You are here

Không được dùng lực lượng đặc công bắt rùa (Kỳ 1)

Đặc công thủ đô tham gia bắt rùa 
Báo điện tử VnExpress vừa loan tin Việt Nam sẽ huy động 70 nhân lực  trong đó có 20 lính đặc công của quân khu thủ đô thăm gia vào việc bắt rùa hồ Hoàn Kiếm.

 
Ngoài lực lượng này, còn có cả lực lượng công binh để dẫn rùa về bể chứa.
Đổ lỗi cho lần bắt rùa thất bại vào tuần trước, ông Nguyễn Ngọc Khôi, đại diện “đơn vị chịu trách nhiệm lai dắt rùa” cho biết đám đông quá lớn chính là nguyên nhân khiến rùa hoảng sợ để xảy ra cảnh thoát lưới và còn nêu cả chuyện “một công nhân thoát nước đã nhảy lên lưng cụ”.

 
Công ty bắt rùa còn cho biết lần này sẽ ra bài diễn tập trước khi bắt chính thức. Phương án bắt rùa đã được trình UBND thành phố Hà Nội.
Trong lúc chờ đợi thì cá nhân ông Khôi ngày nào cũng ra hồ Hoàn Kiếm nghiên cứu và định vị được hướng đi của rùa.
Đề phòng nhân dân
Một trong những chiến lược bắt rùa lần này là thành phố sẽ tăng cường thêm các lực lượng thanh tra cảnh sát giao thông phân luồng nhằm ngăn chặn để hạn chế người dân tiếp xúc với rùa.
Tuy người dân chỉ đứng trên bờ “hóng hớt” nhưng xem ra điều này đang tạo sự quan ngại đáng kể cho nhà cầm quyền Việt Nam gần đây. Trong lần bắt hụt này, con rùa huyền thoại này đã chứng minh được sức mạnh của “lão” chứ không phải ốm yếu bệnh tật gì. 
Ngay hôm trước khi bị bủa lưới, lão còn xơi tái cả một con mèo chết ngay trước mặt bàng dân thiên hạ làm mọi nghi ngờ về sức khỏe đã mất phần thuyết phục chưa nói đến cảm xúc thiêng liêng của người dân Hà Nội đối với loài thánh vật (loài vật được phong thánh) nay đã có phần mất mát.
Trong những lúc dầu sôi lửa bỏng về bão giá, lạm phát, và cả chuyện cấm mua bán tiền đô, “cụ rùa” xuất hiện làm những thông tin tiêu cực xã hội có phần phai nhạt. Nhân dân ham nhìn rùa mà quên mất giá cả đang phi mã. “Cụ Rùa” đã trở thành công cụ tuyên tuyền để bão hòa dư luận đang bức xúc một cách quá hữu hiệu.

Tuy nhiên, ngay trong lúc “cụ” đang xơi con mèo chết ở Hồ Gươm, hình ảnh được lan truyền khiến người ta nhận thức ra một vấn đề thì ra nước Hồ Gươm bẩn quá. Xác mèo chết nổi lềnh phềnh như thế! Cái cần thay đổi là nước Hồ Gươm chứ không phải một cá thể rùa.
Điều này đã đánh động dư luận về môi trường nhiều hơn. Bắt đầu có những ý tưởng nêu ra là không cần đưa rùa ra khỏi Hồ Gươm mà phải tẩy nước Hồ Gươm trước. Rồi các độc giả quan tâm rằng nếu rùa có mệnh hệ gì thì ai phải chịu trách nhiệm.
Về mặt khách quan mà nói động vật hoang dã bị xây sát ngoài da là chuyện bình thường. Đối với các loài bò sát thay da đổi thịt (dù do nhân tố bên ngoài tác động) vẫn được coi một trang bản năng đặc biệt của sự tái sinh.
“Cụ Rùa” đang thu hút đám đông kiểu này biến Hồ Gươm thành kịch trường mà khán giả có thể òa vỡ bất cứ lúc nào. Điều này hết sức nguy hiểm trong thời điểm có những lời kêu gọi xuống đường Cách Mạng Hoa Nhài lại chọn Hồ Gươm làm địa điểm. Do đó, công an đã vào cuộc và tỏ ra dấu hiệu quyết tâm chận không cho nhân dân đứng bên hồ để để xem rùa.
Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa thống nhất phương án chữa trị cho rùa bằng cách nào vì giống rùa có sức đề kháng cao, sống trong môi trường hoang dã, có thể nhịn ăn hàng tháng, chịu viêm nhiệt ôn hàn vào mức kỷ lục của các loài động vật, thế thì có thuốc nào mà trị bệnh cho được?

(Còn Tiếp)
Trần Đông Đức

  1. http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/03/dac-cong-nuoc-se-quay-bat-rua-ho-guom/
  2. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2011/03/110310_hanoi_turtle_hadinhduc.shtml
  3. http://anhbasam.wordpressvn.eu/?p=1626
  4. http://www.panda.org.cn/2006/120.htm
  5. http://www.hudong.com/wiki/斑鼋

 
 
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- * Đây là blog cá nhân của Trần Đông Đức. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA