Truyền thông Việt nam vừa đưa đưa tin, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith bắt đầu thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 25 - 27/4/2016.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của người đứng Nhà nước CHDCND Lào diễn ra trong bối cảnh sau khi Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào lần thứ X vừa kết thúc cũng như việc nước này vừa hoàn thành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 8. Mới nhất, ngày 20/4/2016 vừa qua, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Lào khóa 8, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào Bounnhang Volachith đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước CHDCND Lào. Theo Trưởng Ban đối ngoại Đảng Nhân dân cách mạng Lào, bà Sounthone Xaynhachac nói về ý nghĩa chuyến thăm rằng: "Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong các hoạt động thăm nước ngoài sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam, là nước bạn bè chiến lược, là nước có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, có mối quan hệ gắn bó trong sáng thủy chung hiếm có với Việt Nam". Đây được coi là một phát biểu khẳng định mang tính bước ngoặt, mở đầu cho một trang mới trong quan hệ giữa hai nước Việt nam và Lào.
Đối với những người theo dõi và quan tâm đến chính trị của Lào, thì việc phe thân Việt nam thắng lớn tại Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào lần thứ X (tháng 1/2016). Với việc ông Bounnhang Volachith (một người được cho là thân Việt nam) đã cùng với các đồng chí của mình, làm một cú ngoạn mục đảo ngược thế cờ để hạ bệ nguyên Tổng Bí thư Đảng, kiêm Chủ tịch Nước trong 2 khóa liên tiếp, ông Choummaly Sayasone, trong 10 năm (2006- 2016). Ông này là một trong đa số người trong ban lãnh đạo Lào trước đây được cho là thân Trung quốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong quan hệ giữa Việt nam và Lào, giữa lúc mối quan hệ giữa hai nước ngày một càng xấu đi.
Một tai nạn máy bay chuyên cơ quân sự ngày 17/5/2014 tại Miền Bắc Lào, với 20 khách VIP đang di chuyển tới một địa điểm để dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Sư đoàn 2 của Quân đội Nhân dân Lào tại tỉnh Xiêng khoảng. Tai nạn này đã làm 4 lãnh đạo cao cấp của Lào và người thân của họ tử nạn. Đó là các ông Douangchay Phichit UV Bộ chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lào cùng phu nhân; Bộ trưởng Bộ An ninh Lào; Bí thư kiêm thị trưởng thủ đô Vientiane; Trưởng Ban tuyên giáo TƯ Lào. Số còn lại được cứu sống. Đáng chú ý, khu vực xảy ra tai nạn là bản Nadee, huyện Paek, chỉ cách tỉnh lỵ Xiêng Khoảng chừng 1,5 km. Cũng như việc gây bất ngờ nhất tại Đại hội 10 Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vừa qua, là ông Thongsing Thammavong (sinh 1944), Thủ tướng Lào đã bị loại đột ngột khỏi ban lãnh đạo mới của Lào. Cho dù trước đó, ngày 18/1/2016 chính ông Thongsing Thammavong là người đọc Báo cáo Chính trị, một tài liệu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hệ thống các đảng cộng sản, để định hướng các chính sách và phương hướng cho nước Lào trong giai đọan 5 năm sắp tới (2016-2020). Người ta cho rằng những vụ việc đó đối với các phần tử thân Trung quốc trong ban lãnh đạo Lào, thì khả năng có bàn tay của Việt nam là rất có thể.
Báo chí của Lào đã nhận định tầm quan trọng của chuyến thăm Việt nam của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Lào, ông Bounnhang Volachith coi đó là chuyến viếng thăm nhằm khôi phục mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa giữa hai đảng và nhân dân hai nước Lào và Việt nam. Các nhà quan sát chính trị Lào đều có chung một nhận định rằng, trong hơn 10 năm qua, nước Lào dưới thời ông Choummaly Sayasone có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào Trung quốc và quan hệ đặc biệt Việt-Lào đã chứng tỏ cho thấy đã bị lãnh đạo Lào cố tình xao nhãng.
Với bằng chứng là, đến nay đã có rất đông người Trung Quốc đã có mặt tràn ngập nước Lào, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Bắc. Đây được coi là một trong những chính sách của Trung Quốc, nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Lào, để phục vụ cho những tính toán sâu xa hơn của họ. Mà chính sách di dân đóng vai trò bước đệm trong tổng thể kế hoạch chi phối toàn bộ khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc trong tương lai. Đó là các dự án đường cao tốc Kun Ming - Bangkok, và tuyến đường sắt Kun Ming - Singapore là một tuyến đường sắt sẽ kết nối Tây Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuyến đường sắt này sẽ chạy từ Kun Ming, thủ phủ tỉnh của tỉnh Vân Nam của Trung Quốc qua Lào, qua Thái Lan và Malaysia rồi đến Singapore, nhằm thay thế cho việc kết nói tuyến đường sắt từ miền nam Trung Quốc qua Đông Dương đến Malaya thông qua Việt Nam, Campuchia và Malayu đã được thực dân Anh và thực dân Pháp đề xuất từ đầu thế kỷ 20. Như vậy, tuyến đường sắt Kun Ming -Singapore sẽ trở thành một phần của con đường tơ lụa sắt. (Xem hình)
Hình Wikipedia |
Nói như vậy để thấy, Lào một quốc gia đất rộng người thưa, nhưng nằm trấn giữ yếu hầu của con đường còn lại để có thể tràn xuống Đông Nam Á bằng đường sắt của Trung quốc. Trong lúc con đường qua Việt Nam gần như đã bị Hà nội khóa chặt. Chính vì thế, trong nhiều năm gần đây, Lào đã trở thành một cô gái được nhiều chàng trai ve vãn. Được biết, sau khi nắm chắc và thương thuyết được với ban lãnh đạo Lào trong vấn đề xây dựng tuyến đường sắt Kun Ming- Viêng chăn, thì lập tức Trung quốc đã thuyết phục được Thái lan cho nối tiếp vào hệ thống đường sắt của Thái lan. Kèm theo đó là các cam kết cho một hệ thống đường sắt cao tốc ở nước này. Theo kế hoach, tuyến đường sắt Kun Ming- Viêng chăn sẽ được khởi công vào tháng 12/2015, song nay đã bị hoãn lại. Các nhà quan sát thấy rằng, trước các áp lực trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là việc thay đổi ban lãnh đạo mới ở Lào, thì Dự án tuyến đường sắt Kun Ming- Viêng chăn có nhiều khả năng sẽ bị đình hoãn. Như vậy sẽ thấy, giấc mộng "con đường tơ lụa sắt" Kun Ming -Singapore sẽ trở thành cơn ác mộng đối với Trung quốc, nếu như ban lãnh đạo Lào nói không.
Cũng cần phải nói thêm, Hoa kỳ cũng có nhiều các hoạt động ngoại giao, thương mại để lôi kéo Lào, mà bằng chứng theo báo chí Thái lan mới đây cho biết, Công ty Cocacola sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất nước giải khát có công xuất lớn đặt tại Lào, nhằm cung cấp sản phẩm cho nước Lào và toàn bộ vùng Đông bắc Thái lan, với dân số tới gần 30 triệu người.
Hiện nay, theo con số thống kê chưa chính thức thì đã có khoàn gần một triệu người Trung quốc đã có mặt ở Lào. Những di dân người Trung quốc mới này đã nhận được sự yểm trợ tối đa của chính quyền Trung quốc trong các chính sách có tính chất khuyến khích di dân. Cụ thể nhà nước Trung quốc hộ trợ cho mỗi di dân Trung quốc đến Lào khoảng 5 ngàn USD/ người. Chưa hết, các công dân đó sau một thời gian định cư ở Lào có quyền đề xuất các phương án sản xuất, kinh doanh với Đại sứ quán Trung quốc tại Viêng chăn. Sau khi các phương án đó được Đại sứ quán Trung quốc cháp nhận thì họ sẽ nhận được một khoản tín dụng hỗ trợ ngay lập tức. Chính vì thế, tại thủ đô Viêng chăn và các thành phố khác của Lào, các vị trí đắc địa đã được người Trung quốc thâu tóm và đang xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh cỡ lớn. Đó là chưa kể đến một hệ thống các cửa hàng của người Trung quốc buôn bán các mặt hàng chế tạo từ Trung quốc. Cho dù hiện tại các cửa hàng này mới ở mức bắt đầu, song trong tương lai thị trường bán lẻ các phụ tùng máy móc hay vật liệu xây dựng ở Lào vốn chịu sự chi phối của người Việt nam, chắc chắn sẽ bị người Trung quốc thâu tóm hoàn toàn.
Song hành với chính sách thân Trung Quốc như vậy, thời gian qua chính quyền Lào đã tiến hành các chính sách gây khó khăn cho những người Việt nam sang làm ăn sinh sống ở Lào. Nhằm để bức bách những người này buộc phải trở về Việt nam, để nhường lại chỗ cho công dân Trung Quốc định cư. Trả lời phỏng vấn của RFA, một cán bộ lão thành của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gốc Việt, thấy rằng, mấy năm trở lại đây, một số lượng lớn người Trung Quốc cũng đổ đến Lào để sinh cơ lập nghiệp. Song sự tồn tại của cộng đồng người Việt trên đất Lào có phần lấn át cộng đồng người Trung Quốc, theo ông đó là nguyên nhân. Ông nói cho biết: “Vấn đề là, bây giờ ở Lào ai lên nắm quyền đều phải dựa vào Trung Quốc, Trung Quốc đã mua chính quyền của Lào, nhưng chỉ mua một người thôi và người đó đã đi theo Trung Quốc. Trong nhiều cuộc họp tôi đã nói rằng, các ông không giữ lới hứa, tại sao lại săn bắt người Việt? Trung Quốc sang đây có dám bắt nó không? Không! Vậy mà bây giờ họ cứ nhè người Việt mà bắt, thậm chí người nghèo Việt Nam sang làm cái móng tay mà họ cũng lùa bắt.”. Qua đó cho thấy, các hành xử của chính quyền Lào đối với lao động người Việt nam cũng như Trung Quốc trong thời gian tới sẽ chứng minh điều này.
Thời gian gần đây, tin tức cho biết những di dân Trung quốc tại Lào liên tiếp bị khủng bố và có nhiều người chết. Đây được cho là phản ứng của người Lào trước việc di dân Trung quốc tràn ngập lãnh thổ của nước này. Tuy vậy, theo tin đồn đoán trong dân chúng ở Lào, thì những hành động khủng bố đó được xuất phát từ nhóm vũ trang sắc tộc H'Mong hay còn có tên gọi là Mẹo vẫn đang tồn tại tại miền Bắc Lào. Nhiều người khẳng định rằng, nhóm sắc tộc H'Mong đã thiết lập được một vùng tự trị nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Lào. Một người dân địa phương nói với tôi rằng, việc tai nạn máy bay chuyên cơ quân sự ngày 17//2014 tại tỉnh Xiêng khoảng là có bàn tay của nhóm vũ trang sắc tộc H'Mong.
Các quan chức cỡ từ trung cấp trở lên ở Lào muốn thăng tiến, một trong những điều kiện bắt buộc là phải tu nghiệp ở Việt nam về, trong những năm gần đây thì nới rộng hơn là tu nghiệp từ Trung quốc. Ở các nhà hàng Việt nam lớn ở trên khắp nước Lào, bạn sẽ gặp rất nhiều các viên chức người Lào đến ăn cơm Việt nam. Tiếp xúc với chúng tôi, những người này nói rằng, họ ăn đồ ăn Việt nam thường xuyên hầu như mỗi tuần, vì họ ăn đã quen. Hỏi ra mới biết, toàn bộ số viên chức này đã từng được đào tạo ở Việt nam một vài lần và tất nhiên họ nói tiếng Việt như người Việt nam.
Qua bài viết này cho thấy, trong nhiều năm gần đây, nước Lào đã trở thành một chiến trường, nơi tranh giành ảnh hưởng giữa chính quyền Việt nam và Trung quốc. Chính quyền Hà nội một mặt tỏ ra thần phục Bắc kinh, song mặt khác họ cũng luôn tìm mọi cách chống lại Trung quốc để tạo ảnh hưởng của Việt nam đối với các quốc gia lân bang, nơi vốn được coi là bước đệm hay bức tường thành nhằm bảo vệ Việt nam ở phía Tây. Việc ngày 24/04/2016, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, có nói với báo chí rằng Trung quốc đã đạt đồng thuận riêng rẽ về Biển Đông với ba thành viên ASEAN, là Lào, Cambodia và Brunei. Tuy vậy, việc ông Phay Siphan, người phát ngôn của Chính phủ Cambodia ngày 25/04/2016, cho hay: “không có thỏa thuận, không có thảo luận, chỉ có chuyến công du của một ngoại trưởng Trung Quốc”. Và cũng theo truyền thông của Cambodia cho biết, chính quyền Cambodia “đã tìm cách giảm thiểu rạn nứt hiện có trong nội bộ khối ASEAN về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông” đã cho thấy không dễ gì mà Trung quốc có thể dùng tiền bạc để lôi kéo các quốc gia, để phục vụ các tham vọng bành trướng trong khu vực Đông Nam Á của họ.
Các quốc gia như Cambodia trước đây và Lào gần đây, nếu có tỏ ra ủng hộ Trung quốc trong vấn đề Biển Đông là một sự lựa chọn hết sức khôn khéo, cũng vì các nước này, họ cũng chẳng có quyền lợi gì ở Biển Đông. Việc các quốc gia này ủng hộ một phía hay im lặng, trong các tranh chấp trong khu vực, nhằm để nhận các khoản viện trợ đều xuất phát từ quyền lợi của quốc gia và dân tộc mà thôi.
Ngày 28/04/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây