You are here

Wikileaks: Ranh giới giữa Bảo mật và Minh bạch

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011-01-01
Việc Wikileaks phát tán hơn 250.000 điện văn ngoại giao hôm 28/11/2010 được xem là vụ rò rỉ lớn nhất những thông tin được phân loại bảo mật trong lịch sử.

AFP Photo/Carl Court
Nhà sáng lập trang mạng Wikileaks, Julian Assange, trả lời báo chí hôm 18.12.2010 tại Ellingham, Norfolk, Anh Quốc.

Tuyên ngôn mà ông chủ trang web này, Julian Assange, nêu ra là chống lại sự lạm dụng của những tổ chức lớn và phơi bày những việc họ làm ra trước mắt công chúng. Liệu Wikileaks có thực hiện được ước vọng minh bạch hóa hệ thống thông tin vốn dĩ quá lằng nhằng và phức tạp của các chính phủ, nhất là Chính phủ Hoa Kỳ?
 
Những ngày cuối năm 2010, cả thế giới rúng động trước sự kiện Wikileaks tiết lộ gần 12.000 trong tổng số hơn 250.000 những điện văn nội bộ của ngành ngoại giao Hoa Kỳ, mà Ngoại trưởng Italia, Franco Frattini gọi đây là “vụ tấn công 911 vào ngành ngoại giao toàn thế giới.”
 
Đây không phải là lần đầu tiên Wikileaks công bố những tài liệu mật. Trước đây, Wikileaks đã từng tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và nay là ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Theo Hoa Kỳ thì việc công bố bất kỳ một trong số gần 12.000 những tài liệu được đánh dấu là “mật” này đều có thể “gây nguy hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia.” Chính vì thế, ngay khi vụ việc xảy ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đã có bài phát biểu với giới báo chí:
 
“Hoa Kỳ cực lực lên án việc phát tán bất hợp pháp các thông tin được phân loại bảo mật. Điều này đã gây nguy hiểm đến tính mạng mọi người, đe dọa an ninh quốc gia và phá hoại những nỗ lực của chúng ta trong việc hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm.

Việc phát tán thông tin này không chỉ tấn công những lợi ích trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ mà nó còn tấn công đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, của các đối tác, đồng minh, cũng như những cuộc hội đàm, những buổi thương thảo nhằm cứu giữ nền an ninh toàn cầu và tăng cường sự thịnh vượng kinh tế.”
 
Sau khi vụ việc xảy ra, một cuộc chiến tranh không gian ảo bùng nổ với những vụ hacking tấn công, phòng thủ, phản đòn giữa những thành phần ủng hộ Wikileaks, mang tên Anonymous và hàng loạt những công ty áp dụng biện pháp chế tài tài chính đối với Wikileaks như Master Card, Visa, Paypal…
 
Wikileaks hướng đến sự minh bạch và cởi mở
 
Trong buổi trả lời phỏng vấn với biên tập viên Tạp chí Time, Rick Stengel, hôm 30/11, Julian Assange đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm:
 
“Kể từ khi ra đời hồi năm 2006, Wikileaks chủ trương là những tổ chức nào lợi dụng quyền hạn đều phải bị đưa ra ánh sáng, để công chúng biết được họ đang làm gì. Như thế, tổ chức liên quan đó sẽ đứng trước 2 chọn lựa: một là cải tổ lề lối làm việc; hai là phải đóng cửa, chia nhỏ nội bộ và dĩ nhiên là họ không còn hoạt động như trước nữa. Với tôi đây sẽ là một kết quả đầy khích lệ, bởi vì những tổ chức này chỉ có thể hoặc là hữu hiệu, cởi mở và nghiêm chỉnh hoặc là chẳng có ý nghĩa gì.”
 

Kể từ khi ra đời hồi năm 2006, Wikileaks chủ trương là những tổ chức nào lợi dụng quyền hạn đều phải bị đưa ra ánh sáng, để công chúng biết được họ đang làm gì.

Julian Assange

Với phương châm này, Wikileaks đang hướng tới việc “đem ra ánh sáng” những việc làm sai trái. Chẳng thế mà, thế giới mới được biết đến sự lạm dụng của quân đội Hoa Kỳ trên các chiến trường ở Iraq, Afghanistan, cùng những thông tin trong nội bộ ngành ngoại giao Hoa Kỳ đầy rẫy “những mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài của các quan chức Mỹ với những gì họ nói ở hậu trường.”
 
Assagne còn tố giác những bí mật của chính phủ Kenya do Tổng thống Moi cầm đầu, với nạn tham nhũng triền miên khiến nước này dễ rơi vào bạo động.
 
Wikileaks cũng từng công khai những bí mật về việc một công ty dược phẩm vận động Tổ chức Y tế Thế giới để được nghiên cứu thuốc cho các nước kém phát triển. Tiêu chí chống tham nhũng và những chế độ đàn áp ở Châu Á và Châu Phi của Wikileaks đã được cộng đồng thế giới lên tiếng ủng hộ.
 
Clay Shirky, một nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ viết về những tác động của internet tới kinh tế và xã hội cho biết “Công dân của các nền dân chủ cần được biết nhà nước nói gì và làm gì khi nhân danh họ và Wikileaks đã cải thiện rất nhiều những khả năng này.” Tuy nhiên, ông cũng nói thêm “Xã hội loài người không thể chấp nhận được sự minh bạch trần trụi và người ta phải thống nhất với nhau giữ lại những gì mà họ không thể công khai, thành những điều riêng tư. Và chính Wikileaks đã làm nhiệm vụ là phá vỡ những khả năng ấy.”
 
 

Người sáng lập trang web Wikileaks, Julian Assange, tại Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva ngày 05 tháng 11 năm 2010. AFP photo.

Còn Andrew Rasiej, người đồng sáng lập trang techPresident.com chuyên viết về công nghệ và chính trị nhận xét Wikileaks chính là “khoảnh khắc Napster trong cuộc cách mạng công nghệ, làm thay đổi quan hệ giữa người dân và chính phủ. Khi mọi chuyện lắng xuống, Chính phủ sẽ nhận thấy họ cần phải bảo vệ sự minh bạch và cởi mở, và chỉ nên sử dụng phân loại bảo mật trong những trường hợp rất hãn hữu mà thôi.”
 
 
Còn nhà phân tích truyền thông Jeff Jarvis trích lại thông tin của một tờ báo Đức và nói rằng Internet và Wikileaks kết hợp lại đã “chọc thủng” quyền năng bảo mật của các Chính phủ “Wikileaks đã chứng minh rằng không một bí mật nào là an toàn. Trong kỷ nguyên internet ngày nay, sức mạnh đang chuyển từ những người nắm giữ bí mật sang những người tạo nên sự cởi mở. Đó là sự thật đang nổi lên trong thời đại của chúng ta.”
 
Mọi thông tin đều cần đến minh bạch?
 
Tuy nhiên, ở một thái cực khác, liệu mọi thông tin đều nhất thiết phải minh bạch?
 
Ý thức về quyền lợi quốc gia hay quyền lợi dân tộc mà buộc cả Chính phủ và người dân đều phải có nhiệm vụ giữ kín. Trong những thương vụ làm ăn, ngón nghề kinh doanh cũng cần phải được bảo mật. Liệu minh bạch thông tin có thực sự cần thiết? Câu trả lời hẳn là không!
 
Ngay cả những chế độ dân chủ, nhân quyền thông thoáng nhất, thì Chính phủ vẫn phải giữ riêng cho mình những quyền bảo mật thông tin, còn người dân cũng có những quyền hạn riêng nhằm bảo vệ sự riêng tư của mình. Đây là những thông tin mà không thiết phải chia sẻ. Mỗi quốc gia đều có hiến pháp, luật pháp hay các điều khoản quy định cụ thể trách nhiệm phải bảo mật thông tin quốc gia hoặc thông tin cá nhân.
 
Còn nhớ lại trong một lần tiết lộ gần đây, Wikileaks đã “tặng một danh sách mục tiêu cho nhóm các tổ chức giống Al Qaeda” khi công khai danh sách một loạt các địa điểm nhạy cảm, trong đó có nhà máy thủy điện ở Canada, nhà máy sản xuất vắc xin ở Đan Mạch hay tổ hợp công nghiệp hóa chất ở Đức. Có thể thấy, những thông tin bảo mật như vậy không có gì là “sai trái”, không cần thiết phải minh bạch trong những trường hợp như thế vì tính an ninh quốc gia. Không ai cho phép Wikileaks quyền hạn chia sẻ thông tin rộng khắp như vậy.
 
Không dừng lại ở phía Chính phủ, Wikileaks còn “nhúng tay” vào cả các tổ chức kinh tế, mà cụ thể là khi phát tán những thông tin về tập đoàn Intel, khi tập đoàn này đe dọa sẽ chuyển hết việc làm từ Nga sang Ấn Độ. Việc công bố đó được xem như việc xâm phạm quyền riêng tư, bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
 
Hay gần đây nhất, chính là việc công bố tài liệu mật của giới ngoại giao Hoa Kỳ, khiến Washington một phen mất mặt với hàng loạt các nước đồng minh và khiến cho các nhà ngoại giao thế giới phải thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói với Hoa Kỳ và ngay cả khi nói chuyện với nhau.
 
Đến nước này, thì dường như Wikileaks đã đi quá xa khỏi tiêu chí của mình là “phơi bày những sự thật sai trái” để trở thành kẻ phá bĩnh đối với những xã hội có trật tự, tổ chức.
 
Bảo mật thông tin có thực sự bảo vệ Hoa Kỳ?
 
 

Bà Hillary Clinton nói trong cuộc họp báo ở Washington hôm 29/11 rằng, bà rất lấy làm tiếc với vụ Wikileaks. AFP photo

Theo Sắc lệnh Hành pháp 13526 ban hành tháng 12/2009, hệ thống an ninh Hoa Kỳ được chia thành 5 cấp độ thông tin. Cao nhất là tối mật (top secret) có thể gây nguy hại cực kỳ nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, thứ đến là mật (secret) có thể gây nguy hại nghiêm trọng, tiếp sau là không phổ biến (confidential) có thể gây nguy hại hoặc bất lợi, hạn chế (restricted) có thể gây ra những ảnh hưởng không đáng có và cuối cùng là không phân loại (unclassified).
 
 
Hôm 29/11, Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu rằng “Hầu như ở tất cả mọi ngành nghề, người ta đều phải dựa vào những thông tin liên lạc bảo mật để hoàn thành công việc của mình.”
 
Nhưng khi mà ngày càng nhiều thứ được gọi là bảo mật và ngày càng nhiều người được tiếp cận những gì được cho là bảo mật, thì câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ Hoa Kỳ hay bất kỳ một Chính phủ nào khác có thể trông cậy vào những thông tin liên lạc bảo mật này để làm việc hay không?
 
Larry Combest, Đảng viên Đảng Cộng hòa bang Texas cho hay họ “phải đối mặt với quá nhiều cấp độ thiếu tin tưởng và mất tín nhiệm vào hệ thống an ninh của Chính phủ, những hệ thống phần nào được sản sinh ra từ sự phân loại bảo mật quá phức tạp và quá mức.”
 
Hồi năm 2005, Ủy ban điều tra vụ tấn công khủng bố 9/11 đã phát hiện ra rằng “chia sẻ thông tin kém cỏi là thất bại lớn nhất mà Chính phủ Hoa Kỳ mắc phải dẫn tới vụ tấn công khủng bố.”
 
Nguyên thượng sỹ bang New York Daniel Moynihan nhận xét “Chính phủ càng tuyên bố mọi thứ là bảo mật, thì những thứ bảo mật thực sự càng ít an toàn hơn. Hệ thống phát triển nhanh đến nỗi nó bắt đầu trở nên không còn hiệu quả. Khi mà mọi thứ được tuyên bố là bảo mật, thì thực ra chẳng còn gì là bảo mật và cũng chẳng có biện pháp trừng phạt cho việc tiết lộ những bảo mật ấy cả.”
 

 Hầu như ở tất cả mọi ngành nghề, người ta đều phải dựa vào những thông tin liên lạc bảo mật để hoàn thành công việc của mình.
Ngoại trưởng Hillary Clinton

Chỉ tính riêng năm 2008, Bộ Quốc Phòng đã cấp đến 630.000 giấy phép an ninh. Trong cuộc điều tra của Mỹ về tính bảo mật hồi đầu năm, người ta thấy có tới 854.000 người có giấy phép tối mật. Dường như Chính phủ không còn khả năng kiểm soát được tính bảo mật.
 
Chính phủ Hoa Kỳ đã bắt giữ Bradley Manning, một binh sĩ trong quân đội Hoa Kỳ, người đã truy nhập vào hệ thống SIPRNET nơi chứa các tài liệu được phân cấp “mật” mà các nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới cùng chia sẻ. Manning nói với những tay hacker khác rằng mình tải xuống đĩa CD gắn nhãn Lady Gaga tập hồ sơ nén những điện tín và rồi gửi cho Wikileaks. 12.000 hồ sơ được đánh dấu “mật” và không một hồ sơ nào đánh dấu “tối mật”.
 
Chưa một ai thấy được sai lầm khi trao cho Manning giấy phép an ninh. Nhưng do việc cấp phát giấy phép an ninh tràn lan và phân cấp bảo mật quá mức đã làm tăng khả năng rò rỉ thông tin đến Wikileaks và làm giảm mức độ nghiêm trọng cho những ai làm rò rỉ thông tin.
 
Theo lời ông Steven Aftergood, tác giả blog Tin tức Bí Mật tại Liên đoàn các nhà Khoa học Hoa Kỳ cho hay “chính sách phân loại bảo mật gần như là gốc gác của vụ việc Wikileaks này.”
 
Sửa đổi hệ thống
 
 

Nhà sáng lập trang web Wikileaks, Julian Assange, trên đường đến tòa án Westminster Magistraites tại London hôm 07.12.2010. AFP Photo/Ben Stansall.

Có một điểm mà Tổng thống Obama đồng tình với Assange: ông cho rằng cần có ít những bảo mật hơn nữa. Trong ngày đầu nhậm chức, T.T Obama đã phát đi một thông điệp đến các cơ quan chức năng yêu cầu họ phải cởi mở và minh bạch hơn.
 
 
Theo lời Chánh án Tòa án tối cao những năm 70 Potter Stewart, “Dấu ấn của hệ thống an ninh nội bộ thực sự hiệu quả sẽ là mức độ cởi mở tối đa có thể có, và công nhận rằng bảo mật chỉ có thể giữ được ở mức tốt nhất khi mà có được sự tin tưởng tuyệt đối.”
 
Thế giới đang đi theo chiều hướng cởi mở và những ai biết cách làm việc với ít thông tin bảo mật hơn chắc chắn sẽ có lợi thế hơn những người cứ khư khư giữ lấy hàng triệu bí mật.
 
Để thay cho lời kết, xin trích lời ông Steven Aftergood:
“Những nỗ lực chống lại sự phân cấp bảo mật quá mức có thể làm giảm số tài liệu cần thiết phải bảo vệ, vì thế sẽ cải thiện được an ninh bí mật và cũng như tăng thêm niềm tin của công chúng vào tính nhất quán của hệ thống phân cấp bảo mật, từ đó có thể làm giảm động cơ của những tiết lộ trái phép.”