Song Chi.
Trong chuyến công du đầu tiên của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, người ta nhìn thấy Trump rất vui vẻ khi ở Saudi Arabia. Trump bán vũ khí được hàng trăm triệu USD, Trump cúi đầu nhận “Highest Civilian Honest” (the King Abdulaziz al Saud Collar) từ tay Nhà Vua Saudi Arabia, Trump nhảy điệu múa kiếm, Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Bức tường than khóc…Nhưng khi qua châu Âu, gặp các lãnh đạo khối NATO, đồng minh của Mỹ, thì thái độ của Trump hoàn toàn khác, không thoải mái thân thiện mà ngược lại, hống hách, luôn tỏ ra mình là nhân vật quan trọng, là Tổng thống của một nước lớn!
Từ cú bắt tay kỳ quặc với Tổng thống Pháp, đẩy ông Dusko Markovic, lãnh đạo của quốc gia Montenegro qua một bên để chen đứng trước, đứng giữa, cho tới việc trong lúc tất cả các lãnh đạo khác đều đi bộ ở Sicily còn Trump thì ngồi trong một chiếc xe golf chạy theo họ, làm dấy lên câu hỏi lo ngại về sức khỏe của Trump, đặc biệt khi trước đó mới công du 2 ngày Trump đã than mệt!
Từ việc mắng mỏ các nước trong khối thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng góp ít ỏi, đòi họ phải đóng nhiều hơn nhưng lại không đưa ra lời bảo đảm về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các thành viên của khối theo “Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO”.
Như vậy sau gần 70 năm, ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên từ chối phát biểu cam kết công nhận thỏa thuận quốc phòng chung của khối, vốn nằm trong Hiệp ước Washington.
Ông Trump cũng bất đồng với châu Âu về nhiều vấn đề khác như vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu. Trong số 7 lãnh đạo chỉ có mình ông Trump là không chịu tái cam kết Hiệp định Khí hậu Paris (Paris climate agreement), mặc cho Tổng thống Pháp đã cảnh báo rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris tức là tạo chỗ trống cho Trung Quốc. Ngay lập tức, Ấn độ và Trung Quốc lên tiếng dù Mỹ có quyết định như thế nào, EU, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn cam kết với Thỏa ước Paris.
Và cũng ngay lập tức, phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử được tổ chức tại một lều bia ở Bavaria, Bà Angela Merkel đã đề nghị Đức và châu Âu không còn lệ thuộc vào Mỹ dưới thời Donald Trump. Thủ tướng Đức nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ, Anh và Nga, nhưng nói thêm: "Châu Âu chúng ta phải thực sự nắm lấy số phận của mình trong tay mình”. Bà Merkel nói rằng khi Liên minh phương Tây bị đe dọa bởi Tổng thống mới của Hoa Kỳ và Brexit, "thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào những người khác đã qua đi, như tôi đã trải qua trong vài ngày qua" (“Angela Merkel says German no longer rely on Donald Trump’s America: We Europeans must take our destiny into our hands”, Independent)
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa ký sắc lệnh lật ngược những chính sách thời Obama nhằm kìềm chế biến đổi khí hậu và theo trích dẫn từ Reuters, Trump đang đặt mục tiêu rút chân khỏi Hiệp định Khí hậu Paris có hiệu lực từ ngày 4.11, một Hiệp ước mà Cựu Tổng thống Obama đã phải tốn thời gian để thuyết phục Quốc hội thông qua.
Từ lâu, Tổng Thống Donald Trump đã công khai nghi ngờ vào biến đổi khí hậu, gọi đó là “hoax”-là tin vịt của báo chí, là trò đánh lừa. Khi Trump ký sắc lệnh lật ngược những chính sách thời Obama nhằm kìềm chế biến đổi khí hậu, giới tài phiệt, dầu mỏ, công nghiệp khai thác than…vui mừng nhưng các nhà khoa học, những người quan tâm đến môi trường, giới trí thức…thì lại coi đó là thảm họa khi nghĩ đến tác động của các ngành công nghiệp này và con người đối với sự ô nhiễm của môi trường. Các quốc gia phát triển, văn minh, kể cả Ấn độ, đều đang nghĩ đếnn việc phải hạn chế sử dụng than, dầu, nhiệt điện mà phải phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời để thay thế. Nhưng Mỹ, cường quốc số một thế giới, dưới thời Trump, lại đang đi lùi!
Chưa kể hành động của Mỹ có thể kéo theo hệ quả là hàng loạt nước khác sẽ đòi rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, trái đất này rồi sẽ ra sao, con người sẽ sống như thế nào?
Ông Alden Meyer, Giám đốc chiến lược và chính sách ở hội Liên hiệp các nhà Khoa học phát biểu tại hội nghị đang diễn ra ở Marrakech:
"Nếu Tổng thống Trump không tôn trọng các cam kết của Mỹ theo Hiệp định Paris, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ông có được sự hợp tác của các lãnh đạo thế giới trong những vấn đề khác mà ông quan tâm như thương mại và chống khủng bố". (“Could Trump Simply Withdraw U.S. from Paris Climate Agreement?”, Scientific American)
Trở lại mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu, khối NATO, qua chuyến công du đầu tiên của Trump, tất nhiên với đa số người Mỹ thì châu Âu hay NATO chả là cái gì, nhất là với những người bênh vực, ủng hộ Trump và chính sách “America First” của ông. Họ cũng như Trump chỉ nhìn thấy những gì mà Hoa Kỳ phải gánh, phải bỏ ra khi chơi với châu Âu, với NATO nhưng họ lại không thấy những cái khác.
Tất nhiên là nếu Mỹ chơi với NATO, với châu Âu, Mỹ cũng phải tốn kém. Nhưng lối suy nghĩ “America First” là lối suy nghĩ hạn hẹp của một lãnh đạo chỉ có tầm nhìn ngắn. Bởi vì từ trước tới nay so với các cường quốc khác, cái mà Mỹ có hơn họ là đồng minh, thử nghĩ xem Tàu hay Nga có ai là đồng minh? Tàu rất thèm có đồng minh và phải bỏ tiền ra mua chuộc hết nước này đến nước khác nhưng có nước nào thật sự là đồng minh, là bạn khi cần?
Khi Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi TPP, một số chuyên gia, bình luận viên chính trị đã tỏ ra lo ngại là như vậy sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc.
Bài : “Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, Bắc Kinh tự do tung hoành ở châu Á” trên RFI viết:
Hầu hết các nhà phân tích đều tự hỏi là phải chăng khi xóa sổ TPP, tân lãnh đạo Nhà Trắng đã tạo điều kiện cho Trung Cộng lãnh đạo thương mại thế giới và áp đặt các chuẩn mực, quy tắc « made in China » tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, điều mà chính quyền Mỹ tiền nhiệm muốn ngăn chặn với hiệp định TPP.
Đối với chính quyền Obama, TPP không đơn thuần là một thỏa thuận tự do mậu dịch, mà còn là một vũ khí chiến lược để kháng lại đà vươn lên thống trị châu Á của Trung Quốc.
Đối với các nước bên bờ Thái Bình Dương, nét bút của ông Trump đã xóa tan hy vọng của họ là kháng cự được sức hút của quỹ đạo Trung Quốc.
Theo Los Angeles Times, động thái của tân tổng thống Mỹ quả là đã khiến cho Bắc Kinh hết sức hài lòng, vì không còn phải lo âu trước một sáng kiến của Mỹ bị họ coi là âm mưu phá hoại đà vươn lên của Trung Quốc. Ngoài ra, kể từ nay Bắc Kinh có thể yên tâm thúc đẩy những kế hoạch phù hợp với ý đồ của họ hơn.”
Mà đúng, Trung Quốc ngay lập tức đưa ra một hiệp ước thương mại khác để dụ dỗ các nước và chiến lược “Một vành đai-một con đường”. Các nước khác, nhất là những nước nhỏ trong khu vực, buộc phải chơi với Tàu thôi, khi không còn Mỹ.
Với châu Âu cũng vậy, khi Mỹ lên tiếng phản đối climate change thì Trung Quốc ngay lập tức nắm lấy thời cơ, nói đến climate change, đến toàn cầu hóa và vai trò của Trung Quốc. Chỉ cần một vài năm Mỹ co cụm lại với mình là đủ để cho Tàu chiếm chỗ, và các đồng minh của Mỹ thì bây giờ đã kịp nhận ra không thể tin cậy hay hết lòng với Mỹ. Cái mất mát đó lớn hơn nhiều lần so với số tiền Mỹ phải bỏ ra để giữ bạn bè.
Trump chỉ nghĩ mối lo của Mỹ là khu vực Hồi giáo và Bắc Hàn, nhưng thật ra chúng ta đều biết chỉ có Tàu sẽ là địch thủ lớn nhất, sẽ soán ngôi Mỹ. Người lãnh đạo một cường quốc hàng đầu phải có tầm nhìn 100 năm, cái mà các thế hệ lãnh đạo Tàu đang cố gắng để có, chứ không phải chỉ biết nghĩ tới nước mình.
Đó là chưa nói đến mối đe dọa từ Nga và cuộc chiến chống khủng bố. Từ lâu nay, các nước trong khối NATO không chỉ là lá chắn của Hoa Kỳ đối với Nga ở châu Âu, mà còn luôn sát cánh với Mỹ trong các cuộc chiến thương mại với Tàu, với Nga hay các cuộc chiến chống khủng bố. Donald Trrump kèo nhèo với các đồng minh về tiền, nhưng cái giá máu xương mà các nước NATO đã bỏ ra khi gửi quân đến các chiến trường ở Afghanistan, Syria, Lybia…hay việc các nước đồng minh nhiệt tình hỗ trợ Hoa Kỳ ngay khi vụ khủng bố ngày 11.9 xảy ra, hoặc sự chia sẻ những thông tin tình báo…cái đó làm sao tính được bằng tiền?
Chủ nghĩa dân túy cực đoan đang nổi lên ở một số quốc gia, đó là thực tế. Nhưng Brexit thắng không có nghĩa là tất cả dân Anh đều suy nghĩ như vậy, cũng như việc Trump thắng cử! Hãy chờ xem cái được, cái mất của Mỹ với đường lối, chính sách ngoại giao này sau mấy năm nữa. Chỉ sợ rằng khi người Mỹ ngả ngửa ra thì Trung Cộng đã đi trước họ trong một số khía cạnh, cũng giống như người Mỹ đã tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển về kinh tế và sau đó một thời gian giật mình khi thấy Trung Quốc từ nghèo đói đã kịp trở thành một cường quốc, ít nhất là về kinh tế, quốc phòng. Và bây giờ Mỹ dưới thời Donald Trump lại tiếp tục tạo cơ hội cho Tàu.
Nếu chỉ nghĩ đến tiền thì không thể có quan hệ đồng minh được. Đó là lối suy nghĩ của Tàu-những kẻ rất giỏi dùng tiền mua đủ thứ nhưng vẫn không thể mua được đồng minh, bạn bè, và của Donald Trump, một người kinh doanh lên làm Tổng Thống. Từ trước đến nay các nước trên thế giới vẫn xem Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu, lãnh đạo thế giới tự do, dân chủ vì hai lý do sau: thứ nhất là những giá trị Mỹ-giá trị của tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, văn minh, nhân bản. Thứ hai, là sự đóng góp của Mỹ đối với hòa bình ổn định chung trên thế giới. Bây giờ cả hai điều đó đều đã và đang bị vi phạm nặng nề bởi Donald Trump, cũng đồng nghĩa với việc thế giới không còn đánh giá cao và tin tưởng, tin cậy Mỹ nữa. Nước Mỹ đang mất rất nhiều mà những người ủng hộ Trump thì không biết, không thấy gì cả.
Qua chính sách ngoại giao của Tổng Thống Donald Trump và qua chuyến công du đầu tiên của Trump, càng cho thấy rõ, Trump có thể là Tổng thống của Hoa Kỳ (dù điều đó còn phải xem lại) nhưng hoàn toàn không đủ tầm, đủ trình độ để làm lãnh đạo của thế giới tự do. Đó là chưa kể về mặt bản chất, Trump là một người làm kinh doanh. Khi lên làm Tổng thống Mỹ cũng vậy, Trump cũng chỉ nghĩ tới tiền. Sẵn sàng bán vũ khí mà không cần suy nghĩ bán cho ai, vũ khí đó rồi sẽ được sử dụng như thế nào. Mắng mỏ các đồng minh đóng góp ít tiền mà không nghĩ cái giá trị của hai chữ đồng minh nó lớn hơn nhiều và khó mua được lắm.
Châu Âu và thế giới, trong đó bao gồm cả Việt Nam, phải tập nắm lấy số phận của chính mình, như Thủ Tướng Đức Angela Merkel vừa nói. Đặc biệt đối với những nước nhỏ, nghẻo, không được thế giới để ý tới nhiều và đang đối diện với mối đe dọa chủ quyền thường xuyên từ Trung Quốc như Việt Nam, số phận của VN chỉ có thể được quyết đinh bởi VN, chính xác hơn, bởi người dân VN, mà không thể trông chờ, trông cậy vào bất kỳ thế lực nào, cho dù là Hoa Kỳ, châu Âu hay nhà cầm quyền.
Bài bình luận gần đây