Để có thể hiểu được sự vĩ đại, những khó khăn và sự phức tạp của toàn cầu hóa, chúng ta cần có hình dung nhất định về trạng thái xã hội của nhân loại khi tiến trình toàn cầu hóa được hoàn tất. Để dễ hình dung, chúng ta lấy một hình ảnh ví dụ, đó là nước Mỹ ngày nay mở rộng không gian ra khắp toàn cầu. Điều đó có nghĩa là, con người được tự do ở khắp mọi nơi, có thể đến và đi, có thể định cư ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu này. Nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở của con người được bảo đảm ở tất cả mọi nơi. Con người có thể làm bất cứ điều gì trong phạm vi pháp luật chung toàn cầu, dựa trên sự bảo đảm và bảo vệ tối đa quyền con người của mỗi một cá nhân. Khi đó, cả thế giới chỉ còn lại một nhà nước, các biên giới quốc gia bị xóa bỏ, mọi hận thù, phân biệt bị xóa bỏ, con người sống trong hòa hợp và yêu thương. Đó chính là thiên đường nơi hạ giới, hoàn toàn có thật và có thể xây dựng được.
Đối chiếu viễn cảnh tươi đẹp khi hoàn tất tiến trình toàn cầu hóa với sự thật trần trụi của thế giới hiện nay, rất ít người có sự lạc quan vào tương lai của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tiến trình lịch sử tự nhiên của con người, của nhân loại là đi tới trạng thái đó. Vấn đề là nhận thức được những khó khăn, thách thức và xây dựng được con đường đi của toàn cầu hóa sẽ quyết định tốc độ, thời gian và chất lượng của tiến trình vinh quang này. Có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với tiến trình toàn cầu hóa, nhưng có hai thách thức cực lớn mà tiến trình toàn cầu hóa phải vượt qua.
Trước hết, đó là sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, sự khác biệt giữa các nền văn hóa, sự đan xen các thể chế chính trị dân chủ, chuyên chế, độc tài và cuối cùng là sự hận thù, chiến tranh giữa các quốc gia...về kinh tế, thế giới chia làm ba nhóm nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Ba nhóm nước này có sự chênh lệch rất lớn về phương thức sản xuất và cả thu nhập, mức sống của người dân. Về văn hóa xã hội, một số nước vẫn đắm chìm trong các nền văn hóa thiếu sự khoan dung như Hồi giáo cực đoan, Nho giáo, Khổng giáo...Về thể chế chính trị, trong số trên 200 quốc gia thì chỉ có khoảng 150 nước có thể chế dân chủ, số nước còn lại là những nước độc tài, chuyên chế và toàn trị. Trong 150 nước có thể chế dân chủ, thì chỉ có chưa đầy 30 nước người dân thực sự có tự do, số còn lại, 120 nước chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Nói tóm lại, về bản chất, số quốc gia và số người hiện nay được gọi là tự do còn quá ít so với số quốc gia và tổng số người trên toàn thế giới. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần xây dựng lại, chuẩn hóa lại thể chế chính trị dân chủ, để các quốc gia có thể bảo đảm không gian tự do cho con người, trước khi mở rộng, kết nối với các quốc gia khác, và toàn thế giới. Đó là quá trình kiến tạo tự do của con người trong phạm vi từng quốc gia.
Thứ hai, tiến trình toàn cầu hóa, từ trước tới nay là một tiến trình tự phát. Chính vì tự phát mà các bước đi rất gian nan, quanh co và khúc khủy do chưa xác định được bản chất và con đường đi của toàn cầu hóa. Mặc dù tự phát, nhưng thế giới cũng đã có nhiều tổ chức, nhiều thiết chế, định chế là cơ sở và nền tảng cho tiến trình toàn cầu hóa. Ví dụ việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc, các định chế tài chính quốc tế, Hiến chương Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tòa án quốc tế...Trong thực tế, trên phạm vi toàn cầu, các tổ chức, các thiết chế và định chế thực hiện chức năng kết nối tự do. Việc xác định chức năng kết nối tự do, mở rộng không gian tự do của con người chính là xác định đúng bản chất của toàn cầu hóa. Từ đó sẽ xác định được con đường đi của tiến trình toàn cầu hóa.
Như vậy, từ hai thách thức lớn nhất của tiến trình toàn cầu hóa, chúng ta có thể xác định con đường của toàn cầu hóa. Con đường của toàn cầu hóa bao gồm hai quá trình song song nhau, vừa hỗ trợ vừa tương tác lẫn nhau. Đó là quá trình kiến tạo tự do của từng quốc gia, song song với việc xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu (kết nối tự do), hay còn gọi là tiến trình kiến tạo và kết nối tự do của con người.
Thực hiện việc kiến tạo tự do, tức xây dựng thể chế dân chủ quốc gia có một điều cần nhấn mạnh. Trong số 150 quốc gia có thể chế dân chủ, thì chỉ có khoảng chưa đầy 30 quốc gia là có tự do cho người dân, còn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Đi sâu vào nghiên cứu, trong số 30 quốc gia thì duy nhất chỉ có Hoa Kỳ là có thể chế dân chủ bảo đảm tự do của con người xuất phát từ chính thể chế dân chủ mà họ thiết kế và xây dựng. Các quốc gia còn lại, các yếu tố tâm lý và văn hóa có ảnh hưởng quyết định (chứ không phải từ bản chất thể chế dân chủ quyết định). Chính vì vậy, thế giới ngày nay chưa xây dựng được một mô hình dân chủ chuẩn xác, có thể áp dụng cho mọi quốc gia mang lại tự do cho người dân. Có nhiều người cho rằng, không có mô hình chuẩn về xây dựng thể chế dân chủ áp dụng hiệu quả cho mọi quốc gia. Tuy nhiên, sự thực thì thế giới chưa tìm ra mô hình chuẩn, chứ không phải là không có. Một mô hình dân chủ chuẩn xác, đòi hỏi phải xác định được đúng định chế dân chủ cốt lõi (hạt nhân) trong nhiều định chế của thể chế dân chủ (ví dụ: hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, ứng cử và bầu cử tự do, tản quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí..vv.). Từ định chế cốt lõi đó, cần xây dựng thể chế dân chủ xoay quanh và bảo đảm sự vận hành của định chế cốt lõi, sẽ là lời giải cho bài toán tự do của con người (mời tham khảo cuốn Dân Chủ, và các bài viết xung quanh vấn đề dân chủ của Nguyễn Vũ Bình).
Vấn đề kết nối tự do, tức xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu, đặt nền tảng trên sự tự do của con người ở từng quốc gia. Tuy nhiên, do hai quá trình đồng thời xảy ra, nên sẽ có sự tương tác giữa quá trình kiến tạo và kết nối tự do. Điều đó có nghĩa là, có những quốc gia vừa xây dựng thể chế dân chủ, vừa trong quá trình tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu. Vì vậy, tiêu chí quyền con người trong tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc chính là quyền tự do cơ bản của con người trên phạm vi quốc gia cũng như toàn cầu, được xây dựng và thực thi bằng cùng một phương thức tổ chức xã hội (thể chế dân chủ) sẽ là con đường của toàn cầu hóa trong tương lai./.
Hà Nội, ngày 24/3/2016
N.V.B
Bài bình luận gần đây