Có những lãnh đạo cộng sản cao cấp khác, được Nhà nước đánh giá “vĩ đại” hơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều, nhưng những mảng tối tương tự trong di sản của họ còn tệ hơn nữa.
Tôi sinh ra trong một cái xóm rất nghèo, và (tất nhiên) rất đông trẻ nhỏ. Cùng lứa với tôi, có cả tá nhi đồng mà tên gọi đều bắt đầu bằng chữ út: Út lé, Út lác, Út lồi, Út lùn, Út hô, Út còi, Út ghẻ, Út mập, Út sún, Út sứt, Út méo, Út hô, Út đen, Út ruồi, Út xẹo, Út trọc …
Cứ theo cách thấy mặt đặt tên như vậy, người ta có thể nhận dạng và biết được thứ tự của đứa bé trong gia đình mà khỏi phải giới thiệu (lôi thôi) kiểu cách, theo kiểu Âu Tây:
- Còn đây là thằng út, Út rỗ. Vừa lọt lòng mẹ thì cháu chả may rơi ngay vào một cái … thùng đinh!
Riêng trường hợp của tôi thì hơi khác. Tôi tên Út khùng. Lý do: khi mới chập chững biết đi, tôi té giếng. Lúc tìm ra con, nắm tóc kéo lên, thấy thằng nhỏ mặt mày tím ngắt, chân tay xụi lơ, bụng chương xình, má tôi chỉ kêu lên được một tiếng “rồi” và lăn ra bất tỉnh.
Thực ra thì “chưa” đâu. Tôi chưa bỏ mạng nhưng cuộc đời của tôi, kể từ giờ phút đó, cũng kể như … “rồi” – theo như chẩn đoán của những vị bác sĩ lo việc chữa trị cho tôi hồi đó:
-Thằng nhỏ ở dưới giếng cả buổi, thiếu oxy nên một số tế bào não đã đi đong một mớ. Mà loại tế bào này thì không tái tạo. Bởi vậy, cháu sẽ hơi bị… tửng và khó nuôi chút xíu nhưng ông bà ráng nuôi chắc cũng sống được chớ không đến nỗi nào đâu.
Dù đã được trấn an như vậy, ba má tui rõ ràng (và hoàn toàn) không an tâm gì cho lắm. Hai người cũng khổ tâm không ít vì cái tên gọi, nghe hâm thấy rõ, của đứa con … cầu tự!
Họ quyết định di chuyển đi nơi khác – nơi mà không ai biết là tôi đã từng bị té giếng, và té lầu (không lâu) sau đó. Bố mẹ tôi quyết tâm tạo cơ hội cho con có một cái lý lịch mới, trắng tinh, để làm lại cuộc đời.
Gia đình tôi dọn từ dưới đường Phan Đình Phùng lên tuốt đường Duy Tân, một con đường dốc dài, giữa trung tâm của thành phố Đà Lạt. Khoảng đầu đường là cửa hiệu chuyên bán vật liệu xây cất nhà cửa, tên Lưu Hội Ký, lúc nào cũng có một chiếc xe ba gác trước cửa.
Trò chơi mà đám trẻ con chúng tôi thích nhất là leo lên xe vào lúc tối khuya (đường vắng) thả cho chạy xuống đến cuối dốc. Xong, cả lũ lại hè nhau hì hục đẩy xe lên lại. Tôi nhỏ bé và ốm yếu nên thường được cho ngồi trên yên cầm lái. Bao giờ cũng chỉ được một phần ba khoảng đường là cả bọn đều mệt bá thở, phải ngừng lại để nghỉ.
Một hôm, bỗng dưng, có thằng nổi quạu:
- Biểu thằng Tiến xuống đẩy luôn đi, chớ nó ngồi không như cha người ta vậy chỉ thêm nặng thôi, chớ đâu có ích lợi gì.
Tôi vênh váo:
- Đ… má, bộ tưởng tao ngồi chơi chắc. Dốc cao thấy mẹ, tao phải bóp thắng không ngừng xe mới khỏi bị tụt lại, chớ không làm sao tụi bay đẩy được lên tuốt tới tận đây!
Tôi có cái tên mới, Tiến khùng (thay cho Út khùng) kể từ bữa đó.
Khùng, kể ra, cũng khoẻ. Điều đáng tiếc là tuy tôi khùng thiệt nhưng không (được) khùng lâu. Ngày ba muơi tháng tư năm 1975, cách mạng về giải phóng miền Nam. Từ đây, vùng đất này có vài chuyện đổi thay nhỏ: nhạc sĩ Văn Vĩ đang mù bỗng sáng, không ít nguời dân miền Nam cũng vậy, còn (riêng) tui thì đang khùng bỗng … tỉnh! Sống với cách mạng mà không tỉnh (chắc) không xong.
Tui tỉnh rụi và tỉnh lâu rồi. Sở dĩ tôi nhớ (và nhắc lại) chuyện xưa vì cách đây chưa lâu, nhân ngày giỗ của ông Võ Văn Kiệt, báo Tuần Việt Nam Net, có “giới thiệu một loạt bài viết của những nhân sĩ trí thức” về nhân vật này – với lời dẫn nhập như sau:
“Vậy là đã tròn một năm ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi về chốn vĩnh hằng. Thời gian trôi đi càng nhận ra sự trống vắng này, cuộc đời càng nhớ Ông, một bộ óc lớn, một trái tim lớn đã góp phần tạo nên những bước đột phá có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Cũng chính vì thế, tư tưởng của Ông, hình bóng của Ông sống mãi trong trái tim của nhân dân.”
Tui đang rảnh nên cũng muốn thử rà lại coi “tư tưởng của Ông” ra sao mà thiên hạ cứ nằng nặc là “sẽ sống mãi trong trái tim của nhân dân” như vậy?
Trong một cuộc phỏng vấn (Việt Weekly – VOL. IV, NO.50 – phát hành từ Garden Grove, California, số ra ngày 7 tháng 12 năm 2006) Võ Văn Kiệt tuyên bố:
“Cả quá trình đấu tranh của người cộng sản là vì đất nước, vì dân tộc là trên hết. Vì thế họ mới chịu hy sinh. Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng cộng sản, do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng.”
Sao tui nghi là hồi nhỏ ông Kiệt dám (cũng) bị té giếng quá hà. Ổng làm tôi nhớ đến cái lúc mình khi ngồi rà thắng, trong khi bạn bè nhễ nhại mồ hôi hì hục đẩy xe ba gác thấy mẹ luôn. Đã vậy mà còn vênh váo:
- Đ… má, không nhờ tao bóp thắng (liên tục) để xe khỏi bị tụt dốc thì làm sao tụi bay đẩy xe lên được tuốt tận đây!
Thiệt nghe mà muốn ứa gan, và ứa …nuớc mắt!
Cũng cứ theo như lời của ông Võ Văn Kiệt thì người ngoại cuộc dám tưởng rằng hiện tại (ở Việt Nam) có hàng trăm đảng phái đang tham chính – chỉ riêng có Đảng Cộng Sản là bị cấm cửa, không được phép hoạt động gì ráo trọi, nên ông ấy phải năn nỉ xin cho họ “một chỗ … đứng” chơi – kẻo tội.
Sự thực, ai mà không biết là hơn nửa thế kỷ qua cái đảng (thổ tả) của ông Kiệt có lúc nào mà không ngồi trên đầu trên cổ toàn dân. Và rõ ràng là họ “định” ngồi luôn, nếu không có gì trở ngại, như ông Kiệt đã khẳng định - trong phỏng vấn dẫn thượng:
“Việt Weekly: Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không?”
“Ông Võ Văn Kiệt: Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này cũng đòi hỏi tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như đảng cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như đảng Cộng sản Việt Nam là tin cậy được…”
So với cái kiểu sỗ sàng của ông Nguyễn Minh Triết (“bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát”) thì cách nói của ông Võ Văn Kiệt nghe có vẻ … tế nhị hơn nhiều. Chỉ có điều đáng tiếc là ông ấy quên nêu danh những quốc gia đã “xẩy ra nhiều rối rắm” vì không được ĐCS lãnh đạo. Còn ban biên tập Việt Weekly (cũng) quên hỏi coi băng đảng của ông Kiệt “được sự đồng thuận” và “tin cậy” của dân tộc Việt Nam” để tiếp tục vai trò (lãnh đạo) hồi nào vậy?
Tui chưa gặp ông Kiệt lần nào, điện thoại, email (qua lại) hay kết bạn tâm tình trên fb cũng không luôn. Sau khi cái nghị định 31 C/P nổi tiếng (do ông Kiệt ký) ra đời, tư thất của tôi cũng không (bỗng) trở thành lao thất như trường hợp của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… Nói tóm lại là tui không có “vấn đề” hay “mâu thuẫn” gì ráo (trọi) với cá nhân ông Kiệt.
Đã vậy, ông ấy cũng không phải là loại người bị than phiền là đã gây ra “nỗi ngán ngẩm thường ngày” cho thiên hạ. Nói nào ngay, hình ảnh quen thuộc, cùng với cử chỉ thân thiện và bình dị của ông Kiệt cũng để lại trong tôi ít nhiều thiện cảm. Dù khó tính tới đâu người ta vẫn phải nhìn nhận rằng: ông Võ Văn Kiệt là người đàng hoàng nhứt trong đám… lộn xộn!
Giới báo chí ở Việt Nam hay mô tả ông Kiệt như “kiến trúc sư của công trình đổi mới.” Tuơng tự, họ cũng thường đề cập đến cái gọi là “sự quyết tâm và dũng cảm của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước” – vào cuối thập niên 1980.
Theo như cách nói của blogger Đinh Tấn Lực thì đây chỉ là hiện tượng “đảng hoá các ý niệm đổi mới của nhân dân.” Ông Lực quả là người khéo ví von và … khéo nói. Chứ nói trắng (phớ) ra là nếu không chạy theo những bước chân (phá rào) của toàn dân thì toàn Đảng đã thoát chết (đói) tự lâu rồi.
Trong vụ “bỏ của (và bỏ cộng) chạy lấy người” này, ông Võ Văn Kiệt chính là kẻ tiên phong. Không có ông thì đám dân mù ở làng Ba Đình chắc chết, chết chắc. Rõ ràng, ông Kệt đã nổi bật lên như là kẻ chột giữa một đám mù.
Và có lẽ vì thế nên cùng với chữ Bác, chữ Người, chữ Ông – trước tên Võ Văn Kiệt – cũng đang được giới truyền thông Việt Nam trân trọng (và đồng loạt) thần thánh hoá bằng cách viết hoa. Làm lãnh tụ ở xứ sở này (vốn) dễ. Trở thành vĩ nhân (ngó bộ) cũng không khó khăn gì.
Ngoài cả đống (đủ kiểu và đủ cỡ) anh hùng và liệt sĩ ra, nửa thế kỷ qua “cách mạng” VN đã sản xuất được một ông Thánh và một ông Á Thánh:
Bác Hồ cùng với Bác Tôn
Cả hai cùng thích ôm hôn nhi đồng…
Nhiêu đó cũng đủ (mệt) ứ hơi rồi. Ráng thêm một Bác Sáu Dân nữa thì e sẽ quá tải và… quá mệt!
Dân tộc này chưa xét đến công/tội của ĐCSVN. Chuyện đâu còn có đó. Không nên cứ lật đật phong thánh cho nhau, và cầm đèn chạy trước ô tô, như thế. Nó cán cho chết mẹ.
Chúng ta sẽ có gì để lại cho những thế hệ mai sau ngoài một di sản đạo đức băng hoại, một đất nước hao hụt về diện tích, tan hoang về môi trường, và cạn kiệt về tài nguyên. Như vậy bộ chưa đủ (và chưa “đã” ) sao mà qúi vị còn muốn tung thêm một mớ rác ruởi hay hoả mù vào lịch sử nữa.
Bài bình luận gần đây