Song Chi
Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. (Tiananmen, Beijing). Nguồn: skydoor.net
Sau nhiều năm dài thi hành một chính sách ngoại giao khôn khéo, chỉ tập trung vào chuyện lo làm giàu cho đất nước và cố gắng xây dựng hình ảnh “trỗi dậy một cách hòa bình không ảnh hưởng gì đến trật tự của thế giới”, có vẻ như 2010 là một năm thất bại của Trung Quốc về mặt ngoại giao khi hàng loạt cách hành xử của Bắc Kinh đã khiến cho thế giới kịp thời nhận ra sự hung hăng, hiếu chiến, chỉ làm theo ý mình của quốc gia này trên phương diện quan hệ quốc tế. Và kể từ bây giờ trở đi, chắc chắn nhiều nước sẽ tỏ ra thận trọng, cảnh giác cao với Bắc Kinh. Có thể nhận thấy điều đó qua sự điều chỉnh trong chính sách ngoại giao hoặc quốc phòng của nước này nước khác, từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ cho tới các nước Đông Nam Á.
Vạn Lý Trường Thành. Nguồn: yeudulich.vn
Trong khi đó, từ lâu nay, với vai trò là cường quốc số một, lãnh đạo thế giới, tất nhiên, Hoa Kỳ bị nhiều quốc gia khác “ghét”. Tại một số nước ở Châu Âu hay các nước Hồi giáo ở Trung Đông chẳng hạn, nhiều người dân khi được hỏi đã nói thẳng là họ không thích nước Mỹ, không thích người Mỹ. Các quốc gia Bắc Âu có lẽ cũng chẳng thiện cảm gì nhiều với Mỹ. Ngay ở Na Uy, quốc gia mà tôi đang sống, theo cảm nhận của tôi, nhiều người dân tỏ ra không thích thú gì vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ cũng như chế độ tư bản và sự cạnh tranh khốc liệt trong đời sống xã hội Mỹ, ngược lại, đối với Trung Quốc, phần lớn cũng không hiểu rõ về quốc gia này. Dù có biết về chế độ độc tài và “thành tích” nhân quyền của nhà nước Trung Quốc, điều đó không ngăn cản nhiều người Na Uy ngưỡng mộ Trung Quốc về nhiều thứ: một quốc gia khổng lồ, một nền văn hóa lâu đời, sự phát triển thần kỳ trong hơn 3 thập niên qua …Tuy nhiên, khi xảy ra câu chuyện về giải Nobel Hòa Bình năm nay và những phản ứng gay gắt quá đáng của chính quyền Bắc Kinh đối với Na Uy, những người lãnh đạo Trung Quốc không biết rằng họ đã làm cho người dân Na Uy kinh ngạc và không thể hiểu nổi. Tôi đã nghe một số người Na Uy khi nói về điều này cứ lặp đi lặp lại câu: “Tại sao Trung Quốc lại phản ứng như vậy? Sao họ không chịu hiểu Ủy ban trao giải là một tổ chức hoạt động độc lập, nếu có ghét thì ghét cái Ủy ban trao giải, chứ sao lại đổ lỗi cho chính phủ Na Uy và làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước?” Hoặc: “Tại sao họ lại không để cho ông Lưu Hiểu Ba đến nhận giải? Việc ông ấy đến nhận giải thì có sao đâu?”Tôi phải giải thích với họ đây rõ ràng là chuyện hai bên không hiểu nhau vì hai chế độ, hai xã hội quá khác nhau, rằng ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, nhà nước kiểm soát tất tần tật mọi thứ, nên những người lãnh đạo Trung Quốc không hiểu được và cũng không thể chấp nhận việc có một Ủy ban, một tổ chức nào đó lại có thể hoạt động độc lập với chính quyền mà chính quyền lại chịu, không thể can thiệp vào công việc của họ như vậy! Song rõ ràng là qua câu chuyện này, Trung Quốc đã tự làm “mất điểm” trong mắt nhiều người dân Na Uy.
Thành phố Thượng Hải (Shanghai). Nguồn: ccisabroad.org
Một lần khác, tại ngôi trường dạy tiếng Na Uy dành cho người nước ngoài mà tôi đang theo học, một học viên người Palestine đã bày tỏ sự khâm phục đất nước Trung Quốc và nói với tôi, anh ta tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi một mô hình xã hội rất đáng cho nhiều nước trên thế giới học tập, rằng nền dân chủ của Trung Quốc khác với phương Tây và sẽ ngày càng dân chủ hơn, rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc không đe dọa gỉ đến thế giới cả v.v. và v.v…Tôi chỉ nhẹ nhàng trả lời, rằng nếu muốn biết sự thật về Liên Xô cũ, hãy hỏi dân Ba Lan-Ba Lan là một trong những dân tộc có nhiều kinh nghiệm cay đắng nhất với Liên Xô; còn nếu muốn biết rõ hơn về Trung Quốc, hãy hỏi người Việt Nam chúng tôi. Và hãy tin người Việt Nam chúng tôi là vì chúng tôi ở sát cạnh Trung Quốc hàng ngàn năm nay và cũng có nhiều kinh nghiệm đắng cay không kém!
Tôi không phải là một người “bài” Hoa. Không phải cái gì của Trung Quốc tôi cũng ghét. Ngược lại, tôi cũng rất ngưỡng mộ nền văn hóa dày dặn lâu đời của Trung Quốc, thích nhiều tác giả văn học, thi ca cổ và hiện đại, thích hội họa Trung Quốc và trong danh sách những đạo diễn yêu thích của tôi có Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ (Hongkong)…Nhưng tôi không chịu được cái mô hình thể chế chính trị của quốc gia này cũng như mô hình thể chế chính trị của chính đất nước tôi hiện tại, tôi càng không chịu được cách hành xử của các vua chúa Trung Hoa đối với Việt Nam thời xưa cho tới các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam bây giờ.
Và tôi tin rằng nhiều người Việt Nam cũng có cảm nhận như vậy.
Kể cũng lạ. Là một quốc gia đã từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh với những “kẻ thù” khác nhau trong quá khứ, nhưng có một điều phải nhận thấy, cho đến giờ phút này, đối với phần lớn người Việt Nam, tại sao họ không “ghét” Tây, “ghét” Nhật, “ghét”Mỹ mà lại “ghét” Tàu đến thế?
Xin nói ngay rằng tôi không phải là người đầu tiên đặt ra câu hỏi này. Ít nhất đã có nhà thơ Đỗ Trung Quân tức blogger Chung Do Kwan trong bài “Ngổn ngang vui buồn” đã từng tự hỏi: “tại sao người Việt không bài Tây ,bài Mỹ mà bài Tàu đến thế.từ trong tiềm thức?” Và đã tự trả lời:
Cả ngàn năm Bắc thuộc.người Tàu [ Trung Quốc] chỉ có đồng hóa mà không bao giờ khai hóa..người Tàu đốt sách từ thời Tô Định.xóa bỏ phong tục tập quán ,bắt theo phong tục của họ.gọi dân tộc phía Nam Thái Bình Dương tất thảy là “Nam Man” mọi rợ cả.
-người Việt nói riêng chống lại không phải văn hóa Trung Quốc mà là chống lại sự ngạo mạn của trung quốc. coi dân tộc khác là man di tất thảy.chính sách,cái nhìn đó chưa từng khác đi đến tận hôm nay
Trung Quốc không khai hóa.kẻ khai hóa chúng ta lại là kẻ thực dân chúng ta.người Pháp vẫn dạy học ,mở trường.phong trào Đông Du không từ Trung Quốc.chống lại người Pháp không ai khác chính là những người hấp thu nền Tây học: Phan Chu Trinh,Võ An Ninh,Nguyễn Ái Quốc,Phạm văn Đồng,Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp….
…Khai hóa ,mang chữ và văn minh đến cho người Việt để chính người Việt hiểu ra mình là kẻ bị trị.cầm súng đứng lên đánh đuổi chính kẻ khai hóa lẫn kẻ thực dân nước mình.chỉ có thể là người Pháp.không bao giờ là Trung Quốc- kẻ chỉ muốn đồng hóa,ngu dân.học hành ,thi cử ,đỗ đạt kiểu Trung Quốc mục đích cuối cùng chỉ để làm quan.không phải để hiểu thân phận kẻ bị trị.
Nếu nhìn lại cách hành xử của các vua chúa Trung Hoa đối với các quốc gia láng giềng từ thời xa xưa cho đến cách hành xử của chính quyền Trung Quốc trên phương diện quan hệ quốc tế trong thời điểm hiện tại, đặc biệt đối với những quốc gia bị họ thôn tính như Tân Cương, Tây Tạng hay những quốc gia nhỏ yếu hơn đang bị họ dùng tiền và “quyền lực mềm” để thao túng về kinh tế, chính trị, văn hóa…như Lào, Campuchia, Việt Nam, thậm chí kể cả một số quốc gia ở châu Phi; người ta dễ dàng nhận thấy chính sách của Trung Quốc trước sau như một, chỉ muốn thu lợi về cho nước mình, chỉ muốn lấy đi mà không cho lại, và như tác giả Chung Do Kwan đã nhận xét, chỉ đồng hóa mà không khai hóa cũng không chấp nhận sự khác biệt văn hóa của nước khác.
Tôi có biết một số người Tây Tạng. Khi đề cập đến tình thế của đất nước, họ đều nói rằng nếu không thể độc lập, nếu phải chọn lựa ở dưới sự “khống chế” của một quốc gia khác, họ thích chọn Ấn Độ hơn Trung Quốc. Thứ nhất vì giữa Ấn Độ và Tây Tạng, hai nền văn hóa rất gần nhau, thứ hai vì Ấn Độ sẽ để cho họ được bảo vệ nền văn hóa của mình chứ không âm mưu đồng hóa, làm mất dần bản sắc văn hóa của dân tộc họ như là chính quyền Trung Quốc. Nhận xét này của người Tây Tạng về người Ấn Độ thì tôi tin, vì tôi đã từng có một thời gian sống và học tập ở Ấn. Bản chất nền triết học của Ấn Độ vốn nặng về tâm linh, giàu tính nhân văn, bên cạnh đó, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Ấn, (người dân Ấn hầu hết là ăn chay “triệt để” hoặc ăn chay “một phần”-có nghĩa là chỉ ăn rau hoặc có thể ăn thêm trứng hoặc có thể ăn thịt heo kiêng thịt bò, ăn thịt bò kiêng thịt heo tùy theo tôn giáo nào), do vậy người Ấn nhìn chung hiền lành, thuần hậu; đồng thời, Ấn độ cũng là một quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới nên cũng như các quốc gia có nền dân chủ khác, người Ân nhìn chung không có thói quen áp đặt suy nghĩ, quan điểm của mình với người khác.
Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia đông dân nhất, có hai nền văn hóa lâu đời nhất châu Á và đều đang là những cường quốc đang lên mà theo như tiên đoán của nhiều nhà bình luận chính trị, tương lai thế giới sẽ thuộc về một trong hai quốc gia này. Nhưng thật ra hai quốc gia này rất khác nhau từ triết học, tôn giáo, văn hóa, thể chế chính trị, cơ cấu xã hội cho đến đường lối chính trị ngoại giao của các nhà lãnh đạo và tâm tính của người dân-bởi “xã hội thế nào, con người thế ấy”. Khác với triết học Ấn Độ, triết học của Trung Hoa có tính thực dụng, dạy cho con người ra làm quan hay hành xử giữa đời chứ không phải suy tư nhiều về những vấn đề siêu hình. Tôn giáo, sau nhiều năm dài dưới chế độ cộng sản,chỉ còn đóng một vai trò cũng khá là thực tiễn, thực dụng trong đời sống của người dân, cộng với một thể chế chính trị độc tài, hà khắc kéo dài đã ảnh hưởng khá nhiều đến cách sống, cách nghĩ và cả tâm tính của con người. Ngay trong sự phát triển rất đáng nể của xã hội Trung Quốc vẫn thiếu vắng tính nhân văn vì quyền con người vẫn chưa được đặt lên hàng đầu.
Tại một thành phố ở Trung Quốc, bên cạnh những tòa nhà chọc trời là khu ổ chuột. Nguồn: tuoitre.vn
Một bộ phận người nghèo Trung Quốc vẫn còn bị bỏ bên lề sự phát triển kinh tế của nước này. Ảnh: New York Times.
Ngày nay, xã hội Trung Quốc thực chất đang đi lại con đường của chế độ tư bản thời kỳ đầu, thời kỳ man rợ, khi nhân danh sự phát triển và chỉ vì mục tiêu tối thượng là làm giàu bằng mọi giá, chính quyền sẵn sàng bóc lột tàn tệ người lao động và những tầng lớp thấp trong xã hội đang bị hy sinh, bị gạt ra bên ngoài trong việc thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển ấy. Một thể chế chính trị độc tài, về đối nội thực chất không khác gì chế độ phong kiến trước kia với quyền lực tối thượng tập trung vào “thiên triều” và người dân chỉ được nhất mực nghe theo, cấm cãi. Còn đối ngoại, Trung Quốc chẳng khác nào một anh thực dân. Hãy nhìn cách chính quyền Trung Quốc đang càn quét châu Phi, đổ tiền vào để giành lấy những dự án đấu thầu, những hợp đồng béo bở, vơ vét tài nguyên của châu lục này, không đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân lao động bản xứ hay sự ô nhiễm, tàn phá môi trường mà những công ty của Trung Quốc đang gây ra. Thế giới đã nói đến việc Trung Quốc đến châu Phi chỉ vì quyền lợi của Trung Quốc và ngược lại, các quốc gia châu Phi sẽ được gì ngoại trừ những khoản tiền “hoa hồng”, hối lộ khổng lồ đút túi những kẻ có chức quyền và hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi? Điều đó cũng đang diễn ra ở Lào, Campuchia, Việt Nam…Đó là một thứ văn hóa ứng xử chỉ biết lợi cho mình, chỉ biết lấy đi mà không trả lại như đã nói ở trên.
Một đốc công người Trung Quốc đang giám sát thi công tại công trường xây dựng bệnh viện ở Guinea, châu Phi.
Nguồn: tuanvietnam.net
Không những thế, văn hóa Trung Quốc ở một khía cạnh nào đó, là một nền văn hóa có tính chất tận diệt, hủy diệt đối với một nền văn hóa khác, chứ không cùng tồn tại, phát triển và học hỏi lẫn nhau. Điều này đã được chứng minh qua lịch sử của các quốc gia bị Trung Quốc thôn tính, trong đó có cả một ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Là một nước lớn, nhưng trong cách hành xử với thế giới và ngay cả với các nước nhò, yếu hơn rất nhiều lần, Trung Quốc lại rất…tiểu nhân, thù vặt và thù dai. Đọc những mẩu chuyện kể của ông Dương Danh Dy, một chuyên gia về Trung Quốc, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu hay tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc thì rõ. Hoặc ngay gần đây, phản ứng của Trung Quốc quanh chuyện va chạm với Nhật Bản hay chuyện giải Nobel Hòa Bình năm nay chẳng hạn. Đó chưa phải là cách ứng xử của một nước lớn. Nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc trên thế giới thì chính quyền nước này còn phải thay đổi nhiều, học hỏi nhiều về mặt ngoại giao chứ đừng nói đến tham vọng lãnh đạo toàn cầu!
Có bao giờ những người lãnh đạo Trung Quốc tự đặt câu hỏi vì sao gần đây nhiều nước lại quay sang cảnh giác đối với Trung Quốc, ngay cả những quốc gia trong khu vực châu Á mà Trung Quốc đã nhiều năm đổ biết bao công sức và cả tiền của để “mua chuộc’, tạo mối quan hệ tin cậy lẫn nhau nhưng bây giờ cũng sẵn sàng chào đón sự trở lại của Mỹ ở khu vực này và khi phải chọn lựa, nhiều nước sẽ chọn lựa đứng về phía Mỹ chứ không phải Trung Quốc, dù trước đó có thể họ cũng không hẳn đã thích Mỹ?
Mọi người đều nói đến chuyện Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ năm, mười năm nữa. Tôi tin rằng về mặt kinh tế tính theo tổng sản phẩm quốc nội, trữ lượng ngoại tệ, hay thậm chí thu nhập quốc dân chẳng hạn, điều đó là hoàn toàn có thể. Nhưng về một số lĩnh vực khác như những thành tựu khoa học, phát minh, đặc biệt là về một cơ chế xã hội văn minh, và con người văn minh, thì còn cần phải nhiều năm hơn rất nhiều.
Số phận đã đặt Việt Nam phải nằm cạnh Trung Quốc. Lịch sử đã dạy cho người Việt Nam quá nhiều bài học cay đắng từ anh láng giềng khổng lồ này. Ngay trong thời điểm hiện tại, những điều cay đắng vẫn đang diễn ra, không những thế, vì sự bạc nhược, hèn hạ, sai lầm của nhà nước Việt Nam, chưa bao giờ đất nước và dân tộc Việt Nam phải chịu những thiệt hại nặng nề đến thế trong mối quan hệ với Trung Quốc! Điều đó lý giải vì sao người Việt Nam lại “ghét” Trung Quốc, nói cho chính xác, “ghét” chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, chúng ta chẳng thể bê nước mình đi đâu được thì phải học cách sống bên cạnh Trung Quốc mà vẫn phát triển, vẫn giàu mạnh và không đánh mất mình, điều mà một số quốc gia nhỏ bé khác đã làm được khi phải sống cạnh những quốc gia lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Nếu trên con đường phát triển ấy, một đảng cầm quyền đã trở thành vật cản đồng thời lại còn đứng về phía ngoại bang để bóp nghẹt lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần phản kháng của người dân thì đảng cầm quyền hay mô hình thể chế chính trị ấy cần phải bị thay thế để cứu lấy vận mệnh của đất nước, không còn cách nào khác!
Bài bình luận
một bài viết khá hay !
Không phải khá hay, mà là quá chính xác.
coi lai to tien
tôi yêu Việt Nam
tôi yêu Việt Nam
Bai viet qua hay