Vụ việc nhà báo Lê Duy Phong, trưởng Ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam bị công an tỉnh Yên Bái bắt giữ tại một nhà hàng ở Thành phố Yên Bái với cáo buộc nhận tiền hối lộ. Đáng chú ý, nhà báo Lê Duy Phong là tác giả của loạt bài báo chống tham nhũng về dinh thự khủng của ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường và là em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Theo ông Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết nhà báo Duy Phong là người trực tiếp điều tra và viết bài về một số vụ việc “nóng” tại Yên Bái trong thời gian vừa qua. Điều đó đã khiến nhiều người nghĩ rằng nhà báo Lê Duy Phong, trưởng Ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam bị oan.
Ngày 28/6/2017, Bộ Công an họp báo cung cấp thông tin về vụ Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt, nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng ông Lê Duy Phong đã không chỉ nhận tiền 50 triệu đồng từ chủ Doanh nghiệp tên là Thực ở Yên Bái hôm đó, mà trước đó - ngày 16/6 ông Phong cũng đã nhận của ông Vũ Xuân Sáng – Giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái 200 triệu đồng để bỏ qua các sai phạm và không viết bài. Điều này hoàn toàn trùng hợp với thông tin đầu tiên từ báo Tuổi trẻ ngày 23/6/2017 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái đã bắt quả tang Lê Duy Phong 32 tuổi, là trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam và sự việc xảy ra tại nhà hàng ăn uống Oanh Hiện - tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái. Lý do bị bắt, theo cơ quan công an, là vì phóng viên Lê Duy Phong đã có hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để chiếm đoạt tài sản. Tại đây, khi bắt quả tang cơ quan điều tra xác định số tiền thu được trên bàn ăn và số tiền trong người ông Phong là 50 triệu đồng và tại cơ quan công an, ông Phong khai nhận trước đó có nhận tiền của một số cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng trăm triệu đồng để bỏ qua các sai phạm và không viết bài.
Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tại cuộc họp báo nói trên đã cho biết, căn cứ báo cáo của Công an Yên Bái, ngày 16/6, ông Lê Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, tại đây Lê Duy Phong đã nêu một số vi phạm của Sở này. Đồng thời, Lê Duy Phong đã cung cấp một số thông tin để yêu cầu ông Sáng chuyển 200 triệu đồng. Tại thời điểm đó, ông Vũ Xuân Sáng không có đủ tiền nên chuyển cho Phong 100 triệu đồng, và đến chiều đã chuyển tiếp 100 triệu đồng cho ông Lê Duy Phong. Ngày 22/6, khi bị phát hiện và bắt giữ, nhà báo Lê Duy Phong đã thừa nhận việc nhận tiền ngày 16/6/2017 từ ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái.
Trong chuyến đi lên Yên Bái vầ bị bắt lần này, nhà báo Lê Duy Phong đã không đi với mục đích tác nghiệp lấy thông tin để viết bài, vì theo như bản tường trình của nhân chứng cho biết, ông Phong đến Yên Bái cùng bạn gái (không phải vợ) và sẽ trở về Hà Nội ngay để hôm sau đi nghỉ mát cùng cơ quan. Ngày 23/6, ông Lê Duy Phong được Đỗ Viết Công bạn học cũ, hiện công tác tại Đài Truyền hình Yên Bái mời ăn cơm. Bữa cơm có ông Thực là công an về hưu, hiện kinh doanh vận tải giống như em trai của ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái (!?). Trong bản tường trình của người bạn đi cùng ông Lê Duy Phong, thì trong bữa ăn trưa, ông Lê Duy Phong và mọi người chỉ nói chuyện vui đùa, không bàn công việc. Sau đó, một người đàn ông tên Thực cố dúi tiền 50 triệu cho nhà báo Lê Duy Phong. Khi tiền đã nằm gọn trong túi nhà báo Lê Duy Phong thì công an ập vào, bắt giữ và lập biên bản.
Với thực trạng đa số các nhà báo ở Việt Nam lợi dụng danh nghĩa nhà báo để công bố hay không công bố các thông tin bất lợi nhằm lấy tiền từ các doanh nghiệp hay cá nhân là chuyện hết sức phổ biến. Mà nghề công an thì họ "trọng chứng hơn trọng cung". Người xưa có câu "Qua ruộng dưa chớ buộc dây giày", chẳng lẽ nhà báo Lê Duy Phong là người trực tiếp điều tra và viết bài về một số vụ việc “nóng” tại Yên Bái trong thời gian vừa qua lại không ý thức được điều đó. Để rồi cùng ngồi ăn nhậu và nhận 50 triệu từ tay một chủ Doanh nghiệp mới quen lần đầu, vì lý do say rượu nên số tiền lớn đó đã nằm gọn trong túi của mình. Thì cũng khó bao biện nổi
Ban đầu thông tin trên mạng với các tình tiết dường như nhà báo Lê Duy Phong đã bị một thế lực nào đó cố ý "gài bẫy" hòng nhằm để bịt miệng báo chí trong việc phanh phui khối tài sản khổng lồ của các quan chức tỉnh Yên Bái. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Bộ Chính trị đảng CSVN đang tiến hành rà soát kiểm tra kê khai tài sản của 1000 quan chức cấp cao và ngày 27/6, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra đột xuất về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc khối tài sản lớn gồm đất đai, dinh thự một số quan chức tỉnh Yên Bái.
