You are here

Một cách hiểu về chiến dịch đốt lò của ông Trọng (P.3)

BỐN HƯỚNG TẤN CÔNG

 

Không cần đợi đến Đại Hội XII, ông Trọng, trong vài năm trước đó, đã có những động thái nhằm tái lập trật tự: Chuyển Ban Chỉ đạo Phòng Chống Tham nhũng từ Chính phủ sang Đảng, tái lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế TW, trước khi dùng lá bài luân chuyển cán bộ đưa hàng chục Ủy viên TW là Bí thư các tỉnh thành về củng cố quyền lực cho các Ban Đảng. 

 

Tuy nhiên, phải đến sau Đại Hội với sự thúc thủ của đối thủ chính trị nguy hiểm nhất, ông Trọng mới rảnh tay để thực hiện những bước đi chiến lược. Là bậc thầy về quy chế Đảng, ông Trọng dễ dàng có được sự đồng thuận của BCHTW đối với các nghị quyết khẳng định quyền lực tối cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với sinh mệnh chính trị của tất cả đảng viên cao cấp. BCHTW, dưới quy chế mới, sẽ chẳng thể nào làm phao cứu sinh thêm được nữa cho những cán bộ đã bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật, như từng xảy ra với Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ trước đây.

 

Sắp xếp quy chế nội bộ chưa đủ, ông Trọng còn phải tiến hành những đợt tấn công ra bên ngoài để thu phục các thế lực ly khai. Có 4 hướng tiến công chính:

 

Đầu tiên để kiểm soát Phe Chính phủ vốn được coi là nguy hiểm nhất, ông ủng hộ một người mà ông tin là dễ bảo nhất - Nguyễn Xuân Phúc. Để an tâm hơn, ông trực tiếp tham gia Phiên họp Chính phủ thường kỳ trong một động thái có tính biểu tượng, đồng thời tước quyền của Thủ tướng trong việc bổ nhiệm lãnh đạo các Tập đoàn nhà nước, chuyển về cho Phe Đảng. 

 

Tiếp theo ông nhắm vào các thế lực địa phương được coi là cứng đầu nhất (nhiều lần bất tuân trung ương), bao gồm Đà Nẵng và TPHCM, đào xới tận gốc rễ mạng lưới cố kết quyền lực tại từng địa phương này nhằm gửi thông điệp tới các địa phương khác. 

 

Hai thế lực Công an và Quân đội chắc chắn khiến ông Trọng nhức đầu hơn rất nhiều, đơn giản là cả hai đều có súng. Bởi thế, đầu tiên ông dọa hất đổ nồi cơm của Quân đội bằng cách nói gần nói xa về việc cấm làm kinh tế. Tuy nhiên đây chỉ là đòn gió để thu phục Phe Súng Lớn, để rồi sau đó dùng nó để tấn công Phe Súng Bé - Công an. 

 

Đối với Phe Súng Bé, một mặt ông tham gia Đảng ủy Công an Trung ương để dễ bề kiểm soát từ nhân sự, tổ chức cho tới vận hành, mặt khác tấn công ngay vào mạng lưới kinh tài của họ - các công ty bình phong. Mất chỗ dựa tài chính, việc các tướng công an phải quy phục Phe Đảng chỉ còn là vấn đề thời gian. 

 

Chưa có dấu hiệu gì cho thấy 4 hướng tấn công này sẽ sớm ngưng lại, nghĩa là, nhiều khả năng sẽ tiếp tục ít nhất đến hết nhiệm kỳ này. Riêng Phe Súng Lớn - Quân đội, trong nửa nhiệm kỳ đầu, vì nhiều lý do mà chưa bị nhắm đến nhiều dù nguy cơ và mức độ ly khai chẳng hề kém cạnh Phe Công an, được dự đoán sẽ chứng kiến nhiều đợt tấn công hơn, với nhiều hơn những tướng tá bị đưa vào lò. 

 

Tóm lại, trong một thời gian không quá dài, bằng việc âm thầm cải sửa quy chế nội bộ lẫn dồn dập tiến công chính trị theo 4 hướng trên, ông Trọng đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn xu hướng ly khai của các thế lực cơ cấu trong hệ thống, đồng thời từng bước tái lập trật tự kiểu cũ với Phe Đảng làm trung tâm. Tuy nhiên thành công này lại tiềm ẩn bên trong một thất bại nghiêm trọng: Đã chẳng có bất kỳ cải cách đột phá nào về mặt thể chế nhằm chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả trong khi vẫn giữ được vị thế độc tôn của đảng. Điều này buộc ông Trọng phải quay về với giải pháp lỗi thời là kêu gọi đức trị và tự mình, dựa trên thanh danh bản thân, sắm vai minh quân với một mức độ tập trung quyền lực cao hơn. Nhưng đó cũng là lúc ông Trọng lót đường cho một cuộc khủng hoảng người kế nhiệm trong hơn hai năm tới, khi mà chiếc áo đức trị ông để lại có vẻ quá rộng với tất cả các ứng viên, còn quyền lực của vị trí Tổng Bí thư thì lại không ngừng được mở rộng trong suốt nhiệm kỳ. 

 

Nghĩa là, vấn đề ‘hôn quân’ (‘bad emperor’ problem) - vấn đề cốt tử của mọi nền chính trị thiếu vắng bầu cử tự do dân chủ, sẽ nhanh chóng xuất hiện với những hệ quả chưa thể báo trước.