…..
Phong trào dân chủ có nhiều người tham gia ở từng cấp độ, mức độ khác nhau, do nhận thức và bản lĩnh, cũng như điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng người. Chúng ta biết, có nhiều người là những người phản tỉnh, có nhận thức khác, ngược với những quan điểm của đảng cộng sản tuyên truyền hiện nay. Có nhiều người, có bất đồng với những quan điểm của chế độ ở nhiều mức độ khác nhau. Đó gọi là những người bất đồng chính kiến. Có những người có những hành động mạnh mẽ để thể hiện quan điểm, họ đã rời khỏi những vị trí công tác trong hệ thống đảng, nhà nước để phản đối và cất lên những tiếng nói của mình, họ chính là những nhà ly khai. Lại có những người đã có những hành động phản kháng lại những chủ trương, đường lối, và những hoạt động cụ thể của nhà cầm quyền. Ví dụ những người phản đối đường lưỡi bò, phản đối quan hệ lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc thông qua các cuộc xuống đường, biểu tình và những lễ tưởng niệm. Hoặc có những người phản đối việc chặt hạ cây xanh, xả thải làm ô nhiễm môi trường biển miền trung Việt Nam. Những người phản kháng cũng là thành phần quan trọng của phong trào dân chủ.. Tiếp sau đó, là những người hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho nhân quyền, quyền con người ở nước ta. Cuối cùng, đó là những người đấu tranh cho dân chủ, những người ý thức hoàn toàn về việc cần đấu tranh để thay đổi chế độ độc tài toàn trị bằng một chế độ dân chủ pháp quyền cho đất nước. Như vậy, về cơ bản, phong trào dân chủ bao gồm những thành phần sau: những người phản tỉnh, những người bất đồng chính kiến, những người ly khai, những người phản kháng, những người hoạt động và đấu tranh nhân quyền, cuối cùng là những người đấu tranh dân chủ.
Khi đã nhận diện được những thành phần thuộc về lực lượng, phe và chiến tuyến của mình, chúng ta cần có ý thức để bảo vệ nhau. Việc bảo vệ lẫn nhau giữa những người trong phong trào dân chủ cũng có hai phương diện, bảo vệ ở ngoài đời và bảo vệ quan điểm của nhau cũng như quan điểm chung. Chúng ta đã chứng kiến việc những người trong phong trào dân chủ bảo vệ nhau ở ngoài đời. Đó là việc trong khi biểu tình, có cá nhân hoặc nhóm nhỏ bị bao vây, vây bắt, tất cả những người biểu tình đã quây lại để bảo vệ họ thoát khỏi cảnh sát. Khi người đấu tranh bị đánh, cũng có những người lao vào bảo vệ… khi bị bắt về đồn công an, anh chị em tổ chức đi đòi người. Có nhiều những ví dụ sinh động về việc những người đấu tranh bảo vệ lẫn nhau ở ngoài đời chúng ta có thể kể ra được. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết, việc giúp đỡ những cá nhân, những nhóm nhỏ và phong trào dân chủ trong nước về mọi mặt của đồng bào hải ngoại, của các tổ chức đấu tranh hải ngoại là một phương diện quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vê lẫn nhau của phong trào dân chủ. Phong trào dân chủ nói chung, và phong trào dân chủ trong nước nói riêng có được bước phát triển như ngày hôm nay, ngoài tinh thần hy sinh, sự đấu tranh của những người dấn thân thì sự giúp đỡ và hỗ trợ vô tư của đồng bào hải ngoại, của các tổ chức đấu tranh trải dài qua thời gian là không thể đo đếm và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Vấn đề bảo vệ quan điểm, nhận thức trên không gian mạng của phong trào dân chủ không được sôi động và hiệu quả bằng việc bảo vệ nhau trước sự tấn công và đàn áp ở ngoài đời. Chúng ta còn né tránh những vấn đề gai góc, chưa có sự tập trung trong việc bảo vệ các quan điểm đúng đắn, bảo vệ những người đưa ra các quan điểm đúng đắn. Một thiếu sót là đôi khi chúng ta ngại sự va chạm, động chạm. Có thể có nhiều lý giải cho việc này. Thứ nhất, chúng ta chưa có văn hóa tranh luận, nên rất nhiều người sợ và ngại bảo vệ quan điểm của nhau, cho nhau. Thứ hai, nhiều người chưa thấu suốt được các vấn đề, không đủ khả năng để trao đổi, tranh luận hoặc bảo vệ đồng đội. Thứ ba, lực lượng dân chủ cuội, dư luận viên trá hình chủ động làm rối loạn nhận thức, tình hình trong khi trao đổi, tranh luận.
Một vấn đề quan trọng, đó là phong trào dân chủ cần chủ động bảo vệ người dân, đấu tranh cho quyền lợi của người dân. Đây vừa là mệnh lệnh từ lương tâm, vừa là nguyên tắc đấu tranh, tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Chỉ khi nào chúng ta có ý thức bảo vệ lẫn nhau, thì mối liên hệ trong phong trào dân chủ mới mạnh và bền chặt, người có cảm tình với phong trào dân chủ được khích lệ. Chỉ khi nào chúng ta đứng về phía người dân, bảo vệ quyền lợi của người dân thì chúng ta mới có hi vọng đại diện cho người dân trong cuộc đấu tranh vô cùng cam go, khắc nghiệt này.
3/ vạch rõ ý đồ xóa nhòa ranh giới, chiến tuyến để gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ
Trong chiến lược đối phó của nhà cầm quyền và an ninh Việt Nam với phong trào dân chủ, việc cài cắm người vào phong trào dân chủ là một chiến lược ưu tiên. Với những mục tiêu quan trọng của chiến lược, thu thập thông tin để nắm bắt tình hình của các cá nhân, hội nhóm và của cả phong trào, từ đó lên kế hoạch đối phó. Mục tiêu thứ hai, đó là gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ. Trong mục tiêu thứ hai này, một chiến lược quan trọng đó là gây mâu thuẫn chia rẽ thông qua việc gây nhiễu loạn thông tin, gây hỗn loạn trong nhận thức và quan điểm. Người ta đã thực hiện việc này bằng cách nào? Người ta sẽ sử dụng một sự kiện, một sự việc có sẵn hoặc chủ động tạo ra một sự kiện. Sự kiện này có đặc trưng nằm trong ranh giới giữa sự đúng, sai tùy theo cách hiểu của mỗi người. Sau đó, họ tạo ra các cuộc tranh luận, từ các cuộc tranh luận sẽ dẫn tới tranh cãi và sau cùng là mâu thuẫn, chia rẽ. Chúng ta biết rằng, môi trường của chế độ độc tài toàn trị là vô cùng phức tạp, người dân phần lớn bị hệ thống giáo dục tuyên truyền và nhồi sọ, nên việc nhận thức về thực tại xã hội, lý giải các sự việc là vô cùng khác nhau. Trong khi xã hội chưa hề có sự phản biện, có nghĩa là chưa có văn hóa tranh luận. Chính vì vậy mà khi đưa ra những sự kiện, hoặc đề tài nào phức tạp, bình thường đã không có sự thống nhất về nhận thức và quan điểm, vậy mà những kẻ chủ mưu còn chủ động lựa chọn, thực hiện bài bản, từng bước để tạo ra sự tranh cãi thì làm sao mà không chửi nhau, hủy kết bạn và block nhau?
Ngoài việc gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ,thế lực cầm quyền còn nhắm vào hai mục đích. Một là, gây hoang mang trong chính nội bộ những người đấu tranh vì không kết luận được đâu là đúng là sai, là hay là dở. Không biết được điều gì cần nói và điều gì không cần viết? Hai là, những người có cảm tình với phong trào dân chủ, ủng hộ phong trào dân chủ cũng hoang mang, cả về nhận thức và cách ứng xử trong nội bộ phong trào dân chủ…
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 23/12/2017
N.V.B
Bài bình luận gần đây