NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nhà báo Bùi Tín, ảnh Internet
Tối 10/8/2018, khi những thông tin đầu tiên của chị Tường An, anh Từ Thức ở bên Pháp về sức khỏe rất xấu của Nhà báo Bùi Tín nhưng tôi vẫn cứ hy vọng. Không phải là tôi không biết khi đã hôn mê thì tình hình đã nguy kịch. Nhưng sự hy vọng của tôi là một sự ngoan cố, cố chống lại một sự thật phũ phàng. Với bệnh tật hiểm nghèo, người ta có câu “còn nước, còn tát” và vẫn có những trường hợp qua khỏi.
Cho đến sáng dậy, nhìn vào bản tin, tôi chỉ biết lặng người đi và thở dài. Một lúc sau, tôi mới thốt được một câu với người nhà: Bác Bùi Tín mất rồi!
Tôi chưa một lần được diện kiến NB Bùi Tín, điều đó với tôi là không may mắn. Phải chi tôi đã có một lần đi Pháp. Tôi lại ngẩn người ra tiếc thời gian tôi đi Mỹ tháng 4, tháng 5 năm 2014. cháu Đỗ Xuân Trầm (chị gái tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh) mời tôi đi Châu Âu vài tháng. Cháu bảo chú không phải làm gì cả, cháu lo tất cả cho chú, kể cả làm visa. Cháu sắp xếp cho chú đi khắp các nước Châu Âu. Lần này chú về Việt Nam họ sẽ không cho chú xuất cảnh nữa đâu, vì "tội"của chú to lắm. Nhưng rồi tôi đã về thằng Việt Nam và sau đó quả nhiên đã bị chặn xuất cảnh tại ga hàng không Nội Bài trên đường đi Myanmar vào ngày 6/12/2015.
*
Khi còn là lính binh nhì, binh nhất, tôi đã biết đến Nhà báo Bùi Tín với bút danh Thành Tín.
Đến thời kỳ ký và thi hành Hiệp định Paris 1973 thì Thành Tín là một bút danh sáng giá nhất trong làng báo miền Bắc hồi ấy. Ông đưa tin và trả lời phỏng vấn các đoàn quốc tế trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên, liên tục có bài đăng trên mặt báo. Hoạt động của ông sôi nổi tới mức, ông được coi như phát ngôn viên của phái đoàn miền Bắc. Tôi hai mươi tuổi đời, vài tuổi lính, hòa với không khí sôi động của phe chiến thắng chứ nào đã biết gì ngoài các bài giảng của chính trị viên hay tuyên huấn.
Là đảng viên 24 năm trong lòng chế độ CS, lên đến cấp đại tá quân đội rồi Phó tổng biên tập báo Nhân dân và nghề nghiệp làm báo với óc quan sát tinh nhạy, NB Bùi Tín biết rất nhiều chuyện thâm cung, bí sử của chế độ.
Sau khi NB Bùi Tín tị nạn chính trị ở Pháp, có một số tranh cãi như trong biến cố 30/4/1975, Bùi Tín là thượng tá hay đại tá, Bùi Tín có mặt ở Dinh Độc Lập khi nào... Nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi ông đã quyết rời bỏ hàng ngũ cộng sản để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhắc nhiều đến “thành tích” phục vụ chế độ của ông, có khi còn làm cho ông phiền lòng. Vì vậy, tôi chỉ lướt qua vài dòng như thế để nói lên rằng, với tài năng của ông, nếu tiếp tục chấp nhận phục vụ chế độ thì con đường thăng tiến của ông sẽ còn dài.
*
Năm 1990, thông tin Bùi Tín xin tị nạn chính trị ở Pháp đã kích thích sự tò mò của tôi, truyền cảm hứng cho tôi trong quá trình đi tìm sự thật phía sau các bài giảng ở nhà trường cũng như ở đơn vị. Hồi ấy chưa có Internet, tôi thường tìm cách nghe lén “đài địch” như BBC, RFI, VOA để xem ông nói gì, viết gì. Qua đó, tôi mở mang thêm về nhãn quan chính trị. Những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông củng cố cho tôi thêm cách nhìn toàn diện, khách quan với nhiều góc độ khác nhau về một sự việc, hiện tượng. Những thứ mà người ta đã kết luận về nó, đã đóng dấu chất lượng, đã tán ốc vít vào khung thép cần phải được tháo tung ra, xem xét lại. Đó là cách đánh giá, nhìn nhận lại về học thuyết Mác - Lê nin, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, về nhân vật Hồ Chí Minh... Tôi đã ngộ ra nhiều điều sau khi bộ não lười biếng, thụ động đã biết hoạt động theo một cơ chế khác. Thì ra nó không phải như vậy. Tất nhiên, sự thay đổi nhận thức của mỗi con người là cả một quá trình chứ không phải từ sự tác động của riêng một sự việc hay nhân vật nào.
*
Sức viết của NB Bùi Tín thật đáng khâm phục. Ông viết đều đặn kể cả khi ở tuổi 91. Tại Paris, ông viết hai cuốn sách "Hoa Xuyên tuyết" (1991) và "Mặt thật" (1995). Với "Hoa Xuyên tuyết", ông lấy tên một loài hoa đặt tên cho tác phẩm của mình để nói lên khát vọng tự do. Một loài hoa mỏng manh, yếu ớt nhưng nó cố xuyên qua lớp tuyết dày để thấy được mặt trời. Còn trong “Măt thật”, ông vạch ra sự giả dối của đảng CSVN, bóc nó ra để thấy cái mặt thật như tên gọi của tác phẩm. Các tác phẩm in bằng tiếng nước ngoài của ông có 'From Enermy to Friend' (Từ Thù Đến Bạn), 'Following Ho Chi Minh' (Đi theo Hồ Chí Minh), 'Vietnam - Face Cachée du Régime' (Việt Nam - Bộ mặt Che dấu của Chế độ)
Những bài báo của ông thì nhiều vô kể, xuất hiện hàng tuần liên tục trên các trang báo nổi tiếng. Ví dụ, bài viết của ông trên VOA trong tháng 6 là 7 bài. Cứ vài ba ngày, goup mail của Hội nhà báo Độc lập lại nhận được bài mới của ông (ông là Hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ngày 15/7/2014, ngay sau khi Hội thành lập). Theo Người Việt online thì Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Hoa Kỳ) đã cùng với tác giả Bùi Tín chọn lựa 200 bài báo, in trong tuyển tập Thao Thức Cùng Quê Hương, sẽ ra mắt cuối Tháng Tám hay đầu Tháng Chín năm nay. Ngòi bút của ông sắc sảo, già dặn và đầy tính phát hiện.
Bài viết gần đây nhất của ông có lẽ là bài "Vụ án lớn giả danh quân đội giữa thủ đô" đăng trên Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 27/6/2018.
Trước khi qua đời, NB Bùi Tín vẫn liên tục viết bài trên VOV Tiếng Việt
*
Ở Pháp, ông vẫn thường xuyên theo dõi và liên hệ chặt chẽ với giới đấu tranh trong nước, nhất là từ khi phong trào xã hội dân sự độc lập phát triển mạnh. Ông đặc biệt chú ý đến tầng lớp trẻ mới xuất hiện. Sau khi nghe tin ông mất, trong những dòng chia sẻ tin buồn, nhiều người còn nhắc lại gần đây còn được ông nói chuyện hay gửi thư.
Một bức thư điện tử NB Bùi Tín gửi cho tác giả bài viết
Điều đáng khâm phục của NB Bùi Tín là ông dám từ bỏ vinh hoa do nhà nước cộng sản đem lại để dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Chính lúc ở vào đỉnh cao của vinh quang, ông đã từ bỏ nó để cống hiến phần đời còn lại cho quê hương, đất nước. Điều đó nói lên ông vừa có tư duy nhạy bén, vừa là một nhân cách lớn.
NB Bùi Tín vĩnh viễn ra đi trong sự thương tiếc không nguôi của giới đấu tranh cho tự do. Ông sống thế, kể cũng đã thọ nhưng tôi và hẳn là còn rất nhiều người muốn ông sống thọ hơn. Nhưng ông đã làm việc vì đất nước liên tục trong 28 năm không ngưng nghỉ, chúng ta không thể đòi hỏi ở ông nhiều hơn.
Theo một bài viết đăng trên báo Việt Nam thì NB Bùi Tín nói ông nhớ quê hương đến da diết: “Có đêm mình mơ được về nước. Sướng quá mình vất dép đi chân trần chạy dọc theo bờ Hồ, thỉnh thoảng dừng lại đưa tay với những rặng liễu đang rủ bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Có lần mình mơ được chạy mấy vòng quanh Hồ Tây lộng gió. Ôi những giấc mơ đó sao mà hạnh phúc”.
Vậy mà từ khi đi tị nạn chính trị, ông không được một lần trở về Việt Nam. Bây giờ ông không bao giờ còn cơ hội nữa. Nghĩ mà càng thấy thương ông thêm. Hẳn trước khi nhắm mắt, ông không khỏi ngậm ngùi nghĩ về quê hương xứ sở. Nhưng hình ảnh ông, kỷ niệm về ông và những việc ông làm vì tương lai của đất nước sẽ mãi ghi sâu vào tâm khảm của những người Việt Nam yêu tự do.
11/8/2018
Bài bình luận gần đây