You are here

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỨNG CỬ VIÊN ĐBQH NGUYỄN TƯỜNG THỤY

“Vận động cho một nền chính trị đa nguyên, một định chế tam quyền phân lập”.
“Đa sở hữu đất đai”
“Chấm dứt tình trạng 2 bộ máy cầm quyền song song”
“Không dùng ngân sách để cấp cho hoạt động, trả lương cho bất kỳ đảng phái nào”.

 

Chương trình hành động:

 

Là một người dân luôn luôn trung thành với lợi ích của Nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam, tôi quan tâm đến tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ của đất nước, mong muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, phát triển, xã hội công bằng bác ái, người dân được sống hạnh phúc trong các mối quan hệ bình đẳng.
 
Những vấn đề chính sẽ đề xuất, vận động, tuyên truyền nếu đắc cử đại biểu quốc hội:
 
- Tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, trước hết là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông. Tiếp tục biểu tình chống Trung Cộng. Yêu cầu Tổng bí thư với tư cách là người đứng đầu hệ thống chính trị, Bí thư Quân ủy trung ương, xác định rõ đối tượng tác chiến của lực lượng vũ trang để định hướng cho huấn luyện, trang bị, sẵn sàng chiến đấu, tạo thế chủ động ứng phó hiệu quả khi đất nước bị xâm lược mà nguy cơ đến từ phía nhà cầm quyền Bắc Kinh đã là một sự thật hiển nhiên.
 
- Góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra bước đột phá về phản biện, chất vấn trong hoạt động nghị trường theo hướng không né tránh bất kể điều gì, lĩnh vực nào nếu không thuộc danh mục bí mật quốc gia được qui định. Không chấp nhận thuât ngữ “nhạy cảm” trong hoạt động nghị trường cũng như trong các hoạt động chính trị xã hội khác.
 
- Vận động cho một nền chính trị đa nguyên, một định chế tam quyền phân lập.
 
- Vận động các đại biểu quốc hội nâng cao bản lĩnh tư duy độc lập. Với các đại biểu là đảng viên, nếu ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng không phù hợp với thực tế và nguyện vọng của cử tri thì dũng cảm phản biện.
 
- Vận động thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống tham nhũng lãng phí do Chủ tịch quốc hội làm chủ tịch Ủy ban.
 
- Đề nghị sửa đổi Luật Cán bộ công chức theo hướng nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nâng cao hiệu quả công tác. Cá nhân chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây nên, không đổ lỗi cho tập thể.
 
- Quan tâm đến vấn đề bình đẳng giữa các thành phần trong xã hội như bình đẳng nam nữ, cán bộ và dân thường, đảng viên và người ngoài đảng đều như nhau trước pháp luật, giảm thiểu phân hóa giàu nghèo.
 
- Vận động nâng cao chất lượng an sinh xã hội, đảm bảo cho mỗi người dân không ai bị đói rách, không có trẻ em không được đến trường vì nhà nghèo, người bệnh nghèo phải được chữa bệnh miễn phí, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho bệnh nhân khi nằm bệnh viện.
 
- Vận động Quốc hội sớm luật hóa các điều luật trong Hiến pháp như luật về đảng lãnh đạo, Luật biểu tình, Luật lập Hội… Sửa đổi các bộ luật không phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước.
 
- Sửa Luật bầu cử để đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân, phân định rõ vai trò lãnh đạo và chức năng hành chính, chấm dứt tình trạng 2 bộ máy cầm quyền song song. Không dùng ngân sách để cấp cho hoạt động của bất kỳ đảng phái nào. Các đảng phái tự lo tài chính cho mình.
 
- Về vấn đề nông dân, dân oan và đất đai:
 
+ Nông dân phải có ruộng đất. Không được lợi dụng qui định đất đai thuộc sở hữu Nhà nước (điều 5 Luật đất đai), nhân danh lợi ích công cộng, phát triển kinh tế nhưng thực chất là vì lợi ích nhóm để thu hồi, bồi thường rẻ mạt gần như cướp trắng, đẩy người dân vào cảnh không nhà, không đất canh tác. Lập giá đất sát với giá thị trường để người dân không bị thiệt thòi. Thỏa thuận với dân khi thu hồi đất đúng luật pháp. Không chấp nhận cưỡng chế thu hồi đất trái luật và vô đạo.
 
+ Nghiêm trị những kẻ nhân danh Nhà nước, núp dưới chiêu bài vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế để cưỡng bức đất của dân, bắt dân bỏ tù chỉ vì phản đối cưỡng chế thu hồi đất.
 
+ Yêu cầu sửa Luật đất đai theo hướng đa sở hữu, đất của dân phải thuộc sở hữu tư nhân.
 
+ Giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu tố của dân, chấm dứt viêc dân khiếu kiện lâu năm kéo dài.
 
- Về vấn đề dân chủ, nhân quyền:
 
+ Yêu cầu Quốc hội sửa đổi luật Báo chí, bổ sung điều khoản công dân được quyền ra báo, tạp chí và lập nhà xuất bản tư nhân để thực hiện quyền tự do ngôn luận. Xoá bao cấp đối với báo chí của Đảng và Nhà nước.
 
+ Yêu cầu chấm dứt tình trạng chà đạp lên pháp luật như: đánh đập, bắt người trái luật, xử oan sai, phân biệt các thành phần trong quá trình xét xử như “quan xử theo lễ, dân xử theo hình”... Xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật, vô trách nhiệm, do kém trình độ hoặc nhận hối lộ mà cố tình xử oan sai.
 
+ Yêu cầu chấm dứt tình trạng sách nhiễu dân trong các thủ tục hành chính như gây khó khăn, bây cưa trong việc giải quyết giấy tờ cho dân như cấp phép xây dựng, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sang chuyển nhượng nhà đất và các loại giấy tờ khác. Kỷ luật cán bộ, nhân viên có tình gây nên sự nhũng nhiễu đó.
 
+ Tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân để nhân dân hiểu rõ quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở đó, mỗi người dân đều hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi công dân, có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình
 
- Để tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền của mình, bênh vực những người dân bị áp bức, tôi sẽ lập văn phòng riêng để hàng ngày tiếp xúc với cử tri; chủ động đến thăm hỏi và tìm hiểu đời sống, nguyện vọng của cử tri; lên tiếng và yêu cầu giải quyết ngay các trường hợp bị oan sai, các vụ việc gây thiệt hại cho dân như thu hồi đất không đúng pháp luật, không bồi thường hoặc bồi thường ép giá không thỏa thuận với dân và những vụ việc đụng chạm đến lợi ích hợp pháp của nhân dân.
 
Nguyễn Tường Thụy