You are here

Ý kiến của văn nghệ sĩ về Đại hội đảng XI

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-01-10
Mỗi lần Đại hội Đảng là một lần xã hội nhận thấy rất rõ nỗ lực của nhà nuớc tập trung vào việc bảo vệ an ninh cũng như tuyên truyền hết mức về những hoạt động chuẩn bị cho nó.

AFP PHOTO
Biểu ngữ chào mừng Đại hội ĐCS VN lần thứ 11 treo dọc đường phố trung tâm thành phố Hà Nội hôm 11 tháng 1 năm 2011.

Lần đại hội thứ XI này Đảng đã đề nghị mọi tầng lớp nhân dân góp ý để Đại hội thành công và dân chủ hơn. Ý kiến của những văn nghệ sĩ đối với sự kiện và lời kêu gọi này như thế nào? Mặc Lâm mời quý vị theo dõi sau đây

 
Ý thức trách nhiệm

Trong thời gian vài năm gần đây người ta nhận thấy văn nghệ sĩ đã dần dần trút bỏ lớp áo sáng tác theo chiều hướng phải đạo chủ nghĩa như những năm trong thời gian đầu của những ngày thống nhất. Các bài viết ca ngợi xây dựng chủ nghĩa xã hội đã dần biến mất và thay vào đó là những tác phẩm ngược lại với những gì mà hệ thống truyền thông nhà nước cố gắng đem đến cho người dân.

Nhiều nhà nhà văn trước đây thờ ơ với các sinh hoạt chính trị nay đã ý thức được trách nhiệm của mình trước các phản biện xã hội, đặc biệt là phản biện chính trị ngày càng bức thiết cho người đọc hôm nay hơn lúc nào hết.

 

Đảng và nhà nước này đang khiến cho dân chúng bất bình, vô cùng bất bình, cho nên nếu như chúng ta không có cải tổ, không có động thái nào đó thì đương nhiên Đảng sẽ sụp đổ.

Trần Ngọc Kha
 

Nhà báo Trần Ngọc Kha cách đây vài năm đã có một bài phỏng vấn được dư luận cho là xuất sắc trong làng báo chí Việt Nam, vốn rất hiếm hoi khi dám đụng chạm trực tiếp đến vấn đề xây dựng Đảng. Người trả lời bài phỏng vấn này là nhà văn Võ Thị Hảo, phóng viên thường trú báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tác giả của 7 cuốn truyện ngắn, 2 cuốn tiểu thuyết và Kịch bản phim đang được độc giả yêu văn chương chú ý...

Tựa đề bài viết là: Phỏng vấn một người không còn muốn vào đảng".

Nhà báo Trần Ngọc Kha hỏi đến đâu, nhà văn Võ Thị Hảo trả lời rốt ráo và dứt khoát đến đấy. Không quanh co không luồn lách. Sự trải nghiệm khiến bà nhận xét về khuôn mặt thật của các đảng viên đã làm xã hội sửng sốt. Nhà văn Võ Thị Hảo từ chối gia nhập đảng để nhận một chân Phó tổng biên tập của một tờ báo vì theo bà đây chỉ là một cuộc đổi chác và bà thực sự thất vọng với kiểu đổi chác này.

Từ thất vọng bà đã kêu gọi người Cộng sản hãy thành thật với chính mình hơn trước khi nói tới việc lãnh đạo và theo đuổi những lý thuyết xa vời huyền hoặc khác.

Quan trọng hơn hết, bài phỏng vấn đã khiến người đọc nhận ra cả một hệ thống đảng cầm quyền đã thất bại như thế nào trong việc kêu gọi những con người tự trọng và tâm huyết gia nhập đảng. Nhà văn Võ Thị Hảo đã nói thẳng, bà không thể vào Đảng để đánh đổi quyền lợi vì hầu hết các đảng viên hiện nay không còn trong sáng như thời kỳ đầu của cha mẹ bà dấn thân theo đảng nữa.

Trong kỳ đại hội đảng lần này, khi nghe nhà nước kêu gọi toàn xã hội đóng góp ý kiến xây dựng đảng nhà báo Trần Ngọc Kha đã ngay lập tức gửi bài phỏng vần tới các cơ quan Đảng cao nhất nước kể cả Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh với hy vọng rằng Đảng sẽ nhìn thấy vấn đề nhức nhồi này mà đối phó, tuy nhiên kết quả giống như mọi lá thư kiến nghị hay góp ý khác, tất cả đều rơi vào hư không. Nhà báo Trần Ngọc Kha cho chúng tôi biết:

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy ban Trung ương thành viên của đảng cộng sản Việt Nam, trả lời một câu hỏi trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

“Tôi không thất vọng lắm vì gần như đây là chuyện thông thường ở Việt Nam rồi. Trong lá thư mà tôi gửi qua cổng điện tử trang Web của Đảng Cộng sản Việt nam và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tôi nói lại một điều rằng, nếu như một đảng cầu thị và quan tâm đến sự sống còn của mình thì nên có một động thái để mà tiếp nhận bài viết này của tôi và chỉ đạo các báo đăng lại trên báo và đồng thời thảo luận rộng rãi trên toàn quốc. Vì sao tôi nói như thế? Bởi vì Đảng và nhà nước này đang khiến cho dân chúng bất bình, vô cùng bất bình, cho nên nếu như chúng ta không có cải tổ, không có động thái nào đó thì đương nhiên Đảng sẽ sụp đổ.

Ở đây tôi muốn nói cải tổ quyết liệt, hiệu quả chứ không phải nửa vời như trong thời gian qua. Bởi vì tôi nói thật với anh tôi vẫn còn rất yêu cái đảng này cũng như 80 triệu người dân Việt Nam cũng còn rất là yêu quý và mong muốn nó mạnh lên. Đảng có lịch sử rất vẻ vang và đem lại cơm no áo ấm cho con người ta. Bây giờ tôi không muốn nói thêm điều gì bởi có quá nhiều bức xúc trong dân chúng rồi.”

Hy vọng sẽ có thay đổi

Mỗi lần đại hội Đảng thì người dân Việt, đặc biệt là tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ lại tỏ ra hy vọng. Họ hy vọng Đảng sẽ nhìn ra được những sai lầm từ các chủ thuyết sẽ dẫn đến việc thực hành sai lệch khiến quốc gia đi vào nơi bế tắc. Nếu trước đây trong thời gian đầu gây dựng đảng, khẩu hiệu "Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo" có thể đánh lừa được một bộ phận công nhân thì ngày nay câu khẩu hiệu này đã trở thành lạc hậu và phản động. Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho biết băn khoăn của ông:

 

Nếu các vị thực sự có lương tâm, đây chỉ nói về lương tâm con người thôi và nếu thật sự các vị yêu đảng thì hãy nói rằng: đảng hãy tự thay đổi mình đi.

Võ Thị Hảo
 

“Tôi thấy ban chuẩn bị đại hội phải trung thực. Thứ nhất là vấn đề giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thì đấy là vấn đề tôi được nhồi nhét vào đầu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi thấy đấy là một định đề dối trá. Trên thực tế tôi không thầy giai cấp công nhân Việt Nam nào lãnh đạo cách mạng cả. Giai cấp công nhân là đối tượng bị lợi dụng xương máu và danh nghĩa bởi một thực thể mang tên Đảng Cộng Sản Việt Nam mà cái đảng này thì tôi thấy nó tràn ngập tính chất nông dân. Tâm lý nông dân, tính cách nông dân với tâm lý làm vua làm quan. Đấy là một vấn đề lớn nhất vì vậy nếu mà trung thực thì phải bỏ cái định đề này và xác định lại tính cách của Đảng.

Cái thứ hai tôi thấy về mặt tổ chức chuẩn bị đại hội thì qua theo dõi tôi thấy đại biểu phần lớn là các quan chức trong khi đó đảng có tới ba triệu đảng viên mà đại biều thì phần lớn là các quan chức trong đảng, nó thành ra đại hội quan chức chứ không phải là đại hội Đàng.

Như nhân dân nói, đây là đại hội của phần lớn các-đồng-chí-chưa-bị-lộ chứ không phải là đại hội Đảng. Tành ra tôi e rằng chất lượng kết quả đại hội không thể hiện được ý chí nguyện vọng của toàn đảng và của toàn dân.”

Góp ý trước khi đại hội khai mạc là điều mà nhà nước khẩn thiết kêu gọi, thế nhưng góp ý như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thì có được gì không hay chính bản thân người góp ý chuốc thêm sự lo láng khi có phản hồi cay cú của các nhân vật bảo thủ cao cấp trong Đảng. Những phản hồi này chụp lên đầu người góp ý những chiếc mũ nguy hiểm có thể dẫn đến tù đày. Nhạc sĩ Tô Hải cho biết chi tiết hơn về việc này khi được hỏi ý kiến của ông như sau:

“Các ông to hơn tôi gấp ngàn lần và góp ý kiến chả đi đến đâu. Nguyên bộ chính trị cũ, chủ tịch quốc hội cũ, rồi thì các ông Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Các bộ, Thứ trưởng các bộ cao cấp, các tướng lĩnh đã góp ý nhiều rồi..

Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) và Nguyễn Phú Trọng. AFP PHOTO.

Tôi chỉ góp mỗi cái ý kiến là: Các ông hãy nói thật lòng mình đi! Tất cả mọi biến chuyển của thế giới không phải là các ông không biết. Chủ nghĩa Mác xít Lê Nin nít người ta đã vất vào sọt rác rồi. Chủ nghĩa Mác Lênin thì anh Tàu anh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nó cũng đã thôi rồi thế mà các anh cứ nói....

Các anh đều biết cả chứ nhưng tại sao không anh nào dám nói ra?

Mới có anh nói ra thôi thì các anh đã cảnh cáo người ta rồi! Ngày hôm nay tôi còn được đọc các thơ phản đối của những ông trùm cộng sản bảo thủ như ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu ông Phan Văn Khải đối với ông Nguyễn Văn An coi như đó là những thành phần đánh mất Đảng tính, lợi dụng dân chủ để phá hoại tư tưởng của Đảng. Chửi thẳng vào mặt mấy ông bạn cũ, mấy ông cấp trên cũ.

Tôi nghĩ rằng các ông phải bỏ ngay nếu không thì các ông mất hết. Bỏ ngay cái chủ nghĩa Mác Lê nin này đi. Thế còn sau khi bỏ cái chủ nghĩa này rồi thì nó là cái gì thì ta bàn sau. Các ông đều nghĩ như tôi cả nhưng cái gì đang giữ các ông lại? Tôi cũng đang động viên các ông ấy vì mất tinh thần chiến đấu. Nhưng sự thật là quyền lợi nó làm cho các ông ấy không bỏ được. Tôi chỉ lo mỗi cái đó bởi vì không ai lật đổ được các ông, chỉ có các ông tự lật đổ nhau thôi!”

Hai mươi hai trí thức nổi tiếng nhất Việt Nam đã góp ý trong một cuộc họp được ghi âm đầy đủ, chứng tỏ họ không phản động hay có ý chống lại Đảng nhưng không một tờ báo nào được phép đăng tải. Mạng lưới Internet đã làm thay công việc lý ra báo chí trung thực phải làm và mới đây nhiều người có mặt trong cuộc họp lịch sử này đã được nhà nước ân cần hỏi thăm.

Nhà văn Võ Thị Hảo, người trả lời bài phỏng vấn nổi tiếng mang tựa đề: "Tại sao tôi không gia nhập đảng" khi được hỏi nếu bà được phát biểu trước 1.500 đại biểu tham dự đại hội đảng lần thứ XI thì bà sẽ nói gì, bà trả lời:

“Nếu tôi được góp ý trực tiếp với các đại biểu tham dự đại hội thì tôi chỉ nói vắn gọn điều này thôi. Tôi nói nếu các vị thực sự có lương tâm, đây chỉ nói về lương tâm con người thôi và nếu thật sự các vị yêu đảng thì hãy nói rằng: đảng hãy tự thay đổi mình đi, thay đổi con đường đi vì con đường quý vị đang đi đã bế tắc rồi và sẽ dẫn đất nước đi đế chỗ thảm bại. Hãy nhìn rộng ra thế giới. Liên xô và Trung Quốc cũng như các nước Đông Âu đã phải giải tán như thế nào! Tất cả những tư liệu ấy người ta công bố đã rất lâu rồi và đấy là sự thật lịch sử không thể chối bỏ được.

Stalin chẳng hạn, là một hình mẩu lý tưởng cho Việt Nam và nhiều nước thì vừa rồi người ta đã phát hiện ra đây là một người diệt chủng và có những tội ác rất là kinh khủng. Tôi mong rằng họ hãy có lương tâm đừng có vờ vịt để mà hại những người khác và hại chính mình. Mỗi một người hãy mạnh lên và hãy trung thực!”

Đảng có tự thay đổi được mình như ao ước của nhà văn Võ Thị Hảo hay không thì còn phải chờ một thời gian nữa, ít nhất là sau nhiệm kỳ mới của ba người đại điện cho 3 triệu đảng viên trong các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ Tướng.

Nhưng câu hỏi đặt ra: liệu ba người đại diện cho ba triệu đảng viên có ít quá hay không?

Và câu hỏi thứ hai: Tại sao lại có tới 3 triệu đảng viên khi dân số cả nước chỉ hơn 80 triệu?