You are here

GIAO TIẾP VỚI KẺ THÙ

Ảnh của nguyenlanthang

Trong các cuộc xuống đường từ trước đến nay, có rất nhiều người bị đánh. Già có. Trẻ có. Phụ nữ có. Thanh niên to khoẻ càng dễ bị đánh. Nhưng có những người không, hoặc rất ít bị đánh. Đấy là thực tế rất khó lý giải nếu chỉ nhìn bề ngoài của sự việc này. Tôi đã quan sát việc này khá lâu và luôn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Tại sao bạo lực xảy ra? Có nên tránh bạo lực hay không? Tại sao không phải ai cũng bị đánh?

Gạt bỏ sự căm hận, để những sự kiện biểu tình sang một bên, hãy thử hình dung nhớ lại các xung đột khác bạn từng gặp hoặc chứng kiến trong cuộc đời. Bạo lực là kết quả cuối cùng khi một bên không kìm giữ nổi trạng thái stress sau khi giao tiếp, bất kể là bên đó mạnh hay yếu. Bạn có thể quan sát thấy những người phụ nữ hoặc trẻ con bị rơi vào trạng thái khùng lên, khi đó bất kể đối diện với họ là đàn ông hay người lớn tuổi thì họ vẫn lao vào đánh.  Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ có sự cẩn trọng hơn trong giao tiếp, nhất là khi người đối diện có sức mạnh hơn, đông hơn. Hãy thử hình dung rằng nếu mình có lời nói khác, vẻ mặt của mình khác, thái độ cử chỉ của mình khác, liệu người đối diện sẽ có một thái độ khác hay không?

Không ai tự dưng đi đánh người khác khi chưa có sự giao tiếp. Bạn giao tiếp thế nào thì người đối diện sẽ có phản ứng đáp trả y như vậy hoặc hơn. Người ta bảo, gương mặt của người đối diện chính là tấm gương soi nét mặt của bạn. Nếu bạn cười với họ, họ chắc chắn có vẻ mặt ít nhất là không thể bực tức. Nếu bạn hằm hè với họ, đừng nói là họ có thể cười lại. Việc tự biết cách điều chỉnh thái độ, hành vi, nét mặt, cử chỉ có tính chất quyết định trong giao tiếp để tránh bạo lực. Để hiểu rõ chuyện này dễ nhất, bạn hãy thử tìm cách giao tiếp với một con chó. Những người có kinh nghiệm chơi đùa với động vật, nhất là chó sẽ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Hãy hỏi họ cách làm sao giao tiếp và thuần phục một con chó dữ, bạn sẽ thu được nhiều kinh nghiệm quý giá để có cách giao tiếp phù hợp cho mình.

Nói về chó, bạn có biết là những con chó trong các cuộc đấu luôn bị nhốt kỹ trước khi giao đấu. Trong sự giam hãm có chủ đích, những con chó sẽ bị stress, nó trở nên hung hăng hơn nhiều, và khi ở trạng thái cực đỉnh, họ sẽ thả chúng ra để lao vào cuộc đấu. Những người đàn áp biểu tình cũng y như vậy. Họ bị nhốt trong những chiếc xe buýt chật chội nhiều giờ, mệt mỏi và chờ đợi, bực tức và cáu kỉnh. Họ bị tuyên truyền rằng những kẻ ồn ào bên ngoài kia là kẻ xấu, là kẻ phá hoại bình yên và trật tự trị an, cần phải tiêu diệt. Đến khi thả ra bên ngoài, trong một đám đông ồn ào nhiễu loạn, lại còn có thái độ thù địch với họ, đừng hỏi tại sao họ lại hung hăng tấn công người biểu tình đến như vậy.

Để kiềm chế cảm xúc và có thái độ ôn hoà, tránh bạo lực với lực lượng an ninh, theo thiển ý của tôi thì bạn nên nghĩ đến những lợi ích mà bạn có được nếu tránh bạo lực. Và luôn tâm niệm trong đầu những điều tích cực hơn, ví dụ như: đây chỉ là những người bị nhồi sọ, họ chẳng hiểu đúng về mình, họ không phải là kẻ thù, nếu mình kiên nhẫn họ sẽ có thái độ tốt hơn... Thử nghĩ xem khi bạn đang biểu tình, nếu lực lượng băng đỏ xồ ra, bạn cười với họ, đưa nước cho họ, hỏi họ xem họ có yêu nước không... đại loại như vậy. Chắc chắn họ không thể giữ một thái độ kích động như cũ, và nếu có buộc phải xuống tay thì cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bạo lực là điều không thể tránh khỏi khi xảy ra các cuộc chuyển biến lớn trong đời sống xã hội. Tôi không bao giờ mơ hồ về điều này, và cũng từng là nạn nhân của bạo lực từ Bắc chí Nam. Nhưng tôi luôn nghĩ, càng tránh được bạo lực, chúng ta, những người khát khao thay đổi xã hội này sẽ có cách thức đúng nhất, ít đổ vỡ nhất, để xây dựng một Việt Nam mới, nơi người với người sống để thương nhau.