Từ xác tín
Sự can dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam xuất phát từ niềm tin của những người có quyền quyết định trong chính phủ Mỹ, trong đó có John F. Kenedy. Theo Kenedy và nội các của ông, Bắc Việt Nam chỉ truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra khắp Đông Nam Á theo lệnh của Liên Xô và Trung Quốc.[1]
Tương tự, sự đáp trả của Bắc Việt Nam cũng xuất phát từ niềm tin, rằng Mỹ muốn làm sen đầm của thế giới, muốn làm "chủ nhân của thế giới", muốn thế chỗ Anh và Pháp, và rằng Mỹ lấy cớ "nỗi sợ hãi hiệu ứng Domino" với "hiểm họa da vàng" để nhảy vào Việt Nam như đế quốc mới.[2]
Thực tế là, cả hai bên đã nhận định sai về chủ định của đối phương: Bắc Việt Nam có mục đích trên hết không phải là truyền bá chủ nghĩa cộng sản mà là thống nhất đất nước, còn Mỹ có mục đích trên hết không phải là trở thành chủ nhân của thế giới hay đế quốc mới mà là ngăn chặn sự lan rộng của cộng sản trên toàn châu Á.
Sau này, qua các cuộc trao đổi trong các hội nghị do nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara và các cộng sự tổ chức vào những năm 1990 về chiến tranh Việt Nam, trong đó có cuộc trao đổi giữa ông và nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, hai bên đã nhận ra niềm tin sai lầm của mình và đối phương.
Khi ngẫm nghĩ về các cuộc trao đổi này, McNamara đã viết: "Đúng là một bi kịch! (…) Sự cảm thông từ mỗi bên gần như bằng không, cả hai bên Washington và Hà Nội đều không hiểu các giá trị và giả định nào đang làm động cơ thúc đẩy các chính sách của kẻ thù của mình."[3]
Có thể nói, sự chẩn đoán sai về ý định của nhau cùng tầng tầng lớp lớp các giả định sai lầm về nhau đã tạo thành bức tường kiên cố cản trở sự quan sát và sự thông hiểu lẫn nhau, và vì vậy, chiến tranh dường như là tất yếu.
Đến thái độ và hành động
Kenedy không phải là nhà lãnh đạo Mỹ duy nhất, mà trước ông, cùng ông và sau ông là các nhà lãnh đạo khác, đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác trong chiến tranh ở Việt Nam. Sai lầm khởi điểm là tầm nhìn hay nhận định về nguy cơ lan rộng của cộng sản trên toàn châu Á xuất phát từ đời tổng thống Harry S. Truman với lý thuyết Domino. Về sau là hàng loại sai lầm không chỉ trong xác tín mà còn trong thái độ và hành động, từ việc đưa quân vào Nam Việt Nam, giao chiến với Bắc Việt Nam, đến việc mở rộng chiến tranh.
Một trong những sai lầm nghiêm trọng của Kenedy là không bàn bạc kỹ lưỡng với các cố vấn của mình về việc lật đổ Ngô Đình Diệm. Đảo chỉnh đã diễn ra và cái chết của hai anh em Diệm, Nhu đã khiến tình hình trở nên rối ren hơn và các thách thức mới xuất hiện: khủng hoảng lãnh đạo đòi hỏi tìm kiếm người thay thế Diệm; tình hình thay đổi không như dự kiến đòi hỏi nhận diện hoàn cảnh mới, trong đó các chính phủ mới không tốt hơn và xã hội không ổn định hơn (từ 1/1964 đến 6/1965, miền Nam đã trải qua 8 chính phủ khác nhau).
Kế nhiệm Kenedy, Lydon B. Johnson đã làm cho tình hình thêm nghiêm trọng với việc mở rộng chiến tranh. Tháng 3 năm 1965, ông đã đưa lính Mỹ sang Nam Việt Nam mà không hỏi ý kiến của Nam Việt Nam. Qua mặt Quốc hội Mỹ, ông ngấm ngầm thay đổi chính sách đối với Bắc Việt Nam từ không kích trả đũa sang ném bom có hệ thống. Theo trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng John McNaughton, mục đích chính của chính sách này không phải để giúp Việt Nam, mà để giữ thể diện cho nước Mỹ. Ông từng nói rằng chủ định này của Mỹ có 70% là để tránh bị bẽ mặt, 20% là để kiềm chế Trung Quốc, và 10% là để giúp Việt Nam.[4]
Dự phần trách nhiệm trong cuộc chiến, McNamara và tướng lĩnh William Westmoreland, một mặt, là những người thực hiện các chính sách của tổng thống, mặt khác, tự tin vào khả năng chiến đấu của Mỹ và của bản thân với tư cách chỉ huy – trong khi không am hiểu khả năng chiến đấu của Bắc Việt Nam – cho đến khi sự thất bại đã quá rõ ràng.
Bên cạnh đó, niềm kiêu hãnh của các nhà lãnh đạo Mỹ đã che khuất tầm nhìn của họ cũng như các lựa chọn khả dĩ khác cho vấn đề và hệ quả là Mỹ ngày càng sa lầy tại Việt Nam. Với Kenedy, niềm kiêu hãnh ấy là uy tín của Mỹ tại châu Á. Ông từng nói: "Nam Việt Nam là đứa con của chúng ta. Chúng ta không thể bỏ rơi nó. Nếu miền Nam Việt Nam sụp đổ, nước Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm và uy tín của chúng ta ở châu Á sẽ còn xuống thấp hơn nữa."[5] Với Johnson, niềm kiêu hãnh ấy là chiến thắng, bởi với ông, "không có gì tệ hơn là thua trận".[6]
Trong toàn bộ sự can dự của Mỹ, có một thách thức dường như không được nhận diện và hẳn nhiên không được giải quyết, đó là bối cảnh Việt Nam đòi hỏi Mỹ điều chỉnh một số quan điểm hay giá trị – như dân chủ và tự do. Mỹ đã không hiểu rằng thái độ và hành động gây áp lực lên Nam Việt Nam, nhất là trong những năm cầm quyền của Ngô Đình Diệm với rất nhiều khó khăn, để nơi này trở nên dân chủ và tự do rộng rãi kiểu Mỹ là thái độ và hành động quá đáng.
Kết luận
Có thể thấy, sự lãnh đạo của các tổng thống cũng như các vị tướng lĩnh của Mỹ có nhiều khiếm khuyết: tránh đối mặt với thực tế, thiếu điều chỉnh các quan điểm hay giá trị để thích ứng với bối cảnh, không sẵn lòng tìm kiếm các giải pháp bên ngoài tư duy thịnh hành, v.v.
Nếu các sai lầm ban đầu trong xác tín là nguyên nhân dẫn đến sự can dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thì các khiếm khuyết vừa kể cùng với các sai lầm trong thái độ và hành động của các nhà lãnh đạo Mỹ là nguyên nhân khiến Mỹ sa lầy trong cuộc chiến.
Chú thích
[1] Williams, D. (2005). Real Leadership: Helping People and Organizations Face Their Toughest Challenges
[2] Như [1]
[3] Như [1]
[4] Dẫn từ lời của Robert Gard trong "The Vietnam War" khi nói về nhận định của McNaughton
[5] Dẫn từ lời của Kenedy trong "The Vietnam War"
[6] Dẫn từ lời của Johnson nói với McNamara trong "The Vietnam War"
Bài bình luận gần đây