Việc trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cung cấp thông tin cho biết, việc Công an Yên Bái bắt giữ nhà báo Lê Duy Phong, vì đã nhận hối lộ 200 triệu đồng của của ông Vũ Xuân Sáng – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái. Để đổi lại sẽ dừng đưa tin về một dinh thự nguy nga bề thế của ông Sáng tại đường Nguyễn Tất Thành, tổ 12, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái có điều gì không bình thường. Đây là điểm mới, khác với các thông tin các quan chức sở hữu dinh thự khủng trước đó cho biết, chỉ có ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường và ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an mà thôi.
Trong bối cảnh tình hình chính trị ở tỉnh Yên Bái hiện nay đang có những biến động bất thường, đã cho thấy việc tranh chấp giữa các phe phái trong nội bộ lãnh đạo tỉnh hết sức phức tạp và có biểu hiện mất kiểm soát. Sau cái chết đầy bí ẩn của tướng của tướng Lê Xuân Duy tư lệnh Quân khu 2, rồi đến cuộc thanh toán máu nhuộm Yên Bái, khi nghi phạm Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh dùng súng quân dụng sát hại ông Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái. Điều đó đã cho thấy mâu thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo tỉnh Yên Bái nói riêng và đảng CSVN đã trở thành mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn.
Với vị trí địa lý đặc biệt chỉ cách Hà nội 189 km của tỉnh Yên Bái, trấn giữ vị trị trọng yếu phía tây bắc thủ đô Hà Nội, lâu nay giới phân tích chính trị Việt Nam cho rằng, "Ai nắm được tỉnh Yên Bái sẽ giữ được ghế Tổng Bí thư". Vì thế vụ việc bắt nhà báo Lê Duy Phong có lẽ cũng cần được xem xét dưới góc độ tranh chấp quyền lực. Rất có thể đây là cuộc chiến giữa các phe phái trong đảng, trong đó nhà báo Lê Duy Phong được giao nhiệm vụ viết bài điều tra để đánh đối thủ chính trị của mình, chứ không đơn thuần là việc một phóng viên lợi dụng nghế báo để kiếm chác? Rủi cho ai đó, nhà báo Lê Duy Phong vẫn không bỏ được cái máu tham tiền.
Trước đây từng rộ tin đồn đoán cho rằng, Trung tướng Lê Xuân Duy tư lệnh Quân khu 2 và các ông ông Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái là những tay chân của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mà trong số đó ngoài bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và em trai; còn có cả ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cũng bị nằm trong tầm ngắm. Cũng như việc báo điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn "mang tiếng" thuộc phe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lâu nay, tờ báo này bằng các bài viết điều tra, chính luận... có tính mạnh mẽ với mục đích tấn công phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đàn em. Vì thế, các thông tin thiếu thiện chí đối với tỉnh Yên Bái gần đây đã được coi là, nhằm làm mất uy tín và dọn đường cho việc kiểm tra tài sản của các lãnh đạo của Tỉnh Yên Bái, để xóa sổ và thay máu bằng người thân tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc ngày 27/6/2017, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, tại cuộc họp giao ban báo chí trung ương, đề nghị Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo VN có ý kiến để Bộ Công an rút hồ sơ vụ án nhà báo Lê Duy Phong lên để điều tra cho đảm bảo tính khách quan đã cho thấy điều đó. Song Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng trước hết thẩm quyền điều tra là của Công an Yên Bái, nếu rút lên Bộ Công an phải trong trường hợp phải hết sức phức tạp. Nghĩa là Bộ Công An sẽ tiếp tục để cho Công An tỉnh Yên Bái - dưới sự chỉ đạo của ông Đặng Trần Chiêu – Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái một nghi can trong tầm ngắm của ông Nguyễn Phú Trọng lại trực tiếp xử lý vụ việc liên quan đến cá nhân mình. Động thái đó cũng là biểu hiện của việc che chắn và thiếu khách quan từ phía Bộ Công An.
Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, ý đồ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn sử dụng báo điện tử Giáo Dục Việt Nam để thổi bùng vụ việc ở tỉnh Yên Bái. Nhằm tạo sự chú ý của công luận với mục đích để hợp thức hóa việc sắp xử lý hàng loạt các quan chức tỉnh Yên Bái và thay bằng các tay chân thân tín của ông Trọng. Có lẽ đó là nguyên nhân sâu xa của các diễn biến phức tạp của Yên Bái hiện nay.
Trong cái ma trận thông tin hỗn độn thực giả lẫn lộn ấy, người dân càng không biết tin ai. Việc Đảng CSVN cố gắng bưng bít thông tin thì càng làm cho họ mất uy tin trầm trọng, dẫn đến việc báo chí nhà nước hết khả năng dẫn dắt dư luận. Chuyện cười ra nước mắt của làng báo Việt Nam bây giờ là: nói đúng, nói sai thì người dân đều không tin. Điều đó đã và đang dẫn đến một thảm họa như ta đã thấy qua vụ việc nhà báo Lê Duy Phong. Đó là khủng hoảng lòng tin.
Ngày 30 tháng 06 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây