You are here

Vấn đề chống tham nhũng hiện nay (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     Đảng cộng sản thực hiện công cuộc chống tham nhũng với ít nhất ba mục tiêu. Thứ nhất, ngăn chặn phần nào quốc nạn tham nhũng. Đây là mục tiêu mà đảng đặt ra, còn trong thực tế, một guồng máy hoạt động với động cơ tham nhũng sẵn có đã tồn tại và kéo dài mấy chục năm, có liên quan, liên đới tới tất cả các bộ phận trong những mục tiêu tham nhũng, vấn đề có thực hiện được và thực hiện đến đâu lại là chuyện khác. Thứ hai, thu hồi một phần tài sản của các quan chức tham nhũng, vụ án tham những để phục vụ duy trì sự tồn tại của chế độ. Thứ ba, lấy lại được phần nào niềm tin của người dân thông qua công cuộc chống tham nhũng.

    III/ Những kết cục được báo trước

     Đối với bất kỳ một quốc gia nào, công cuộc chống tham nhũng bao giờ cũng bắt đầu từ việc tạo ra cơ chế phòng, tránh tham nhũng. Việc đầu tiên là vấn đề đối trọng quyền lực từ các đảng phái trong nền chính trị. Đối trọng quyền lực vừa là yêu cầu về đa nguyên, đa đảng cho thể chế dân chủ, vừa là vũ khí để chống tham nhũng hiệu quả. Khi đảng cầm quyền có các đảng viên tham nhũng, đảng đối lập sẽ tận tâm, tận lực để điều tra nhằm kết tội đảng cầm quyền và thông qua bầu cử để loại bỏ đảng cầm quyền, giành thắng lợi. Vấn đề tam quyền phân lập trong bộ máy nhà nước cũng là cơ chế cũng là cơ chế để ngăn chặn việc lạm quyền. Ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập và giám sát, kiềm chế lẫn nhau là cơ chế quan trọng phòng chống tham nhũng. Ngôn luận, báo chí tự do cũng là một định chế vô cùng quan trọng và hiệu quả để ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng… tóm lại, bản thân thể chế dân chủ đã là một cơ chế tự thân để phòng và chống tham nhũng.

     Khi một quốc gia chưa hội đủ các điều kiện để thể chế dân chủ vận hành thông suốt và lành mạnh, dẫn tới vấn đề tham nhũng nghiêm trọng, thì việc chống tham nhũng bao giờ cũng cần những yêu cầu quan trọng sau.

     - Một cơ quan quyền lực, độc lập với tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Đây là yêu cầu đầu tiên, bắt buộc đối với cơ quan chống tham nhũng. Độc lập ở đây có nghĩa là độc lập về hoạt động, không bị chi phối và ảnh hưởng của bất kỳ cơ quan nào. Quyền lực của cơ quan này cũng là tuyệt đối, có thể thâm nhập, yêu cầu cung cấp thông tin, điều tra bất kể cá nhân, cơ quan và cấp độ nào. Một sự giới hạn về quyền lực của cơ quan này cũng đều đồng nghĩa với việc chống tham nhũng nửa vời.

     - Những người trong cơ quan chống tham nhũng phải là những người trong sạch, gương mẫu. Quan chức và cán bộ của cơ quan chống tham nhũng không thể là những người không trong sạch khi bản thân công việc đòi hỏi người thực thi phải có tính biểu tượng, gương mẫu. Nếu người trong cơ quan chống tham nhũng mà có tỳ vết, cũng tham nhũng thì điều đầu tiên sẽ không có uy tín để làm công việc đặc trưng đó. Sau nữa, các đối tượng tham nhũng sẽ tấn công vào các tỳ vết của người thực thi chống tham nhũng để đổi chắc,hoặc làm mất uy tín và chính nghĩa của cơ quan chống tham nhũng, dẫn tới việc vô hiệu hóa hoạt động của cơ quan này.

     - Sự tham gia của người dân và việc bảo vê nguồn tin, nhân chứng. Sự tham gia của người dân có nhiều góc độ và khía cạnh. Có thể là cung cấp thông tin, có thể làm nhân chứng, hoặc hỗ trợ giúp đỡ cơ quan chống tham nhũng trong việc tiếp cận mục tiêu, đối tượng điều tra…vv. Ngoài việc đãi ngộ, hoặc thưởng cho những những người có công, thì vấn đề bảo vệ nguồn tin, bảo vệ nhân chứng phải được đặt lên hàng đầu. Người dân chỉ có thể tham gia góp sức khi cảm thấy an toàn và được bảo vệ.

     Ngoài những vấn đề nêu trên, thì vẫn còn những vấn đề nữa góp phần quyết định của công cuộc chống tham nhũng. Đó là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng đó không phải là những yếu tố có tính chất trực tiếp và cụ thể…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/01/2018

N.V.B