(đọc Từ Điển Triết Học Giản yếu & Triết Học Nào cho Thế kỷ XXI của Đăng Phùng Quân*)
Đào Trung Đạo
Khi đã ở trên con đường tư tưởng triết lý triết gia ở mọi thời đại thiết yếu chạm mặt câu hỏi: Triết học nào cho hôm nay? Trong trận đồ tư tưởng với những triết gia đi trước, câu hỏi “Triết học nào cho hôm nay” không phải là phủ nhận những thành tựu trong lịch sử triết học, cũng không phải là tham vọng vượt bỏ ảnh hưởng của những bậc thầy đi trước. Vì đây không phải là một câu hỏi đặt ra cho cá nhân triết gia mà là câu hỏi đặt ra cho triết học. Con đường mở ra, diễn ngôn triết học về Hữu ẩn mật xuyên phá bóng tối để phơi mở, ngôn ngữ chụp bắt những tia chớp đột hiện. Câu hỏi triết học nào cho hôm nay – thế kỷ 2
1 – cũng khởi đi từ sự nghi hoặc: phải chăng triết học đã đi vào chung cuộc, triết học đã chấm dứt? Nhưng câu hỏi cũng còn có nghĩa: nếu triết học ở vào thời điểm hiện tại đi vào khủng hoảng thì triết học phải biến đổi. Câu hỏi này cũng hàm chứa sự hàm hồ lưỡng tính vì nó nhắm đến một sự thay đổi diễn ra trong sự triển khai một triết học tương lai chưa định hình. Nhưng để định hình một triết học cho tương lai nhất thiết đòi hỏi phải có sự tiếp cận xuyên suốt lịch sử triết học, gần nhất là triết học thế kỷ 20. Ngay từ những gìòng mở đầu cho Triết học nào cho thế kỷ 21 Đăng Phùng Quân đã chỉ ra: “Thế kỷ XXI đã qua năm thứ chín - đối với những người sinh vào nửa đầu thế kỷ XX thật là một hành trình dài, kinh qua những cuộc chiến tự sát và tiêu diệt. Những khái niệm bạo động, khủng bố, cách mạng dường như không còn ý nghĩa của điều ác, những mục tiêu dân chủ, độc lập, nhân quyền, tự do cạn kiệt những ý nghĩa về thiện. Thời đại của nghi hoặc có một quá trình vô tận. Trước sự băng hoại to lớn ấy, không chỉ là hiện tượng kinh tế suy thoái toàn cầu, mà cả một cuộc phá sản tư tưởng, khởi sự là ý thức hệ cộng sản.
Trong cuộc khủng hoảng ấy, triết học đi đến đâu? Câu hỏi có quá vô tình trước những thảm họa nhân loại đang chịu đựng không? Hay vấn đề cấp thiết, trước một thế giới thiếu sinh lực động não?”
Tác giả của Triết học nào cho thế kỷ 21 đã đưa ra một phương án có tính hệ thống nhằm trả lời câu hỏi này qua việc nhìn lại 100 năm triết học của thế kỷ vừa qua, và trong lộ trình kiểm tra này chỉ ra những bước ngoặt dẫn tới thời quá độ vào cuối thế kỷ 20 để đi tới một kết luận khả hữu.
Trong phần Nhìn Lại 100 Năm Triết học của Thế Kỷ Vừa Qua sau khi nêu ra hai tác phẩm cột mốc mở đầu thế kỷ 20 là các quyển Die Traumdeutung của Sigmund Freud và Logischen Untersuchungen của Edmund Husserl tác giả xác định ý nghĩa của sự ‘nhìn lại’ như sau : “Tại sao nhìn lại? nhìn lại thường để kiểm điểm, tổng kết, phê phán những thành quả đắc thủ, những tồn tại, tuy nhiên quá trình không diễn ra trên một cương tuyến liên tục mà có những cách quãng nhảy vọt (như Bachelard hay Althusser quan niệm, là những bước cắt tri thức). Nhìn lại còn hàm ngụ sự khủng hoảng tất yếu khi một thời đại đã cáo chung, đến bước quá độ. Có thể xác định thời quá độ? Lấy tình hình triết học tư tưởng tây phương làm mẫu mực: Nếu như những Nietzsche, Kierkegaard chấm dứt thế kỷ của Hegel trước khi bước chuyển tiếp cho những trào lưu hiện tượng luận, phân tâm học và hiện sinh xác định thế kỷ hai mươi, thì với sự phê phán chủ nghĩa Mác, hậu hiện đại, hậu cấu trúc luận, sự gặp gỡ giữa triết học (quen gọi là) lục địa truyền thống với triết học Anh-Mỹ (ít ra là sự đối đầu giữa triết học phân tích, chủ nghĩa thực chứng và thuyết hủy tạo) có thể là dấu mốc của thời quá độ.
Có thể xác định thời quá độ vì chuyển tiếp của thế kỷ, không hẳn theo niên biểu, nhưng những vấn đề đặt ra chưa chứng thực là những dấu hiệu của thế kỷ kế tiếp. Sự kế thừa những di sản của giai đoạn hậu hiện đại, hậu cộng sản, hậu thuộc địa cũng như quá trình tiến hóa hậu công nghiệp đã đưa ra những vấn nạn về sự cáo chung của lịch sử (chỉ khác biệt ở chỗ khủng hoảng của thời hậu thế chiến thứ hai dẫn tới viễn cảnh bi quan về cái chết của con người, còn sự khủng hoảng của thời hậu lịch sử là tuyệt lộ của tư tưởng?)
Như đã chỉ ra ở tiểu đề, một trăm năm triết học. Nhưng triết học nào ?
Tôi không nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh về triết học thế giới mà giới hạn vào một vấn đề: cơ sở của ý nghĩa hành trạng triết học và trong một thế kỷ vừa kết thúc.
Đặt vấn đề như vậy có thể như hỏi chung cuộc của triết học trong cái chung cuộc của con người và lịch sử.
Cho nên tôi sẽ không phân định những trào lưu tư tưởng như Ludwig Landgrebe, J.M. Bochenski, Mikel Dufrenne hay Paul Ricoeur, chỉ kể một vài tiêu biểu. Tôi chỉ đề ra một số những thảo luận trong quá trình vận động của tư tưởng thông qua những sở cứ triết học và văn chương để thử tìm xem những hạn chế về tri thức của con người trong một thế kỷ. Dường như sự cáo chung của triết học, sự thất lạc của chủ thể, sự vắng mặt của tác giả, cái chết của hiện diện là những ẩn số của một nền tảng siêu hình dấu mặt của con người về cả hai bộ diện tri thức luận và bản thể luận ?
Có thể nói so với những thế kỷ trước thế kỷ 20 triết học có tính toàn cầu và toàn phần nhất nhờ những cơ hội lịch sử với kết quả là sự phát triển những kênh giao lưu văn hóa không những giữa Âu với Á, mà còn có sự góp tiếng của châu Mỹ La tinh, Ả Rập, Ba Tư, và Phi châu. Đường phân định đã bị xóa bỏ, những khác biệt đối thoại để thống nhất ngôn ngữ và cơ sở tư tưởng. Những truyền thống triết học quá khứ được xét lại, những đại triết gia làm nên thời đại trong quá khứ được đọc lại với những tra hỏi triệt để đứng ở thời điểm vị trí ngày hôm nay. Vì vấn đề nền tảng của triết học là nhận thức có tính lịch sử cho nên phân biệt mới cũ có một diện mạo mới. Và diện mạo con người cũng chuyển biến từ sự có mặt ở trung tâm kế đó bị đẩy ra ngoài lề, và cuối cùng bị xóa bỏ, vắng mặt. Cùng với con người không hiện diện, tham vọng toàn-thể-hóa của những hệ thống triết học chịu ảnh hưởng của Hegel (kể cả triết học Mac-xít và Hiện sinh của J-P. Sartre giai đoạn Critique de la raison dialectique) đã cáo chung. Cũng có thể nói triết học thế kỷ 20 có nhiều trào lưu nhất so với quá khứ: hiện-tượng-luận, phân-tâm-học, cấu-trúc-luận, hậu-cấu-trúc, triết học phân tích thực nghiệm và siêu nghiệm (truyền thống Đức và truyền thống Anh-Mỹ), hủy-tạo ….(chỉ kể những trào lưu chính.) Có nhiều trào lưu tức là có nhiều tranh biện - không những chỉ có tranh biện giữa các triết gia mà còn tranh biện với các khoa học (chính xác, tự nhiên, và nhân văn) – cho nên triết học trở thành sống động nhưng cũng trở thành phức tạp, khó nắm bắt các vấn đề đối với những người không theo chuyên ngành. Nhưng điểm đáng xiển dương của triết học thế kỷ 20 là: không còn triết học nào được coi là độc tôn, là chân lý bất biến, do đó tinh thần tự do phê phán không chấp nhận não bộ tôn sùng một triết lý nào như ở những thế kỷ trước.
