Nguyễn Tường Thụy
Hồi ấy có tiêu cực thì chỉ là những toan tính cá nhân chứ chẳng ai hoài nghi về đường lối của đảng, về chủ trương “giải phóng” miền Nam, cứ nghĩ Việt Nam Cộng hòa bán nước cho Mỹ mà Mỹ là kẻ xâm lược. Nếu có bất đồng chính kiến thì ở những gia đình nằm trong đối tượng cần theo dõi, như trước đây đã làm việc cho Pháp, liên quan đến Quốc dân đảng, những gia đình có người đã di cư vào Nam, định đi sau nhưng bị kẹt lại, gia đình không chịu vào hợp tác xã và cả một số tín đồ công giáo. Nhưng họ không bao giờ dám lên tiếng. Chỉ cần kêu ca phàn nàn điều gì đó thì sẽ đến tai cán bộ ngay. Còn ở cấp cao hơn cho đến Trung ương, nếu có bất đồng nào thì lập tức bị vô hiệu hóa, điều này mãi sau tôi mới biết.
Cả Đông Dương được xác định đều là chiến trường. Miền Bắc gọi là chiến trường A, miền Nam chiến trường B, Lào chiến trường C, Căm Pu Chia chiến trường K. Chiến trường B còn chia ra B1 đến B5.
Đang ở nhà, thoát ly gia đình vào bộ đội, thấy cái gì cũng mới lạ. Khổ thì có khổ, không được tự do nhưng sinh hoạt tập thể cũng thấy hay hay, thinh thích, có những điều mới lạ lần đầu tiên được biết.
Chương trình huấn luyện tân binh gồm tập đội ngũ, học 10 lời thề và 12 điều kỷ luật, học chính trị, học kỹ thuật và chiến thuật. 10 lời thề thì thề trước lá cờ Tổ quốc, nhưng khẩu hiệu hàng ngày đã là trung với đảng, hiếu với dân rồi. Chính trị gồm các bài về truyền thống quân đội, truyền thống dân tộc, về hai chế độ hai cuộc đời, đường lối, tư tưởng quân sự…, khi sắp đi B thì học chính sách tù hàng binh, chính sách của Mặt trận. Kỹ thuật gồm bắn súng 4 bài, ném lựu đạn, đánh bộc phá, đánh xe tăng, đánh lô cốt, bắn máy bay, vượt chướng ngại vật. Chiến thuật gồm chiến thuật cá nhân, các tư thế vận động như lăn, lê, bò, toài, trườn…, chiến thuật tổ 3 người, tiểu đội. Tập thì phải đào hào, đồ tập tượng trưng thôi như đắp lô cốt giả, máy bay đẽo bằng gỗ, lựu đạn gỗ, bộc phá đất nặn và tất nhiên địch cũng giả. Chỉ có súng không đạn và xe tăng là thật. Khi tập đánh xe tăng, chúng tôi phải hành quân 30 km mới tới nơi, trú tại nhà dân. Hôm sau, ra bãi tập, thấy một chiếc xe tăng bò ra chạy quanh bãi để chúng tôi nhảy lên, dí lựu đạn gỗ vào. Lúc ấy, tôi không hiểu tại sao xe tăng không chịu bò về đơn vị cho chúng tôi tập mà bắt cả tiểu đoàn hành quân vất vả để đến với nó vậy. Sau thì nghĩ cấp trên kết hợp cho lính dã ngoại.
Ngoài học và tập luyện phải rèn để nâng cao sức chịu đựng. Mỗi đứa phải đan một cái sọt có ba chân bằng tre, có hai quai đeo vào vai như đeo ba lô, gọi là sọt rèn, bỏ vào đấy những cục đất nặn sẵn thành hình khối, sao cho tối thiểu được 45 kg. Tôi 43 kg, vẫn phải đeo 45 kg. Mỗi lần rèn đeo sọt đi loanh quanh 5, 10 cây số rồi về, vừa đi vừa hát các ca khúc hào hùng, hô khẩu hiệu “Quân đội ta trung với đảng hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Về đến sân hợp tác xã, thủ trưởng cho mang cái cân treo ra cân. Một lần thằng Thế đeo không đủ, lén mang gạch bỏ thêm vào sọt, bị phát hiện. Binh nhì thì 1 sao, thêm hai cục gạch thành 1sao 2 gạch, nên từ đấy chúng tôi gọi nó là Thế thiếu tá. Tội cho nó, nó tình nguyện đi bộ đội chứ đã bắt nó đi đâu. Khi đi khám sức khỏe, nó còn bỏ đá vào 2 túi quần cho đủ cân.
Gần nơi đóng quân có hòn núi độc lập, đại đội trưởng đặt tên cho nó là Núi Một. Ông cho lính mở đường lên núi theo hình xoáy, lên một đằng, xuống một đằng. Sáng ra đeo sọt rèn leo lên gần một tiếng rồi về, thay cho thể dục. Đi ngủ, nhiều đứa không dám tháo giày ra vì sợ báo động. Báo động chiến đấu, báo động di chuyển gần như đêm nào cũng có. Một đứa bỏ gác, một đứa đi chơi tối về muộn cũng báo động. Mỗi tuần được nghỉ một buổi chiều chủ nhật. Sáng chủ nhật không huấn luyện nhưng phải đi lấy củi hay làm cái gì đó. Thỉnh thoảng chúng tôi phải đi dã ngoại hoặc diễn tập. Đi 1, 2 ngày để quen với điều kiện vừa di chuyển, vừa chiến đấu, đào bếp Hoàng Cầm, nấu ăn tại chỗ.
Quần thảo suốt ngày như vậy, lại đang sức ăn sức lớn nên dù tiêu chuẩn lương thực 710, 740 gam gạo 1 ngày nhưng lúc nào cũng đói.
Tháng được xem phim 1 lần do đội chiếu phim của sư đoàn hay trung đoàn về chiếu. Đi xem phim cũng phải ngồi thành hàng ngũ theo đội hình “đại đội hàng ngang, trung đội hàng ngang, tiểu đội hàng dọc”. Phim quân đội, dân được xem không mất tiền, đứng xung quanh. Cũng có khi được xem văn công của sư đoàn về biểu diễn.
Quân trang khi mới nhập ngũ được phát hai bộ quần áo Triều Tiên đã cũ do lứa đã đi B bỏ lại. 2 tháng sau được bổ sung thêm 1 bộ nữa. Mũ cũng may bằng vải Triều Tiên. Lúc đầu phát cho lính dây lưng vải lại 2,5 cm, 2 tháng sau được phát loại 5 cm. Nghe nói vải Triều tiên là họ viện trợ cho ta lau súng, nhưng vì thiếu nên quân nhu mới đem may thành quần áo cho lính mặc.
Đại đội trưởng đầu tiên của tôi 40 tuổi, văn hóa lớp 4. Ông hơi già so với chức vụ nhưng thực ra ông thăng tiến rất nhanh rồi lại tụt xuống, vì sao tôi sẽ kể dưới đây. Người ông nhỏ, da bánh mật săn chắc nhìn đen cháy nhưng rất nhanh nhẹn. Ông rèn quân dữ lắm, đứa nào cũng hãi. Các môn vượt chướng ngại vật, nhảy sào ông làm mẫu thoăn thoắt, chúng tôi nhìn lác mắt, thán phục lắm. Ông lấn sang cả việc của thủ trưởng chính trị như bắt chúng tôi làm khẩu hiệu treo khắp nơi, đả thông tư tưởng lính. Ông giảng bài không câu nệ vào giáo án nên lính không buồn ngủ. Nói chung, ông là người nhiệt tình, năng nổ, say sưa và đầy trách nhiệm. Hình như ông sinh ra là để đánh trận. Sau này tôi đoán có khi tại lúc ấy, ông đang phấn đấu vào… đảng.
Chuyện tại sao 40 tuổi ông còn phấn đấu vào đảng có nguyên do của nó. Ông nguyên là đại uý, tiểu đoàn trưởng. bị hạ cấp xuống trung úy, hạ chức xuống đại đội trưởng và khai trừ đảng vì nướng quân. Chuyện này tôi nghe nhiều cán bộ kể lại. Khi giảng bài về tư tưởng tiến công trong quân sự, ông cũng kể ra làm ví dụ, có điều không nói người chỉ huy trận đánh ấy là ông. Đó là trận tấn công vào một cứ điểm. Khi tin báo về, các mũi tiến công đã áp sát đối phương, có mũi còn sờ thấy cả càng trung liên của bên kia, ông mới hạ lệnh nổ súng. Nhưng đánh gần quá, lính ta sợ, lùi lại. Yếu tố bất ngờ mất, đối phương có thời gian củng cố lại đội hình, tổ chức phản công. Lại thêm bất lợi về địa hình nên trận này thất bại, ông nướng mất 2 đại đội. Ông bị kỷ luật nhưng không thấy thể hiện sự bất mãn mà vẫn yên tâm với chức vụ đại đội trưởng. Ông vẫn cần mẫn rèn quân như chẳng có gì phải nuối tiếc hay coi thường những cấp trên trẻ tuổi hơn, có thể đã từng là đồng cấp hay cấp dưới của ông. Cán bộ tiểu đoàn hồi ấy có khi chỉ thượng úy thậm chí trung úy nếu là cấp phó. Rồi ông lại vào đảng. Hồi làm liên lạc cho ông, tôi còn “phê” nhận xét vào đơn xin vào đảng của ông, tất nhiên không được… ký vì chính trị viên, bí thư chi bộ chỉ nhờ tôi viết cho chữ nó đẹp thôi. Ông sống chan hòa, bình dị không quan cách. Ông hay rủ tôi đi, đèo bằng xe đạp mỗi khi có việc riêng. Có lần, ông cho tôi chơi chủ nhật đến trường Trung cấp Lâm nghiệp nơi chị nuôi tôi học ở đấy. Ông lại nói với chính trị viên cho tôi mượn xe đạp để đi. Ông cũng cùng đi bằng xe của ông. Ông đưa tôi vào tận trường rồi đi tiếp. Chiều ông lại ghé qua để cùng về. Chúng tôi vừa sợ vừa thích ông. Sau khi giao cả tiểu đoàn cho sư đoàn khác, ông được sư cũ giữ lại chắc vì ông là cán bộ giỏi. Nói chung, ông là một mẫu cán bộ chỉ huy cộng sản mà tôi có nhiều ấn tượng.
Ngoài đại đội trưởng còn có một tiểu đội trưởng, người miền Nam cũng bị kỷ luật chiến trường. Anh được giao dẫn giải khoảng chục tù binh về tuyến sau. Trên đường đi, nhiều tù binh không theo được vì mệt hay đau gì đó nên anh ta lia cho cả băng đạn rồi về đơn vị một mình. Không rõ kỷ luật đối với anh ta thế nào nhưng chắc chỉ bị cảnh cáo vì tội không to như đại đội trưởng nướng quân mình. Chuyện này do chính trị viên khi giảng bài kể, nêu thẳng tên anh ta, tôi nghe ớn lạnh. Vậy mà trước khi đi B, ai cũng được học các chính sách của mặt trận, chính sách tù hàng binh.
Trở lại thằng tôi bắt nó ở cầu Nho Quan mà tôi kể ở kỳ trước. Tôi đưa nó về đến đơn vị thì nó run lắm, mặt tái mét. Đại đội trưởng chỉ chỗ cho nó ngồi, bắt thằng Cự cũng là liên lạc như tôi làm thư ký.
Ông đột ngột nhìn thẳng vào nó, hỏi:
- Anh tên gì?
Thằng này ngơ ngác không hiểu sao vì ông lạ gì tên nó. Ông phải giải thích:
- Hôm nay, tôi thay mặt tòa án của Nhà nước hỏi cung anh nên phải hỏi cho đúng luật để ghi vào biên bản, dù có điều đã biết rõ về anh. Anh Cự đây là người giúp việc cho tôi, làm thư ký.
Nó lắp bắp:
- Dạ… em tên là Lành.
Ông quát:
- Không anh em ở đây. Họ tên đầy đủ?
- Dạ, cháu, à tôi là Phạm Xuân Lành ạ.
Rồi ông tiếp tục hỏi: Anh bao nhiêu tuổi? Quê quán? Vợ con? Anh trốn khỏi đơn vị lúc nào? Có ai biết không? Có ai giúp anh không?….
Ông lại hỏi:
- Anh thuộc đơn vị nào?
Thằng Lành lại ngơ ngác, ông lại phải giải thích đã là hỏi cung thì phải hỏi theo qui định, không phải cái gì không biết mới hỏi. Mà đơn vị nào nó cũng không biết nữa, chỉ biết đại đội 4, tôi nhắc nó tên tiểu đoàn, sư đoàn.
- Khi bị bắt, anh có chống lại người thi hành công vụ không?
Tôi thương nó quá, nhanh nhảu:
- Không ạ.
Ông quát luôn tôi:
- Tòa chưa hỏi đến nhân chứng.
Thằng Cự thỉnh thoảng cầm tờ giấy che khéo lên mặt. Tôi biết nó cố nhịn cười,
Ông quần cho nó đến khi nó sợ quá rồi mới sai tôi gọi trung đội trưởng lên nhận về. Mấy hôm sau thì mang nó ra Hội đồng Quân nhân đấu, cảnh cáo phát rồi thôi. Không thấy tòa nào gọi nó nữa.
Học đến bài “Hai chế độ, hai cuộc đời” thì phát động căm thù. Đại ý của bài giảng là dưới chế độ thực dân, đế quốc thì nhân dân ta khổ như thế nào, bây giờ nhờ có Đảng nên cuộc sống thay đổi ra sao. Nay đế quốc Mỹ xâm lược nước ta thì nhân dân miền Nam, rồi nếu miền Bắc bị chiếm thì cả nước phải trở lại cái thời kỳ đen tối ấy. Nội dung phát động căm thù là kể ra nỗi khổ do thực dân, phong kiến, đế quốc gây ra mà mình biết. Bố mẹ có làm thuê cho địa chủ không, bị bóc lột, bị đánh đập ra sao? Rồi những mất mát do bom đạn Mỹ gây ra như thế nào. Cán bộ gợi ý: không nhất thiết phải là chuyện của gia đình mình, nếu biết chuyện của ai đó thì cũng cứ kể ra. Chúng tôi lớn lên không thằng nào biết mặt ông Tây hay địa chủ ra sao. Chẳng thằng nào có người thân bị chết bởi bom Mỹ vì vùng tôi không phải là mục tiêu của Mỹ, tuy có bom rơi ở vài chỗ, cũng chết mấy người. Còn chuyện Mỹ ném bom ở các thành phố, ở Thanh Hóa trở vào đến Vĩnh Linh thì đứa nào cũng biết. Vì vậy vẫn có thể kể tội ác của Mỹ theo đài báo đã đưa.
Tiểu đội trưởng của tôi người ngoại thành Nam Định kể làm mẫu, đợt Mỹ ném bom ở phố Hàng Thao, có một em bé 7 tuổi bị kẹt trong đống đổ nát. Trong tay em có một chiếc bánh mì vừa mua nhưng em rất khôn, mỗi ngày em chỉ ăn 1 tí để sống. 7 ngày sau, chiếc bánh mì vừa hết thì cũng là lúc người ta tìm được em, cứu ra. Không ai thắc mắc em uống gì trong 7 ngày ấy.
Có đứa kể về một anh ở làng bên đi bộ đội vào Nam chiến đấu bị giặc Mỹ giết hại, mới báo tử. Đứa đọc nhiều, nghe nhiều thì kể Mỹ ngụy bắn giết, moi gan móc mật, ăn thịt người ra sao. Còn tôi kể chuyện cứ như mẹ nói thì địa chủ nó có tính xấu là hay nghi ngờ. Nhận người làm, nó thử kỹ lắm. Nó vứt tiền ở đâu đó quanh nhà rồi bí mật theo dõi. Nếu nhặt được mà nộp cho nó thì nó giữ lại làm, nếu bỏ túi thì nó đuổi chứ nó không biết thương người nghèo. Mà nghèo thì do bị nó bóc lột gây ra chứ còn ai vào đấy. Địa chủ còn hay giả dối, ai chào nó, nó cũng chắp tay ra vẻ lễ độ: “Không dám ạ” nhưng bụng thì đầy mưu mô toan tính. Không toan tính thì làm sao nó giàu như vậy.
Cứ xong mỗi câu chuyện kể, anh trung đội trưởng vung nắm tay thẳng lên:
- Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược!
- Đả đảo Thiệu - Kỳ bán nước!
Chúng tôi cũng hô theo 3 lần:
- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Cứ mỗi lần hô, thấy một cảm giác căm thù, rần rật chạy khắp người. Có thằng còn chảy cả nước mắt.
Tôi không biết quân lực Việt Nam Cộng hòa huấn luyện quân như thế nào, nhưng cách luyện quân của miền Bắc tôi cho là khá công phu về rèn luyện gian khổ và về giáo dục chính trị tư tưởng. Có điều hơi lạ là từ khi tân binh cho đến các đơn vị tôi đã qua sau này, không thấy dạy cho lính về ứng xử. Văng tục, kể chuyện đểu, trêu ghẹo phụ nữ thoải mái. Vì vậy có câu “đói tán ăn, no tán phét”.
Những ông có vợ bô bô kể cho đám chưa vợ chuyện buồng the, không né tránh bất kỳ chữ nào tế nhị. Tôi vào lính, ban đầu thấy rất ngạc nhiên, nhưng mãi rồi cũng thành quen. Việc này không khuyến khích, tất nhiên rồi nhưng cũng không nhắc nhở hoặc ai thích nhắc thì nhắc. Có cô nuôi quân hỏi ông chính trị viên, thủ trưởng cho em mượn đèn pin cái. Ông thản nhiên bảo, ở trong túi quần ấy. Cô này thọc tay vào thì túi thủng nên chạm vào “đèn pin” của thủ trưởng. Cô ta hét lên bỏ chạy. Lại ông chính trị viên khác, ngồi xuống bắt chước chị em tiểu tiện, tay gãi gãi, đám nuôi quân xấu hổ che mặt: “khiếp”. Thằng Di tiểu đội trưởng thấy một cô đi ra hướng nhà vệ sinh (dùng chung), nó chạy ra tranh chỗ. Lúc ấy trời tối om. Nhà vệ sinh thì thấp nên cô phải hạ quần từ ngoài rồi đưa mông vào, chạm ngay mặt thằng Di. Thằng này không nhịn được, phì cười. Cô bé rú lên: “Trời ơi, có ai khổ như tôi thế này không”, rồi chạy mất.
Kể vài mẩu chuyện cho vui, chứ ở đâu cũng có những chuyện tương tự, có điều là ít hay phổ biến mà thôi.
1/1/2016
Bài bình luận gần đây