You are here

Ai đứng sau các vụ nổ bom hàng loạt ở Thái Lan?

Ngay sau khi kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới của Thái lan được công bố sơ bộ, với số ý kiến ủng hộ ở mức 61,59% thì thị trường chứng khoán Thái lan trong phiên mở ngày đầu tuần đã tăng ngay 20 điểm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đón nhận sự kiện này như một điều tốt lành, lý do theo họ nền chính trị Thái lan vốn đang đi vào chỗ mịt mù, tưởng chừng không có lối thoát trong hơn một thập kỷ qua, nay đã thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm.

Bối cảnh chính trị

Ngày Chủ Nhật 7/8/2016, cử tri ở Thái Lan đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý để thông qua bản Hiến pháp mới do quân đội Thái Lan soạn thảo, đây là điều được cho là để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Theo truyền thông Thái Lan và nước ngoài, thì trước ngày tổ chức trưng cầu dân ý nội dung của bản Dự thảo Hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo là vấn đề được gây tranh cãi, người ta cho rằng rất mất tính dân chủ. Trước ngày tổ chức trưng cầu dân ý, không khí ở các địa phương ở Thái Lan tương đối căng thẳng và chính quyền quân sự đã có lệnh ngăn cấm việc thảo luận về bản Hiến pháp mới.

Theo các nhà nghiên cứu và phân tích chính trị đều cho rằng, nếu bản Hiến pháp mới này được thông qua, sẽ mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 2017 như lới hứa của lãnh đạo quân đội và mọi hoạt động của chính quyền mới sẽ phải vận hành dựa trên các chính sách do lãnh đạo quân đội vạch sẵn trong 5 năm đầu tiên. Điều này đồng nghĩa với việc bầu thủ tướng mới sẽ dựa vào ý chí của lãnh đạo quân đội. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lần này sẽ rất quan trọng đối với tương lai của Thái Lan và nền chính trị của nước này, đồng thời sẽ là phép thử đối với tính chính danh của chính quyền quân sự ở Thái Lan hiện nay.

Phần đông các chính trị gia ở Thái Lan tỏ ý không đồng tình với bản Hiến pháp mới sẽ đưa ra trưng cầu dân ý lần này, vì theo họ đó là sự vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc đối với nền dân chủ ở Thái Lan từ trước đến nay. Hai nhà lãnh đạo 02 chính đảng lớn nhất của Thái lan, là bà cựu Thủ tướng Yingluck Shinnawatra và ông cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva Chủ tịch đảng Dân Chủ đã công khai lên tiếng không ủng hộ bản Hiến pháp mới. Tuy vậy, giới chuyên gia thì cho rằng đây là biện pháp thích hợp và cần thiết, để đưa đất nước Thái Lan thoát khỏi tình cảnh khủng hoảng chính trị triền miên và kéo dài.

Dù rằng, bản Hiến pháp mới vừa được thông qua được coi là chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề khủng hoảng chính trị trầm trọng trong hơn một thập kỷ qua. Song trước ngày trưng cầu Hiến pháp mới, Thủ tướng Prayuth Chan O Cha nói với báo giới rằng, ông sẽ không từ chức kể cả trường hợp cử tri Thái Lan bác bỏ bản Dự thảo Hiến pháp mới lần này, và cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2017 sẽ vẫn không thay đổi.

Hàng loạt vụ phá hoại ở 7 tỉnh miền Nam

Từ chiều ngày 11/8 đến trưa ngày 12/8/2016 đã xảy ra liên tiếp hàng loạt vụ nổ bom và đốt các trung tâm thương mại xảy ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc các tỉnh miền Nam Thái Lan như: T’rang, Prachuop Khirikhant, Phang Nga, Phu Ket, Surachthani và Nakhorn Srithammarath. Các vụ việc này đã làm cho 4 người chết và hàng chục người khác bị thương, trong số đó có một số du khách nước ngoài.

Ngày 12/8 hàng năm ở Thái Lan, là ngày sinh nhật của Hoàng Hậu Thái Lan Sirikit, là một ngày lễ hết sức quan trọng của người dân ở Thái Lan và các tỉnh miền Nam Thái Lan, nơi xảy ra các vụ nổ bom vừa kể trên là địa bàn của phe Áo Vàng, lực lượng ủng hộ Hoàng gia Thái Lan. Địa điểm phát nổ trong đó có khu vực Hua Hin, một địa điểm là biểu tượng Kinh đô của Hoàng Gia, nơi có các cung điện và khu nghỉ mát của nhà Vua và Hoàng Hậu. Việc lựa chọn ngày sinh nhật của Hoàng Hậu Sirikit để gây nổ cũng là điều chưa từng có trong tiền lệ.

Các vụ nổ hàng loạt trong những ngày vừa qua xảy ra ở trên một địa bàn 7 tỉnh miền Nam Thái Lan, nơi có tỷ lệ dân chúng ủng hộ chính quyền quân sự hiện nay ở Thái Lan rất cao và cũng là địa điểm hoàn toàn mới của các vụ đánh bom từ trước đến nay. Các khu vực này chưa từng xảy ra các sự việc tương tự. Với bằng chứng thu thập được của cảnh sát đã cho thấy, là các vật nổ, vật gây cháy có kích thước nhỏ, sức sát thương không lớn và sự thiệt hại về người là quá ít trong tất cả các vụ việc, điều đó đã cho thấy, kẻ chủ mưu muốn tạo ra một không khí hoảng loạn trong dân chúng. 

Dư luận ở Thái Lan cho rằng, các hành động bạo lực đó mang tính chính trị, của lực lượng chống đối Chính phủ, nhằm đáp trả chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và việc chọn ngày sinh nhật của Hoàng Hậu Thái Lan Sirikit để tấn công, là việc phe chống đối muốn chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến chính quyền quân sự. Việc lựa chọn ngày đánh bom sau khi chính phủ quân sự vừa công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý để thông qua một bản Hiến Pháp mới nhằm để đánh động cho toàn thế giới biết sự bất ổn chính trị ở Thái Lan tại thời điểm này đã thành cao trào. 

Nguyên nhân...

Đây là vấn đề mà cho đến hôm nay, nhà chức trách Thái Lan vẫn bó tay và chưa đưa ra các bằng chứng thuyết phục để chúng minh thủ phạm là ai, thực hiện với ý đồ và mục tiêu gì? Ngoài việc bắt giữ một số cá nhân được coi là nghi can. Những ngày qua, nhà chức trách Thái Lan cho biết đã bắt giữ 17 người tình nghi liên quan đến vụ đánh bom khủng bố xảy ra cách đây đúng một tuần lễ ở miền Nam của nước này. Song truyền thông nước này cho rằng giới chức hầu như thiếu các bằng chứng buộc tội chắc chắn.

Theo các nhà phân tích thì việc liên tiếp hàng loạt vụ nổ bom và đốt các trung tâm thương mại xảy ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc các tỉnh miền Nam Thái Lan, xuất phát từ 3 nguyên nhân như sau:

  1. Vấn đề chính trị liên quan đến bất đồng trong nước: Địa bàn này là nơi ủng hộ Hoàng Gia cũng như có tỷ lệ cử tri đồng tình với kết quả cuộc trưng cầu dân ý để thông qua một bản Hiến Pháp mới, vụ nổ sẽ nhằm hạ thấp uy tín của chính quyền quân sự
  2. Tổ chức Hồi Giáo ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan muốn mở rộng địa bàn hoạt động nhằm chứng minh sức mạnh và sự phát triển của mình nhằm gây sức ép để đòi tự trị. Các loại vật liệu nổ có hình thức và cách chế tạo giống nhau, được kích hoạt bởi cùng một loại điện thoại di động và giống như các loại chất nổ được tổ chức Hồi Giáo ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan thường sử dụng. 
  3. Tổng hợp cả 2 điều nói trên và rất có thể kẻ chủ mưu đã thuê nhiều tổ chức khác nhau, kể cả Tổ chức Hồi Giáo ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan  để thực hiện với mục đích gây tiếng vang. Với bằng chứng là các vật nổ, vật gây cháy được sử dụng có kích thước nhỏ, sức sát thương không lớn. 

Còn riêng mục tiêu cố ý chứng tỏ sự phản ứng đối với kết quả cuộc trưng cầu dân ý để thông qua một bản Hiến Pháp mới, thì là khả năng rất thấp, với lý do vì thời gian từ ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý đến khi xảy ra các vụ nổ chỉ có 4 ngày, đó là thời gian quá ngắn để có thể chuẩn bị. Người ta cho rằng, để làm được việc này thì trước đó hung thủ đã phải xuất hiện trước đó một thời gia dài để làm quen và nắm chắc địa bàn đặt chất nổ.

... và thủ phạm

Đến hôm nay, vẫn chưa có các bằng chứng cụ thể để xác định được thủ phạm là ai, trong lúc lại có nhiều những bằng chứng khác xuất hiện được cho là, hình như được cố tình tạo dựng để đánh lạc hướng công tác điều tra. Trong lúc những người ủng hộ Chính phủ thì cho rằng, nguyên nhân do sự xung đột lợi ích, là vấn đề chính trị giữa các bên, song những người không ủng hộ Chính phủ thì cho rằng thủ phạm là phiến quân Hồi Giáo ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan.

Ngay từ đầu, giới chức quân đội Thái Lan đã cho rằng, các tỉnh miền Nam Thái Lan nơi xảy ra các vụ khủng bố kể trên không liên quan đến các hoạt động của lực lượng phiến quân Hồi Giáo chống Chính phủ hoạt động từ nhiều năm nay. Xu hướng cho rằng các hành động đó là nằm trong âm mưu của một lực lượng chống đối chính phủ hiện nay ở Thái Lan, chứ không phải là hành động mang tính khủng bố được đặt lên hàng đầu. Dư luận xã hội thân chính phủ thì nghi ngờ ông Thaksin Shinawatra là người đứng sau, hoặc là một phe phái trong quân đội gồm những thành phần tướng lĩnh từng theo Thủ tướng Thacksin trước đây nay đã bị loại bỏ và thanh trừng đã thực hiện âm mưu này.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại sự kiện nổ bom tại đề thờ Hindu Erawan tại trung tâm thủ đô Bangkok cách đây một năm, ngày 17/8/2015 làm 20 người chết và hàng trăm người bị thương, thì sẽ thấy việc đánh giá thủ phạm cũng y như tình trạng hiện nay. Khi đó lúc đầu giới chức lãnh đạo Thái Lan cũng phủ nhận tính chất khủng bố và cho rằng đó là âm mưu mang tính chính trị. Vì thế khi đó, các nghi vấn về sự trả thù của những người Duy Ngô Nhĩ trước việc chính quyền Thái Lan trao trả những người tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ cho phía Trung Quốc cũng bị loại trừ. Song cuối cùng, thủ phạm bắt được là hai người Trung Quốc có gốc Duy Ngô Nhĩ, cho dù đã khai nhận trong giai đoạn điều tra, nhưng các nghi phạm này đã phản cung khi đưa ra xét xử tại Tòa án.

Truyền thông nước ngoài hiện khi đánh giá thủ phạm thì đang nghiêng về là tổ chức ly khai chức Hồi Giáo BRN, đây là một tổ chức của giới lãnh đạo trẻ người Hồi Giáo ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan, chứ không tin là do bàn tay của tổ chức chống đối Chính phủ quân sự. Vì theo họ thông qua cách hoạt động đã cho thấy thủ phạm không thông thuộc địa bàn và hình thức và cách chế tạo giống nhau, được kích hoạt bởi ĐTDĐ giống như các loại chất nổ được tổ chức Hồi Giáo ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan thường sử dụng. Khi phía Thái Lan công bố rằng, đã bắt được một nghi phạm tại tỉnh Phuket, có dấu vết DNA trùng với thủ phạm đánh bom ở Tacbay, tỉnh Narathiwath thuộc 3 tỉnh cực Nam Thái Lan từ năm 2004. Hơn nữa, cũng theo Cảnh sát Thái Lan thì nguồn gốc của các điện thoại di động kích nổ trong các vụ nổ lần này, được lực lượng an ninh của Malayxia xác định, có xuất xứ từ Malayxia được chuyển về 3 tỉnh cực Nam Thái Lan với số lượng 50 chiếc

Kết

Các vụ việc phá hoại xảy ra đồng loạt đúng ngày sinh nhật của Hoàng Hậu Thái Lan Sirikit, được giới phân tích cho rằng kẻ chủ mưu muốn chuyển đi một thông điệp từ nay họ sẽ bất chấp tất cả. Điều đó cho thấy Chính phủ quân sự đang đối mặt với một thách thức hoàn toàn mới, không đơn giản như những vụ việc chống đối xảy ra từ trước đến nay. 

Các chuyên gia và các nhà phân tích chính trị về Thái Lan đều có chung một nhận định cho rằng, đây là một thách thức lớn đối với chính quyền quân sự của Thủ tương Prayuth Chan-ocha, nếu không truy tìm được thủ phạm thì sẽ chứng tỏ rằng Chính phủ không đủ khả năng làm chủ tình thế và ngăn chặn các vụ việc tương tự tiếp theo, thì rất có thể đấy chính là nguyên nhân cũng như mục đích của kẻ chủ mưu. Như đã có ý kiến cho rằng, có khả năng rất cao, một tổ chức vốn đã bị chính phủ và dư luận ở Thái lan nghi ngờ là thủ phạm, nhưng nếu phía nhà chức trách không có các bằng chứng xác thực để buộc tội họ, thì điều đó sẽ có tác dụng hoàn toàn ngược lại. 

Ngày 18/08/2016

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.