You are here

Phản biện lại các phản biện dự án hầm chui sông Hàn, Đà Nẵng

Dự án hầm chui sông Hàn Đà Nẵng đang vấp phải những phản ứng căng thẳng. Đồng tình ít, phản đối nhiều. 

Khoan đã bàn đến những tiêu chí như độ dốc, chiều cong, thậm chí mối lo về việc nước có hắt tạt vào hầm hay không, và một số tiêu chí kỹ thuật khác. Đó là việc của các nhà chuyên môn. Thiết kế, tự thân họ phải tính toán cho mọi khả năng an toàn nhất. Chẳng ai lại đi ngồi lo hộ cho các nhà chuyên môn từ cái độ dốc, chiều cong đến khả năng mưa gió... tạt nước miệng hầm. Khôi hài!

Điều cần nhất, trước hết, trong lúc này, là hầm hay cầu và có nên cho một dự án hầm như thế?

Cầu? Có vẻ đã hơi nhiều, với một quãng sông như thế. Một hướng giao thông xuyên sông không phải cầu, là ý tưởng nên lựa chọn. Quãng cửa sông, đã được qui hoạch cho các dự án bến du thuyền, nên tránh những cây cầu cắt ngang. 

Bao giờ làm, có vội không?

Ý kiến phản đối, đa phần dựa trên nhu cầu (thực tại giao thông) để cho rằng chưa "nghẹt" quá, thậm chí chỉ để phục vụ hơn 20 vạn dân thuộc hai phường (Thọ Quang, Mân Thái) bờ Đông sông Hàn là vội vã và... phí phạm! Nếu có, nên chờ 5, 10 năm sau hẵng tính. Thay vào đấy, nên nới mở vài chiếc cầu hiện có, và dồn sức cho những công trình, mục tiêu ưu tiên khác, thậm chí là các dự án nước thải, môi trường... 

Không bàn ở việc giao thông với rác thải, môi trường, anh nào ưu tiên hơn. Bởi nó tuỳ ở định hướng chiến lược phát triển đã được hoạch định cho thành phố. Và chắc hẳn, nguồn nào, mức nào cho giao thông cầu đường, nguồn nào mức nào cho rác thải, môi trường đã phải được rạch ròi, khu biệt trước, không thể lẫn lộn ngẫu hứng kiểu bưng anh này đắp anh kia.

Giao thông là nhìn trước hàng thế kỷ. Xây một cây cầu, một dự án hầm chui hơn 4.000 tỷ mà chỉ tính đến 5, 10 năm? Đợi nghẹt xe mới mở đường, chờ đến khi dân số đủ đông đến chất chật hết gần chục cây cầu ấy mới xây hầm? Thế hoá ta vẫn không lớn hơn cái tư duy "đường ta rộng thênh thang tám thước" từ thời cụ Tố Hữu?

Tôi ủng hộ quyết tâm xây hầm của Đà Nẵng. Đã có lời mỉa mai thế hệ lãnh đạo mới của Đà Nẵng rằng như thế là đang cố tạo "dấu ấn", những dấu ấn khác "dấu ấn Bá Thanh". Tôi nhìn khác. Ông bà nào không biết tạo, và không tạo được dấu ấn đáng kể nào thì nên sớm nghỉ, về hưu thanh thản tập làm "người tử tế" như lão X kia cho... khuất mắt, trả ghế nhường cho người khác, thế hệ khác.

Ai đó làm được việc gì, tạo nên một điều gì thật sự thành dấu ấn, lại là dấu ấn không lặp lại bóng hình Nguyễn Bá Thanh, thì quả thật đáng để vỗ tay khích lệ. 

Dường như, đang có một thứ bệnh làm yếu mềm và chậm bước phát triển cho Đà Nẵng: đó là cái bệnh việc gì cũng đem Bá Thanh ra làm so chiếu. Nguyễn Bá Thanh là một hiện tượng. Và chính ông tạo nên "hiện tượng Đà Nẵng". Để có được một "giá trị Đà Nẵng" như hôm nay, phần lớn ở bàn tay vị "kiến trúc sư" tài hoa này. 

Nhưng...

Bức tranh Đà Nẵng đã sang giai thời cần những phác hoạ khác, những nét chấm phá khác

Xin đừng tiếp tục mãi lôi cái tên ông Thanh ra làm "mồi" phản biện. Hãy học ông không chỉ ở cách biết lắng nghe, mà còn ở cách dám khẳng khái bảo vệ những ý tưởng đúng. Cây cầu Rồng, trước khi xây chẳng đã no đòn "phản biện" đấy thôi. Nhưng bây giờ đã thành như một biểu tượng mới cho Đà Nẵng, một điểm đến vàng cho du lịch Đà Nẵng.

Đà Nẵng giờ, cảm như hễ dư luận ồn tí là stop, dừng lại hết. Có nên không khi "lắng nghe" kiểu thế? Một quãng sông Hàn giữa lòng thành phố, mới xây độc nhõn một bến du thuyền đã la toáng lên là nghẽn dòng chảy. Sau bao năm phát triển thành như một hiện tượng, hai bờ Đông Tây sông Hàn vẫn cứ thẳng tưng, tuồn tuột. Qui hoạch kiến trúc cảnh quan là làm sao tạo nhiều điểm nhấn, nhiều điểm dừng, chứ đâu phải giữ mãi hai bờ sông thẳng tưng, tuồn tuột vậy? Ai đó đã đi Đông Tây Nam Bắc, qua các nước phát triển, có thấy đô thị nào được con sông chảy giữa lòng thành phố lại để phí vậy?

Có mỗi cái Memory bên bờ Tây cầu quay. Xây thêm được con tàu DHC phía bờ Đông cầu Rồng thì bị đánh tơi bời. 

Sông Hàn không phải sông Hương. Đà Nẵng không phải Huế. Làm cách sao cho sông Hàn cuộn sóng lên, cho đôi bờ nhộn nhịp, tấp nập lên, chứ không phải giữ mãi sự êm đềm chết lặng thế. Thậm chí, tôi còn muốn có một dự án nào đấy kiểu như tạo sóng, thổi tung mặt nước sông Hàn sục sôi cuồn cuộn. Cho lúc nào cũng nghe ầm ầm vang động ấy.

Một hai con tàu DHC là quá ít. Trên hai bờ sông Hàn, tôi ước sáng mai thức dậy thấy mọc thêm hàng chục, vài chục bến du thuyền kiểu con tàu DHC kia. Thế mới là sông Hàn. Thế mới là Đà Nẵng chứ!

Hầm chui, và không chỉ dừng lại ở câu chuyện hầm chui. Đà Nẵng cần những diện mạo mới, những phác thảo khác, theo chiều hướng khác. Như bức tranh vậy. Đà Nẵng hiện tượng đấy, Đà Nẵng đẹp đấy. Nhưng mãi nguyên một đường nét dễ đâm... nhàm chán!

Ít dòng, phản biện lại những phản biện hầm chui. Và, cũng không chỉ là phản biện cái hầm chui!