Vào tháng 1/2016, ông Lê Nam Trà, tổng giám đốc Mobifone khi đó đã ký kết mua cổ phần từ công ty truyền thông AVG của ông Phạm Nhật Vũ với tổng giá trị chuyển nhượng gần 8.900 tỷ đồng. Đây là một thương vụ mua bán tài sản nhà nước có giá trị lớn, song các thông tin mua bán được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào danh sách bí mật nhà nước, không công bố các thông tin nên đã gây nhiều sự nghi ngờ trong dư luận xã hội.
Tháng 4/2016, cùng vào thời điểm Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn kiêm nhiệm chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lập tức trên mạng internet, người ta thấy xuất hiện loạt bài về Đại án MobiFone mua AVG hàng chục kỳ mang tính kêu cứu của tác giả Nguyễn Văn Tung, gửi cho các trang mạng lề trái về sự mua bán khuất tất trong thương vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Có thông tin cho rằng giá trị thực của AVG chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo MobiFone mua đến khoảng 8.900 tỉ đồng chênh lệch tới gần 7.000 tỷ? Câu hỏi này đã được đặt ra rất nhiều lần tại nhiều hội nghị song Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã tránh né và không trả lời cụ thể.
Điểm chung trong loạt bài Đại án MobiFone mua AVG của tác giả Nguyễn Văn Tung cũng như thời điểm xuất hiện của loạt bài này dễ làm người ta nghĩ rằng, người ta muốn nhắm đến bà Nguyễn Thanh Phượng con gái của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vai trò là kẻ chủ mưu đạo diễn toàn bộ thương vụ mua bán công sản này lấy hơn 8 ngàn tỷ đồng chênh lệch để chia chác trong một nhóm người. Cũng có lẽ vì thế, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng đánh giá việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG là vụ việc "rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm."
Chiều 8/3/2018, Ban Bí thư TW đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Ngay sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 chỉ đạo về việc xử lý vụ Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Theo đánh giá của Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư cũng đề nghị (chứ không phải là yêu cầu) Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Song đột nhiên ngày 12/3/2018 mọi việc liên quan đến vụ mua bán AVG bỗng chuyển theo một chiều hướng khác. Đêm thứ Hai, 12/3/2018 "Thông tin mới nhất vụ MobiFone mua cổ phần AVG" (bit.ly/2p91Dhj) được đăng tải trên báo Pháp luật Việt Nam điện tử của Bộ Tư pháp cho biết, "Ngày 12/3/2018, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông MobiFone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bàn bạc, thoả thuận về Hợp đồng mua cổ phần AVG của MobiFone." Theo đó, hai bên đã thống nhất huỷ bỏ Hợp đồng mua cổ phần của MobiFone với AVG và đồng thuận thống nhất, phía AVG nhận lại công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ MobiFone. Phía MobiFone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng.
Cùng lúc, đồng loạt báo chí nhà nước cùng một giọng điệu dọn đường để hợp thức hóa hành động ăn cắp, nuốt không trôi phải nhè ra này. Với giọng điệu không thể tuyên giáo hơn, đó là " Với tinh thần, điều quan trọng nhất là không để nhà nước có bất kỳ thất thoát hay thiệt hại gì, sau khi bàn bạc, thảo luận Mobifone và các cổ đông chuyển nhượng đã đi tới thống nhất hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa 2 bên; các cổ đông chuyển nhượng sẽ trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần đã được Mobifone thanh toán."
Và không thể nhịp nhàng hơn, ngày 13/3/2018 Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Theo đó MobiFone và nhóm cổ đông AVG đã xúc tiến việc huỷ bỏ hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần theo các quy định pháp luật, trên tinh thần "sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện những công việc cần thiết trên tinh thần thiện chí, đảm bảo không thiệt hại cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của Nhà nước".
Người ta cho rằng, những động thái nói trên trong ngày 13/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn và các cá nhân có liên quan được coi là một biện pháp “khắc phục hậu quả” cho các sai phạm của cả 2 bên, chứ không thể chấm dứt hoạt động điều tra và truy tố theo Bộ luật Hình sự.
Và cho đến thời điểm này có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng chắc cũng đồng ý với phương án không thể tốt hơn đó, nhằm cứu vãn danh dự cho phó Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn. Vì nếu như ông Trương Minh Tuấn không đeo chức phó Ban Tuyên giáo Trung ương thì chắc chắn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc vụ việc "rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm." này.
Nhưng đến hôm nay, không chỉ việc ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có văn bản khẳng định: “Chúng tôi khẳng định VCSC không phải là đơn vị tư vấn trong thương vụ Mobifone mua AVG, và chúng tôi không có bất cứ thỏa thuận nào hoặc hợp đồng nào được ký kết với Mobifone hay AVG liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG“. Mà nhiều thông tin khác đã cho thấy bà Nguyễn Thanh Phượng con gái của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không liên quan đến thương vụ này. Mà thủ phạm chính với vai trò chủ mưu không ai khác là Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn.
Gần đây thông tin rò rỉ cho biết, ngoài việc ông Phạm Nhật Vũ - em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chấp nhận hoàn trả số tiền 8,9 ngàn tỷ đồng được cho là thu lợi bất chính trong thương vụ mua bán AVG, thì ông Trương Minh Tuấn cũng đã báo cáo Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra TW để trả lại căn biệt thự trong Khu đô thị Vinhomes Riverside và một số tài sản có giá trị khoảng 2,1 triệu USD là quà được biếu trong thương vụ mua bán AVG từ phía đối tác. Đây cũng là lý do vì sao một phe nhóm nào đó muốn tạo ra một sự ầm ĩ trên truyền thông để mở đường cho việc xử lý thương vụ Mobifone mua AVG nhưng đã bất thành. Thậm chỉ nó còn được khỏa lấp bởi thông tin bắt Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công An trong những ngày này.
Việc xử lý MobiFone mua AVG theo kiểu "rút củi đáy nồi" như thế chắc chắn phải nhận được sự thống nhất của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng người vừa được chính thức chỉ định giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư, thay thế cho ông Đinh Thế Huynh đương nhiệm vì ông Huynh đang điều trị bệnh.
Vụ Mobifone mua AVG là thuốc thử chống tham nhũng thật hay giả của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng. Nếu như ông Trọng không kiên quyết bắt bỏ tù và xử án đích đáng những kẻ đã lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt 8 900 tỷ đồng của nhà nước trong vụ Mobifone mua AVG, thì việc “chống tham nhũng không có vùng cấm” sẽ chỉ là thứ bánh vẽ. Và nó càng khẳng định rõ ràng hơn rằng, công cuộc chỉnh đốn đảng của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là một cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ đảng CSVN và ông Trọng chỉ đánh phe đối thủ của mình.
Tin giờ chót, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn đã đệ đơn xin được chuyển công tác và về nhậm chức phó Bí thư tỉnh Quảng Bình.
Ngày 13 tháng 03 năm 2018
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây