You are here

Không ai bị bỏ quên!

Ảnh của songchi

Song Chi.

Uploaded with ImageShack.us
Thành phố Kristiansand, Norway.

Cứ mỗi lần đi qua con đường chính của khu trung tâm thành phố Kristiansand, đứng chờ xe bus hoặc ngồi trên xe bus từ phố về nhà, tôi lại gặp người đàn bà đồng hương ấy.
Lúc đầu tôi không biết chị bị bệnh tâm thần. Về sau tôi được nghe kể về lai lịch, cuộc đời của chị từ một người phụ nữ Việt Nam khác, đã sống ở đây nhiều năm. Nhưng hầu như tức khắc, tôi quên ngay những chi tiết, và cho đến giờ chỉ còn nhớ, người phụ nữ mắc bệnh ấy sống ở thành phố này có lẽ ít nhất cũng hai mươi năm, nhiều người bảo chị khá đẹp khi còn trẻ-bây giờ nhìn cũng vẫn hình dung được điều đó. Một phần vì chuyện tình cảm, một phần vì chuyện làm ăn thua lỗ sao đó nên đâm quẫn mà phát bệnh. Có giai đoạn phải vào bệnh viện tâm thần, bây giờ thì chỉ khi nào bệnh trở nặng mới phải vào viện. Nhiều năm nay rồi chị sống một mình, người chồng và cô con gái cũng ở thành phố này nhưng sống riêng. Tôi chưa bao giờ thấy người thân của chị. Lúc nào người đàn bà ấy cũng một mình.
Hàng ngày, mùa hè cũng như mùa đông, chị đều đặn đi bộ từ nhà ra phố, ngồi chơi ngoài phố rồi lại đi bộ từ phố về nhà. Vào mùa xuân mùa hè, một ngày cũng vài ba lần như vậy. Áo quần hơi cũ và luộm thuộm, mái tóc xõa ngang vai, bước đi thong thả, chả nhìn ai, cũng chả chú mục nhìn vào cái gì. Có khi ngồi trên những băng ghế kê dọc theo con đường chính của khu trung tâm hoặc chỗ đợi xe bus. Không nói chuyện với ai. Và lúc nào cũng thấy điếu thuốc trên tay-không phải loại thuốc lá điếu mua sẵn, mà là thuốc vấn, thỉnh thoảng chị lại lôi hộp thuốc sợi và giấy ra, vấn một điếu. Cái cách người đàn bà ấy hút thuốc cũng hơi lạ. Cứ bập, rít và nhả khói liên tục, cảm giác như chả có hơi thuốc nào kịp giữ lại trên môi và càng không vào được bên trong cổ họng. Được quá nửa điếu, đã laị thấy vứt đi, cặm cụi vấn điếu khác. Như thể hút thuốc vì một thói quen hơn là tận hưởng mùi vị, hương khói thuốc lá. Một thói quen khác của người đàn bà ấy là uống Coca. Chai Coca một bên, cứ vài hơi thuốc, lại ngửa cổ nốc một ngụm. Chẳng nhìn ngó ai, cho dù có ai đang quan sát mình cũng mặc. Thỉnh thoảng lại thấy chị đi chợ, tay xách túi, thong thả đi bộ về nhà. Nhìn bên ngoài, trông chị hầu như bình thường.
Người ta kể, chị sống trong một căn hộ thuê của nhà nước, tự đi khám bệnh đều đặn theo định kỳ hoặc có khi, y tá đế tận nhà thăm khám. Trong bệnh viện tâm thần, chị cũng có sẵn một chỗ của mình. Khi nào bệnh trở nặng thì bác sĩ cho xe đến chở chị vào bệnh viện.
Trong thành phố này, tôi còn thấy một người đàn ông đồng hương khác, cũng thuộc loại “trí nhớ đi vắng”. Cũng là cư dân lâu năm của Kristiansand. Anh rất hay lang thang ngoài phố. Có khi ngồi thu lu một góc hàng giờ, thấy ai đi ngang lại ngửa mặt lên cười. Khác với người đàn bà chẳng nhìn cũng chẳng trò chuyện với ai, người đàn ông rất thích nói chuyện với bất cứ ai chịu nghe anh. Khuôn mặt với cái cằm lúc nào cũng ngửa lên trời, cứ thế anh nói huyên thiên. Người ta kể, mấy năm sau này bệnh nặng hơn, anh không thích ở nhà, suốt ngày ngoài đường.
Ở xứ này, những người bệnh, bất cứ bệnh gì nhưng nếu thuộc loại không thể làm việc như người bình thường thì được chính phủ nuôi, lo từ A đến Z. Mỗi tháng chính phủ cấp tiền cho họ đủ sống, họ được thăm khám bệnh, thuốc men hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, nếu người bệnh nào có những nhu cầu riêng, như người phụ nữ có thói quen hút thuốc không bỏ được, thì còn được cấp thêm một số tiền để mua thuốc lá hàng tháng. Bởi vì chính phủ cho rằng họ là những người bệnh, nếu họ có những nhu cầu gì đó, thì nên đáp ứng cho họ.
Tôi cũng rất hay nhìn thấy những người Na Uy bị bệnh thiểu năng, chậm phát triển, tâm thần nhẹ các loại… trên đường. Họ vẫn có một cuộc sống bình thường của mình, được nhà nước và gia đình chăm lo đầy đủ. Không một ai, dù bệnh hoạn, tàn tật, bị bỏ rơi hay gạt ra bên ngoài lề xã hội. Một khi không thể đi làm để kiếm sống, họ cũng không phải ra ngoài đường ngửa tay xin ăn. Ở Na Uy cũng có những người đi xin ăn, nhưng họ không phải là cư dân ở đây, họ từ các quốc gia khác, đa số thuộc khu vực Trung Đông, đến sống tạm bợ một thời gian. Họ không đi làm-không rõ vì không thể tìm ra việc hay không muốn đi làm. Và họ ra ngoài phố, lang thang, sống bằng tiền người ta cho. Nhưng có lẽ cũng chẳng được bao nhiêu. Người Na Uy nói chung rất ít khi cho tiền những trường hợp như vậy, có lẽ vì nghĩ rằng đó là những người làm biếng, hoàn toàn khỏe mạnh bình thường nhưng lại không chịu tự thân kiếm tiền và dân Na Uy không thích như vậy.

Uploaded with ImageShack.us
Người nước ngoài ăn xin ở Oslo. Nguồn: Views and News.

Sống ở Na Uy một thời gian, tôi nhận ra, quốc gia này có thể không phải là thiên đường của tất cả mọi người, đặc biệt đối với những ai thích một cuộc sống sôi động, nhiều cơ hội cũng như nhiều cạnh tranh, thử thách, một cuộc sống ở những đô thị lớn, trung tâm về nhiều mặt của cả thế giới kiểu như New York, Paris, London, Tokyo hay Hong Kong. Nhưng Na Uy chắc chắn là thiên đường của trẻ em, người già và những người bệnh. Trẻ em được chăm lo và bảo vệ tối đa. Không một ai, kể cả cha mẹ, được quyền đánh mắng hay có bất cứ hành động gì làm tổn thương các em, cả về tinh thần lẫn thể xác. Còn với người già, họ có thể sống với con cháu hoặc sống một mình tùy, nếu không, đã có các nhà chăm sóc người già với điều kiện rất tốt cho họ. Cũng xin nói thêm, ở Na Uy, chăm sóc người già là một trong những nghề dễ kiếm việc, không sợ bị thất nghiệp, lương lại khá cao, nên có nhiều người dân nhập cư thường hay chọn ngành này. Với người bệnh, người tàn tật thì như đã kể, họ đương nhiên được nhà nước lo. Và họ có thể sống mà ít nhất, không cảm thấy quá cay đắng về số phận không may của mình.