Lê Diễn Đức
Nhật Bản ngày 11 tháng 3 năm 2011 - Ảnh: Agencja Gazeta
Không một nước nào trên thế giới có sự chuẩn bị đối phó với động đất hoàn hảo như Nhật Bản.
Trong giây đồng hồ đầu tiên sau khi phát hiện khả năng địa chấn, hệ thống báo động (hoạt động từ 10 năm nay), bắt đầu phát tín hiệu. Sau 20 giây, đã có thể biết nơi nào sẽ có động đất, sức mạnh và hướng lây lan. Báo động được chuyển đi trong cả nước. Đối với một số thành phố có thể quá muộn, nhưng những nơi nằm xa tâm địa chấn thì có vài chục giây trước khi cơn động đất tới. Tín hiệu báo động cũng xuất hiện trên truyền hình nhà nước, được gửi qua điện thoại di động và Internet. Mỗi người Nhật đều biết làm thế nào để ứng phó.
Sau đó tất cả mọi thứ hoạt động dường như tự động. Trong các nhà máy điện hạt nhân các bộ cảm ứng ghi lại những cơn địa chấn mạnh và ngay lập tức các lò phản ứng được đóng lại. Các bộ cảm ứng và cấu trúc lò phản ứng có thiết kế chuyên dụng tin cậy. Năm 1995, động đất tàn phá Kobe (khoảng 6.000 người thiệt mạng), xung quanh nhà máy điện hạt nhân đã không bị tổn hại gì. Các bộ cảm ứng tương tự được gắn vào mỗi thang máy ở Nhật Bản. Khi bộ cảm ứng phát tín hiệu, ngay lập tức thang máy dừng lại ở tầng gần nhất và mở cửa. Loa phát thanh cảnh báo có động đất và yêu cầu tất cả mọi người phải ngay lập tức đi ra ngoài. Nhờ vậy mà thang máy không biến thành một cái bẫy thép nhốt người.
Thông tin về động đất cũng được gửi tới tàu cao tốc của Nhật Bản, lái tàu ngay lập tức hãm tàu lại bởi vì không biết đường tàu có bị hư hại hay không. Tín hiệu báo động được chuyển đến tất cả các nhà máy và những nơi gần tâm địa chấn nhất phải ngừng sản xuất.
Tại Nhật Bản, ngay cả những tòa nhà chọc trời cao nhất cũng có thể chống lại các trận động đất vì móng nhà được thiết kế đặc biệt, có thể chuyển dịch qua lại thích ứng với độ rung. Khi động đất các mảnh thủy tinh của cửa sổ bị vỡ và rơi xuống người đi trên đường phố có thể gây nguy hiểm, nhưng ở Nhật Bản không có chuyện đó xảy ra. Kính cửa được thiết kế tương tự như sử dụng cho xe hơi, khi vỡ không có cạnh sắc. Đồ đạc nội thất và thiết bị được gắn hoặc dán vào tường nhà để không bị rơi đổ trong thời gian bị chấn động.
Mỗi gia đình Nhật Bản luôn có trong nhà sẵn túi đựng gồm các loại thuốc cá nhân, đài phát thanh, đèn pin, nhà vệ sinh di động và thức ăn, nước uống cho vài ngày. Cách hành xử khi có động đất ở Nhật Bản thường xuyên được tập dượt. Đây là một điều cần thiết và bắt buộc, bởi vì tới 20 phần trăm các trận động đất mạnh trên hành tinh này xảy ra ở Nhật Bản. Chỉ trong vài năm qua, đã có mười mấy trận.
Tuy nhiên, hệ thống chuẩn bị trên đây, được xem là tốt và tiên tiến nhất của Nhật Bản cũng không thể nào lượng hết được những bất ngờ mà thiên tai gây ra. Trận động đất hôm nay, vào buổi sáng và tiếp theo vào buổi tối thứ Sáu, ngày 11 tháng 3, với gần 9 độ richter, đã làm hàng trăm người chết, hàng chục ngàn người được xem là bị mất tích, nhà cửa, nhà máy lọc dầu bị cháy. Con số tử vong có thể tăng lên cao đến mức khó tưởng tượng. Đây là trận động đất cùng với sóng thần lớn nhất từ 140 năm qua.
Trong khoảnh khắc, những chiếc máy bay và ô tô trên sân bay tựa như đồ chơi - Ảnh: GW
Trận động đất tại Nhật đã bắt đầu làm động sóng trên thị trường chứng khoán ở một số nước trong ngày thứ Sáu.
Tuy nhiên, các kinh tế gia nói rằng thảm họa này sẽ không gây ra tổn thất lớn cho các công ty Nhật Bản. - Với mức độ và sức mạnh của trận động đất, phản ứng của thị trường cho sự kiện này tương đối nhẹ nhàng. Không có ghi nhận về sự sụt giảm mạnh. Trận động đất do đó không nên được xem là một sự kiện tiêu cực cho thị trường chứng khoán, ít nhất là cho đến giờ này - người đứng đầu quỹ Louis Capital, Ben Collet, có đầu tư vào cổ phiếu Nhật Bản, cho biết.
Tuy nhiên, "nhà tiên tri về khủng hoảng" Nouriel Roubini nhận định rằng trận động đất ở Nhật Bản lần này là "điều tồi tệ nhất tại thời điểm tồi tệ nhất" cho nền kinh tế của đất nước này. Bloomberg Roubini nói rằng Nhật Bản đang phải tranh đấu để giảm thâm hụt, không có khả năng tăng thêm các khoản nợ và thâm hụt ngân sách đã chiếm tới 10 phần trăm GDP.
Roubini thừa nhận rằng các ảnh hưởng của thiệt hại có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong thời gian ngắn, nhưng trong các quý tiếp theo, chính phủ Nhật Bản phải chi tiêu cho việc tái thiết lại có thể là một kích thích tích cực với GDP. Vấn đề là chính phủ Tokyo không thể làm tăng thêm thâm hụt. ■
Tồng hợp tức từ báo chí Ba Lan ngày 11/03/2011- Ảnh của nhật báo Gazeta Wyborcza
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Đây là blog cá nhân của Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Tiếng nói từ Balan
Chất vấn "Tiêng nói từ Ba Lan" (TNTBL)
Tiếng nói từ Balan