...
3/ Trường hợp khởi kiện đòi tài sản của công dân Hoa Kỳ gốc Việt do Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) khởi xướng.
Ngày 31/8/2017, trên trang web của BPSOS đã công bố Chương trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản. Đây là một chương trình rất lớn, với phương châm là dùng luật pháp và hệ thống chính trị của Hoa Kỳ để bảo vệ, đòi lại tài sản của công dân Hoa Kỳ bất chấp thái độ, luật pháp và chính sách của chế độ ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của tổ chức này (BPSOS), người Việt Nam ở Hoa Kỳ có ít nhất từ hai chục ngàn đến cả trăm ngàn người có đủ điều kiện để tham gia chương trình đòi tài sản, với ba cách thức thực hiện khác nhau.
a. Đòi lại tài sản bằng việc khởi kiện nhà cầm quyền Việt Nam. Thông thường, một công dân ở quốc gia này không thể kiện một chính quyền của quốc khác. Tuy nhiên, luật Hoa Kỳ có một biệt lệ. Luật Foreign Sovereign Immunity Act (FSIA), ban hành năm 1976, cho phép công dân Hoa Kỳ kiện chính quyền ngoại quốc trong trường hợp bị tước đoạt tài sản không bồi thường, và người đứng đơn kiện không nhất thiết phải có quốc tịch Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị tước đoạt. Theo nghiên cứu của SPSOS, có khoảng 4000 hồ sơ có thể thực hiện theo con đường khởi kiện đòi tài sản ở tòa án.
b. Đòi lại tài sản bằng thể thức phán quyết hành chính do quốc hội Hoa Kỳ ấn định. Thể thức phán quyết hành chính có nguồn gốc như sau. Năm 1949 Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành Luật Giải Quyết các Đòi Hỏi Bồi Thường Quốc Tế (International Claims Settlement Act). Thực thi luật này, năm 1954 Tổng Thống Dwight Eisenhower thành lập Uỷ Hội Giải Quyết Các Đòi Hỏi Bồi Thường Ngoại Quốc, tức Foreign Claims Settlement Commission (gọi tắt là FCSC), đặt dưới Bộ Tư Pháp. FCSC có trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị một chính quyền ngoại quốc cưỡng đoạt, với điều kiện người đòi bồi thường đã là công dân Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị cưỡng đoạt.
FCSC phán quyết theo thủ tục hành chính, và định mức bồi thường theo các công thức nhất định. Chính quyền ngoại quốc không có quyền tham gia, phân trần, vận động, hay khiếu nại. Quyết định của FCSC là chung quyết, không thể kháng cáo kể cả ở toà án. Quyết định của FCSC sau được chuyển sang Bộ Ngoại Giao để điều đình hay áp lực quốc gia đối tượng thực thi việc bồi thường.
Trong trường hợp quốc gia ấy không hợp tác, Tu Chính Án Hickenlooper, ban hành năm 1964 để bộ sung Luật Viện Trợ Ngoại Quốc, đòi hỏi Tổng Thống ngưng các khoản viện trợ và ngăn chặn các định chế tài chính quốc tế cho quốc gia ấy vay vốn. Tổng Thống có quyền đặc miễn không áp dụng biện pháp trừng phạt này nếu như chứng minh được cho Quốc Hội rằng sự đặc miễn sẽ giúp ích cho việc “đòi nợ” cho công dân.
FCSC chỉ giải quyết các hồ sơ ấy thuộc vào một Chương Trình Đòi Bồi Thường (Claims Program) đã được thiết lập. Muốn thiết lập Chương Trình Đòi Bồi Thường thì phải có văn thư yêu cầu của Ngoại Trưởng hoặc sự chỉ định của Quốc Hội bằng hành động lập pháp. Cách nào cũng đòi hỏi một cuộc vận động mạnh mẽ, rộng lớn và kiên trì.
Từ khi được thành lập năm 1954, FCSC đã giải quyết tổng cộng 42 Chương Trình Đòi Bồi Thường bao bồm các quốc gia: Đức, Iran, Nam Tư, Bulgaria, Romania, Hungary, Liên Sô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ý, Cuba, Trung Hoa, Đông Đức, Ethiopia, Ai Cập, Panama, Albania và Việt Nam. Tổng cộng 660,000 hồ sơ đã được giải quyết.
Theo tính toán và phỏng đoán, có từ 6000 - 10.000 hồ sơ người Mỹ gốc Việt có thể phù hợp với con đường đòi lại tài sản bằng thể thức phán quyết hành chính này.
c. Đòi lại tài sản bằng việc điều đình trực tiếp giữa nạn nhân và chế độ đã cưỡng đoạt tài sản (tức là nhà cầm quyền Việt Nam) với sự theo dõi, hỗ trợ của chính quyền Hoa Kỳ. Đây là con đường dành cho những hồ sơ không hội đủ tiêu chuẩn cho hai con đường 1 và 2 có thể được giải quyết thông qua điều đình.
Để thực hiện chương trình đòi tài sản, vào tháng 6/2017 vừa qua, BPSOS đã thuê hai hãng luật với nhiều kinh nghiệm tư vấn về hồ sơ và hỗ trợ trong vận động. Đó là hai hãng luật Perseus Strategies và Heideman, Nudelman & Kalik, PC. Hãng Perseus Strategies đã vận động thành công để mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Cuba lần 2. Người đứng đầu hãng luật này là Jared Genser, một luật sư nhân quyền nổi tiếng thế giới. Ông cũng là người sáng lập tổ chức Freedom Now, chuyên tranh đấu cho các tù nhân lương tâm. Hãng thứ 2, Heideman, Nudelman & Kalik, PC, đã thành công trong nhiều vụ đòi các chính quyền ngoại quốc bồi thường cho công dân Hoa Kỳ. Chẳng hạn, năm 2015 hãng luật này đã thành công trong việc đòi chính quyền Iran bồi thường tổng cộng 1.9 tỉ Mỹ kim cho 170 thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và gia đình của họ cho các mất mát và thiệt hại gây ra bởi vụ đánh bom ở Beirut, Lebanon năm 1983. Chính quyền Iran đứng sau vụ đánh bom này.
Qua nghiên cứu các bài viết, cũng như đường đi nước bước, cách thức thực hiện và kinh nghiệm, tôi thấy rằng chương trình đòi tài sản của công dân Mỹ gốc việt do BPSOS khởi xướng và vận động, thực thi có rất nhiều khả năng thành công. Đây là một chương trình rất có giá trị và hoàn toàn phù hợp với hướng đi mới của phong trào dân chủ Việt Nam. Có thể nhận thấy, tính khả thi hay khả năng thành công ở các yếu tố sau.
Thứ nhất, BPSOS không chỉ mới gần đây mà từ năm 2013 đã thực hiện việc thu thập, tìm hiểu và nghiên cứu các hồ sơ. Đồng thời BPSOS đã đối chiếu các hồ sơ với luật pháp Hoa kỳ, và đã chỉ ra được các điều luật có liên quan, phù hợp, có thể vận dụng để thực hiện chương trình đòi tài sản cho công dân. Như vậy, yếu tố pháp lý, yếu tố quan trọng nhất đã được bảo đảm.
Thứ hai, Việc khởi kiện cũng như thực hiện đòi lại tài sản là do chính các nạn nhân của chế độ cộng sản, những người không chỉ bị tước đoạt tài sản mà họ và gia đình còn bị đàn áp, đối xử dã man, tàn bạo. Việc đòi tài sản cũng là việc họ lên án, tố cáo chế độ cộng sản Việt Nam đối với quốc tế. Những nạn nhân trực tiếp của chế độ, với quyền lợi sát sườn cùng với khả năng thành công cao lại có thể tố cáo, gây khó khăn cho chế độ cộng sản chính là hi vọng cao nhất cho việc thực hiện thành công chương trình đòi lại tài sản dựa vào sự giúp sức của luật pháp và hệ thống chính trị Hoa Kỳ.
Thứ ba, tổ chức khởi xướng chương trình, Ủy ban cứu người vượt biển là một tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong việc vận dụng luật pháp Hoa Kỳ để giúp đỡ các nạn nhân của chế độ cộng sản. Theo thông tin được đăng tải trên website (doitaisan.org), chúng ta được biết, BPSOS đã giúp đỡ và hỗ trợ cho 250 nạn nhân Việt Nam, nhà cầm quyền phải bồi thường 3,5 triệu đô la mỹ cho họ trong vụ việc ở America Samoa, lãnh thổ tự trị của Hoa Kỳ (khởi kiện và tuyên án 1999 - 2003). Không những vậy, chúng ta được biết, BPSOS đã thuê hai hãng luật rất có uy tín, kinh nghiệm trong chương trình đòi lại tài sản cho công dân Mỹ gốc Việt này.
Thứ tư, nghiên cứu kỹ chương trình đòi lại tài sản, chúng ta có thể thấy rằng, song song với các giải pháp khởi kiện, đòi tài sản qua con đường giải quyết hành chính, thì BPSOS có các cuộc vận động chính trị nhằm hỗ trợ cho chương trình. Đó là các chương trình: vận động cắt viện trợ, chặn chương trình vay vốn quốc tế của Việt Nam; đẩy lùi nỗ lực của Việt Nam xin đặc quyền mậu dịch; đánh chặn nỗ lực đi cửa sau của Việt Nam để thu hút mậu dịch và đầu tư; lôi cuốn sự chú ý của những doanh nhân và nhà đầu tư Hoa Kỳ. Như vậy, ngoài vấn đề pháp lý, vận động hành lang thì BPSOS còn có các hoạt động chính trị để hỗ trợ cho chương trình. Điều này càng làm tăng khả năng thành công của chương trình đòi tài sản mà BPSOS đang thực hiện.
Những cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Chương trình đòi lại tài sản thực sự là một hướng đi rất đúng và hay trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện đang bị dồn ép từ mọi phía, mọi phương diện và hầu như không còn khả năng để duy trì độc quyền lãnh đạo được nữa. Chúng ta hãy ủng hộ và chung tay góp sức cho chương trình, hi vọng những nạn nhân của chế độ, không chỉ ở Hoa Kỳ đòi lại tài sản mà ngay cả ở Việt Nam cũng sẽ đòi được tài sản và quyền làm người của mình./.
(hết)
Hà Nội, ngày 28/9/2017
N.V.B
Bài bình luận gần đây