Sự bất công khai của các phiên toà công khai
Xử Cấn Thị Thêu. Phiên toà được cho là công khai, nhưng an ninh đã chặn cản một cách thô bạo (nếu không muốn nói là rất du côn), không cho hai con của chị Thêu (Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư) đến toà.
Phiên sơ thẩm xử tôi (4/3/2014), lực lượng an ninh cũng cấm cản, không cho mẹ, chị và các em tôi đến toà.
Tất cả các quốc gia. Chắc không có thể chế "dân chủ" nào xét xử công dân theo cách này.
Các phiên xử, án chính trị, hoặc nhạy cảm như vụ Cấn Thị Thêu đều vậy. Ngay cả các lãnh sự, đại sứ cũng bị đẩy đuổi một cách thô bạo, kém văn hoá.
Không ít vụ, cả luật sư cũng bị chặn đuổi không cho vào phòng xử.
Phòng xử án, như thể có chủ ý từ khâu thiết kế. Tất tật bé tẹo, chủm hum vài hàng ghế, băng gỗ liền nối như kiểu lớp học vỡ lòng thời... thế kỷ trước. Cho dù trụ sở toà án nào cũng sừng sững nguy nga. "Dân" được đóng thế, vào vai ngồi chật phòng xử là những cán bộ toà án, kiểm sát, an ninh. Đến mức như trong vụ xử tôi, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị "Toàn bộ các vị đóng vai "dân" ngồi đây đều rất lạ, không liên quan gì đến ông Nhất. Nếu các vị có lòng tự trọng và liêm sỉ thì hãy đứng dậy ra ngoài, nhường ghế cho mẹ bị cáo, chị bị cáo, em bị cáo và những bạn bè, đồng nghiệp của bị cáo đang phải đứng bên ngoài".
Không một ai trong những hàng ghế đóng vai "dân" ấy, đủ tự trọng và liêm sỉ để đứng lên.
Những kịch bản được soạn sẵn. Thậm chí dự phòng cả phương án trấn áp. Một phương cách hành xử thô bạo, vi phạm nghiêm trọng luật Tố tụng từ chính 3 ngành toà án, kiểm sát, công an.
Đặc biệt, nhiều phiên toà Hà Nội, lực lượng an ninh còn bố ráp như đánh trận, đưa xe buyt lùa bắt dân như bắt... lợn!
Đấy, mới chỉ nói phần “thủ tục” và hình thức xét xử. Chưa bàn đến những nội dung trong toà, trong quá trình xét xử, tranh tụng...
Nhân cái chết của Fidel Castro, báo chí bùng lên ngợi ca “bài hùng biện 4 tiếng trước toà” từ hơn nửa thế kỷ trước của ông. Không bàn cãi về tài hùng biện của Fidel. Ngược lại, nếu nhìn vào thể thức xét xử, phiên toà của thể chế độc tài khét tiếng Batista từ hơn nửa thế kỷ trước, hoá chẳng đã dân chủ gấp vạn lần cái toà án “nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của chúng ta sao. Phiên sơ thẩm xử tôi, đã chuẩn bị và chủ động yêu cầu toà tuân thủ đúng nguyên tắc bình đẳng tranh tụng, thông báo phần tự bào chữa của tôi không dưới 3 tiếng (biên bản và ghi âm phiên toà thể hiện rõ yêu cầu này). Toà cắt phăng. Cảnh sát lôi ghì tôi xuống khi phần bào chữa chưa tới 5 phút. Phúc thẩm, còn đến mức không để luật sư tranh tụng, không cho bị cáo nói lời sau cùng.
Tất nhiên, trường hợp tôi không phải là cá biệt.
Những động thái đó là gì?
Vi luật, phản cảm, vô văn hoá, bất nhân. Không chỉ dừng lại ở thủ tục, phương thức xét xử. Đã quá đủ để gọi tên một hành vi tội ác, trái luật Tố tụng, xâm phạm quyền con người và các nguyên tắc dân chủ cơ bản khi nhân danh nhà nước kết án một con người.
Ngăn chặn, loại bỏ lối xét xử thô bạo này bằng cách nào?
Sự lên tiếng từ báo chí? Đừng mong! Báo chí Việt, tất tật đã tự nguyện buộc kín miệng rồi. Đem xà beng nạy cũng không ra. Đến bị mấy gã cảnh sát du côn đấm cho hộc máu mồm vẫn không dám “ẳng” lên một tiếng, thì lên tiếng, mở miệng bảo vệ, bênh vực được ai?
Vai trò các luật sư - Tôi thật sự mong, kỳ vọng vào điều này. Đặc biệt là sự "thức tỉnh", cùng những cú vẫy vùng của một nhóm các luật sư nhân quyền Hà Nội trong mấy năm gần đây. Một Trần Vũ Hải, một Võ An Đôn, một Trần Thu Nam, một Lê Văn Luân, một Hà Huy Sơn, một Trần Đình Triển... chưa đánh động gì. Nhưng mười, hai mươi, ba mươi, một trăm, hai trăm luật sư bắt tay đồng lòng. Tôi tin, đủ lực bật tung các cánh cửa toà.
Bằng chứng có thừa, ai cũng trông thấy. Những vi phạm đó phải được truy tố, tống cổ chính những thẩm phán, kiểm sát, an ninh đó vào tù. Không truy tố được trước toà của họ, thì lôi ra toà quốc tế. Hành lang pháp luật và chế định giờ cho phép các luật sư thừa sức xung trận, trong những phiên toà vượt khuôn khổ quốc gia.
Đã có lúc, tưởng như có một cuộc xuống đường của hàng trăm luật sư giữa lòng Hà Nội. Đã có lúc, tưởng như có một ngày giới luật sư cả nước xuống đường với những dải băng đen "để tang" cho nghề của mình. Nhưng rồi, vẫn chưa thể! Tại sao?
Thay đổi các phiên toà, phải từ chính sự lên tiếng, thậm chí một cơn bão lốc phản kháng của chính giới luật sư, những người am hiểu pháp luật, thuộc luật, nắm luật và can dự trực tiếp trong các trình tự tố tụng.
Không còn cửa nào khác. Tôi hi vọng, rất hi vọng ở... trận tuyến này: các luật sư, thưa quí vị!
Bài bình luận gần đây