Tôi mới quen được một vài bạn trẻ người Việt gốc Hoa, những bạn đó rất năng nổ và nhiệt tình. Những người bạn mới quen này đã tạo cho tôi một ấn tượng tốt và nếu không được giới thiệu rằng họ là người gốc Hoa, thì nếu gặp có lẽ chúng ta sẽ không biết. Những người nói năng lịch lãm, với những hiểu biết về vấn đề xã hội rất khá, giống như giới trẻ ở Việt nam bây giờ. Đó thực là một điều bất ngờ, khác với những gì lâu nay tôi vẫn thường nghĩ về cộng đồng người Hoa.
Tôi là người có may mắn được tiếp xúc với người Hoa từ lúc rất nhỏ, kể cả cho đến bây giờ. Nói là may mắn, vì sau này nghĩ lại tôi thấy họ là những người rất tử tế và hiền lành. Ngày xưa, ở trong nhà của gia đình tôi từng có mấy gia đình người Hoa ở nhờ. Nói cho họ ở nhờ cũng không phải, nghe kể lại là lúc chiến tranh chống Pháp, ông bà tôi đã đốt cả khu biệt thự rộng lớn để đi theo kháng chiến. Đến năm 1954 hòa bình lập lại, khi trở về thì đã thấy có nhiều gia đình người Hoa kiều đang sinh sống ở trong nhà của mình. Đến khi chúng tôi lớn, thì vẫn thấy còn 2-3 gia đình ở dưới khu nhà kho và nhà bếp. Trước đó, đã có mấy gia đình người Hoa đã được ông bà tôi bố trí cho ở những cái nhà khác của gia đình ở xung quanh đó, hoặc cho họ ít tiền để dọn đi ở chỗ khác.
Những người Hoa ngày ấy hiền lành lắm, hình ảnh những người phụ nữ người Hoa mặc bộ đồ tàu màu đen bạc màu, chân đi đôi giày tàu bằng nhung đen, vai thì đeo chiếc bị cói đi lại tất ta, tất tưởi đến bây vẫn còn đọng lại trong tâm trí của tôi. Những người Hoa lớn tuổi tôi biết khi ấy, tuổi họ trạc 40-50, phần đông họ có vợ người cũng là người Hoa, chỉ có đôi người lấy vợ người Việt Nam. Những người Hoa khi ấy họ chỉ nói tiếng Trung quốc, đôi khi nói tiếng Việt thì vừa ngọng, vừa lơ lớ, nghe rất buồn cười. Con cái họ lúc ấy thường lớn hơn tuổi của chúng tôi, những gia đình người Hoa có tiền thì họ cho con cái đi học ở trường của Trung Quốc mở trên mạn phố Phó Đức Chính, nhưng sau này những đứa trẻ con người Hoa thì đi học trường Việt nam như chúng tôi. Con em người Hoa học ít lắm, thường là hết cấp 1 thì không đi học nữa, mà ở nhà làm việc hoặc buôn bán phụ giúp gia đình. Thời ấy, người ta thường hay gọi họ là Hoa kiều hay người Tầu... Nhưng lũ trẻ chúng tôi được người lớn dạy rằng: "Phải gọi họ là người Trung quốc, đừng gọi họ là người Tàu, mình gọi như thế là khinh họ. Không nên.".
Ở Hà nội và Hải phòng ngày xưa người Hoa nhiều lắm, ta dễ dàng gặp họ mọi nơi trong thành phố. Nói chung người Hoa sống lam lũ và vất vả, họ làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Những công việc người Hoa thường làm là những nghề thủ công, làm thuê nhưng chủ yếu vẫn là bán hàng rong. Đó là những người đàn ông Trung quốc mặt mày khắc khổ, mặc bộ đồ của người Tàu màu xám hay màu đen, đội cái nón Trung quốc. Họ bán tào phớ, bán lạc rang húng lìu, bán bánh bao, bánh đùi gà hay bi don don... mà người ta vẫn thường gặp trên mọi nẻo hè phố thời ấy. Với những câu rao bán hàng ê a, lơ lớ giọng của Hoa lúc đó gây ấn tượng lắm. Ngày ấy, khi có dịp đi với người lớn ra phố, khi nhìn những thứ họ bán tôi thèm được ăn lắm, mà mấy khi được người lớn mua cho ăn đâu. Lớn lên chút nữa, khi đọc sách viết về người Hoa kiều, như chuyện "Người đàn bà Tàu" của nhà văn Nguyên Hồng mới hiểu hơn về nỗi vất vả của họ. Thì ra họ cũng là những di dân do chiến tranh, loạn lạc và nghèo đói.
Người Trung Quốc họ ăn cháo trắng hàng ngày chứ không ăn cơm như người Việt, món cháo trắng của họ gọi là cháo nhưng thực ra như là cơm nấu nát, lõng bõng nước chứ không nhừ như cháo của người Việt. Còn món cháo của người Trung Quốc thì nhuyễn hơn cháo của người Việt, khi nấu cháo xong họ dùng một thanh gỗ to hơn đũa cả để đánh cháo nhuyễn ra như bột. Bà Nghếch một người phụ nữ Trung Quốc ở cạnh nhà tôi bây giờ có lần giải thích cho tôi biết, lý do là người Trung Quốc đông, không đủ gạo ăn nên nấu cơm phải cho nhiều nước để ăn cho no. Nghe có vẻ cũng hợp lý.
Khi chiến tranh lan ra miền Bắc, lúc ấy nhà nước bán bột mỳ thay cho khẩu phần gạo cung cấp, thì cũng là thời làm ăn của người Hoa. Các cửa hàng gia công mỳ sợi, làm bánh mỳ, làm bánh quy xốp... mọc lên rất nhiều. Ở đó, người Hoa nhận bột mỳ của khách hàng rồi chế biến thành bánh mỳ, mỳ sợi... Khi ấy những người Hoa lam lũ trước kia, qua một đêm đã trở thành các ông chủ và được dịp mở mày, mở mặt. Nhưng điều lạ là, chẳng thấy các ông chủ người Hoa thuê người làm, mà chủ yếu là họ dùng toàn anh em trong nhà phụ giúp lẫn nhau. Những chàng trai người Hoa thường cởi trần lộ ra cơ bắp cuồn cuộn, người thì quay những cái máy cán, máy cắt mỳ sợi thủ công; kẻ thì nhào bột và nặn những chiếc bánh bột mỳ; người phụ việc thì mang sản phẩm đi hấp, đi nướng trong những cái nồi hấp lớn hay cái lò nướng xây bằng gạch. Những cái đó đã tạo cho những đứa trẻ ở thành phố như chúng tôi một sự tò mò, thích thú. Thời ấy, người Hoa giàu lên, cuộc sống của họ khá giả và hơn hẳn cuộc sống của những người Việt xung quanh một cách trông thấy. Có lẽ là do họ làm nghề buôn bán trong một xã hội do nhà nước hoàn toàn bao cấp.
Rồi cuộc sống cứ trôi đi một cách thầm lặng, giống như tính cách của những người Hoa thời ấy, họ chỉ lo lắng cho việc kiếm ăn. Dưới con mắt chúng tôi thì chả có gì là sự cách biệt đối với họ cả.
Nhưng đến năm 1978, thì mọi sự đối với người Hoa đã bị đảo lộn, khi chiến dịch bài xích Hoa kiều ở Việt nam được chính quyền của ông Lê Duẩn phát động, thì mọi sự đã thay đổi. Người Hoa lũ lượt kéo nhau về Trung Quốc hoặc xuống Hải phòng lên tàu để đi tỵ nạn ở quốc gia thứ 3. Những người Hoa tốt bụng, hàng xóm của nhà tôi cũng bỏ chúng tôi đi hết. Chỉ còn một số gia đình không có điều kiện hoặc những gia đình có vợ là người Việt thì vẫn ở lại. Cho đến bây giờ, những người này vẫn sinh sống bình thường, có nhiều người nếu bây giờ nếu không nói, thì ít ai biết họ là những người vẫn mang trong mình dòng máu Hoa. Khi ấy, nhìn cảnh những gia đình người Hoa bồng bế nhau với những túi xách, tay nải để ra đi mà tôi không cầm lòng được. Vì sao những con người hiền lành chăm chỉ ấy, chỉ vì là người Hoa mà bỗng nhiên trở thành kẻ xấu, rồi bị chính quyền cưỡng bức phải ra đi khỏi mảnh đất họ đã định cư hàng chục năm trời? Bỏ lại tất cả những gì họ dành dụm, chắt chiu được để đi đến một phương trời hoàn toàn xa lạ, để bắt đầu cho một cuộc sống mới với hai bàn tay trắng. Có lẽ đó cũng là hậu quả của một chính sách cực đoan của nhà cầm quyền Việt Nam vào thời điểm ấy, chứ thực tình những người Hoa đó họ đâu có tội tình gì?
So sánh với các nước Đông Nam Á hiện nay như Singapore, Malayxia, Thái lan..., ở đó cộng đồng người Hoa ở có vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội, kể cả vấn đề chính trị. Ở đó cộng đồng người gốc Hoa được dân địa phương cảm mến và kính nể. Đặc biệt, cộng đồng người gốc Hoa ở đây vẫn duy trì được các bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của họ. Đây là điều khác với ở Việt nam, khi mà các nhà nghiên cứu thấy rằng người gốc Hoa ở Việt nam không còn kiểm soát nền kinh tế như trước nữa, và các phong tục, ngôn ngữ của họ đã mất đi phần lớn. Đây có lẽ là một thiệt thòi và trở thành điều hạn chế đối với cộng đồng người Hoa ở Vệt nam, nhất là trong thời đại kinh tế hội nhập.
Trở lại chuyện tôi trao đổi với các bạn trẻ người gốc Hoa ở Chợ lớn, có nhiều điều thật bất ngờ mà tôi không bao giờ dám nghĩ nó có thể là như thế. Các bạn trẻ người gốc Hoa đã bày tỏ với tôi tình yêu và sự biết ơn của họ đối với đất nước Việt nam, nơi mà họ cho là đã che chở và nuôi nấng họ trưởng thành. Đối với họ, đất nước Trung Quốc chỉ là quê hương, song đó không bao giờ là tổ quốc của họ một cách đúng nghĩa. Các bạn trẻ này thổ lộ rằng, họ cũng rất buồn trước việc một bộ phận người Việt Nam hiện nay quá ác cảm với Trung Quốc, thậm chí cứ nhắc đến hai chữ Trung Quốc là những người đó ghét và tẩy chay. Các ý kiến bài xích, thậm chí là xỉ vả đối với việc các ứng cử viên người gốc Hoa, tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vừa qua là một ví dụ điển hình. Các bạn trẻ gốc Hoa nói với tôi rằng, có lẽ những người này chưa phân biệt được rạch ròi được giữa nhà cầm quyền Bắc kinh và người dân Trung Quốc; giữa vấn đề chính trị và vấn đề bản sắc văn hóa của một dân tộc... Họ muốn nhắn nhủ tới nhóm người có tư tưởng bài Hoa và mong muốn rằng, những người đó cần phải nhớ, người Hoa là những thành viên của dân tộc Hoa - một dân tộc thiểu số trong 54 dân tộc khác nhau ở Việt nam và họ cũng có quyền được đối xử bình đẳng và tham gia mọi hoạt động xã hội như thành viên của các dân tộc khác. Vì đối với họ, đất nước này là tổ quốc của họ và họ có trách nhiệm đối với đất nước của mình.
Những ai đã từng bỏ nước ra đi để đến sống ở những vùng đất khác, chắc sẽ thấm thía hơn nỗi đau của những bạn trẻ người gốc Hoa nói riêng hay cộng đồng người Hoa nói chung đang sinh sống ở Việt nam hiện nay. Ở các quốc gia văn minh khác, chắc chắn sẽ không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với một sắc dân nào trong cộng đồng và chắc chắn sẽ không có chỗ đứng cho những người có suy nghĩ lạc hậu như thế. Tiếc rằng, đã có không ít những trí thức người Việt có kiến thức, có trình độ nhưng lại có suy nghĩ nhỏ nhen, kỳ thị đối với những đồng bào người Việt gốc Hoa của mình?
Có thể chúng ta ghét nhà cầm quyền Trung Quốc vì thái độ bành trướng nước lớn của họ, nhưng không có nghĩa là sẽ phải ghét tất cả mọi thứ liên quan đến văn hóa, con người hay đất nước Trung Hoa. Đừng quên, đất nước có một bề dày lịch sử 5 ngàn năm với một nền văn hóa rực rỡ, cùng với bao nhiêu đóng góp to lớn cho nhân loại. Đất nước ấy còn có rất nhiều điều mà chúng ta cần phải học hỏi từ họ.
Ngày 28/06/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây