"Mưa rơi đừng trèo cổ thụ, đất loạn đừng đi lang thang" - Ngạn ngữ dân tộc Tày
Gần đây trong một bài viết của tôi (goo.gl/Tz72ke) có nhắc tới bài viết có tựa đề "Đã đến lúc Cách Mạng Dân Chủ xảy ra" (goo.gl/ahFL6a) của TS. Lê Minh Nguyên đăng trên trang Dân Làm Báo, về phân tích và nhận định của tác giả cho rằng: "Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ. Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hóa chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích lũy các mâu thuẫn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham...". Trong bài viết đó, tôi đã có đánh giá cho rằng, nhận định trên là hoàn toàn thiếu cơ sở nếu không nói là hoang tưởng.
Trong bài viết lần này tôi không muốn nói tới việc với bản án sơ thẩm 10 năm dành cho blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Dù rằng có thể nói, đó là một sự thách thức ngang nhiên của Hà Nội đối với phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Cùng với các phản ứng mang tính chiếu lệ, có chăng chỉ duy nhất là từ CHLB Đức nhưng rồi họ vẫn tiếp đón trọng thị Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Điều đó cho thấy phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng hình như cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần ở họ. Còn sự lên tiếng của các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế nói chungnhư: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch (HRW), Phóng viên không biên giới ... thì lâu nay hầu như chẳng có ý nghĩa gì đồi với nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là một sự thực không thể chối bỏ.
Tôi cũng không muốn nhắc lại, điều tác giả Lê Minh Nguyên xác quyết khi khẳng định rằng: "Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ.". Vì điều này trong bài viết "Lạm bàn về Phong trào và cách mạng Dân chủ", tôi đã không ngần ngại nói thẳng thắn rằng: "Một ly nước đang nửa vơi có thể biến thành đầy, chứ một cái ly đã úp ngược thì xin đừng bàn đến chuyện hy vọng trong cái cốc ấy sẽ có đầy nước ngay. Phong trào dân chủ ở Việt Nam cả trong và ngoài nước đang ở trong tình trạng như vậy, xin đừng vội bàn đến chuyện cách mạng dân chủ.". Với mong muốn cho những người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam bớt huyễn hoặc hoặc mơ màng để có suy nghĩ thực tế cho hành động.
Thực tế đã chứng minh cho thấy, biết bao các giọt nước "tràn ly" theo kiểu nói của TS. Lê Minh Nguyên, như các ông bà: Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Ba Sàm v.v... rồi cuối cùng là đến blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng có thấy cái cốc nước một nửa (như lời tác giả) có sóng sánh đâu? Chắc cũng vì không có hiệu ứng đó, nên gần đây TS. Lê Minh Nguyên lại có bài viết "lên gân" với tựa đề "Chuyện Trung Tướng Võ Văn Liêm cho thấy VN cần cách mạng dân chủ" (goo.gl/9BCWUK).
Nhắc đến bài viết này, không có ý muốn chỉ ra sự bế tắc của tác giả, song vì tác giả Lê Minh Nguyên có nhắc đến cá nhân tôi trong bài viết "Chuyện Trung Tướng Võ Văn Liêm cho thấy VN cần cách mạng dân chủ" (goo.gl/9BCWUK) khi cho rằng "Kami trên RFA cho rằng cách mạng dân chủ sẽ xảy ra ở VN là một “nhận định… hoàn toàn thiếu cơ sở nếu không nói là hoang tưởng” vì không có lãnh đạo như bà Aung San Suu Kyi và tổ chức đối lập quy mô như Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà ở Miến Điện. Nhận xét của Kami có phần đúng nhưng không thể phổ quát áp dụng, mỗi nước có những đặc thù, và ngay cả để qua một bên những đặc thù thì nó cũng không thể là công thức, vì nhìn Liên Sô và Đông Âu, tại sao các nước này đổ như dominos dù nhiều nước không có các yếu tố như Kami chỉ ra?". Và "Phong trào cách mạng mùa Xuân 2011 đưa đến sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài, và điểm nổi bật là nó không có các yếu tố như Kami chỉ ra là lãnh tụ tầm cỡ và đối lực tương xứng. Cái mà Kami muốn hướng tới là những thứ mà phía dân chủ VN không có hay chưa có, để Kami dẹp tan ý định cách mạng dân chủ, bảo vệ chế độ hiện hành. Lãnh tụ là do tranh đấu mà ra, và có tranh đấu là có lãnh tụ, lãnh tụ thì cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định cho cách mạng dân chủ xảy ra.".
Tôi không hề bận tâm đến cái kiểu cách "bỏ bóng đá người" của TS. Lê Minh Nguyên, khi viết rằng: "Cái mà Kami muốn hướng tới là những thứ mà phía dân chủ VN không có hay chưa có, để Kami dẹp tan ý định cách mạng dân chủ, bảo vệ chế độ hiện hành." Chỉ đơn giản vì giữa những người ngang sức ngang tài, khi tranh luận đàng hoàng thì họ không bao giờ dùng tới các hành động không fair play tương tự.
Những người hoạt động chính trị cần phải ý thức được luận điểm: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” của triết gia Heraclitus, có, nghĩa là mọi sự vật trong thế giới của chúng ta luôn luôn thay đổi, vận động, phát triển không ngừng và khó có sự tái lặp lại. Việc TS Lê Minh Nguyên có nhận định như trên đã cho thấy tác giả phạm phải một sai lầm trầm trọng về sự máy móc trong tư duy. Đáng tiếc, tác giả TS. Lê Minh Nguyên đã quên mất đoạn cuối của bài (goo.gl/Tz72ke) vừa nêu của tôi đã chỉ ra rất rõ vai trò của vấn đề tổ chức rằng: "Mỗi cá nhân hãy bắt đầu bằng sự biết hy sinh cho lý tưởng của mình, các tổ chức cần được hình thành với việc tổ chức có bài bản theo hướng các tổ chức XHDS. Cần trẻ hóa thành phần trụ cột, đào thải mấy ông già cũ kỹ ngay lập tức, vì nhận thức của họ đã quá trì trệ, đến nay họ vẫn sử dụng tư duy đấu tranh của thế kỷ 20 thì khó có thể để cho họ tồn tại. Quan trọng hơn là tất cả phải nhận thức được rằng "Cách mạng là sự nghiệp của quân chúng", điều đó được thể hiện qua - trong mỗi lời nói cũng như hành động của mình.".
Chính vì thế nên TS. Lê Minh Nguyên lại càng sai lầm khi cho rằng ""Phong trào cách mạng mùa Xuân 2011 đưa đến sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài, và điểm nổi bật là nó không có các yếu tố như Kami chỉ ra là lãnh tụ tầm cỡ và đối lực tương xứng.". Điều này đã cho thấy, TS. Lê Minh Nguyên đã quên mất hay không biết đến phong trào thanh niên Otpor, hay còn gọi là ”Phản kháng”, với biểu tượng bàn tay nắm chặt – thể hiện quyết tâm hướng tới bầu cử tự do và nền dân chủ non trẻ của Serbia. Mà Srdja Popovic là một trong những lãnh tụ của phong trào này. Năm 2004, Popovic rời bỏ chính trị để sáng lập ra Trung tâm Chiến lược Ứng dụng Bất bạo động (CANVAS), ở Belgrade. Đây là một tổ chức đào tạo các nhà hoạt động tại hàng chục quốc gia trên thế giới trong đó có cả Việt Nam cũng đã tham gia. Trong đó có những người đã làm làm nên thành công trong phong trào dân chủ tại Gruzia, Ukraina, và Maldives cho đến cuộc đấu tranh tại Miến Điện và Iran. (Nguồn: goo.gl/zYtAwz)
Trong các cuộc cách mạng chính trị sử dụng bằng bạo lực hay bất bạo lực thì 3 yếu tố Thiên, Địa, Nhân là tối quan trọng, nhưng yếu tố Nhân bao gồm quần chúng cách mạng và người lãnh đạo đóng vai trò quyết định. Song vấn đề tổ chức có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi, tính tổ chức càng cao, rộng lớn và càng chặt chẽ sẽ giúp cho sự thành công. Đừng quên rằng, "Tiến bộ dân chủ đích thực không phải là việc hạ giới trí thức xuống ngang hàng với quần chúng, mà sẽ phải là nâng quần chúng lên bằng tri thức.". Người làm chính trị giỏi sẽ không bao giờ hy vọng vào những cuộc cách mạng mang tính "sung rụng" ngược đời như thế. Vì nếu như có sẽ dẫn đến tình trạng "Kẻ nhỏ làm tôi tớ cho kẻ lớn; kẻ yếu làm tôi tớ cho kẻ mạnh.", thay vì "Người có đức nhỏ làm tôi người có đức lớn; người hiền nhỏ làm tôi cho người hiền lớn" như lời của Mạnh Tử.
Nhận định cuối bài viết của TS. Lê Minh Nguyên khi cho rằng: "Khi mà sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi mà ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được, khi mà ý dân đã ngùn ngụt lên cao để trở thành ý trời, đó là lúc cách mạng dân chủ xảy ra." là điều tất yếu và hoàn toàn chính xác. Nhưng vấn đề thời điểm đó sẽ xảy ra vào lúc nào mới là quan trọng? Song chắc chắn cái đó không bao giờ là vào thời điểm hiện tại, khi xảy ra các sự kiện xét xử blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay hành động của Trung Tướng Võ Văn Liêm.
Nói về tính cách của người phương Đông nói chung, bài "Kích nhưỡng ca" cho rằng: "Mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi; Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn; Quyền lực của nhà vua cần chi cho ta đâu.". Có nghĩa rằng, chuyện chính trị thì những người dân bình thường họ đâu có màng đến, huống chi trong hoàn cảnh không có ai lôi kéo hoặc xúi dục họ.
Tại thời điểm hiện nay khi số lượng những người bất bình trước thực trạng xã hội tăng lên là điều có thật, song đó chưa phải là sự bất mãn chứ đừng nói đến việc có ý chí phản loạn cũng chỉ là một số rất nhỏ (dân oan). Tuy vậy, khi đặt lên bàn cân giữa sự thay đổi - cách mạng và cuộc sống hiện tại thì có thể có tới 90% dân chúng lựa chọn cuộc sống của họ như hiện nay, cho dù cuộc sống còn vô vàn những điều bất cập. Đặc biệt là tầng lớp trung lưu.
Người làm chính trị phải thận trọng hơn nhiều lần một nhà báo, trong việc nhận định hay đánh giá tình hình. Hơn ai hết họ phải biết lùi lại để nhìn nhận được bức tranh toàn cảnh, để có đánh giá chính xác thực trạng chính trị, kinh tế xã hội... đặc biệt là lòng dân trong nước và tuyệt đối không được đánh giá chủ quan. Không thể chỉ căn cứ vào các thông tin hạn hẹp, một chiều từ các bạn bè hay các nhóm nhỏ có cùng quan điểm với mình trên mạng xã hội, để làm cơ sở đánh giá toàn cảnh, rồi đưa ra các quyết định đầy cảm tính để đưa người ta vào chỗ chết.
Vậy xin hỏi, khi các tình thế như "Đã đến lúc Cách Mạng Dân Chủ xảy ra", rồi lại "Chuyện Trung Tướng Võ Văn Liêm cho thấy VN cần cách mạng dân chủ" thì tiếp tới sẽ là gì thêm nữa thưa TS. Lê Minh Nguyên?
Ngày 22 tháng 07 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây