Bài trước chúng ta nói rằng, trong tình hình hiện nay cải cách là vấn đề sống còn của Việt Nam, vấn đề tồn tại hay không tồn tại, độc lập hay mất nước, cải cách đang là yêu cầu và là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, những ai quan tâm đến tương lai của Việt Nam đều thấy rõ điều này. Tuy nhiên, câu hỏi là : tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam có nghĩ như vậy hay không, có nhìn thấy như vậy hay không, có hiểu được ý nghĩa sống còn của yêu cầu cải cách hay không ?
Chắc không ít người sẽ phản ứng ngay bằng cách nói rằng : những dân thường như chúng ta còn nhìn ra được điều này thì lãnh đạo phải thấy rõ hơn chúng ta chứ.
Phản ứng này thì đúng thôi, nhưng thực tế chưa hẳn là như vậy.
Điều đáng buồn là : chưa chắc tầng lớp lãnh đạo đã nhìn thấy rằng thực tiễn đang đòi hỏi phải cải cách một cách triệt để và cấp bách.
Điều đáng buồn này từng là tiền lệ nhiều lần trong lịch sử của chúng ta. Hãy nhìn ngược lại quá khứ của cả dân tộc để thấy rằng, đã nhiều lần những người cầm quyền Việt Nam để mất nước, do không tự lực tự cường để trở nên hùng mạnh, nghĩa là không chịu phát triển sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự, do mất cảnh giác, ngủ quên trong say sưa và trong lạc thú cá nhân, do ỷ vào việc có sức mạnh thần thánh, chủ quan khinh địch…
Ta thử trở lại với thời kỳ lập quốc, để thấy rằng, Đại Việt sử ký toàn thư chép : « Thục Phán mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhưng Hùng Vương có tướng sĩ giỏi, đã đánh bại quân Thục. Hùng Vương nói: Ta có sức thần, nước Thục không sợ hay sao? Bèn chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị. Bởi thế, khi quân Thục lại kéo sang đánh nước Văn Lang, vua Hùng còn trong cơn say. Quân Thục đến gần, vua Hùng trở tay không kịp phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự tử. Tướng sĩ đầu hàng. Thế là nước Văn Lang mất».
Thục An Dương Vương thôn tính Văn Lang, kết thúc triều đại của 18 đời Hùng Vương, phục dựng Âu Lạc, đánh thắng quân Tần, cho xây thành Cổ Loa nổi tiếng, nhưng rồi mắc đúng bệnh của Hùng Vương thứ 18, người đã bị ông ta đánh bại, mà để mất nước. Đó là bệnh say sưa ngủ quên trong chiến thắng, cậy có nỏ thần, mất cảnh giác với quân địch. Và cũng như Hùng Vương, Thục An Dương Vương chọn cách tự tử để giữ khí tiết. Âu Lạc thất thủ và các tộc người Việt bắt đầu một ngàn năm Bắc thuộc.
Dĩ nhiên trong một ngàn năm đó, người Việt không chịu khuất phục và đã tiến hành các cuộc nổi dậy, hết nhóm này đến nhóm kia chấp nhận thất bại cho đến khi Ngô Quyền giành được chiến thắng quyết định và bắt đầu thời kỳ độc lập ổn định cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong một ngàn năm tiếp theo, các triều vua Việt Nam cũng đã nhiều lần để mất nước.
Tất nhiên, ở đây tôi không có ý định làm công việc tổng kết lịch sử. Nhắc lại lịch sử để dẫn tới điều này : nếu dám nhìn thẳng vào thực tế thì ta sẽ thấy rằng tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam hiện nay đang mắc đúng các sai lầm của quá khứ, các sai lầm từng khiến cho Việt Nam mất độc lập.
Chẳng khó khăn gì để đưa ra các dẫn chứng. Quý vị đã nói hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Ở đây tôi chỉ đề cập hai điểm, hai sai lầm của lãnh đạo hiện nay, lặp lại các sai lầm trong lịch sử đã dẫn Hùng Vương và An Dương Vương đến chỗ mất nước: say sưa chiến thắng và mất cảnh giác.
Các khẩu hiệu, các diễn văn của lãnh đạo, thậm chí các bài giảng của các môn thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn (sử, triết, văn, chính trị…) khiến cho chúng ta phải vô cùng kinh ngạc trước khả năng tự ca ngợi mình, tự say sưa trong chiến thắng của đảng cầm quyền hiện nay tại Việt Nam. Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, và trong bốn mươi năm đó, đói nghèo và các tệ nạn xã hội chồng chất trong sự thất bại của quá trình giải quyết đói nghèo, song song là quá trình mất dần từng phần lãnh thổ và lãnh hải, cùng với sự băng hoại toàn diện của chế độ, tất cả những điều đó càng khiến cho bài ca chiến thắng cất lên mỗi lần một vang dội hơn, khiến cho màu đỏ chiến thắng càng lúc càng chói rực hơn trên phông màn của các phòng họp trong mỗi kỳ đại hội đảng. Cùng với bài ca thắng lợi là điệp khúc tự ca ngợi công lao của mình. Lãnh đạo đảng cộng sản luôn tự thấy đảng « đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác », đảng luôn tự thấy « Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao», « lịch sử đảng là cả một pho lịch sử vàng »… có thể liệt kê vô số những câu như vậy, nhiều như sao trên trời. Những lời tự ca ngợi này chưa bao giờ chấm dứt, bất chấp các thất bại và các vấn nạn trong thực tế. Những khẩu hiệu như trong tấm ảnh dưới đây (do tôi chụp tại Sài Gòn) chăng đầy các đường phố khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, mỗi dịp đảng tiệc tùng tự chúc mừng ngày sinh nhật của mình.
Thái độ này của đảng cầm quyền hiện nay có khác gì thái độ của Hùng Vương 18 được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư : « Bèn chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị » ? Hãy xem lại những hình ảnh về cuộc đối đầu giữa tàu của Trung Quốc và tàu của Việt Nam trên biển Đông để thấy thực lực của quân đội Việt Nam hiện đang thê thảm như thế nào.
Sai lầm thứ hai là mất cảnh giác. Hùng Vương 18 mất cảnh giác do tin rằng mình có « sức thần », tiếc là Đại Việt sử ký toàn thư không nói rõ cái sức mạnh thần thánh mà Hùng Vương dựa vào là gì. An Dương Vương mất cảnh giác vì quá kiêu ngạo về sức mạnh của nỏ thần, và ngây thơ đặt lòng tin tuyệt đối vào kẻ thù của mình, đến mức gả con gái, đưa giặc vào trong chính gia đình mình, đồng thời loại bỏ tướng tài của triều đình, Cao Lỗ, vì vị tướng này dám khuyên can vua không nên mắc mưu giặc.
Lãnh đạo Việt Nam hiện nay mất cảnh giác đến mức ký kết các hợp đồng đặt hầu hết những điểm xung yếu chiến lược của đất nước vào tay Trung Quốc. Ở đây quý vị độc giả có thể phản đối tôi bằng cách lập luận rằng không phải họ mất cảnh giác, mà là họ cố tình, họ thừa biết là nguy hiểm (nếu dân thường như chúng ta còn biết là nguy hiểm thì họ phải biết rõ hơn chúng ta) nhưng vẫn cố tình ký kết cho thuê, vì họ tham lợi cá nhân mà đặt an ninh quốc gia vào tình trạng nguy khốn. Nếu quý vị phản đối như vậy thì tôi cũng đành chấp nhận, không bác bỏ được. Chúng ta còn chưa biết được việc cho thuê dài hạn các vị trí địa lý quan yếu về chiến lược sẽ mang lại những hậu quả nào cho Việt Nam.
Lãnh đạo hiện nay mất cảnh giác đến mức bất chấp thực tế là Trung Quốc bành trướng, leo thang kiểm soát biển Đông, xâm phạm trực tiếp lãnh hải của Việt Nam, vẫn coi Trung Quốc là bạn tốt, và chấp nhận thiết lập những ràng buộc mà người dân không thể hiểu được lý do, ví dụ như việc lập đường dây nóng giữa quân đội hai nước.
Nếu An Dương Vương tin vào sức mạnh siêu nhiên của nỏ thần mà mất cảnh giác, thì đảng cầm quyền hiện nay tin vào cái gì để mất cảnh giác và để tin rằng mình có thể lãnh đạo thành công mọi cuộc cách mạng ? Cái « nỏ thần » của đảng cộng sản Việt Nam chính là chủ nghĩa Marx-Lê nin và chủ nghĩa xã hội. Đảng cầm quyền đã và đang thần thánh hóa chủ nghĩa xã hội như là một sức mạnh siêu nhiên. Dù những người lãnh đạo có tin hay không thì họ cũng đang bắt cả dân tộc phải tin một cách vô điều kiện vào con đường chủ nghĩa xã hội, con đường mà chính họ cũng không biết sẽ dẫn tới đâu, không biết khi nào mới đến đích. Nhưng điều mà nhiều người dân đang thấy và đã nói ra từ lâu, là nó có thể dẫn Việt Nam tới chỗ trở thành một tỉnh của Trung Quốc.
Tóm lại, ở thời điểm này, giới cầm quyền ở Việt Nam đang bộc lộ đầy đủ những sai lầm của quá khứ, những sai lầm từng dẫn tới việc mất nước nhiều lần trong lịch sử.
(Còn tiếp)
Paris, 28/2/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận gần đây