Nghệ Tĩnh- Quảng Bình... đang chìm trong lũ. Hàng vạn ngôi nhà, hàng triệu đồng bào tôi chơi vơi trong lũ.
Chiếc đòn gánh miền Trung gánh hai đầu đất nước, năm nào cũng vậy. Khúc khoảnh thắt eo như gãy gập. Như thể, chỉ cần bồi thêm một bọng nước trào nữa thôi, cũng đủ cuốn trôi ra biển. Có những làng mạc, nhiều khi chỉ khoảnh khắc- trôi sụp, tan hoang.
Lũ như giặc. Thứ giặc không bao giờ thắng nổi. Phải chọn cách sống cùng lũ, sống trong lũ.
- Nước lên rồi đó! - Giọng mẹ thản nhiên, kèm tiếng tắc nhẹ như chiếc kim giây đồng hồ báo nhắc.
Vậy là cả nhà lục đục suốt đêm khuân đồ lên gác. Quê, lớn bé ngói tranh gì thì nhà nào cũng có một cái gác, đôi khi chỉ giản đơn vài thanh gỗ. Cuộc sống vẫn cứ vậy, vất vả, lũ lam, nhưng nhẹ tênh bao thế hệ.
Nhưng hôm nay, nếu nhắc đến Formosa. Chỉ cần... Formosa một tiếng là mẹ bật người, trừng mắt. Dân tôi, giờ cái tên Formosa đã như "kẻ xâm lược". Họ có thể sống cùng lũ, sống trong lũ, chung với lũ, nhẹ tênh trước lũ. Nhưng Formosa thì không. Không thể sống cùng "kẻ xâm lược" Formosa.
Có thể, mẹ không nói ra. Nhưng tôi đọc được trong ánh mắt mẹ, cũng như bao cư dân vùng lũ thắt eo đòn gánh này một khát khao: Có cơn lũ nào lớn hơn, khác hơn, để cuốn phăng cái ổ dịch xâm lược Formosa ra biển?
Nghe đâu, có mấy vị khoa học thánh thần gì đấy nói có thể kêu mây gọi gió? Sao không gọi gió, nổi bão giùm tôi, cuốn lũ về xúc phăng cái ụ Formosa kia ném quăng ra biển.
Để mãi vậy, rồi sẽ không tránh được những cơn lũ khác, ấy là lũ trong lòng dân. Một khi cơn lũ lòng dân trỗi dậy, thì chế độ cũng không còn, đừng nói gì Formosa.
Bài bình luận gần đây