Theo Đặng Phùng Quân, nhìn chung vận động tư tưởng triết học ở cuối thế kỷ 20 là một Khán trường Triết học/Theatrum Philosophicum (chữ của Michel Foucault) được đánh dấu bởi các bước ngoặt: bước ngoặt ngôn ngữ (Linguistic Turn), bước ngoặt thực dụng (Pragmatic Turn), bước ngoăt hủy tạo (Deconstructive Turn), và bước ngoặt triết học với sự phát triển của khoa triết học tỷ giảo.
- Bước ngoặt ngữ học theo Gustav Bergmann người khởi xướng dùng danh xưng này hiểu là mọi triết gia ngôn ngữ nói về thế giới qua những phương tiện nói về ngôn ngữ thích hợp. Nhưng khi nói đến bước ngoặt ngữ học ta cần phân biệt hai truyền thống Đức và Anh-Mỹ. Truyền thống Đức cũng còn được gọi là “truyền thống Hamann-Herder-Humbold” (theo cách đặt tên của Charles Taylor vào năm1985 nay đã thành phổ biến.) Khởi từ việc Hamann phê bình quyển Phê Phán Lý tính Thuần tủy của Kant và đưa ra quan niệm “lý trí là ngôn ngữ, logos” và “không có từ/chữ thì chẳng có lý trí hay thế giới”, ngôn ngữ chủ yếu đóng vai trò phơi mở thế giới. Truyền thống này được tiếp nối ở thế kỷ 20 với Martin Heidegger, đệ tử Hans-Georg Gadamer và các học trò của Gadamer là Jűrgen Habemas và Karl-Otto Apel. Ở Mỹ Habermas được hâm mộ nhưng Apel lại có thế giá hơn ở Đức và Pháp. Truyền thống triết học ngôn ngữ Anh-Mỹ khởi đi từ duy nghiệm luận của Locke và Hume cùng với thực chứng luận lý học Áo với Frege. C-S. Peirce, Carnap, với khuôn mặt lẫy lừng nhất ở nửa sau thế kỷ 20 là Ludwig Wittgenstein.
- Bước ngoặt thực dụng: Với truyền thống thực dụng Mỹ trong tư tưởng của Charles Sander Peirce, William James, John Dewey, và George H. Mead từ giữa thế kỷ trước bước ngoặt thực dụng khởi đi từ sự phê phán cơ sở triết học ý thức từ Descartes và thống lĩnh triết học lục địa gần hai thế kỷ, đặt trên nhị nguyên chủ thể/đối tượng, tâm/thân, nhận thức hướng tới lý tưởng là sự chắc thực, những triết gia thực dụng cuối thế kỷ 20 đặt điểm nhấn ở kinh nghiệm xã hội và chuẩn mức qui phạm xã hội, sự liên tục giữa lý thuyết và thực hành. Đại diện nổi bật của trào lưu này có thể kể Hilary Putnam, Richard Rorty, Robert Brandon (và phần nào quan niệm của Jűrgen Habemas).
- Bước ngoặt hủy tạo: khởi từ tranh luận về sự phân biệt/đối nghịch triết hoc và văn chương do định kiến trong quan niệm của Plato cho rằng triết học đắc thủ những chân lý mà văn chương làm ẩn khuất do việc sử dụng ngôn ngữ và hư cấu. Hủy tạo phản bác quan niệm này, chứng minh tính chính xác triết lý của văn chương. Thủ lãnh của thuyết hủy tạo là Jacques Derrida với những tác phẩm từ nghiên cứu hiện-tượng-luận của Husserl qua đối thoại với tư tưởng Heidegger đem đến những phát kiến mới mẻ cho lý thuyết phê bình văn chương. Derrida có ảnh hưởng nhiều ở Mỹ hơn là ở chính quê hương ông. Đồng thời với Derrida, Michel Foucault và Giles Deleuze biến đổi truyền thống nghị luận triết học vì tác phẩm của họ là những quyển sách lạ lẫm cùng cực không những so với sách triết lý cổ điển mà còn cả đối với sách của những triết gia cận đại chẳng hạn như Maurice-Merleau Ponty. Nhưng đọc tác phẩm của Derrida, Foucault, Deleuze ta vẫn nhận ra diện mạo của Nietzsche và Heidegger trên nền bản viết của họ. Không hẳn được coi là triết gia Maurice Blanchot viết nhiều về lý thuyết văn chương với quan niệm ‘quyển sách sẽ viết” “tác phẩm không hoàn tất” (le livre à venir) và một diễn ngôn khác, một diễn ngôn vắng mặt/cõi ngoài, nhưng ảnh hưởng của Blanchot khá đậm nét không những đối với những người cùng thế hệ mà còn cả đối với thế hệ kế thừa. Ta cũng không thể không kể tới những đóng góp của Jean-Francois Lyotard kẻ khởi xướng chủ nghĩa hậu-hiện-đại ở Pháp và xây dựng một khoa học văn chương.
- Bước ngoặt triết học tỷ giảo: ở ba thập niên cuối thế kỷ với sự cáo chung của chủ nghĩa thuộc địa mở ra những kênh thông giao phát triển mạnh cuộc đối thoại tư tưởng Đông-Tây qua những định chế văn hóa như các khoa chuyên ngành về văn hóa tư tưởng Á châu ở các đại học nổi tiếng Âu-Mỹ, các tạp chí chuyên ngành nghiên cứu tỷ giảo văn hóa tư tưởng Đông-Tây trong những nước phát triển, các cuộc hội luận được tổ chức có tính toàn cầu với sự tham dự của đông đảo những nhà tư tưởng, những chuyên gia uy tín từ khắp thế giới. Những tranh luận thật sinh động nhằm tạo nên sự thông giao tư tưởng Ấn-Độ, Trung-Quốc, và Nhật với tư tưởng Âu-Mỹ đạt được những thành tựu khá quan trọng. Có lẽ lý thú và tiêu biểu nhất là cuộc tranh luận giữa Francois Billeter chuyên gia về Trang tử với Francois Julien người được coi là có uy tín về nghiên cứu triết học Trung Quốc của Pháp. Điểm đáng chú ý nhất là Billeter đã chỉ ra mặt trái của những lý giải triết học Trung Quốc trong sách của Julien là nhằm phủ nhận giá trị lịch sử của biến cố Thiên-An-Môn, nghĩa là Francois Julien là một chiếc loa phóng thanh của tập đoàn cộng sản Trung Nam Hải.
Khán trường Triết học thế kỷ 20 với rất đông những khuôn mặt triết gia xuất sắc cho thấy triết học không đi đến chung cuộc. Nhưng việc tìm hiểu một thế kỷ triết học để có câu trả lời cho câu hỏi “Triết học nào cho Thế kỷ 21” quả thực đòi hỏi một vốn kiến thức chuyên ngành thâm hậu. Tác phẩm mới này của Đặng Phùng Quân là một đóng góp quan trọng không những cho những người có ý định theo chuyên ngành triết học mà còn cho những ai muốn tìm hiểu tư tưởng triết học hiện/đương đại. Theo chỗ chúng tôi biết, hiện giờ sách tiếng Việt viết về chủ đề này thật khan hiếm nếu không muốn nói là chưa có quyển nào có tầm vóc của “Triết học nào cho Thế kỷ 21” với cái nhìn tổng quan đưa ra một bức tranh với những con đường ma trận của trận đồ triết học cho thấy một sự chưa hoàn tất nhìn từ thập niên đầu của thế kỷ 21. Nhưng chính sự không hoàn tất này mở ra một triển vọng cho tương lai vì theo tác giả “nếu hoàn tất có nghỉa là không còn triết học nữa” và “Khi hỏi: triết học nào cho thế kỷ 21, vấn đề hàm ngụ hành trạng của tư tưởng ắt phải đi vào kỷ nguyên mới, hoặc chung cuộc.” Habent sua philosophiae! Mọi triết học có số phần riêng! Triết học tồn tại khi đời sống còn tồn tại vì triết học có một đời sống của triết học. Đặng Phùng Quân lạc quan kết luận: “Trong những góc nhìn muôn vẻ ấy của hành trạng tư tưởng, ghi nhận nơi đối thoại, tranh biện, chứng cớ dưới bất kỳ hình thức thông giao nào.”
*Đặng Phùng Quân, Từ Điển Triết Học Giản yếu & Triết Học Nào Cho Thế Kỷ XXI,
Gió Văn California xuất bản tháng 2, 2011.
Đào Trung Đạo
Bài bình luận gần đây