Liên tiếp trong những ngày gần đây, chương trình "60 phút Mở" của VTV, với các chủ đề “Chia sẻ trên Facebook để làm gì?” và "Người ta làm từ thiện vì ai?" đã khiến cho mạng xã hội phát điên, với các ý kiến khác nhau mà đa phần là ở mức phẫn nộ. Trước cơn sốt của dư luận, tôi đã quyết định dành ra 120 phút để theo dõi 02 clip video nói trên với mục đích tìm hiểu về tâm lý và cảm nhận của người Việt khi tiếp nhận các thông tin.
Do ít có điều kiện theo dõi các chương trình TV trong nước, nên tôi phải mất công tìm hiểu từ đầu xem chương trình "60 phút Mở" của VTV có từ khi nào và nguồn gốc của nó bắt nguồn từ đâu? Qua tìm hiểu được biết "60 phút Mở" là chương trình trên kênh VTV6, phát sóng 9h sáng chủ nhật cách tuần, với nội dung bàn luận về các vấn đề xã hội trên nhiều góc độ, khía cạnh. Được biết, chương trình "60 phút Mở" không phải là chương trình mới đối với khán giả ở Việt nam, mà nó được sản xuất theo format chương trình "60 Minutes" nổi tiếng của đài CBS - Mỹ từ tháng 10/2015. Chương trình "60 Minutes" được coi là một trong những chương trình truyền hình điều tra hay nhất của Mỹ và năm 2002, TV Guide đã xếp "60 Minutes" ở vị trí thứ 6 trong danh sách những chương trình truyền hình đáng xem nhất mọi thời đại.
Thực ra các chương trình kiểu "60 phút Mở" trên truyền hình tôi được xem từ rất lâu rồi. Ở các nước tiến bộ, trước khi nhà nước thông qua một quyết định hoặc ra một văn bản luật hay khi xuất hiện một hiện tượng, sự kiện xã hội được dư luận quan tâm... Khi đó các kênh TV sẽ mời các khách mời đến bàn thảo và người dân có thể tham gia góp ý kiến thông qua các tin nhắn hoặc sử dụng đường dây nóng để góp ý kiến. Đây có lẽ là cách nắm bắt dư luận một cách nhanh nhất, trong điều kiện không cần thiết phải trưng cầu dân ý. Bản chất của việc làm này là các nhà làm chính sách muốn nghe phản ứng của dư luận, thông qua các ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái chiều để điều chỉnh trước khi đi tới một quyết định cuối cùng.
Dưới các tiêu đề “Chia sẻ trên Facebook để làm gì?” và "Người ta làm từ thiện vì ai?", cũng là những câu hỏi mà dư luận xã hội quan tâm và những câu hỏi tương tự như thế cần được đặt ra thường xuyên để trao đổi nhằm tìm ra câu trả lời. Với mục đích hướng cho mọi người có ý thức chung đối với cộng đồng trong các vấn đề xã hội. Trên thực tế việc lạm dụng chia sẻ các nội dung trên mạng xã hội Facebook cũng không ít lần khiến chúng ta bực mình, cũng như việc nhiều người mượn danh nghĩa công việc làm từ thiện để trục lợi hoặc PR hình ảnh của một nhóm hoặc cá nhân v.v... Theo tôi, đó là những điều có thật, không thiếu để kiểm chứng trong thực tế. Đây là những vấn đề xã hội quan tâm và mong muốn tìm một câu trả lời chung, mang tính chất tích cực cho cộng đồng. Điều đó cho thấy, các chủ đề của chương trình "60 phút mở" của VTV đặt ra là hoàn toàn cần thiết..
Vậy tại sao dư luận lại phản ứng hết sức mạnh mẽ đối với các chương trình này và tới mức VTV đã phải vội vàng gỡ clip video “Chia sẻ trên Facebook để làm gì?” sau vài tiếng đồng hồ? Các tờ báo đã không ngại ngần chạy các title "Dư luận phát sốt" hay "Cộng đồng mạng nổi điên"... để diễn tả hiệu ứng của chương trình "60 phút Mở" trong hai lần phát sóng liên tiếp gần đây. Khi mà đa phần các ý kiến đều thể hiện sự chê bai, công kích thậm chí là chửi bới đối với người dẫn chương trình là bà Tạ Bích Loan hay các khách mời ngồi ở vị trí người phản biện là ông Hồng Thanh Quang hay mới nhất là TS. Đặng Hoàng Giang. Thậm chí một nhà giáo ở miền Trung đã viết rằng "Tôi, công dân nước CHXHCN Việt Nam, chính thức đề nghị Ban Tuyên giáo TƯ, UVTƯ – Tổng giám đốc Trần Bình Minh giải tán ngay cái chương trình này! Bởi vì nó rất độc hại, nguy hiểm. Nó đã cố tình định hướng cho giới trẻ sống vô cảm, bất lương!".
Và liệu các phản ứng gay gắt của dư luận xã hội có đúng hay chưa?
Thông qua phản ứng của dư luận xã hội và những điều chỉ trích mà chúng ta thấy, đó là thái độ bất bình, thậm chí là giận dữ của đa số người khi xem các chương trình này. Có lẽ chỉ với lý do duy nhất là những người trong chương trình "60 phút Mở" không nói đúng theo ý của họ muốn nghe, nghĩa là các bên có các suy nghĩ khác nhau. Điều đó cho thấy sự hạn hẹp trong tư duy của số đông người Việt nam, họ chưa tạo cho mình một ý thức biết lắng nghe và tôn trọng các ý kiến khác biệt. Trong lúc nay cả những người tham gia chương trình đã thể hiện cho thấy họ luôn tỏ ra tranh khôn, dẫn đến các thái độ hấp tấp, thiếu bình tĩnh.
Song điều đó có lẽ không bằng chuyện có nhiều người phán như thánh, họ chê bai, chỉ trích thậm chí là chửi rủa về điều mà họ cho là màn đấu tố. Nhưng khi được hỏi, bạn đã xem trọn vẹn chương trình đó chưa thì họ thú thực là chưa xem. Vậy không biết họ dựa vào cái gì để bình phẩm? Tôi đã xem rất kỹ chương trình này và thấy rằng không có gì gọi là đấu tố cả. Cá nhân tôi tin rằng, những ai khi chia sẻ và khẳng định điều đó là một màn đấu tố, thì nhiều khả năng là họ chưa xem hoặc xem chưa hết chương trình này. Nếu không thì vấn đề nhận thức của họ chắc chắn có vấn đề (!?).
Phải thừa nhận, phần đầu của chương trình “Chia sẻ trên Facebook để làm gì?” đã khiến cho không ít người xem phải nổi máu nóng vì bực tức, khi có sự truy vấn quá mức bình thường của người dẫn chương trình và một vài khách mời ở vị trí phản biện. Nếu đây là sự cố ý để gây kịch tính thì quả là ê kíp làm chương trình này đã thành công, vì rất hấp dẫn. Với những người vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng đây là một màn đấu tố thì xin các bạn tự đặt câu hỏi "Tại sao Cảnh sát khi thẩm vấn tội phạm mà người ta không gọi là đấu tố?". Và câu trả lời dành cho các bạn là, vì việc thẩm vấn đó có việc đối thoại (có hỏi, có đáp) chứ không phải là chuyện chỉ một bên được nói và một bên chỉ được phép nghe. Cho nên, chương trình "60 phút mở" trên VTV cũng như vậy thôi. Còn nếu cứ cố tình đổ cho họ đó là một màn đấu tố, thì có lẽ là chúng ta đang quy chụp họ.
Để hiểu rõ hơn, hãy lắng nghe ý kiến nhiếp ảnh gia Na Sơn nói với báo Thanh niên, trước nhiều ý kiến chỉ trích người dẫn chương trình - nhà báo Tạ Bích Loan đã cố tình “ép”, không khác gì “đấu tố” đối với MC Phan Anh. Ông Na Sơn nhìn nhận rằng: “Không có đấu tố gì cả. Đây là chương trình tranh luận, ở Việt Nam chưa có, hoặc có ít những chương trình như vậy. Còn mọi người xem chương trình nước ngoài, các diễn giả và MC tranh luận với nhau, thậm chí tấn công quan điểm rất mạnh để các bên được nói tiếng nói của mình, người xem có thể rút ra từ đấy, chứ không phải bên nào đúng, bên nào sai cả. Tất cả đều thẳng thắn với nhau.”.
Tuy nhiên về phía VTV cũng cần rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình này, đó là vai trò của người dẫn chương trình, mà cụ thể là bà Tạ Bích Loan. Lẽ ra người dẫn chương trình hãy tỏ ra có sự công tâm hơn trong cách đặt các câu hỏi, trên cơ sở của một thái độ cầu thị, biết lắng nghe thay cho hành động tham gia truy vấn khách mời. Tiếc thay, người dẫn chương trình - bà Tạ Bích Loan vì mải chạy theo công việc định hướng nên đã vào hùa với những người đóng vai phản biện, nổi bật là Đại tá Hồng Thanh Quang. Bà Tạ Bích Loan quên mất đây là công việc của những khách mới tham gia hội luận bàn tròn, chứ đâu phải là việc của người dẫn chương trình? Điều đó cho thấy sự non kém, thiếu kinh nghiệm của người dẫn chương trình. Chính vì thế người ta mới cho rằng đó là một màn đấu tố. Tuy nhiên, VTV cũng như bà Tạ Bích Loan dường như đã sớm nhận ra điều đó và vai trò của người dẫn chương trình "Người ta làm từ thiện vì ai?" lần sau của bà Tạ Bích Loan cũng đã tỏ ra được cải thiện hơn.
Chỉ riêng các ý kiến của cộng đồng mạng hầu như không thay đổi, họ vẫn giận dữ và nổi nóng chỉ vì những phát biểu theo họ là quá mức sách vở của một vị khách mời ngồi ghế phản biện. Đó là TS. Đặng Hoàng Giang - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) khi cho rằng "Khi đem quần áo của người dưới xuôi hoặc thiết kế của người nước ngoài cho người dân tộc thì về lâu dài người ta sẽ đánh mất bản sắc". Chỉ có vậy thôi, trong lúc đa phần mọi người đều cho rằng, ông TS. này có lẽ chỉ biết đến những chuyện cao xa, và họ còn gửi câu hỏi rằng "Giữa cái rét 0 độ C trong lúc bụng thì đói, áo ấm không đủ thì ông chọn cái "bản sắc văn hóa" hay một chiếc áo rét cũ?". Thì đã có không ít người có học hành, bằng cấp lại nổi nóng quá mức, thậm chí so ông TS này với trâu, bò? Thật ra điều mà TS. Đặng Hoàng Giang phát biểu dưới góc nhìn của một người làm công tác nghiên cứu chính sách, điều muốn cảnh báo chỉ là "Về lâu dài cần có một giải pháp từ thiện tối ưu là không làm cho người hưởng lợi từ việc từ thiện lười hơn." thì đâu có gì sai?
Việc dư luận xã hội có những ý kiến cực đoan xung quanh 02 chương trình "60 phút Mở" là điều cực kỳ nguy hiểm nếu xét ở góc độ ý thức. Điều đó cho thây, đa số người dân và trí thức ở Việt nam vẫn chưa thoát khỏi thứ tư duy đồng phục về tư tưởng. Nghĩa là mọi người phải chung một suy nghĩ và luôn nghĩ về một hướng. Đây là sản phẩm của một nền giáo dục của một chế độ độc tài. Họ không thể trả lời được rằng, trong một xã hội khi mà mọi người đều bình đẳng, thì họ nhân danh ai và họ lấy quyền gì để cấm người khác biểu lộ quan điểm của họ. Hơn nữa, nhiều người quên rằng đây là một chương trình truyền hình, được đạo diễn theo một kịch bản viết sẵn, quay tại trường quay 2 giờ đồng hồ và được biên tập lại còn 60 phút. Thì việc định hướng thì tất nhiên là phải có, ở đâu cũng thế luôn luôn có sự định hướng. Vì một trong những vai trò quan trọng của truyền thông là định hướng và dẫn dắt dư luận hay sao?
Qua xem nội dung 2 clip video từ đầu đến cuối, tôi có nhận xét, đây là một chương trình truyền hình đáng xem, có tính giáo dục cao. Trong điều kiện xã hội Việt nam hiện nay, khi dư luận chưa đồng tình và chấp nhận sự khác biệt, nhất là sự khác biệt về tư tưởng, thì đây là một chương trình cần thiết sẽ giúp cho mọi người làm quen. Để tạo cho mọi người sự cởi mở hơn trong việc đón nhận các ý kiến khác biệt, để biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng.
Đáng tiếc rằng nhiều người không đu tỉnh táo để nhận ra rằng, chương trình "60 phút Mở" này của VTV thực sự là một bước tiến khá dài của truyền thông ở Việt nam, vốn là phương tiện độc quyền của Đảng CSVN. Họ đã, đang chấp nhận và cổ vũ cho một sự đa nguyên về tư tưởng, cho phép người ta công khai nói những suy nghĩ của mình, dù rằng điều đó có thể ngược lại sự định hướng của nhà nước. Việc những người tham gia chương trình giương các các tấm bảng biểu thị hagtag của mình ở phần cuối chương trình đã cho thấy điều đó. Trong một thể chế độc đảng, nhà nước nắm độc quyền về truyền thông thì chương trình "60 phút Mở" này của VTV là một viên ngọc quý. Những sai sót trong quá trình làm chương trình là điều tất nhiên phải có và nó sẽ được khắc phục hoàn chỉnh hơn thay vì yêu cầu bãi bỏ.
Theo VNN, trước sự tức giận của cư dân mạng, ca sĩ Thái Thùy Linh, khách mời tham gia chương trình 'Người ta làm từ thiện vì ai?' phải thốt lên: "Tôi thấy sợ cư dân mạng sau 2 chương trình '60 phút mở'. Họ sẵn sàng ném đá bắt cứ ai và biến một người nào đó trở thành tâm điểm của dư luận. Cư dân mạng thật đáng sợ với những chỉ trích, thóa mạ gay gắt, không cần quan tâm đến cảm nhận của người trong cuộc. Cá nhân tôi nghĩ, mỗi người trước khi ném đá một ai đó hay một chương trình nào đó thì cũng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng. '60 phút mở' là cách làm truyền hình rất mới và không đáng bị mọi người chỉ trích như vậy".
Và nếu so sánh cái đó với những điều từ rất lâu người ta vẫn nói về tư duy và ý thức của người Việt rằng: "Đa phần người Việt Nam chúng ta đón nhận những ý kiến phản biện bằng sự suồng sã của con vẹt và thói hách dịch của kẻ bề trên. Nó là biểu hiện cho sự cùm trói tư duy, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác chủ kiến của mình và chỉ gìn giữ những định kiến mà không cần liên hệ với giá trị hiện thời – tự coi tầm hiểu biết của mình là chân lý bất biến.".
Điều đó cũng có lẽ bởi người Việt mình vốn là một dân tộc thuần nông, thiếu nền tảng nhân bản song lại thừa sự vô trách nhiệm.
Ngày 08/06/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây