Gần đây, nhiều nhà bình luận cho rằng, việc Quốc hội khóa 13 vội vã miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, để bầu ra các nhân vật mới là biểu hiện của sự đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN. Mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với toan tính hòng triệt tiêu quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng một cách sớm nhất. Vậy, điều đó có đúng hay không?
Trong những ngày này, dư luận xã hội và truyền thông đang chú ý đến việc Quốc hội khóa 13 tiến hành việc bầu chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021, đó là các chức vụ: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ. Theo các thông tin về kết quả Đại hội toàn quốc Đảng CSVN lần thứ 12 cho biết, Đại hội đã thống nhất đề cử các ông bà: Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc giữ các chức vụ nói trên (theo thứ tự).
Có vi Hiến hay không?
Đã có nhiều bình luận khác nhau về vấn đề nói trên, song tựu chung đều cho rằng, việc Quốc hội khóa 13 tiến hành việc bầu chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021 là việc làm trái với Hiến pháp của Nước CHXHCN Việt nam và Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể, việc làm này vi phạm điều 87 và 97 của Hiến pháp năm 2013, hai điều này quy định về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ bằng nhiệm kỳ của Quốc hội. Nhất là trong bối cảnh, đây là một kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, nên việc làm này chính là nguyên nhân khiến cho công luận hoài nghi và cho rằng ban lãnh đạo Đảng CSVN vội vã dùng Quốc hội khóa 13 sẽ làm thay Quốc hội khóa 14 trong việc phê chuẩn 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021. Nếu điều đó là có thật, thì đây sẽ là việc vi phạm nghiêm trọng các quy định của Hiến pháp - pháp luật cao nhất của một quốc gia.
Tuy vậy, các thông tin của truyền thông nhà nước mới đây đã cho thấy, việc Quốc hội khóa 13 miễn nhiệm những người đang giữ các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Để thay thế bằng các ông bà: Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc thay thế cho các chức vụ nói trên, chỉ là một việc làm tạm thời trong phạm vi thời gian làm việc của Quốc hội khóa 13. Và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 sẽ chính thức làm việc từ tháng 7/2016 sắp tới, thì Quốc hội mới vẫn sẽ tiến hành các thủ tục bình thường như luật định.
Theo báo Tiền phong, trả lời phỏng vấn của báo chí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Bốn chức danh khi được bầu sẽ phải tuyên thệ trước Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND tối cao. Bốn chức danh này, nếu tiếp tục được bầu nhiệm kỳ mới sẽ lại tuyên thệ trước Quốc hội vào tháng 7 tới.". Nếu như Quốc hội khóa 14 tới đây, việc đó sẽ được diễn ra như vậy thì có lẽ chẳng có gì còn phải thắc mắc nữa.
Việc làm có tính hệ thống
Việc làm của Quốc hội khóa 13 lần này, cũng tương tự như việc, vào tháng 6/2001 Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội của ông Nông Đức Mạnh để bầu cho ông Nguyễn Văn An, vì trước đó 2 tháng ông Nông Đức Mạnh đã được Đại hội Đảng CSVN lần thứ 9 bầu làm Tổng Bí thư. Tương tự, tháng 4/2006 khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An không được Đại hội Đảng CSVN lần thứ X bầu vào Bộ Chính trị, thì tháng 6/2006 Quốc hội khóa 11đã miễn nhiệm ông Nguyễn Văn An và bầu ông Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ này. Tiếp sau đó Quốc hội cũng đã bầu ông Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch Nước thay cho ông Trần Đức Lương và bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng Chính phủ thay cho ông Phan Văn Khải.
Những việc kể trên đều phù hợp với khoản 7 điều 70 của Hiến pháp Nước CHXHCN Việt nam quy định Quốc hội có quyền bầu, bãi miễn Chủ tịch Quốc hội; khoản 6 điều 74 đã quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền giới thiệu, đề nghị bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch nước và khoản 3 điều 88 Hiến pháp cũng quy định Chủ tịch nước cũng có quyền đề nghị Quốc hội bầu, bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ v.v...
Để hiểu về lý do vì sao, Quốc hội khóa 13 tiến hành thủ tục miễn nhiệm các lãnh đạo chủ chốt của nhà nước vào kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, theo VNN, tân Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đọc tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, có nội dung như sau:
"Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa 13, ông Trương Tấn Sang - ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, được QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Trong thời gian đảm nhận chức vụ, ông Trương Tấn Sang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nay do yêu cầu bố trí sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác cán bộ, căn cứ điểm 4 Nghị quyết số 01 ngày 12/3/2016 của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 12, căn cứ điều 74 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, điều 11 luật Tổ chức QH, điều 39 nội quy kỳ họp QH, UB Thường vụ QH trình Quốc hội xem xét chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Trương Tấn Sang".
Đặc thù của hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị của Việt nam hiện nay vẫn tiến hành theo kiểu xô viết, đó là hệ thống chính trị nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản, vì thế việc lựa chọn các chức danh lãnh đạo quốc gia sẽ do ban lãnh đạo đảng đồng thuận và chỉ định, thay vì bằng sự tín nhiệm của dân chúng. Trong nhiều năm gần đây, nhiệm kỳ của Quốc hội thường bằng thời gian giữa 2 kỳ đại hội toàn quốc của đảng CSVN, nhưng chênh nhau khoảng 6 tháng, đó là thời gian từ sau đại hội toàn quốc đảng CSVN đến khi bầu xong Quốc hội mới. Vì vậy, việc Quốc Hội phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thực chất là một việc làm mang tính hình thức nhằm để phô diễn.
Về nguyên tắc, khái niệm thời gian có khoảng trống quyền lực, là thời gian ví như sự giao thoa trong việc chuyển tiếp quyền lực giữa bộ máy lãnh đạo chính quyền mới và chính quyền cũ. Đó là lúc bộ máy nhà nước như rắn không đầu, vì các lãnh đạo cũ đã chính thức mất hết quyền lực và đã chuẩn bị tinh thần về nghỉ hưu, còn các lãnh đạo mới thì chưa có thực quyền. Điều này không chỉ có riêng ở Việt nam, mà có thể thấy ở hầu hết các tổ chức nhà nước dựa trên việc bầu cử để xác lập chính quyền mới. Đây cũng là giai đoạn mà bộ máy nhà nước có xu hướng bị trì trệ hơn. Vì thế việc nhanh chóng xóa bỏ khoảng trống quyền lực của các lãnh đạo hàng đầu quốc gia, là việc làm cần thiết và cấp bách.
Ở Việt nam, sau Đại hội toàn quốc đảng CSVN lần thứ 12, đã thông qua nhân sự lãnh đạo chủ chốt và để đảm bảo tính kế thừa, thì họ sử dụng Quốc hội 13 làm động tác "kỹ thuật" để thay đổi các nhân sự lãnh đạo nhà nước, với mục đích nhanh chóng xóa bỏ cái "khoảng trống quyền lực", thì đây cũng là việc làm cần thiết. Và sau đó, đến khi hoàn tất mọi thủ tục "diễn" để có Quốc hội khóa 14, thì họ sẽ lại làm thủ tục tái bổ nhiệm thì vẫn thế. Nên nhớ, theo thông lệ QH 14 chính thức hoạt động vào khoảng tháng 7/2016, nghĩa là khoảng trống quyền lực là khoảng 6 tháng - một thời gian quá dài trong một nhiệm kỳ 5 năm.
Kết
Các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của nhà nước Việt nam lâu nay được đảng của họ đưa lên "ngôi" bằng cách thức như vậy, nay khi hết hạn thì họ cũng phải xuống theo con đường mà đảng trước đây đã đưa họ lên. Chuyện đơn giản như thế thì làm sao chúng ta cần phải ầm ĩ nhỉ? Đại hội đảng CSVN lần thứ 12 đã quyết định ra sao, thì bây giờ họ triển khai đúng phương án như thế. Sau Đại hội 12, vị thế của ông Nguyễn Phú Trọng chiếm ưu thế, song làm gì có chuyện ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư muốn làm gì thì cũng được như các nhà bình luận vẫn phân tích. Không phải chúng ta vẫn gọi họ lãnh đạo theo chế độ Vua tập thể hay sao? Như chuyện mới nhất, khi bộ đội biên phòng Việt nam vừa bắt tàu của Trung quốc, sao ông Tổng Bí thư Trọng - một phần tử được cho là thân Trung quốc không ra lệnh cấm họ làm việc đó đi?
Mọi việc đã trở nên rõ ràng hơn, nếu như phía chính quyền tôn trọng người dân thì họ cần phải sớm công bố rộng rãi các thông tin như trích dẫn nêu trên. Điều đó sẽ giúp cho việc giải tỏa các nghi ngờ không đáng có.
Song vấn đề có lẽ là ở chỗ, tại sao đảng CSVN và chính quyền của họ, không nghĩ đến việc tổ chức các kỳ bầu cử Quốc hội ngay sau khi Đại hội toàn quốc của đảng CSVN kết thúc khoảng 60 ngày? Nếu làm như thế thì chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện trong vòng 3-4 tháng, Quốc hội của hai khóa liên tiếp nhau, phải lặp đi, lặp lại việc bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước. Một việc làm không đáng có, mà chỉ có tác dụng gây buồn cười, không những thế nó còn làm lãng phí tiền thuế của người dân cho các kỳ họp Quốc hội.
Ngày 03/04/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây