Trong thời gian gần nửa năm qua, nhà cầm quyền Việt nam đã gia tăng một cách đột biến sự đàn áp đối với những người hoạt động dân sự và phong trào dân chủ. Biểu hiện rõ nhất cho việc gia tăng sự đàn áp là một loạt các vụ bắt bớ những người hoạt động, đấu tranh trong gần nửa năm qua. Danh sách người bị bắt chúng ta biết được gồm có: anh Nguyễn Danh Dũng, Thanh Hóa, bắt ngày 14/12/2016; anh Nguyễn Xuân Long và một người bị bắt ở Lâm Đồng, ngày 15/12/2016; bạn Nuyễn Văn Hóa, sinh năm 1995, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh bắt ngày 08/01/2017; Nguyễn Văn Oai, Nghệ An bắt ngày 19/01/2107; Trần Thị Nga, Hà Nam, bắt ngày 21/01/2017; Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển, Hà Nội, bắt ngày 02/3/2017; Bùi Hiếu Võ, Sài Gòn bắt ngày 17/3/2017; Phan Kim Khánh, Phú Thọ bắt ngày 21/3/2017. Vừa qua, đã có quyết định khởi tố vụ án ở thị xã Kỳ Anh, người dân mang lưới chặn quốc lộ 1A, khởi tố vụ nhân dân bao vây trụ sở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm một số người nữa bị bắt bổ sung vào danh sách. Như vậy, chưa đầy nửa năm, đã có 10 người bị bắt. Không chỉ bắt người, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam còn liên tục sử dụng biện pháp đánh đập người đấu tranh, người hoạt động xã hội và người dân. Đó là việc mục sư Nguyễn Trung Tôn và người bạn bị bắt cóc ở Quảng Bình, bị đánh đập vô cùng dã man, phải vào bệnh viện chữa trị nhiều ngày. Vụ hai bạn trẻ Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Tấn Phát cũng bị bắt cóc và đánh đập dã man ở Quảng Bình. Không những vậy, vụ việc nghiêm trọng nhất là ngày 14/02/2017, một số giáo dân giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An đi nộp đơn kiện Formosa đã bị cảnh sát cơ động kiếm cớ đánh đập vô cùng dã man, thậm chí linh mục Nguyễn Đình Thục, linh mục quản xứ đưa giáo dân đi kiện, cũng bị đánh đập. Tất cả những vụ biểu tình bị dập tắt, người biểu tình bị bắt, bị đánh đập. Những người đấu tranh bị canh giữ tại nhà, không cho đi tham gia các cuộc biểu tình, xuống đường phản đối Formosa và đòi hỏi môi trường sạch, và như vậy họ bị tước đoạt quyền tự do đi lại.
Một động thái nữa tuy không phải đàn áp nhưng cũng nằm trong chiến lược đối phó, trấn áp phong trào dân chủ. Nhà cầm quyền Việt Nam đã cho dư luận lên tiếng và phê phán những hoạt động thiếu văn hóa, những ảnh hưởng tiêu cực, không tốt của mạng truyền thông xã hội facebooks và mạng Youtube, nơi đăng tải các video clip trên toàn thế giới. Những ý kiến chủ yếu tập trung vào những hoạt động, hành vi thiếu văn hóa của một số người sử dụng các phương tiện này. Tuy nhiên, mục đích chính của nhà cầm quyền Việt Nam lại là nhắm vào các hoạt động của giới đấu tranh và phong trào dân chủ. Chủ trương của nhà cầm quyền là ngăn chặn hoặc giảm bớt những tiếng nói trung thực, những hoạt động lên án, tố cáo sự dối trá, bịp bợm và những hành vi vi phạm pháp luật, sai trái và đàn áp dân chúng và giới tranh đấu. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng không phải là dễ dàng vì sự đan xen lợi ích giữa các tập đoàn viễn thông, các công ty và những người kinh doanh thông qua mạng xã hội. Đồng thời, luật về tự do thông tin, tự do Internet cũng là những chế tài quốc tế rất khó vượt qua.
Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, nhà cầm quyền lại đột ngột gia tăng đàn áp giới đấu tranh và phong trào dân chủ như vậy? Có thể có hai nguyên nhân.
Nguyên nhân đầu tiên là yếu tố quốc tế, sự thay đổi lãnh đạo của Hoa Kỳ cũng trùng khớp với những diễn biến thời gian qua. Tổng thống mới đắc cử, Donal. Trump của Hoa Kỳ là người có chính sách hướng nội, mong muốn tìm lại sự vinh quang của nước Mỹ bằng việc nâng cao nội lực giảm bớt ảnh hưởng đối với bên ngoài.. Ông là người ít quan tâm tới vấn đề nhân quyền quốc tế, chú trọng nhiều tới thương mại. Cộng với thói quen thăm dò phản ứng các đời tổng thống mới đắc cử trước đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã gia tăng sự đàn áp, nhưng những phản ứng từ phía Mỹ đã thúc đẩy thêm sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam - đây chính là lý do quốc tế quan trọng. Cũng phải nói rằng, đạo luật Magnitsky không hề làm nhà cầm quyền Việt Nam chùn tay trong việc đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Nguyên nhân nội tại quan trong hơn rất nhiều. Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung do công ty Formosa đã tàn phá môi trường khủng khiếp cho một vùng rộng lớn. Nó ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các mặt trong cuộc sống của nhân dân trong vùng. Việc bao che, bênh vực cho Formosa bất chấp tất cả nguyện vọng người dân miền trung, cộng với việc đền bù không thỏa đáng, nhiêu khê, bất công đã làm bùng phát sự phẩn nộ người dân cả nước. Ban đầu là những sự lên tiếng của giới hoạt động môi trường, của giới đấu tranh dân chủ ở hai đầu đất nước, Hà Nội và Sài Gòn. Sự tham gia của người dân vào cuộc biểu tình ngày 01/5/2016 đã làm sững sờ nhà cầm quyền khi con số ở mỗi nơi là vài ba nghìn người. Nhưng nhà cầm quyền chỉ gặp thách thức thực sự khi người dân miền trung, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển vào cuộc. Vấn đề càng trầm trọng hơn khi người dân ở miền trung chịu thiệt hại về nghề nghiêp, thu nhập và cuộc sống có một phần không nhỏ là giáo dân Công giáo. Cuộc sống của giáo dân được những vị chủ chăn quan tâm và họ đã đồng lòng lên tiếng cùng với người dân, giáo dân. Có thể nói, giới hạn yêu sách và đấu tranh của người dân chỉ là việc xử lý ô nhiễm môi trường, đền bù thỏa đáng nhưng đây lại là điều bất khả thi của nhà cầm quyền Việt nam vì nhiều lý do. Chính vì vậy, mà họ đã quyết định quay lưng lại với nguyện vọng của người dân, với nhân dân. Người dân khiếu kiện đúng luật và ôn hòa nhưng bản chất của nhà cầm quyền cộng sản chưa bao giờ quan tâm tới quyền lợi của người dân, chưa bao giờ nhượng bộ, thỏa hiệp với người dân vẫn ứng xử theo kiểu trịch thượng, bề trên nên đã ra tay đàn áp. Sự nhẫn nhịn là bản chất của người dân Việt, lại được các vị chủ chăn, giáo phẩm thận trọng, ôn hòa nên chưa/không xảy ra điều gì nghiêm trọng, đáng tiếc. Nhưng quyền lợi của người dân, giáo dân thì vẫn không thể bỏ, và trên thực tế, người dân cũng bị dồn vào đường cùng, không vùng lên cũng không thể nào sống nổi nên họ vẫn tiếp tục đấu tranh. Nhà cầm quyền lại tiếp tục đàn áp, dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn...cứ thế lòng căm phẫn tích tụ dần dần, từng bước và “đúng quy trình”. Nồi áp suất liên tục được tăng thêm hơi.
Bản thân người dân miền trung, do sự mở rộng của Internet và mạng xã hội cũng hiểu rằng, muốn cuộc đấu tranh của họ có thể đi đến thắng lợi, cần có sự hậu thuẫn của nhân dân cả nước, của phong trào dân chủ, của quốc tế. Ngược lại, giới đấu tranh, phong trào dân chủ cũng thấy rằng, cơ hội để giúp đỡ người dân, đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho người dân cũng là cơ sở, là con đường đòi hỏi những điều lớn lao hơn về quyền con người, quyền sống. Chính vì vậy, sự liên hệ mật thiết giữa người dân miền trung và phong trào dân chủ đã được thiết lập. Sự cổ súy, động viên và thông tin kịp thời về diễn biến cuộc đấu tranh thông qua Internet, mạng xã hội diễn ra rất sôi động. Nhà cầm quyền đã tấn công vào mối liên hệ này và phương tiện để người dân và giới đấu tranh sử dụng. Đó chính là nguyên nhân nội tại quan trọng lý giải cho sự gia tăng đột biến quá trình đàn áp thời gian vừa qua./.
Hà Nội, ngày 17/4/2017
N.V.B
Bài bình luận gần đây