều lên tiếng. Điều này chứng tỏ sự quan tâm đến CNGD nói riêng cũng như việc giáo dục nói chung của mọi tầng lớp xã hội là rất lớn. Theo tôi đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên các ý kiến phản đối bắt đầu xuất hiện từ một số người trong giới tinh hoa của xã hội, sau đó lan rộng đến các giới khác, và hầu hết giới bình dân đều phản đối.

+ Theo vùng miền và lãnh thổ: Từ Bắc, Trung, Nam cho đến người Việt hải ngoại đều lên tiếng về vấn đề này, trong đó phản ứng phản đối mạnh nhất là từ miền Trung và Nam cùng với người Việt hải ngoại. Điều này theo lý giải cá nhân của tôi là do những vùng miền có tiếng địa phương hay những người đã được học theo chương trình giáo dục thời VNCH sẽ có cảm nhận tiêu cực khi sách Tiếng Việt theo CNGD dạy đánh vần hay phát âm theo tiếng Bắc, đồng thời có những ác cảm nhất định với công cuộc cải cách giáo dục dài lê thê chẳng đi đến đâu nói riêng và tình hình chính trị xã hội Việt Nam nói chung suốt mấy chục năm qua.

+ Theo đối tượng trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc với CNGD: Cả hai đối tượng đều có sự phản đối hay bênh vực đan xen lẫn nhau. Có những thầy cô giáo giảng dạy lâu năm theo cách đánh vần cũ đã rất phản đối cách đánh vần theo CNGD. Nhưng cũng có những thầy cô giáo đánh giá cao chương trình theo CNGD. Có nhiều cha mẹ khi tiếp xúc lần đầu với sách CNGD phản đối rất dữ, nhưng không thấy mấy ai là cha mẹ hay học sinh từng học hết chương trình CNGD bậc tiểu học lại phản đối việc học đánh vần theo sách này.

  • Sách công nghệ giáo dục qua các thời kỳ bộ trưởng bộ Giáo Dục

Sách Tiếng Việt chỉ là một trong cả bộ sách giáo khoa tiểu học của chương trình CNGD do ông Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Những mốc chính của CNGD từ khi hình thành cho đến bây giờ có thể điểm lại như sau:

Trích báo Giaoduc.net.vn (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ai-da-tham-dinh-sach-giao-khoa-Cong-nghe-giao-duc-cua-Giao-su-Ho-Ngoc-Dai-post171486.gd):

  • Năm 1978 Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội.
  • Năm 1986, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm. 
  • Năm 2006, Giáo sư Hồ Ngọc Đại mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Ông cho biết, mình đã nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Lào Cai, đạt được kết quả khả quan.

  • Mấy năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thêm 5 tỉnh tiếp tục thí điểm là: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm mở dần thêm mấy tỉnh.
  • Năm học 2014 - 2015 có 37 tỉnh, thành. Người quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Công nghệ giáo dục chính là (nguyên) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. [6]

Còn theo bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thời điểm năm 2013, khi trả lời báo Giáo dục và Thời đại bà Thắm cho biết:

  • "Trước năm 1995, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục đã được triển khai tại 43 tỉnh thành nên các địa phương đã biết đến Công nghệ giáo dục.
  • Năm 2007, tài liệu được hoàn thiện và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiệm thu. 
  • Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đây là một trong 5 giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
  • Năm học 2011 - 2012, chủ trương của Bộ dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. 
  • Trong quá trình triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các địa phương tự nguyện đăng ký tham gia, số lượng tăng dần, chỉ riêng năm học 2013 - 2014 tăng thêm 19 tỉnh. 
  • Các tỉnh đã tích cực, sát sao trong quản lý, chỉ đạo, giáo viên nhiệt tình, hào hứng khi tiếp thu và thực hiện dạy tài liệu.
  • Đến năm học 2013 - 2014 đã có 37 tỉnh đăng ký tham gia triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

...

Theo lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại với báo Giáo dục và Thời đại cùng một số tờ báo khác, người giúp ông đưa bộ sách nào vào chương trình giáo dục phổ thông ở các địa phương có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

"Đặc biệt là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng hết sức ủng hộ. Song Bộ trưởng cũng rất thận trọng khi tìm hiểu để đi đến quyết định cho nhân rộng việc triển khai bộ sách tại các tỉnh thành. 

Chính Bộ trưởng đã đích thân vào tận các trường có HS dân tộc để kiểm tra thực tế việc dạy học Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục. 

Sau khi tự mình đi kiểm tra tại 5 trường học sinh dân tộc, Bộ trưởng đã thấy hiệu quả về cách dạy học này nên đã mời luật sư tư vấn về luật và quyết định cho các địa phương triển khai đại trà trên tinh thần tự nguyện."

"Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy lợi ích của dân tộc nên đã ủng hộ rất nhiệt tình trong quá trình triển khai nhân rộng tại các địa phương.

Khi nhận được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT thì bộ sách Tiếng Việt đã được đưa vào dạy trong các nhà trường một cách thuận lợi." [9]

Còn trên báo Vietnamnet, Giáo sư Hồ Ngọc Đại kể rằng:

"Để mục sở thị hiệu quả dạy học tiếng Việt bằng CGD, anh Luận âm thầm mua vé tàu đi Lào Cai, thuê xe ôm đi đến 5 trường trong vòng hai ngày. 

Hết trích.

Nhưng mọi chuyện với chương trình CNGD bắt đầu có khó khăn kể từ khi bộ trưởng giáo dục mới Phùng Xuân Nhạ nhậm chức tháng 6/2016. Đó chính là việc xuất hiện bài báo vừa trích ở trên với tựa đề "Ai đã thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại?" cùng với một loại bài khác có link đính kèm trong đó. Sau đó còn một loạt bài báo khác lác đác xuất hiện trong năm 2017, 2018 nhưng dư luận chưa thực sự chú ý lắm.

Chỉ đến khi dư luận phẫn nộ với "sáng kiến" cải tiến chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền một thời gian thì bắt đầu một loạt các fanpage không biết do ai quản lý, có số lượng theo dõi lớn trên facebook bắt đầu đưa vấn đề sách Tiếng Việt theo CNGD ra, cắt chụp một hai trang sách trong đó để suy diễn, gán ghép chuyện CNGD của ông Hồ Ngọc Đại với việc "cải tiến" chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền. Rồi nhiều hot facebooker bắt đầu chia sẻ và bình luận theo hướng tiêu cực mà các fanpage kia đưa ra, rồi dẫn tới sự chia sẻ ồ ạt của những người khác nữa.

Cho đến hiện nay sự tranh cãi vẫn chưa chấm dứt, nhưng có thể quan sát thấy mấy việc sau:

  • Không có giáo viên nào gắn bó lâu dài với chương trình CNGD phản đối.
  • Không có học sinh nào đã qua bậc tiểu học theo CNGD phản đối.
  • Không có cha mẹ nào có con em đã trải nghiệm qua CNGD phản đối.

Chính vì việc này, tôi ngờ rằng CNGD đã bị dư luận hiểu sai, và quyết phải đi tìm sự thật. Để tìm hiểu cặn kẽ sách Tiếng Việt theo CNGD, tôi nghĩ phải đặt nó vào tổng thể bộ sách tiểu học theo CNGD, phải tìm hiểu triết lý đằng sau phương pháp của ông Hồ Ngọc Đại, so sánh nó với cái trước đây đã có ở Việt Nam, đồng thời so sánh với giáo dục ở nước ngoài. Đó sẽ là phần tiếp theo, tôi sẽ trình bày trong phần sau.

Hết phần 1.