Làm cho dân giàu rồi mới giáo hóa họ - (Khổng Tử)
Dẫu biết rằng các khái niệm quyền con người, tự do hay dân chủ v.v.. vốn dĩ được coi trọng ở các quốc gia phương Tây và nó đã trở thành đích đến cho các phong trào đấu tranh ở các quốc gia có nền chính trị độc tài. Song có lẽ những cái đó chỉ nên coi là nguồn cảm hứng, mà nó khó có thể trở thành thực tế. Nhất là ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á, cụ thể các bài học chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ tại Campuchia hay Myanmar mới đây là các minh chứng.
Những người bạn Campuchia bảo tôi rằng, nếu không có dân chủ ở Campuchia thì ông Hunsen cũng chỉ có thể nắm quyền không quá 2 - 3 nhiệm kỳ (theo bản sao của VN), nghĩa là không quá 15 năm. Nhưng nhờ có thể chế chính trị dân chủ, nên ông ta đã từng tuyên bố sẽ chỉ trị vì đến năm 90 tuổi thôi. Dù rằng sự tín nhiệm của dân chúng Campuchia đối với Hunsen đến lúc này là dưới 50% và chắc chắn ông ta sẽ thất cử trong cuộc tổng tuyển cử tới đây. Đó là lý do vì sao "Campuchia giải tán Đảng đối lập" (http://bit.ly/2hwZN6E).
Vì thế những bài học sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ tại Campuchia hay Myanmar và sẽ còn nhiều nước nữa sắp xảy ra, cũng chỉ là hình thức chuyển đổi từ chế độ độc tài này thay bằng chế độ độc tài khác. Và ở Việt Nam cũng vậy nếu như không xây dựng được một hệ thống kiểm soát quyền lực độc lập mà ở đó quyền lực phải thuộc về người dân.
Tiêu chí “Hòa bình, Thịnh vượng, Công bằng và Dân chủ” vẫn là những nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nói riêng hay phương Tây nói chung từ trước đến nay, song cái đó đến nay nó đã thay đổi. Việc một chữ "nhân quyền" mà mọi người mong đợi đã không xuất hiện trong diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, mà thay vào đó chỉ có một lần ông Trump dùng chữ "quyền hạn cá nhân". Điều này đã khẳng định, ông Donald Trump hoàn toàn không quan tâm đến nhân quyền, kể cả ở Mỹ.
Trong bài viết "Bàn về ý thức Nô lệ của người Việt" (http://bit.ly/2A7w1AK) tôi có nhận định rằng, "Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, nếu như không dựa vào Hoa Kỳ thì chúng ta biết dựa vào ai? Mà họ quên rằng nội lực của một dân tộc mới là quan trọng, mà cái đó chính là sự đồng tâm, đồng lòng. Nội lực của một dân tộc nếu một khi biết khơi dậy và phát huy thì chúng ta sẽ làm được tất cả những điều chúng ta mong muốn và mơ ước cho đất nước cũng như dân tộc này.". Ở đây sự đồng tâm, đồng lòng của người Việt Nam, theo tôi thì đó là những "Hào khí Diên Hồng" thời nhà Trần, khi vác bô lão vung tay hô theo khẩu hiệu "Quyết đánh" để cho lớp trai tráng đồng lòng khắc lên cánh tay hai chữ "Sát Thát" từ xa xưa. Hay mới hơn là "ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến" vào ngày 23/9/1945 khi Pháp trở lại tái chiếm Nam Bộ.
Những cái đó hoàn toàn không phải đã mất đi như nhiều người nghĩ, mà chắc chắn nó vẫn còn tiềm ẩn trong tâm thức của những người có lòng với dân tộc và đất nước này. Tiếc rằng điều đó đã bị bỏ quên và không ai có ý thức khơi dậy nó. Mà họ mải chạy theo các giá trị dân chủ, tự do... của phương Tây, là những điều không có giá trị thiết thực với cuộc sống của đại đa số dân chúng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Nói một cách chính xác là, những khái niệm đó hiện nay chỉ mang lợi cho một số tổ chức và cá nhân muốn tham gia tranh giành quyền lực chính trị trong tương lai. Không loại trừ việc không ít người lợi dụng để kiếm ăn qua ngày.
Vậy người dân bình thường ở mọi quốc gia họ muốn điều gì?
Trước hết cần phải nhắc lại, "...những bài học sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ tại Campuchia hay Myanmar và sẽ còn nhiều nước nữa sắp xảy ra, cũng chỉ là hình thức chuyển đổi từ chế độ độc tài này thay bằng chế độ độc tài khác. Và ở Việt Nam cũng vậy nếu như không xây dựng được một hệ thống kiểm soát quyền lực độc lập mà ở đó quyền lực phải thuộc về người dân.". Thì điều quan trọng nhất là phải tập hợp được quần chúng nhân dân ủng hộ mình, thông qua những việc làm có lợi cho họ cũng như làm được những điều có lợi cho đất nước.
Chính quyền Việt Nam hiện nay mặc sức tung hoành như ở chỗ không người, dẫu rằng đa số những chính sách, chủ trương về mọi mặt của họ đã gây nên bao tai họa cho quốc gia. Thích cướp đất là cướp, thích tăng thuế là tăng... coi dân chúng như một lũ cừu để họ bóc lột cho thỏa sức. Vậy mà họ không gặp phải bất kỳ sự phản ứng cứng rắn một cách nghiêm túc (có tổ chức) nào của dân chúng, dẫu rằng đa số người dân hết sức phẫn nộ.
Trở lại câu hỏi "Vậy người dân bình thường họ muốn gì và cần phải làm như thế nào để tập hợp sự ủng hộ của họ?" Xin được giới thiệu một trường hợp:
Trong những ngày này ở Thái lan, chương trình hành động "Bước mỗi người một bước - ก้าวคนละก้าวฯ" của ca sĩ nổi tiếng người Thái Lan Tonal Body Slam được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Đó là chương trình chạy bộ 2.191 km từ điểm cực nam (Huyện Betong - tỉnh Yala) đến điểm cực bắc (Huyện Me Sai - tỉnh Chieng Rai) Thái lan, nhằm mục đích kêu gọi quyên góp 700 triệu baht (hơn 20 triệu USD) để nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cũng như việc đào tạo cho 11 bệnh viện trên toàn nước Thái. Được biết, ca sĩ Tonal Body Slam tên thật là Athiwara Khongmalai sinh năm 1979, tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Chulalongkorn. Năm 2016 ca sĩ này đã thử nghiệm chương trình này khi trong 10 ngày đầu tháng 12/2016 chạy 400km (40km/ngày) và đã quyên góp được 63 triệu baht (gần 2 triệu USD) cho bệnh viện Bangsaphan tỉnh Prachuop Khrikhan.
Ca sĩ Tonal Body Slam chạm đích trong cuộc chạy 400km vận động quyên tiền ủng hộ bệnh viện năm 2016 |
Chương trình hành động "Bước mỗi người một bước" của ca sĩ Tonal Body Slam được người dân Thái Lan đồng tình và ủng hộ nhiệt liệt. Chương trình này đã trở thành những ngày hội tại các địa phương khi ca sĩ Tonal Body Slam chạy qua và mỗi bước chạy của ca sĩ nổi tiếng này nhận được sự đón chào nồng nhiệt cũng như sự đóng góp không nhỏ của mọi tầng lớp dân chúng, từ nhà Vua, người già đến trẻ của mọi tầng lớp trong xã hội.
Sau đây là một vài hình ảnh mới nhất:
Ca sĩ Tonal Body Slam trong hành trình chạy xuyên Thái Lan |
Người dân đứng dọc 2 bên đường với những dây tiền ủng hộ, có những đọan dây tiền nối dài đến 4km |
Cận cảnh của một sự đón tiếp nồng ấm và sự ủng hộ trên đường chạy |
Không chỉ nhận sự quyên góp từ người dân như thế, mà qua các địa phương ca sĩ Tonal Body Slam còn dùng tiền của cá nhân ủng hộ cho các trường học, nhà chùa, bệnh viện... và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ca sĩ Tonal Body Slam tặng 10 ngàn baht (300 USD) khuyến học cho một học sinh |
Kết quả sau 12 ngày chạy ban đầu, chương trình của ca sĩ Tonal Body Slam đã thu được số tiền 227 triệu baht (7 triệu USD). Cũng cần được phải nhắc lại, ca sĩ Tonal Body Slam không chỉ nổi tiếng, rất giàu có mà còn là một người có một tấm lòng tốt.
Viết bài viết này tôi không hy vọng nó sẽ được những nhà đấu tranh dân chủ cho Việt Nam ở trong và ngoài nước học tập và áp dụng. Không chỉ vì các bạn thiếu uy tín, nếu như có đứng ra hô hào tương tự như thế thì đa số người dân sẽ không ủng hộ, trước hết vì tâm các bạn không sạch, chuyện tiền bạc đối với các bạn luôn thiếu minh bạch. Sau nữa từ trước đến nay các bạn bỏ quên người dân, cụ thể là không đếm xỉa đến nguyện vọng của nhân dân, mở miệng là chê dân chúng chúng tôi là dân trí thấp không bằng các bạn :D.
Đừng nghĩ rằng chỉ có người giàu có, họ thừa ăn thì mới ủng hộ cho các chương trình có lợi cho đất nước, còn người nghèo họ sẽ chả quan tâm. Hay cho rằng bản tính người Việt tham lam, ích kỷ không thể so với người Thái. Đó rất có thể là sự nhầm lẫn, với điều kiện nếu những ai đó đứng ra có tâm thật sạch không chút gợn bẩn. Đừng quên người Việt có truyền thống lá lành đùm lá rách, thậm chí lá rách ít họ cũng sẵn sàng bao bọc là rách nhiều hơn. Quan trọng là những ai muốn làm điều này phải biết thương yêu và coi trọng nhân dân, những người đồng bào của mình.
Trước thực tế lâu nay trong lịch sử cận đại người Việt làm cách mạng thường dựa vào nguồn lực (tiền) từ ngoại bang, mà xa rời nội lực. Vì vậy trong bài chỉ hy vọng rằng, sẽ mở ra một hướng cho các tổ chức XHDS có nguồn thu nhập tài chính để hoạt động. Đồng thời cũng muốn nhắc lại cho những người quan tâm và hoạt động chính trị nhớ rằng, việc chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ tại Việt Nam nếu như không xây dựng được một hệ thống kiểm soát quyền lực độc lập mà ở đó quyền lực phải thuộc về người dân thì cũng vô ích.
Dân chủ, nhân quyền, tự do là điều hết sức cần thiết dẫu nó cũng hơi phù phiếm, song nó không phải là vấn đề quan trọng nhất vào lúc này đối với Việt Nam. Người làm chính trị luôn luôn cần một đám đông ủng hộ, càng nhiều càng tốt. Không chỉ lúc này mà kể cả trong tương lai, một khi thể chế chính trị ở Việt Nam có sự chuyển biến.
Ngày 17 tháng 10 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây