Từ "biệt phủ" có lẽ là một từ hoàn toàn mới, vì đến nay nó không có trong từ điển tiếng Việt, kể cả từ điển Hán Nôm. Tuy vậy gần đây từ biệt phủ được báo chí Việt Nam sử dụng một cách rộng rãi để chỉ các dinh cơ đồ sộ của các quan chức ở Việt Nam ở các địa phương. Những biệt phủ đó có chung sự giống nhau về sự "hoành tráng", nguồn gốc tiền xây dựng. Đáng buồn nhất là những biệt phủ thường xuất hiện ở các tỉnh nghèo, dân không đủ ăn cũng là nơi mà nhà nước thường xuyên phải cứu trợ.
Trong thời gian gần đây, chuyện về các biệt phủ khủng của các quan chức đã được xuất hiện dầy đặc với tần xuất lớn trên các mắt báo chí chính thống của nhà nước. Cụ thể là ở tỉnh Yên Bái của các ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường, ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh với giá trị đầu tư tới hàng triệu USD và loại nhỏ hơn là các dinh thự nguy nga bề thế của ông Vũ Xuân Sáng – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái... Nhưng xem ra những biệt phủ vừa nêu, nếu so với biệt phủ của ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La mà trên mạng xã hội vừa phanh phui kèm theo hình ảnh thì chỉ là con muỗi. Nghĩa là hiện tượng các biệt phủ nguy nga không chỉ là hiện tượng cá biệt của Yên Bái, mà là tình trạng chung ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Điều đó cho thấy, quan chức ở Việt Nam bây giờ không chỉ giàu có mà còn là siêu giàu. Điều đó khiến người ta đặt câu hỏi, cán bộ cộng sản thời bây giờ còn là đầy tớ của dân nữa như ông gì nói hay không?
Điều khá tức cười là nguồn gốc của các tài sản khổng lồ ấy theo giải thích của Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, phó chánh thanh tra Bộ Công an, khi nói về những bất cập của việc kê khai tài sản hiện nay đã cho rằng: "Nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản có từ... 'nuôi lợn'". (!?) Điều này đã cho thấy sự coi thường, thậm chí là khinh dân của các quan chức cỡ cấp tỉnh ở Việt Nam. Có lẽ họ không nhận thức được rằng, chỉ một người dân bình thường khi so sánh thu nhập hàng tháng của họ với những khối tài sản không lồ đó, thì chắc chắn có được từ tham nhũng.
Vậy tại sao, các ban ngành kiểm tra, thanh tra, công an, tư pháp lại không phát hiện và xử lý được trong lúc việc kê khai thu nhập của các quan chức nhà nước là điều bắt buộc họ phải thực hiện đầy đủ hàng năm.
Trước đây vài năm từng có vụ biệt thự của ông Trần Văn Truyền - nguyên tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã từng ầm ĩ. Nếu bây giờ so dinh thự của ông Truyền thì không bằng một góc của các quan chức cấp tỉnh vùng sâu, vùng xa. Khi đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá cho rằng: “Với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội”. Nghĩa là đảng cầm quyền biết mối nguy hại của việc quan chức giàu có là như vậy, song mọi việc sẽ đâu lại vào đó, giống như ta ném đá ao bèo. Với thể chế chính trị như hiện nay, dẫu họ có muốn diệt trừ cũng không thể giải quyết được, có chăng chỉ là một vài con dê tế thần hoặc các đối tượng thuộc phe nhóm khác.
Vấn đề ở đây là tình trạng dột từ nóc dột xuống, các quan chức cao cấp nhất không được xử lý nghiêm minh thì làm sao xử lý được cấp dưới? Hẳn ai cũng còn nhớ căn phòng khách nội thất xa hoa, sơn son thếp vàng nhưng quá rởm đời thể hiện thị hiếu thấp hèn lại xuất hiện trong biệt thự của người đứng đầu Đảng CSVN là cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Hình ảnh đó chẳng khác gì chuyện trước đây, truyền thông đã từng tốn nhiều giấy mực cho một gia đình siêu giàu ở tỉnh lẻ khi tổ chức đám cưới cho con thì bà mẹ chồng tặng vàng cho cô dâu nhiều đến mức đeo trĩu cổ. Tất cả không ngoài mục đích để khoe của của lũ trọc phú vô học. Tình trạng xuất hiện các biệt phủ của các quan chức hiện nay cũng có thể hiểu tương tự như vậy. Họ bất chấp tất cả, thay vì các quan tham biết nhịn nhục "nín thở qua sông", chờ đến khi hạ cánh an toàn khi đó rồi hãy sử dụng số tài sản có được do tham nhũng dưới mọi hình thức. Như ông Trần Văn Truyền - nguyên tổng Thanh tra Chính phủ chẳng hạn, song bọn họ không kiềm chế được tính huênh hoang, thích khoe giàu vả lại họ nghĩ rằng với tiền sẵn có trong tay họ có thể mua được những người có trách nhiệm ở mọi cấp.
Đây là hệ quả của việc người ta giàu có một cách quá nhanh chóng, quá dễ dàng mà không phải nhờ năng lực, của những kẻ có học vấn thấp hoặc ít học. Bọn quan chức bây giờ với các tấm bằng tại chức cử nhân, thạc sĩ thậm chí cả tiến sĩ nhưng chỉ học cho lấy lệ, chủ yếu là mua điểm, mua bằng mà có. Nhưng kiến thức chỉ nhỉnh hơn những người mù chữ mà ta thường thấy. Có người đã mỉa mai chua xót rằng: "Những người ấy giàu quá nhanh, đến mức văn hóa, đạo đức không trưởng thành bằng đồng tiền họ kiếm được." Chủ nhân của các căn biệt phủ, biệt thự ở Việt Nam bây giờ đa phần là những người như vậy. Phải chăng đó là kết quả của các cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "coi trọng hồng, không cần chuyên" của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam gần đây nay đã đến lúc bộc lộ.
Một câu hỏi được đặt ra là, nguyên nhân góc rễ của vấn đề này là do đâu?
Rất dễ để có câu trả lời là, đây là hậu quả của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN do một đảng chính trị độc quyền lãnh đạo. Mà ở đó, mọi cơ chế giám sát để điều chỉnh quyền lực bị vô hiệu hóa, bị tê liệt vì bị các lệnh miệng từ trên xuống hoặc chính các cá nhân chịu trách nhiệm về việc này bị mua bằng đồng tiền. Như ông Trần Văn Truyền - nguyên tổng Thanh tra Chính phủ là một ví dụ.
Quan trọng hơn là hệ thống báo chí vốn được coi là cơ quan quyền lực thứ tư, có trách nhiệm giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước và phanh phui các vụ tham nhũng lại thuộc về độc quyền của nhà nước đã bị định hướng. Hiện tượng các bài báo, các phóng sự điều tra động chạm đến các nhóm, các cá nhân thường xuyên bị hạ xuống đã cho thấy sự bất lực của hệ thống báo chí thiếu tự do không còn sức chiến đấu. Cuối cùng là, các hồ sơ kê khai tài sản của các cán bộ các cấp - đầy tớ của nhân dân lại được coi là bí mật quốc gia. Đây là điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam, trong khi ở các quốc gia khác, mỗi năm một lần các hồ sơ về tài sản của các quan chức giữ các trọng trách từ thứ trưởng hoặc tương đương trở lên được niêm yết công khai tại trụ sở Quốc hội cho báo chí và mọi người được biết. Tại sao một việc công khai dễ dàng như thế mà họ không chịu làm?
Điều đó đã cho thấy sự dung túng cho tham nhũng một cách có hệ thống, đó là việc phủ nhận việc chống tham nhũng - đánh Chuột để giữ lấy bình.
Sau hội nghị Trung ương 5 vừa qua, đảng CSVN tiến hành việc kiểm tra kê khai tài sản của 1.000 cán bộ lãnh đạo cao cấp. Để rồi xem Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giải quyết được vấn đề này đến đâu, hay ông Trọng chỉ nói cho lấy lệ?
Ngày 09 tháng 07 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây