NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nhà văn Trần Nhu
Hẳn nhiều bạn đã đọc truyện “Tướng đi đêm” của nhà văn Trần Nhu. Đây là một chương trong số 27 chương của cuốn tiểu thuyết lịch sử “Ngôi Sao Sáng Mafi”. Tiểu thuyết này viết về những hoạt động trong bóng tối của ông Lê Đức Thọ và guồng máy mật vụ do ông ta điều khiển. Tiếc rằng khi viết xong vào năm 1993, chưa kịp xuất bản thì bị thất lạc, chỉ còn lại vài chương.
Trần Nhu sinh ngày 10-8-1938 tại thôn Dương Áo xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng. Trong công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, ông bị cầm tù gần 20 năm. Ông ra tù năm 1978, vượt biên năm 1981, rồi định cư tại Hoa Kỳ năm 1982.
Ông là tác giả “Bức giác thư người tù” được giáo sư Võ Văn Ái dịch một phần quan trọng qua Anh Ngữ trong cuốn “Vietnam Today” năm 1985, gửi chính phủ các nước trên thế giới. Tài liệu này đóng góp quan trọng trong vụ kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc “The Prison System in North Vietnam”. Ông đã tham dự cuộc họp báo quốc tế do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam tổ chức tại Freedom House New York 1985.
Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm, gần đây nhất là bộ “Đại họa diệt chủng” gồm 2 tập dày dặn (mỗi tập 600 trang) xuất bản năm 2014. Trần Nhu còn là tác giả nhiều bài báo và truyện ngắn từ 1982 đăng trên các báo Văn Nghệ, Tiền Phong, Ngày Nay, Sóng, Lửa Việt, Người Việt, Việt Nam Tự Do, Non Nước, nhất là từ năm 2005 đến nay trên các Websites: Ðối Thoại, Nam Úc Châu, Thế Giới Người Việt, Thông Tin Berlin, Tiếng Nói Giáo Dân, Việt Vùng Vịnh, VietNamExodus, Vietland, Tự Do Ngôn Luận, Báo Tổ Quốc online.
Hiện nay, ông chuẩn bị cho ra mắt độc giả tác phẩm “Con Rồng Cháu Tiên” do Nhà xuất bản Việt Nam ngày mai xuất bản cũng gồm 2 tập. “Con Rồng, Cháu Tiên” viết về những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong suốt cuộc hành trình lịch sử dân tộc, những người phụ nữ làm rạng danh truyền thống, phẩm chất của người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt nam nói riêng.
Trong cuộc đấu danh dựng nước và giữ nước, và ngày nay là cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, vai trò người phụ nữ vô cùng quan trọng. Họ là linh hồn trong mỗi gia đình bởi các phẩm chất đôn hậu, chịu đựng, hy sinh vì chồng con. Đặc biệt trong đấu tranh, họ tỏ ra bền bỉ, can trường và quyết liệt, nhiều mặt tỏ ra hơn hẳn nam giới như lòng kiên trì, sức dẻo dai, khả năng cảm hoá…
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam càng trở nên sáng ngời rạng rỡ. Trong suốt hành trình ấy, người phụ nữ đóng một vai trò trọng yếu. Họ hiện thân cho cái đẹp, bình dị mà vĩ đại, nhỏ bé mà cao cả thiêng liêng. Họ chỉ biết hy sinh cho đất nước, quê hương và gia đình.
Có lẽ, chưa có một dân tộc nào trên thế giới mà hình ảnh người phụ nữ được tôn vinh, ca tụng ngay từ thuở hồng hoang và gắn với những bước đi ban đầu của lịch sử dân tộc (Nhà xuất bản)
Tác giả Trần Nhu viết:
“Trong cuộc hành trình ngàn năm của dân tộc này, trải qua bao nhiêu bi kịch của đất nước, người phụ nữ Việt trong đương đại giống như một sự “hóa thân” nhiệm màu của các nữ kiệt, nay họ có mặt khắp hoàn vũ…Họ “hóa thân” thành sĩ quan ưu tú trong các binh chủng Hoa Kỳ, hay khoa học gia, chính trị, nhà văn, nhà báo hoặc những phụ nữ đang tranh đấu chống bạo quyền tại quốc nội. Bất luận là các bà các cô ở đâu cũng thấy bóng dáng Trưng Trắc,Trưng Nhị…. Đó là một truyền thống, phong thái riêng biệt của phụ nữ Việt và sức quyến rũ của nó không giảm đi cũng như bản tính kiên hùng không thay đổi mặc dù đã trải qua nhiều ngàn năm.”
Đó là những gương mặt phụ nữ xuất hiện trong những cuộc kháng chiến chống sự xâm lăng của các thế lực phong kiến Trung Quốc: Hai Bà Trưng, Bà Triệu và những phụ nữ tài giỏi, dũng cảm khác ở các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Trần, Lý, Lê, Tây Sơn như Thái hậu Vương Vân Nga, Ỷ Lan nguyên phi, đô đốc Bùi Thị Xuân, Bà Ba Cai Vàng...
Không chỉ những phụ nữ can trường trong trận mạc, giỏi chấp chính, sách còn đề câp đến những nữ danh nhân văn hóa: Bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh…ở những thế kỷ trước.
Thời hiện đại, tác phẩm viết về những gương mặt phụ nữ Việt Nam đã thành công ở Mỹ. Mỹ là một quốc gia dân chủ, nơi đây có điều kiện thuận lợi cho con người phát huy khả năng để cống hiến cho xã hội, cho loài người. Mỹ là nơi thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới nhưng cũng là môi trường cạnh tranh nên mỗi người đều phải nỗ lực nếu không muốn bị đào thải. Và nhiều phụ nữ gốc Việt đã thành công trên đất nước này.
Những người phụ nữ này đã theo ba mẹ đến Hoa Kỳ trong cuộc trốn chạy cộng sản kinh hoàng sau biến cố 30/4/1975. Những cô gái Việt khi đặt chân đến Mỹ nhiều trường hợp mới 1 tuổi, lớn nhất là 10 tuổi như Đại Tá Bác Sĩ Không Quân Mylene Trần Huỳnh, nữ Đại Tá Vũ Thế Anh,Trung tá Nguyễn Cẩm, nhà khoa học Trần Kiều Nga, Lưu Lệ Hằng giải Nobel thiên văn học, nhà khoa học gia - nhà phát minh Dương Nguyệt Ánh, Jacqueline Nguyễn - Thẩm phán Tòa Liên bang Khu vực 9, Nữ luật sư Miranda Du - Chánh Án Tòa liên bang tiểu bang Nevada v.v…
Tác giả đặt câu hỏi: “Cái gì đã nuôi dưỡng các cô gái Việt niềm ước mơ trở thành những sĩ quan ưu tú nhất của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ? Rồi ông tự trả lời: “Phải chăng là các nàng đã mang sẵn trong mình giòng giống Lạc Hồng.”
Tuy nhiên với tôi là phần nội dung quan tâm nhất là phần viết về những phụ nữ Việt Nam đang đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và cho toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc. Nhiều phụ nữ đã trải qua hoặc đang trong nhà tù cộng sản.
Tác giả cho biết : “Tôi có một danh sách dài những việc cần ghi lạị là các khuôn mặt tuyệt vời trong sự nghiệp tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do vì vậy cũng bắt đầu cuộc phiêu lưu vào những tâm tưởng lớn. Và tôi biết, tương lai chỉ thuộc về những ai tin vào chân lý và dám hành động như Đỗ Thị Minh Hạnh.”
Đó là những gương mặt phụ nữ đang tranh đấu như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên,Tạ Phong Tần, Trần Thị Hải, Hồ Thị Bích Khương, Mai Thị Dung, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Lê Hiền Đức, Huỳnh Thục Vy, Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Thúy Hạnh, Cấn Thị Thêu, Trịnh Kim Tiến, Trần Ngọc Anh, Trần Thị Nga và những bà mẹ như Đặng Kim Liêng, Trần Thị Ngọc Minh, những người vợ như chị Dương Thị Tân, Vũ Minh Khánh…
Trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, không chỉ nói về những phụ nữ xuống đường, tác giả không quên những phụ nữ dùng cây bút làm vũ khí như Thụy An, Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo, Trang Hạ, Song Chi, Nguyễn Thị Từ Huy. Đó là những nữ văn nghệ sĩ đầy khí phách.
Mặc dù nhắc khá đầy đủ các gương mặt phụ nữ xưa - đã ghi vào sử sách, và nay - được công luận ghi nhận nhưng tác phẩm không có một dòng nào về những phụ nữ mà tên tuổi gắn với mọi hoạt động của đảng cộng sản. Điều đó thể hiện nhãn quan của tác giả. Tác giả chỉ ghi nhận những gương mặt phụ nữ có cống hiến cho dân, cho nước chứ không phải là những người có công với chế độ cộng sản.
“Đọc sách “ Con Rồng Cháu Tiên” Nơi đây bạn sẽ tìm được những giá trị sống vĩnh hằng để giúp nuôi dưỡng tâm hồn của bạn và những người thân yêu. Con Rồng Cháu Tiên chắc chắn sẽ giúp các bạn thêm NIỀM TIN, NGHỊ LỰC và TÌNH YÊU trong cuộc sống đồng thời là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho tâm hồn bạn” (Nhà xuất bản)
“Con Rồng Cháu Tiên” sẽ ra mắt độc giả trong một ngày gần đây. Để viết được tác phẩm hai tập dầy dặn này, ngoài việc dày công, đọc nhiều, hiểu rộng, tác giả phải là người có tâm huyết lắm, phải yêu quí, tự hào lắm về những người phụ nữ Việt đã có công làm rạng rỡ non sông.
Tác phẩm dừng lại ở thời điểm Tháng 5/2016. Mặc dù hết sức cẩn thận nhưng có thể bỏ qua một vài gương mặt nào đó, điều này dễ hiểu. Và cho đến lúc này, tôi còn nhìn thấy nhiều gương măt các cô gái, người vợ, người mẹ Việt Nam đang tỏa sáng trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ. Vì vậy, tôi muốn tác giả sẽ viết tiếp tập 3. Điều này, đối với Trần Nhu, có phải là một sự đòi hỏi quá đáng không khi ông đã cao tuổi. Có vẻ như muốn chắt bóp sức lực, tâm huyết của ông đến cùng. Dĩ nhiên điều này là do ông. Nếu như ông vẫn có thể viết, tôi nguyện làm một công sự để đỡ một phần nào khó nhọc cho ông, mặc dù thực tâm, tôi muốn ông ngơi nghỉ, có một ít năm tháng cuối đời bình thản, dưỡng già.
Hồi tháng 4, tháng 5/2014 sang Mỹ vận động cho tự do báo chí ở Việt Nam, tôi có đi San Jose 3 ngày, do Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân “hạ cố” đưa đón. Tôi đi thăm San Francisco ( Cựu Kim Sơn), Cầu Cổng Vàng. Rất tiếc lúc ấy, dù đã đọc nhưng không biết Trần Nhu sinh sống ở San Jose. Bao giờ tôi lại có dịp sang Mỹ để tìm gặp ông, khi mà sau đó tôi bị công an Việt Nam chặn đứng ở sân bay Nội Bài trên đường đi Myanmar.
Không chỉ văn tài, Trần Nhu còn có một trái tim lớn. Tấm lòng của ông luôn rộng mở, đầy ắp yêu thương. Hai mươi năm sung sức nhất của cuộc đời bị cầm tù, sang Mỹ, ông tiếp tục dồn hết tâm huyết cho đồng bào mình, cho đất nước mình. Tiền bán sách được bao nhiêu, ông gửi về giúp những mảnh đời bất hạnh trong nước. Những đồng tiền bán sách của ông cùng với những nhà hảo tâm khác đã góp phần an ủi, động viên và sưởi ấm nỗi lòng của bà con dân oan ba miền, của dân oan Dương Nội, đặc biệt trong những ngày giáp Tết cổ truyền, giờ phút giao thừa và những ngày sang xuân. Ông cho rằng, đó không phải là làm phước mà là bổn phận. Điều này, tôi học được ở ông rất nhiều. Đọc ông, tôi cảm thấy mình quá ư bé nhỏ. Và cũng chính vì thế, tôi mới có thể lớn lên.
Vừa mới hoàn thành tác phẩm “Đại họa diệt chủng” cách đây 2 năm, nay ông lại tiếp tục xuất bản “Con Rồng Cháu Tiên” ở tuổi 78, phải nói sức viết của tác giả Trần Nhu thật đáng khâm phục. Xin chúc mừng ông và chúc cho “Con Rồng Cháu Tiên” sớm được phát hành và được bạn đọc hồ hởi đón nhận.
Hà Nội 6/6/2016
Nguyễn Tường Thụy
Bài bình luận gần đây