Obama đã đến, và đã đi. Bây giờ chỉ còn lại người Việt Nam chúng ta với nhau, với xiềng xích của chế độ treo lơ lửng trên đầu, với cái chết từ từ được mặc định sẵn cùng sự hủy diệt của môi trường ở trước mặt, và với sự đe dọa của người láng giềng Trung Quốc ở ngoài biển Đông cũng như ở trên lãnh thổ.
Từ góc nhìn của cá nhân tôi, Obama đã thực hiện một cách xuất sắc chuyến công du của ông ấy ở Việt Nam.
Người dân Việt Nam có dịp chứng kiến và tiếp xúc với một chính khách có phong cách chính trị, tư tưởng chính trị, diễn ngôn chính trị và hành động chính trị hoàn toàn khác với những gì mà họ vẫn phải chứng kiến hàng ngày từ trước đến nay.
Obama đã để lại dấu ấn đặc biệt của mình ở Việt Nam. Cùng với quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, ông ấy đã mang tặng cho Việt Nam một hy vọng. Dĩ nhiên hy vọng ấy có biến thành hiện thực hay không hoàn toàn tùy thuộc vào lãnh đạo Việt Nam, điều này ông ấy cũng đã nói rõ trong cuộc họp báo khi đề cập đến các điều kiện của việc bán vũ khí. Mọi thứ đều rõ ràng, minh bạch, trong suốt.
Với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ, nếu Obama hành động vì lợi ích của nước Mỹ thì không có gì khó hiểu. Điều ấy là bình thường. Chỉ những lãnh đạo nào làm hại lợi ích quốc gia mới là bất thường.
Và giả sử Obama có đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên lợi ích của Việt Nam thì cũng hoàn toàn dễ hiểu, hoàn toàn không thể trách ông ấy. Nhưng Obama đã hành động theo nguyên tắc win-win, cả hai bên cùng có lợi, ông ấy đặt lợi ích của hai nước trong thế cân bằng. Quyết định gỡ bỏ cấm vận vũ khí của ông ấy là một quyết định mang lại lợi ích cho Việt Nam. Điều này chúng ta cần phải ghi nhận.
Vậy còn vấn đề nhân quyền thì sao ?
Chúng ta phải hiểu rằng đó là vấn đề của chúng ta, của người Việt Nam, và người Việt Nam cần phải đứng ra tự mình giải quyết. Tôi thực sự cảm thấy buồn khi thấy Obama qua Việt Nam chỉ có ba ngày mà có hàng bao nhiêu đơn thư của người Việt gửi đến nhờ ông ấy giải quyết hàng loạt các vấn đề của mình. Làm sao Obama có thể giải quyết tất cả những vấn đề ấy thay cho chúng ta ? Và phải đặt câu hỏi theo một cách khác nữa : Vì sao Obama phải giải quyết tất cả những vấn đề ấy thay cho chín mươi triệu người chúng ta, vì sao ?
Không, Obama, hay bất kỳ ai khác, không có nghĩa vụ phải giải quyết các vấn nạn của Việt Nam thay cho người Việt Nam. Chúng ta không thể trông chờ và ỷ lại vào người khác. Obama hay nước Mỹ hay chính phủ và nhân dân của các nước tiến bộ trên thế giới có thể hỗ trợ chúng ta khi và chỉ khi người Việt Nam chúng ta tự tiến hành các giải pháp nhằm tháo gỡ các vấn đề của mình.
Bây giờ, còn lại là câu hỏi : người Việt Nam chúng ta cần phải làm gì để giải quyết các vấn nạn của mình, để tránh bị diệt vong, tránh bị đầu độc, để có thể tiếp tục sống và để có thể phát triển ?
Câu hỏi này mỗi người cần phải tự trả lời. Không chỉ là một vài người hay một vài nhóm nhỏ (một vài người hay một vài nhóm nhỏ sẽ chẳng làm được gì), mà chín mươi triệu người Việt Nam cần tự đặt câu hỏi đó cho mình và tự tìm câu trả lời cho mình.
Paris, 25/5/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây