You are here

Biểu tình ngày 15/5/2016: Dùng bạo lực không dập tắt nổi biểu tình

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 Biểu tình tại Hà Nội

Nỗ lực ngăn cấm biểu tình thất bại

Cho đến hai ngày sau, vào lúc 14 giờ 17/8, theo một danh sách trên trang facebook Hoàng Dũng, Công an Sài Gòn vẫn còn giữ 16 người tại Trung tâm hỗ trợ xã hội 463 Nơ Trang Long. Những người này chủ yếu từ các tỉnh về Sài Gòn biểu tình như Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Long An, Bến Tre… Danh sách này đã được gửi tới ông Ông David V. Muehlke - Bí thư thứ nhất, phòng Chính trị Đại Sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, theo yêu cầu của ông.

Số người bị bắt ở Sài Gòn nhiều hơn hẳn các chủ nhật trước.

Đợt biểu tình ngày 15/5/2016 là đợt thứ 3 xuất phát từ vụ thảm họa môi trường biển ở Miền Trung mà nghi can là Công ty Formosa ở Khu công nghiệp Vũng Áng xả thải làm nhiễm độc môi trường biển.

Hai đợt biểu tình trước vào ngày 1 và 8/5 với hàng nghìn người tham gia ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh. Lần này, nhà cầm quyền quyết tâm dẹp biểu tình từ trong trứng nước. 

Họ cho rất nhiều công an canh cửa nhà của một số người mà họ cho là ngòi nổ biểu tình ngay từ sáng sớm hôm trước, thậm chí ngay từ ngày 13/5. Việc này làm cho họ tốn rất nhiều người với mức trung bình 10 công an canh 1 người biểu tình. 

Trong không khí canh phòng căng thẳng, nghiêm ngặt ở khu vực Hồ Gươm, Hà Nội sáng ngày 15/5, khoảng 30, 40 bạn trẻ đột ngột đứng vào hàng ngũ rồi giương ra các khẩu hiệu. Đây là những gương mặt mới, chẳng cần một thủ lĩnh nào dẫn dắt. Điều này càng chứng tỏ người dân xuống đường xuất phát từ sự bức xúc, từ trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, với xã hội chứ chẳng có thế lực nào xúi bẩy, kích động được họ, hoặc làm cho họ sợ hãi.

Tôi đang bị giam lỏng tại nhà, nhìn hình ảnh các bạn trẻ biểu tình ở Bờ Hồ trên mạng xã hội mà rung rưng cảm xúc. Tỉ lệ lớp trẻ xuống đường ngày càng đông lên. Nếu như mấy năm trước, ở Hà Nội quanh đi quẩn lại chỉ toàn gương măt quen thuộc thì giờ đây những gương mặt mới, trẻ trung đã chiếm tỉ lệ áp đảo, lên tới 90% hoặc hơn thế.

Các điểm tập trung quen thuộc bị phong tỏa không thể tập trung đông người, thế nhưng những cuộc biểu tình mi ni lại nổ ra ở khắp nơi. Điều này cũng có nghĩa, sức lan tỏa cũng rộng hơn. Những người biểu tình chia nhau thành từng nhóm 10 - 15 người giơ cao biểu ngữ truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường rồi nhanh chóng di chuyển đến địa điểm khác: Bờ Hồ, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Long Biên..., thậm chí ngay cả trước cổng đồn công an. Ở Sài Gòn là Chợ An Đông, Hồ Bán nguyệt, Phố Tây Bùi Viện, Công viên 29/3, công viên Phạm Ngũ Lão, cầu Thủ Thiêm…

Biểu tình tại Sài Gòn

Với các tỉnh, Nghệ An bao giờ cũng sục sôi. Hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu) do cha JB Nguyễn Đình Thục và cha Trần Đình Tế dẫn đầu xuống đường biểu tình. Họ tới ủy ban xã yêu cầu chính quyền phải có các giải pháp về tình trạng cá chết, biển bị đầu độc. Cũng tại Nghệ An, các bạn trẻ ở xã Hợp Thành (huyện Yên Thành) tổ chức tọa kháng ven tỉnh lộ 53. Con số tham gia lên đến 100 người.

Các tỉnh khác như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Hải Phòng , Huế, Đà Nẵng, Hải Dương… đều nổ ra các cuộc biểu tình hoặc tọa kháng nhỏ.

So với hai chủ nhật trước, chủ nhật ngày 16/5, nhà cầm quyền tập trung người và phương tiện quyết tâm đàn áp, không cho biểu tình xảy ra nhưng biểu tình nhỏ đã nổ ra khắp nơi. Qua đó, nhà cầm quyền cũng nên biết, việc biểu tình xuất phát từ ý thức công dân, từ trách nhiệm của họ đối với cộng đồng và xã hội. Những người thờ ơ với thời cuộc ngày càng giảm đi. Rất nhiều người đã vượt qua nỗi sợ hãi. Đây là một xu thế tất yếu. Luận điệu đổ cho Việt Tân đứng đằng sau, đổ cho thế lực thù địch xúi giục xem ra đã quá nhàm và nhảm nhí, không thuyết phục được ai mà còn trở thành chủ đề của những lời đàm tiếu. Nói người biểu tình bị kích động, xúi giục là coi thường dân.

Biểu tình tại Nghệ An

Chọn dân hay chọn Formosa?

Chưa bao giờ, nhà cầm quyền Việt Nam lại lúng túng như bây giờ. Nhưng sự lúng túng là do họ tự gây nên. Yêu cầu của dân là phải xác định kẻ nào là thủ phạm gây ra vụ cá chết ở biển Miền Trung, từ đó, có biện pháp không để tình trạng đầu độc biển tiếp tục xảy ra. Viêc này không hề khó. Nhưng họ không chịu đưa ra sự thật nên càng lúng túng thêm. Họ đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác, và giờ đây chỉ còn biết dùng bạo lực. 

Cá chết ở biển Miền Trung được nhà cầm quyền coi là vấn đề nhạy cảm. Báo chí bị cấm đưa tin hoặc động tới. Tờ Thế giới tiếp thị bị phạt 140 triệu đồng vì can tội đăng bài “Nhân dân mãi mãi là người đến sau” và bài “Lời than thở của loài cá”. Xem ra thấy phạt vậy còn quá nhẹ nên tờ báo này còn tự phạt bổ sung bằng 3 tháng đình bản nữa. 

Dân sẽ không xuống đường biểu tình nếu mọi yêu cầu được minh bạch. Chỉ vì muốn giấu giếm, che đậy nên càng đẩy thêm sự giận dữ của dân chúng. Nhà cầm quyền khó mà dập tắt được biểu tình vì dập được chỗ này nó lại bùng ra chỗ khác. Chính sự ngăn cấm đàn áp, đánh đập người biểu tình mà nhà cầm quyền làm cho số này ngày càng đông lên, bất chấp bị đàn áp. Vụ cá chết đã làm ý thức biểu tình của người dân được nâng cao đột biến

Chỉ còn một cách, đó là công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến của dân. Điều này đòi hỏi họ phải dũng cảm đối mặt với sự thật. 

Chọn dân hay chọn Fprmosa? Câu hỏi không khó trả lời nếu họ có tâm trong sáng.

17/5/2016

NTT