Hiện nay ở Việt Nam, có một số tổ chức của người dân tự nguyện lập ra và hoạt động không chịu sự quản lý của nhà cầm quyền Việt Nam. Chúng ta vẫn thường gọi đó là các tổ chức xã hội dân sự (XHDS). Những tổ chức này chưa được nhà cầm quyền Việt Nam công nhận và chưa có trụ sở, phần lớn hoạt động trên không gian mạng, và một số hoạt động trập trung thường bị an ninh đánh phá. Chúng ta có thể nhận thấy, có rất nhiều tổ chức như vậy đã ra đời và hoạt động, từ khoảng 5 năm trở lại đây: FC NO-U, Con Đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng lưới Blogger VN, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Bầu Bí Tương Thân, Văn Đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập,...đến các tổ chức thiện nguyện như Cứu Lấy Dân oan, Cứu Trợ Dân Oan....sự ra đời và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự là một bước tiến lớn của phong trào dân chủ Việt Nam.
Bối cảnh ra đời của các tổ chức XHDS
Giai đoạn năm năm, từ cao trào dân chủ 2006 đến năm 2011, là thời gian khủng bố trắng đối với các tổ chức đảng phái và tổ chức chính trị được thành lập và hoạt động giai đoạn 2005-2006. Sự hoạt động của các tổ chức, đảng phái được thành lập khi đó đã kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng giảm dần cường độ và hầu như không còn ảnh hưởng tới phong trào dân chủ và đời sống chính trị Việt Nam. Đó là các tổ chức đảng phái như đảng Dân Chủ (do cụ Hoàng Minh Chính phục hoạt), đảng Thăng Tiến Việt Nam, các tổ chức như Công Đoàn Độc lập, Trung Tâm Nhân Quyền...tuy nhiên, có những tổ chức có tính chất mở, như Khối 8406 vẫn ít nhiều duy trì được hoạt động. Với các tổ chức chính trị,và có tính chất chính trị, nhà cầm quyền Việt Nam đã đàn áp và xóa sổ thẳng tay. Trong bối cảnh đó, việc tìm một hình thức kết hợp nhẹ nhàng, với những mục tiêu có tính chất dân sinh, xã hội là một con đường của phong trào dân chủ Việt Nam.
Thời gian từ cuối năm 2007 trở đi, ở Việt Nam đã xuất hiện sự phản kháng đối với sự o ép, vi phạm và xâm lấn lãnh hải, lãnh thổ của Trung Quốc, đã diễn ra các cuộc biểu tình của người dân tại Hà Nội và Sài Gòn. Sau đó, sự o ép, xâm lấn lãnh thổ lãnh hải không giảm mà còn ngày càng gia tăng, chính vì vậy các cuộc biểu tình, phản đối của người dân càng diễn ra với mật độ dày, và sôi động hơn. Ban đầu, các hoạt động biểu tình chưa bị nhà cầm quyền đàn áp nhiều, nhưng càng về sau, nhà cầm quyền càng đàn áp người dân biểu lộ sự phản kháng, phẫn nộ với Trung Quốc nhiều hơn và khốc liệt hơn. Trong bối cảnh đó, những người Việt Nam yêu nước, những người phản đối các hành động xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc đối với Việt Nam đã tập hợp nhau lại thành một nhóm có tên gọi FC No-U, mục tiêu phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, bằng nhiều hoạt động trong đó có hoạt động thường xuyên là tổ chức giao lưu đá bóng vào các buổi chiều chủ nhật hàng tuần. Như vậy, xuất phát từ những hoạt động dân sinh, yêu nước, phản đối Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo, người dân đã lập ra những nhóm, hội tự nguyện của mình mà không cần xin phép nhà cầm quyền Việt Nam.
Chúng ta cũng cần đề cập tới một phương diện lớn của đời sống xã hội, đó là sự bùng nổ của hệ thống Internet, nhất là mạng xã hội facebooks đã xé tan bức màn bưng bít, đưa thông tin, đưa sự thật đến với người dân, thúc đẩy nhận thức của hàng triệu người dân. Từ những nhận thức đó, bao hàm cả những hiểu biết về quyền con người, quyền công dân, rất nhiều người dân đã đứng lên đòi quyền lợi, tham gia vào trào lưu tiến bộ của xã hội và đất nước.Trong các hoạt động của mình, giới hạn bởi các mục tiêu dân sinh, họ đã tìm tới nhau để lập ra các hội, nhóm, chia sẻ hiểu biết, chia sẻ tình yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ người dân. Đó chính là những bối cảnh ra đời của các tổ chức XHDS Việt Nam trong thời gian qua.
Sự khác biệt của các tổ chức XHDS ở Việt Nam và tổ chức XHDS thông thường
Chúng ta đều biết rằng, trong các xã hội dân chủ tiến bộ người dân được tự do có quyền lập các hội, nhóm mà không cần xin phép, chỉ cần thông báo cho chính quyền của họ. Các tổ chức XHDS ở các nước dân chủ là những tổ chức tự nguyện của người dân được lập ra để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người có cùng hoàn cảnh, hoặc các tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn. Cũng có trường hợp, các tổ chức XHDS ở các nước dân chủ là tập hợp của những người gặp phải bất công, do sự khiếm khuyết về pháp luật, hoặc những tình huống đặc biệt trong cuộc sống, ví dụ như tổ chức của những người lính Mỹ ở Irak bị nhiễm chất độc hóa học, vv...
Tóm lại, ở các xã hội dân chủ, nơi quyền con người, tự do được bảo đảm, các tổ chức XHDS chỉ đơn thuần là tổ chức của những người dân bên ngoài các cơ quan nhà nước, để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Nhưng các tổ chức XHDS ở Việt Nam, ngoài một phương diện hoạt động giống như các tổ chức XHDS thông thường, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên thì có sự khác biệt rất lớn với các tổ chức XHDS thông thường.
Khác biệt lớn nhất, dễ nhận thấy nhất, đó là các tổ chức XHDS Việt Nam đã xuất hiện, ra đời trong lòng một chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Đó là nơi đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo và kiểm soát mọi hoạt động của người dân. Nhà cầm quyền ở đó còn lập ra các tổ chức, đoàn thể để theo dõi, giám sát người dân. Nhà cầm quyền cộng sản nói chung, và cộng sản Việt Nam nói riêng không chấp nhận cho bất kỳ một tổ chức đoàn thể nào của người dân, đồng thời không muốn người dân yêu thương, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Như vậy, sự khác biệt về môi trường hoạt động của các tổ chức XHDS ở Việt Nam là điều dễ nhận thấy nhất.
Chính vì không chấp nhận và cho phép các tổ chức tự nguyện của người dân xuất hiện và hoạt động, nên nhà cầm quyền Việt Nam đã ra sức đánh phá các tổ chức XHDS được thành lập và hoạt động thời gian qua. Họ đánh phá bằng nhiều cách và nhiều thủ đoạn, nhưng các tổ chức đó vẫn đứng vững và phát triển. Trở thành mục tiêu đánh phá của nhà cầm quyền cũng là một khác biệt lớn với các tổ chức XHDS thông thường./.
Hà Nội, ngày 13/9/2016
N.V.B
Bài bình luận gần đây