You are here

Một cách hiểu về chiến dịch đốt lò của ông Trọng (P.1)

LỬA TỪ ĐÂU ĐẾN?

 

Hai năm qua kể từ sau Đại hội, nhân vật nổi bật nhất trên chính trường Việt Nam không ai khác chính là Nguyễn Phú Trọng.

 

Màn đốt lò của ông là chiến dịch chính trị đáng chú ý nhất trong nội bộ đảng cầm quyền vài ba thập kỷ trở lại đây, chẳng những đã  thiêu rụi sinh mệnh chính trị của hàng chục cán bộ, tướng tá cao cấp, mà lúc đạt nhiệt độ cao nhất thậm chí còn hóa củi một đương kim ủy viên Bộ Chính trị.

 

Trong khi các nhà quan sát có thể nhanh chóng đồng thuận về mức độ chưa có tiền lệ của chiến dịch chính trị này, không dễ để có được tiếng nói chung về động cơ và viễn cảnh của nó. 

 

Không ít người tin rằng mục tiêu hàng đầu của chiến dịch là chống tham nhũng, theo đúng cách mà ông Trọng muốn dư luận nhìn nhận. Tuy nhiên, chẳng cần là quan chức chính quyền để nhận ra tham nhũng ở Việt Nam đặc thù cho hệ thống chính trị thiếu vắng kiềm chế và đối trọng hiện hành và được biện minh như là giải pháp cho một chế độ lương bổng bất hợp lý; bởi vậy, sẽ chẳng thể nào có chuyển biến chỉ bằng việc bỏ vài thanh củi vào lò, trong khi những nguyên nhân căn bản tạo ra quá trình “củi hóa” trên diện rộng vẫn chưa được giải quyết. 

 

Ngay cả khi có nghe được những lời tán dương trong nội bộ, hơn ai hết, ông Trọng thừa hiểu đa phần những đồng chí đang tung hô và đứng về phía ông trong chiến dịch gọi là chống tham nhũng này - các đảng viên cao cấp - đều vượt tiêu chuẩn trở thành đối tượng của chính chiến dịch. Việc họ chọn chỗ đứng như thế đơn giản chỉ vì ‘ở đời phù thịnh chứ ai phù suy’, còn ông Trọng, như bao chính khách khác, luôn cần đồng minh cho chiến dịch chính trị của mình. 

 

Nhưng không phải vì thế mà có thể cho rằng ông Trọng giống đa số những đồng chí cùng thời với ông, tức là chỉ đang tìm kiếm lợi ích kim tiền cho cá nhân, gia đình và phe nhóm của mình. Ngay những người hồ nghi nhất cũng khó có thể tin là ông Trọng đang làm mọi thứ vì tiền bạc, trong khi chẳng có dấu hiệu gì dù là nhỏ nhất cho thấy ông đang sắp đặt một vương triều cho thân nhân tiếp quản. 

 

Chuyện thâu tóm quyền lực để ôm ghế suốt đời như Tập Cận Bình lại càng xa lạ với thực tế chính trị Việt Nam khi mà bộ máy được thiết kế để chẳng ai có đủ quyền để làm điều gì đó lớn, như là kết quả từ cơn ám ảnh chưa bao giờ dứt về bóng ma Gorbachez trong lòng người cộng sản Việt Nam. 

 

Cũng có nhiều đồn đoán chiến dịch của ông Trọng nhắm trực tiếp vào cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mạng lưới thân tín của ông ta, song thực tế chiến dịch cho thấy phạm vi, tính chất của nó chẳng hề giới hạn nơi một cá nhân cụ thể nào. 

 

Vậy thì động lực thực sự của chiến dịch là gì? Hay nói cách khác, lửa đốt lò từ đâu mà đến?