Ngày 6/4/2016, báo Tuổi trẻ online đăng bài “Người tự ứng cử đề nghị cho luật sư dự lấy ý kiến cử tri” nói về ý kiến của ông đối với kiến nghị của một số ứng cử viên (sau đây viết gọn là “kiến nghị”) tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với các sở, ngành, quận, huyện về việc chuẩn bị bầu cử.
Vì báo Tuổi trẻ viết: “Trước những kiến nghị nêu trên, ông Khanh không nêu cụ thể bao nhiêu người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã kiến nghị như vậy” nên tôi trả lời luôn rằng, những kiến nghị ấy là của nhóm ứng cử viên độc lập tại Hà Nội gồm có tôi - Nguyễn Tường Thụy, ông Nguyễn Quang A, chị Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng, anh Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đình Hà.
Tại Hội nghị giao ban nói trên, ông nói “Khi luật đang có hiệu lực thì chúng ta thực hiện theo quy định của luật” vì “thẩm quyền thay đổi luật là của Quốc hội”.
Có thể hiểu rằng, theo ông, kiến nghị không có cơ sở pháp luật nên ông không thể “chiều” được ứng cử viên.
Tôi thì thấy ngược lại, lối diễn giải của ông rất chung chung, không rõ và không có cơ sở pháp luật. Tôi chứng minh như sau:
1. Về thành phần hội nghị cử tri (HNCT):
Ông cho rằng:
“Về thành phần hội nghị đã được quy định trong luật, cũng đã có hướng dẫn nêu rất rõ. Chúng ta phân ra hai địa bàn dân cư. Nếu địa bàn dân cư nào có dưới 100 cử tri thì sẽ tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải đảm bảo trên 50 cử tri tham gia. Nếu có trên 100 cử tri thì hội nghị mời đại diện, nhưng phải đảm bảo từ 55 cử tri trở lên. Chiếu theo quy định của luật, hướng dẫn của thành phố thì kiến nghị của ứng cử viên này không thể giải quyết được”
Ông nói thế là nhầm từ việc tổ chức HNCT ở nơi công tác sang HNCT ở nơi cư trú. Đúng là nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 khi hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi công tác, có viết, nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm ít nhất là bảy mươi cử tri tham dự.
Nhưng khi sang điều 2, khoản 3 hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú như sau:
"Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là năm mươi lăm cử tri tham dự".
Điều khoản này không hề có chữ nào cho phép mời đại diện cử tri. Ông không thể vận dụng việc tổ chức HNCT ở nơi công tác sang HNCT ở nơi cư trú, nhất là khi mà HNCT ở nơi cư trú có hướng dẫn riêng.
Ở phần hướng dẫn này, qui định “đảm bảo từ 55 cử tri trở lên” không có nghĩa là măt trận được quyền mời đại diện cử tri. Việc cử tri không đến theo giấy mời là chuyện bình thường. Điều này có nghĩa nếu được mời mà cử tri không đến được 55 người thì hội nghị không có giá trị, chứ không có nghĩa là các ông được phép mời đại diện cốt sao cho đủ 55 người trở lên. Cũng giống như tổ dân cư dưới 100 cử tri thì vẫn phải có mặt được trên 50%, chứ không có nghĩa mặt trận mời ai cũng được chỉ cần đảm bảo trên 50%.
Mặt khác, đại diện cử tri nếu có thì phải do cử tri bầu, chứ không thể do mặt trận hay ủy ban hoặc tổ trưởng dân phố chỉ định. Việc chỉ định người thay mặt cử tri là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền dân chủ, tự ý tước bỏ quyền biểu đạt ý kiến của cử tri.
2. Ông cũng cho biết, không đáp ứng được yêu cầu ứng cử viên cần có luật sư hoặc trợ lý đi cùng vì không đúng qui định của pháp luật. Tôi chưa thấy qui định nào cấm viêc này. Đây là một Hội nghị công khai, đâu có phải bí mật mà không cho người giúp đỡ ứng cử viên. Ông cho rằng chỉ người được mời mới được vào. Ông hé lộ: “thành phần dự hội nghị cử tri là các đoàn thể và những người có giấy mời”.
Vậy việc mời ai cũng phải theo qui định ông ạ. Khoản 4 điều 2 Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 ghi: “Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị”.
Người tự ứng cử không có cơ quan nào giới thiệu, vì vậy, khách mời chỉ có thể là chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phường/xã, chứ không thể mời đại diện các đoàn thể như thanh niên, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh….
3. Về vấn đề đối thoại với người phát biểu, tạo điều kiện cho họ trình bày chương trình hành động, ông nói “Sau hội nghị hiệp thương lần 3 sẽ có bước tiếp xúc cử tri để họ công bố chương trình hành động của ứng cử viên”
Đúng là luật có nội dung ấy. Nhưng tại sao việc này phải chờ đến sau Hội nghị hiệp thương lần 3? Tại sao ứng cử viên không được trình bày chương trình hành động để cử tri hiểu rõ về họ mà quyết định đến sự tín nhiệm hay không? Khi họ chưa hiểu ứng cử viên sẽ làm gì, họ không bỏ phiếu tín nhiệm thì làm gì còn cơ hội chờ hội nghị tiếp xúc cử tri sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba?
Luật bầu cử cũng không hề có điều nào cấm ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình tại HNCT.
4. Nói tóm lại, những kiến nghị của chúng tôi, nếu không đáp ứng được ông phải dẫn ra căn cứ pháp luật. Qua ý kiến của ông mà báo Tuổi trẻ dẫn ra, tôi thấy ông đã bác bỏ gần hết kiến nghị một cách trái luật hoặc không có cơ sở pháp luật.
Ông cho biết “chúng tôi cũng đã báo cáo Ủy ban bầu cử thành phố và thống nhất sẽ mời ứng viên có kiến nghị này lên để giải đáp trực tiếp”.
Tuy nhiên, cho đến nay, buổi tối ngày 7/4/2016, tôi chưa hề mời được giấy mời nào đến gặp các ông để đối thoại trực tiếp. Vì vậy, tôi phải viết thư này trình bày ý kiến của tôi, đề phòng ông nói mà không làm.
Từ khi ra ứng cử, tôi đã gửi đi 7 lá đơn, vừa tố cáo vừa kiến nghị nhưng thấy nó âm u quá, chưa từng được một lần trả lời hay nhắc đến trên báo chí nên lần này tôi chọn cách gửi thư ngỏ.
Đề nghị ông giải quyết mọi việc theo đúng luật, không tìm cách cản trở quyền tự do ứng cử hoặc gây khó cho chúng tôi.
Kính chào ông.
Ngày7/4/2016
Nguyễn Tường Thụy
Bài bình luận gần đây