You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đất Nước Nhìn Từ Thủ Thiêm

Ảnh của tuongnangtien

Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.

 EriK Harms

Từ Varsovie, nhà báo Mạc Việt Hồng vừa gửi đến độc giả của trang Đàn Chim Việt một câu chuyệ́n (nghe) hơi ngộ nghĩnh:

“Tôi đã từng đi xin giấy phép chặt một cây sồi trong chính mảnh vườn của nhà mình. Sự việc diễn ra vào năm 2011. Thủ tục này mất đúng 3 tuần. Khi tới quận kê khai đơn xin chặt cây, họ đã đặt ra những câu hỏi rất chi tiết như: Đó là cây gì, cao khoảng bao nhiêu, đường kính gốc bao nhiêu cm?

Nhưng có một câu hỏi, hoàn toàn bất ngờ và ‘đương sự’ ấp úng không trả lời được, vì thực sự không biết, không chú ý. Đó là: Trên cây có tổ chim hay không?

Sau đó vài tuần, một nhân viên hành chính quận tới thực địa. Ảnh ngó nghiêng chiếc cây rồi dùng một ống nhòm soi lên ngọn. Cây không có tổ chim. Và nhờ đó, gia đình tôi đã được phép chặt nó.

Vâng. Cơ quan hành chính Ba Lan ‘rỗi hơi’ vậy đó ...”

Những di dân da trắng ở Hoa Kỳ đều có nguồn gốc từ Châu Âu nên dân Mỹ cũng “rỗi hơi” không kém. Năm 1996, tiểu bang California bán 90 mẫu đất – vốn là khuôn viên của bệnh viện tâm thần Agnews, nơi mà tôi đã được gửi đến thực tập cả năm thưở còn đi học – cho công ty Sun Microsystems khai thác.

Tiền trao, cho múc xong rồi thiên hạ mới khám phá ra là trong khu đất này có vài cây cổ thụ, vốn là nơi trú ngụ của một loài cú (burrowing owls) có tên trong danh sách cần được bảo vệ. Để giải quyết vấn đề chính quyền tiểu bang đồng ý mua lại một khoảnh đất thích hợp cho chim cú nương thân, với sự trự giúp tài chính của cả thành phố San Jose lẫn công ty Microsystems.

Phú qúi sinh lễ nghĩa chăng?

E cũng không hẳn thế đâu. Trong phim Seven Years in Tibet, tôi nhớ có đoạn Đức Đạt Lai Lạt Ma bầy tỏ sự quan ngại về sinh mệnh của giun dế khi ngài nhìn thấy phu phen đang đào đất làm nền để xây tu viện. Mà Tây Tạng thì có giầu sang hay phú qúi (mẹ) gì.

Năm ngoái, sau vài tháng đi giang hồ vặt (và tiêu sài đến đồng bạc cuối cùng) tôi buộc phải quay về với ... mái ấm gia đình. Vì ở townhouse nên taxi đỗ sau nhà, ga ra đã mở sẵn, vừa xách ba lô ra khỏi xe đã thấy con gái đứng ngay cửa cười toe nhưng lại đưa ngón trỏ lên miệng, và bàn tay còn lại thì xua lia (xua lịa) ra dấu  im lặng và dừng bước ...

Tôi đứng yên ngơ ngác... Gần cả phút con bé mới chạy ào ra đón bố, giọng hớn hở:

  • Có đôi chim gi đến làm tổ trong giàn bông giấy bố ơi. Chim con  nở rồi. Chim mẹ vừa tha mồi về nên nếu bố bước vào ngay sẽ làm nó sợ!

Sau đó, “ái nữ” phổ biến ngay qui luật mới của gia đình vì nhà chúng tôi vừa có thêm mấy “thành viên” nữa:

  • Từ nay, mỗi khi muốn ra sân sau tôi phải dòm chừng. Nếu chim bố hay chim mẹ đang tha mồi về tổ thì dừng bước ngay, chờ cho chim con ăn xong mới được tiếp tục...
  • Từ nay, tôi phải hút thuốc ở sân trước vì khói thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của lũ chim non.
  • Từ nay, tôi phải ....

Ah, đù!

Tôi mới rời nhà một khoảng thời gian ngăn ngắn mà khi quay lại đã bị “tịch thu” nguyên cả cái sân sau. Nói là cái sân (nghe cho nó bảnh) chứ thực ra chỉ là mảnh đất nhỏ xíu xiu, vừa vặn để giồng một cây ngọc lan và giàn bông giấy. Chấm hết.

Sân trước rộng nhưng là đất chung với nhiều căn khác. Chúng tôi chỉ sở hữu cái townhouse (cũng chung vách với nhà kế cạnh) bé tí teo, mua theo kiểu trả góp, và vẫn còn nợ ngân hàng cả đống tiền chứ không phải ít. Tài sản rất nhỏ hẹp, bấp bênh như thế mà con bé vẫn vui vẻ mang chia sẻ với lũ chim trời (ơi) không biết từ đâu đến.

Cái kiểu “rỗi hơi” của người dân Ba Lan, Hoa Kỳ (và ngay cả con cái trong nhà) khiến tôi cũng hơi bị ... lây lan, rồi suy nghĩ lan man tới những vụ “thu hồi đất” ngang xương nơi quê hương đất nước của mình. T.S EriK Harms (tác giả cuốn Luxury and Rubble Civility and Dispossession in the New Saigon) nhận xét như sau:

“Những người dân Thủ Thiêm đã bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại.”

Lạ nhỉ?

Trước khi cho phép nhà báo Mạc Việt Hồng đốn hạ một cái cây – trong khu vường của chính chủ nhân – nhà nước Ba Lan đã cử nhân viên đến tận nơi, dùng ống nhòm săm soi, sợ có dăm ba con chim mất ổ. Còn chính phủ Việt Nam hiện hành thì giải tỏa nguyên cả bán đảo Thủ Thiêm mà sáu chục ngàn cư dân ở phần đất này đều “bị phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại” vậy!

Cảnh sống tạm cư ở Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân

Tác giả Lê Hồng Hà nhận diện:

“Ở TP HCM, ‘bộ tứ’ Lê Thanh Hải – Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang – Lê Hoàng Quân cũng cùng nhau ‘xẻ thịt’ đất đai Sài Gòn, bất chấp tất cả.”

Bốn vị quan chức cao cấp này đều là đảng viên của ĐCSVN khiến tôi không khỏi tôi băn khoăn tự hỏi cái đảng này chủ trương thế nào, và giáo dục họ ra sao để tất cả đều có thể trở thành những kẻ “bất chấp” (và bất nhân) đến vậy?

Trước khi đốn hạ vài cái cây cổ thụ thiên hạ còn lo cho bầy cú, sợ chúng mất nơi nương náu. Vậy mà mấy ông đảng viên CSVN (“vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”) lại có thể nhẫn tâm cướp đất của cả trăm ngàn lương dân, và đẩy họ vào cảnh bần cùng (hay màn trời chiếu đất) một cách lạnh lùng và thản nhiên như thế – được sao? 

Gần hai mươi năm sau, sau khi cả đống nước sông – cùng nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống, cho đến lúc vụ cưỡng chế đất Thủ Thiêm sắp chìm xuồng (tới đáy) thì thì bỗng có tin vui giữa giờ tuyệt vọng: Ban Bí Thư Thành Uỷ và Đoàn Đại Biểu Quốc Hội TPHCM đến thăm và làm việc  với dân chúng Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Thiện Nhân “vi hành” giữa vòng vây an ninh ở Thủ Thiêm hôm 16 tháng.  Ảnh: từ trang viet-studies

Thật là qúi hoá!

Thế là dàn đồng ca của Bộ Thông Tin thi nhau hợp xướng, cứ như thể là chuyện cưỡng chế đất đại ở Thủ Thiêm mới xẩy ra hồi tuần vừa rồi, hay tháng trước vậy thôi:

Người dân Thủ Thiêm đem bản đồ cỡ lớn trình đại biểu Quốc Hội ...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân “vi hành” đến khu ở của cư dân Thủ Thiêm...

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Sẽ gặp dân cho đến khi giải quyết xong bức xúc ...

Người dân Thủ Thiêm trào nước mắt tại buổi gặp đại biểu Quốc hội ...

Bà con Thủ Thiêm mong tin vui từ Bí thư Nguyễn Thiện Nhân

Không dưng, tôi cũng muốn “trào nước mắt” khi chợt nhớ đến một bản nhạc đã xưa:

Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh
Ôi
hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ
Mà niềm vui như đến bất ngờ

Niềm vui, cũng như ngày vui, thường ngắn. Hai tháng sau, sau “chuyến vi hành” của ông Nguyễn Thiện Nhân, bản tin của trang Tiếng Dân – đọc được vào hôm 8 tháng 9 năm 2018 – có đoạn (xem) rất não lòng:

“Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả kiểm tra liên quan đến việc khiếu nại của người dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn. Sự việc liên quan tới nhiều vấn đề nhức nhối, người dân khiếu kiện suốt 20 năm qua, thế nhưng TTCP chỉ cho ra báo cáo đúng 10 trang giấy.”

Mười trang giấy sơ sài, cùng vài “đề nghị” rất chung chung và rất mông lung!

Ngay từ khi nhà đương cuộc Hà Nội có quyết định “lật lại hồ sơ Thủ Thiêm,” nhà báo Phạm Chí Dũng đã bầy tỏ nghi ngại rằng đây chỉ là một cách mà các đồng chí lãnh đạo “mượn lò” để tống tiền nhau thôi! Tương tự, FB Bùi Văn Thuận cũng vừa miảa móc: “Lại đánh nhau nữa à?”

Tôi không hoàn toàn chia sẻ với quan điểm bi quan của nhị vị thức giả thượng dẫn nhưng rất đồng ý (và “nhất trí”) với nhận xét của FB Trần Đức Anh Sơn:

“Câu chuyện ‘dân oan mất đất’ ở Thủ Thiêm, đã khiến họ đau đớn, cực nhục, oán hận trong suốt 20 năm qua không phải là duy nhất. Đã, đang và sẽ có hàng vạn vụ Thủ Thiêm khác diễn ra ở khắp mảnh đất hình chữ S này. Tất cả chỉ vì cái việc xác định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’, và bị những kẻ đại diện cho ‘quyền sở hữu đó’ ăn cướp để chia chác và bán cho những nhóm lợi ích. Chúng chính là kẻ cướp. Những kẻ cướp được cấp license để cướp.”