You are here

Những nghi vấn việc Trịnh Xuân Thanh bị "bắt cóc" ở Berlin?

Trong bài viết "Vở kịch Trịnh Xuân Thanh: Đòn độc của Nguyễn Tấn Dũng" (http://bit.ly/2fjiahJ) tôi có viết rằng: "Tại sao Trịnh Xuân Thanh bị truy nã đỏ của interpol và thường những kẻ bị truy nã như thế họ phải lặn mất tăm, không để lại bất cứ dấu vết gì để công an có thể truy tìm họ. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn khác người, cho dù bị truy nã với một tội danh có thể đối mặt với bản án tử hình song Trịnh Xuân Thanh vẫn "vô tư" công khai công bố các thông tin của mình thông qua blogger Người Buôn Gió. Điều đó cho thấy việc Thanh đi rồi Thanh về cũng chỉ là một màn kịch khá công phu của một đạo diễn đại tài." và tôi cũng đã hứa rằng,  sẽ viết rõ ở bài sau.

Tin giờ chót, truyền thông Đức cho biết, vụ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc bởi tình báo Việt Nam đã có nhiều hệ lụy trên nhiều bình diện khác nhau cho các quan hệ Đức-Việt. Việc trục xuất tùy viên quân sự làm tình báo đã làm cho tình hình càng tăng thêm căng thẳng và bây giờ thì việc hợp tác của hai nước cũng đang đứng trước một thời kỳ khó khăn. Theo đó, Chính phủ CHLB Đức đang xem xét bảo lưu việc ngưng chi trả các khoản tiền viện trợ cho Việt Nam.

Tựu chung, mấu cht vấn đề là ở chô như phân tích của nhà báo Nguyễn Huy Vũ trong bài viết "Tại sao Đức phản đối vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?" đã cho rằng, lý do mà phía Đức phản đối một cách mạnh mẽ và dứt khoát. là vì: "Thứ nhất nó phá vỡ đi uy tín an ninh của nước Đức. Nước Đức chỉ trong một chốc lát đã trở nên là một nước thiếu an ninh. Một uy tín như vậy có thể sẽ rất lâu để nước Đức có thể gầy dựng lại và nó sẽ đi vào lịch sử của nước Đức, đó là một nhóm người nước ngoài có tổ chức vào Đức bắt cóc cư dân của mình và đưa khỏi Đức mà cơ quan an ninh Đức không biết. Thứ hai, việc bắt cóc nó cho thấy ở một khía cạnh nào đó, luật rừng và hành động mafia đang diễn ra ở Đức, vô hiệu hóa hệ thống pháp luật của Đức. Các tổ chức tình báo và chi nhánh đang hoạt động một cách không có kiểm soát trên lãnh thổ Đức. Cả hai điều này tạo ra những ảnh hưởng lan tỏa nghiêm trọng khác cả về mặt an ninh, uy tín, và kinh tế cho nước Đức." Đó là chưa kể đến chuyện ngay khi Trịnh Xuân Thanh bị "bắt cóc" ở Berlin, người ta thấy blogger NBG lập tức xuất hiện ở Bangkok để tránh sự đe dọa từ kẻ côn đồ Nguyễn Lam Sơn, một tay anh chị ở Đức?

Nói một cách rõ nghĩa đó là: nhân viên an ninh Việt Nam ngang nhiên chà đạp thô bạo luật phát nước Đức, bắt người như giữa chốn không người. Một điều cực kỳ vô lý trong một quốc gia pháp trị như CHLB Đức, hơn nữa đó là vấn đề danh dự quốc gia.

Điều này cũng trùng khớp như trước đây ít lâu, tin từ blogger Người Buôn Gió cho biết ông Lê Trung Khoa chủ bút thoibao.de bị ông Nguyễn Lam Sơn, một tay anh chị ở Đức đòi dẫn nhà báo Lê Trung Khoa đi ăn tiết canh ngan. Việc đó đã được ông Người Buôn Gió viết như sau: "Tiết canh ngan là món ăn không được phép bán tại Đức, nếu có làm tại nhà bị phát hiện cũng rất phiền toái, hàng xóm không thể để yên cho nhà bạn cắt tiết, vặt lông dù bạn làm trong nhà bạn. Cho nên nói về đúng nghĩa đen thì chuyện Nguyễn Lam Sơn, một tay anh chị ở Đức đòi dẫn nhà báo Lê Trung Khoa đi ăn tiết canh ngan là chuyện không thể xảy ra, hơn nữa nhà báo Lê Trung Khoa không hạ mình nhận lời mời ăn uống của tên côn đồ, xã hội đen đã gây bao nhiêu nỗi sợ hãi cho kiều bào Việt sống ở Đức.".

Đọc những thông tin như thế bản thân tôi một người sống ngoài CHLB Đức cũng phải nghĩ rằng, ở CHLB Đức sự an toàn cho người dân không được đảm bảo. Dù tôi tin chắc chắn rằng, mọi thứ ở Đức đều phải tuân theo luật pháp ở mức cao, trên cơ sở công bằng, công chính và có tình người. Chứ không phải CHLB Đức là một quốc gia dung túng cho các tội phạm, như các nhân vật người Việt này cố gắng vẽ ra cho mọi người hiểu sai đi.

Trịnh Xuân Thanh bị truy nã đỏ của interpol thì ai cũng biết, thường những kẻ bị truy nã như thế họ phải lặn mất tăm, nằm im trong tổ kén không để lại bất cứ dấu vết gì để công an Việt Nam có thể truy tìm họ. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn khác người, cho dù bị truy nã với một tội danh có thể đối mặt với bản án tử hình như hầu như Trịnh Xuân Thanh không hề sợ hãi. Những người Việt sống ở Đức cho biết họ thỉnh thoảng vẫn gặp Trịnh Xuân Thanh tại các khách sạn, nhà hàng... nơi có đông người Việt qua lại. Cụ thể đêm trước khi bị bắt, Trịnh Xuân Thanh vẫn ngủ tại một khách sạn ở Berlin đối diện với công viên Tiergarten nơi xảy ra việc bắt cóc đối với ông này.

Cũng có người cho rằng vì xưa nay Trịnh Xuân Thanh là một kẻ ngông nghênh để giải thích, tuy nhiên có một điều chắc chắn là không ai dại gì ngông nghênh hay thể hiện để đổi lấy cái chết. Nguyên nhân Trịnh Xuân Thanh vẫn công khai công bố các thông tin của mình thông qua blogger Người Buôn Gió với mục đích lãng xẹt là muốn minh oan (!?). Trong lúc các vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh là phổ biến đối với hầu hết các quan chức Việt Nam và lại người ta chọn Trịnh Xuân Thanh làm ngòi nổ cho việc hạ bệ một thế lực chính trị là đối thủ trong một xã hội vắng bóng công lý thì ai cũng rõ làm gì có chuyện đúng sai? Ngoài ra, tin tức cho biết trong những ngày trốn truy nã ở Đức, Trịnh Xuân Thanh sinh hoạt như một người bình thường. Do vậy việc Trịnh Xuân Thanh tự công khai nơi ẩn nấp của mình chỉ có thể là kế "dương đông, kích tây", với mục đích trêu ngươi.

Đáng chú ý là sự xuất hiện của blogger NBG được an ninh Việt Nam cho phép sang CHLB Đức làm "phản động" và rồi gắn liền với sự kiện Trịnh Xuân Thanh. Ngay từ tháng 3/2017 blogger Mai Tú Ân đã sớm phát hiện ra rằng, "Còn về việc Trịnh Xuân Thanh chọn Người Buôn Gió chứ không phải các đài VOA, BBC hay RFA…(để lên tiếng - TG) là vì y còn muốn “chừa lối về chứ không cắt đứt hẳn”. Bởi lẽ, nếu Trịnh Xuân Thanh bắt tay với các đài phản động như VOA, RFA hay BBC thì đồng nghĩa với việc y là kẻ phản bội đất nước, không thể quay về." (http://bit.ly/2hzoJgR).

Cũng cần nói thêm về tờ báo mạng tiếng Việt thoibao.de của ông Lê Trung Khoa, được biết đây là một tờ báo tại Đức nằm trong quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện Nghị quyết 36 đồng thời có sự liên hệ chặt chẽ với chính quyền Việt Nam. Cụ thể là tờ báo này một thời đã từng hợp tác với báo VietNamNet mà cơ quản chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên mạng vẫn tồn tại rất nhiều hình ảnh ông Lê Trung Khoa (nghe nói là người nhà của cựu Tổng BT Lê Khả Phiêu) chụp chung với các lãnh đạo Việt Nam khi sang thăm CHLB Đức. Vậy mà gần đây, trong chuyến đến Đức dự hội nghị G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5/2017) thì thoibao.de là tự nhiên "dở chứng" đưa một số thông tin thất thiệt. Điều mà người ta cho rằng để chuẩn bị mở đường cho việc đưa tin việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Và quả nhiên thoibao.de là trang báo duy nhất đầu tiên đưa tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, trước cả nhật báo Taz của Đức. Cho đến nay thoibao.de vẫn đang tìm mọi cách để thổi bùng vụ việc khủng hoảng này.

Theo blogger NBG cho biết, cô Đỗ Minh Phương người phụ nữ được cho là "chim mồi" dụ bắt Trịnh Xuân Thanh. Được biết cô Đỗ Minh Phương từng tốt nghiệp học viện ngoại giao hiện đang công tác tại Vụ Quan hệ Quốc tế Bộ Công Thương và là cháu của Thiếu tướng CA Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CA HP. Mà ai cũng biết rằng, tướng CA Đỗ Hữu Ca là đàn em thân tính của Thứ trưởng CA Nguyễn Văn Thành một tay chân thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đừng quên rằng Hải phòng là cứ điểm hàng đầu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Dũng nhiều năm là ĐBQH ở thành phố Cảng này.

Nói như thế để thấy cái mắt xích NBG -TXT- thoibao.de rồi đến việc Bộ Công An Việt Nam chủ động công bố thông tin ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú - một việc hoàn toàn không cần thiết. Điều đó cho thấy, vụ việc "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh đưa về về Việt Nam có cái gì đấy rất logic, bài bản khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi.

Điều đó cho thấy, ngay từ khi người ta bố trí cho Trịnh Xuân Thanh đưa gia đình đi sang Đức định cư - hợp pháp và thông qua blogger NBG để lên tiếng tố cáo Tổng Bí thư Trọng. Rồi chuyện bị người của Tổng Cục 5 hớt tay trên của TC2 tình báo Quân đội trong việc dàn dựng vụ "bắt cóc" đưa về về Việt Nam, rồi sau đó chủ động công khai thông tin. Với mục đích tạo khủng hoảng về mặt ngoại giao như chúng ta đã thấy như hiện nay, với mục đích để tạo sức ép với ông Tổng BT Trọng.

Người ta cho rằng, việc bằng mọi giá bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlinh đưa về Việt Nam thực tế chỉ giải quyết vấn đề sĩ diện cho Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, nhằm nâng cao uy tín cho ông này để có thể mạnh tay hơn trong chiến dịch thanh trừng nội bộ. Vì thế nhân vật Trịnh Xuân Thanh đã được phe cánh của ông Ba Dũng đã dàn dựng chuẩn bị cho một vở kịch và là một đòn độc (http://bit.ly/2fjiahJ), đồng thời là một cái bẫy dùng để cứu nguy cho thế lực chính trị của ông ta trong tình huống xấu nhất nếu xảy ra.

Điều này cho thấy đây chắc chắn không thể là sự tình cờ và hình như tất cả cho thấy hình như đã có một sự sắp đặt theo một kịch bản rất hoàn hảo đã được soạn sẵn.

Ngày 08 tháng 08 năm 2017

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA