Việt Long, phóng viên RFA
2010-11-17
Tổng thống Barack Obama vừa trở về Hoa Kỳ hôm chủ nhật, sau chuyến công du 4 nước châu Á. Chuyến công tác 10 ngày vất vả của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đạt được những thành quả gì?
Photo courtesy of whitehouse.gov
Tổng thống Barack Obama chụp ảnh với các nhà lãnh đạo APEC tại Trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama ở Yokohama, Nhật Bản, 13 tháng 11 năm 2010.
Mở rộng ảnh hưởng
Chuyến công du của Tổng thống Obama sang châu Á có thể được chia làm hai phần, với mục tiêu và thành quả đạt được khác nhau.
Tại Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản là chính sách ngoại giao và kinh tế nhằm kiến tạo mối đồng minh chiến lược mới và củng cố mối liên minh sẵn có về an ninh quốc phòng cũng như về kinh tế.
Tại Hàn quốc, là biện pháp giải quyết tình trạng thất quân bình về cán cân thương mại trong 20 nền kinh tế thành viên nhóm quốc gia G-20.
Trước khoáng đại Quốc hội Ấn Độ, Tổng thống Obama tuyên bố ủng hộ Ấn Độ trở thành trở thành hội viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tuy đi sau một bước, sự phát triển của Ấn Độ được coi là mang tính bền vững hơn Trung Quốc, và chẳng bao lâu sẽ đuổi kịp xứ đông dân nhất thế giới nhưng mang nhiều yếu tố bất ổn kinh niên.
Ngày cuối của chuyến công du, Tổng thống Mỹ họp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh để cùng phác họa nền móng cho tương lai. Tổng thống Mỹ ngỏ ý hy vọng Ấn Độ sẽ giữ một vai trò quan trọng như một đồng minh chung quyền lợi với Hoa Kỳ trên khắp thế giới.
Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Ấn nhấn mạnh đến mối hợp tác về kỹ thuật, canh tân và năng lượng.
Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ làm việc chung để tăng cường cơ cấu kiểm soát xuất cảng toàn cầu, đồng thời nới rộng mức hạn chế trao đổi kỹ thuật cao giữa hai nước, cũng như những chính sách để thực hiện toàn bộ tiềm năng của mối đối tác chiến lược song phương.
Hai nước quyết định sẽ cùng bắt tay thực hiện những giai đoạn tuần tự để mở rộng công cuộc hợp tác khoa học không gian dân sự, quốc phòng, và các lĩnh vực kỹ thuật cao.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (P) sau một cuộc họp báo chung tại Hyderabad House - New Delhi ngày 08 tháng 11 năm 2010. AFP photo
Công cuộc hợp tác này nhắm đến và không giới hạn trong các mục đích thực hiện những chuyến lên mặt trăng tương lai, những trạm không gian, những chuyến thám hiểm của con người, chia sẻ các dữ kiện thông tin và kỹ thuật, cùng nhiều hoạt động về khoa học không gian từ đầu năm 2011.
Tuy nhiên giới bảo thủ của Ấn Độ, những người muốn giữ chặt lập trường trung lập của xứ Ấn, tỏ ra nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ. Họ coi việc viện trợ quân sự của Mỹ cho Pakistan là một việc đáng gây nghi ngại.
Vì thế nên ba hiệp ước quân sự nhằm gia tăng khả năng hoạt động chung cho hai quân đội đã bị bỏ ngỏ, không được ký kết vào lúc Tổng thống Mỹ có mặt ở Ấn Độ.
Giới quốc phòng của Ấn Độ chưa chịu tin rằng những hiệp ước ấy là để dạo đầu cho chiến lược rào cản, nhằm tạo điều kiện cho Mỹ can thiệp giúp Ấn Độ chống cuộc xâm lược của Trung Quốc nếu chẳng may diễn ra trong tương lai.
Yếu tố Trung Quốc
Giới phân tích về quốc phòng cho rằng Hoa Kỳ chưa quyết định về việc liệu chiến lược rào cản đối với Trung Quốc có cần thiết không. Tuy nhiên họ cũng bày tỏ dự kiến là dù sao mối liên minh chiến lược quốc phòng sớm muộn cũng sẽ được thiết lập, không cần phải gấp gáp.
Tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ ký kết hiệp ước thương mại tự do với nhóm 21 quốc gia châu Á Thái Bình Dương thuộc diễn đàn hợp tác kinh tế APEC. Ông Obama cũng có dịp củng cố mối liên minh chiến lược vững chắc thêm với nước chủ nhà Nhật Bản, tuy rằng Tokyo với Bắc Kinh, rồi với Mátxcơva, vừa tranh cãi về chủ quyền một số hòn đảo nằm lửng lơ giữa Nhật với Trung Quốc ở trên biển Đông Hải.
Thủ tướng Nhật ca ngợi Hoa Kỳ là luôn luôn đứng về phía Nhật trong vấn đề chủ quyền lãnh hải. Tổng thống Mỹ tuyên bô liên minh Nhật Mỹ là nền tảng của an ninh khu vực, hai nước sẽ tiếp tục hiệp ước hợp tác quân sự ký kết năm 1960, và 5 thập niên qua cho thấy Nhật Mỹ hùng mạnh hơn khi cùng đứng với nhau.
Rõ ràng Trung Quốc là hình ảnh đeo đuổi Tổng thống Mỹ suốt cuộc hánh trình. Giới quan sát cho rằng những điều biểu thị của Tổng thống Barack Obama ở Ấn Độ và Nhật Bản nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng Hoa Kỳ vẫn chủ trương hiện diện quân sự ở cả Nam Á và Đông Bắc Á, đương đầu với Trung Quốc, dù với nền kinh tế khó khăn ở nhà và chiến trường Afghanistan khó chịu ở Trung Đông.
Tại Indonesia, một quốc gia có thể làm đối trọng với Trung Quốc ở phía nam giống như Ấn Độ, Tổng thống Obama chiếm được hoàn toàn cảm tình của người dân, khi ông trở về như chuyến thăm cố hương, nơi ông từng sinh sống trong thuở thiếu thời.
Hai nước ký kết hiệp ước đối tác toàn diện về trao đổi giáo dục, phát triển kinh tế, chống thay đổi khí hậu. Indonesia là nước lớn nhất trong 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, và là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong nhiệm kỳ tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (T) và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak (P) trong một cuộc họp báo chung tại Seoul ngày 11 tháng 11 năm 2010 trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh G20. AFP photo
Và sau cùng, tại Hàn quốc, Trung Quốc đã trở thành con voi lù lù giữa hội nghị G-20 quy tụ 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới, nơi không nước nào nhường nhau nửa bước, và vấn đề tiền tệ đã ám ảnh cả 20 quốc gia dự hội.
Sau nhiều ngày đêm làm việc cật lực, các chuyên viên 20 nước vẫn không đạt được đồng thuận về một chiến lược giải quyết tình trạng thất quân bình giữa cán cân thương mại của các nước. Không ai ủng hộ Hoa Kỳ trong việc đòi hỏi Trung Quốc nâng giá nhân dân tệ. Nhiều nước chỉ trích Mỹ về quyết định bơm 600 tỉ đô la vào thị trường làm hạ giá đô la.
Đồng nhân dân tệ rẻ giúp xuất khẩu của Trung Quốc tăng tiến mãi, người Mỹ mất việc làm khi các công ty đưa sản xuất sang Trung Quốc để lấy giá lao động rẻ. Đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ giảm được thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, khi các công ty Trung Quốc bán hàng cho người trong nước hơn là dựa vào thị trường tiêu thụ của Hoa Kỳ, và hàng hóa của Mỹ có cơ hội tiến vào thị trường Trung Quốc.
Sau hội nghị, bộ trưởng tài chính Brazil tuyên bố trận chiến về tiền tệ rất có thể xảy ra. Thông cáo chung ký tên 20 nhà lãnh đạo quốc gia cũng không giải quyết được vấn đề nền kinh tế toàn cầu dựa vào mức tiêu thụ của người dân Hoa Kỳ, trong đó cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt nặng nề trong khi những nước xuất khẩu như Trung Quốc, Đức và Nhật thặng dư mậu dịch.
Biện pháp do thông cáo chung đưa ra là Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng một số định chế quốc tế và các thống đốc ngân hàng, bộ trưởng tài chính sẽ họp trong nửa đầu năm tới để thảo luận tìm giải pháp.
Giới phân tích cho rằng thỏa hiệp cụ thể duy nhất mà các nước đạt được là họ tìm cách đo lường tầm vóc của vấn đề, hơn là có hành động để giải quyết nó.
Bài bình luận gần đây