NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Trước đại hội Đảng CSVN lần thứ 12, trên các mạng xã hội đều tỏ ý muốn ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm tổng bí thư. Trong một cuộc thăm dò trên mạng cho thấy số muốn ông Dũng ngồi vào vị trí này là 86,6%, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có 7% số 6,4% còn lại là dành cho ông Trương Tấn Sang. Với những người thuộc phe dân chủ và cả trong truyền thông (trừ Hoàn Cầu thời báo!?) muốn ông Dũng làm tổng bí thư chỉ đơn giản là họ không có cách lựa chọn nào khác chứ chẳng phải ủng hộ ông nào. Cần phải phân biệt “muốn” khác với “ủng hộ” hay “bênh vực” cũng như “đưa tin” khác với “bình luận”. Ấy thế mà không ít người la lên rằng, ủng hộ ông này ông khác đều là ủng hộ cộng sản, kể cả khi chỉ nói muốn hay không muốn. Rồi những gì hiểu biết lõm bõm về dân chủ được dịp mang ra giảng giải cho thiên hạ.
Trong bóng đêm, người ta cần một ngọn nến dù leo lét chứ không ai đi chọn một ngọn đèn hết dầu. Chọn một cây nến không có nghĩa là người ta không thích có đèn cao áp.
Vì vậy, ở đây không có chuyện thích, bênh hay ủng hộ ông nào, chỉ xin nêu mấy nhận xét dựa vào những gì đã xảy ra. Còn nếu làm bạn đọc nào đó có cảm giác tôi yêu ghét ai, điều đó là ngoài mong muốn.
Quan tâm đến mỗi chuyện nhân sự: Cứ lẽ mà suy ra, có ai quan tâm đến đại hội Đảng thì phải quan tâm đến chuyện kỳ đại hội này quyết định những vấn đề gì lớn. Trước tình hình kinh tế, xã hội hiên nay, Đảng có quyết sách gì? Đường lối đối nội đối ngoại, quan hệ Đông Tây thế nào? Lớn hơn nữa là vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng chủ trương sao đây?
Nhưng không, đại hội nào cũng thế và đặc biệt trong đại hội lần này, người ta chỉ quan tâm đến vấn đề nhân sự. Từ cuối tháng 12 đã xôn xao chuyện ông này ở, ông kia về. Vào đại hội cũng thế, cũng chỉ ồn ào vấn đề nhân sự. Các ngón đòn triệt hạ lẫn nhau, kể cả đòn gió tiếp tục tung ra. Cho đến khi bầu xong ban chấp hành TW rồi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử tổng bí thư, mọi việc mới tạm lắng xuống.
Thì ra, nhân sự như thế nào họ đã quyết trước cả. Ra đại hội, các đại biểu chỉ răm rắp nghe theo những gì đã sắp xếp.
Ông ở ông đi
Trong dư luận, ông Dũng được nhiều sự cổ vũ gần như tuyệt đối. Thế nhưng ông Dũng đã không lọt qua khe cửa hẹp cuối cùng của Quyết định 244. Lá phiếu trong đại hội chưa chắc đã phản ánh đúng sự tín nhiệm mà là do tính toán xuất phát từ lợi ích cá nhân.
Không phải người ta không biết ông Trọng là ai, khả năng như thế nào. Ông được đánh giá là giáo điều, bảo thủ, lúc nào cũng tụng kinh chủ nghĩa Mác – Lê tới mức nhàm chán. Ông kêu gọi phải “giữ cho được chế độ này, Đảng này". Tệ hơn, ông còn thể hiện sự bạc nhược trước Trung Cộng mà ông ngụy biện là khôn khéo. Người ta nghi ngờ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước của ông. Năm 2010, khi ông còn làm Chủ tịch Quốc hội, trong một phiên họp, ông “ngây thơ” phán một câu mà đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ: “Tình hình Biển Đông không có gì mới”. Gần đây nhất, khi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình ngày 8/12/2015 ông nói: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?
Nhưng các đại biểu họ cần tính trước hết đến cái ghế của mình. Trong một chế độ lệ thuộc quá nặng nề vào Trung Cộng (TC) thì sự sợ hãi Trung Quốc (TQ) hay phe thân TQ là điều không có gì ngạc nhiên. Quyền lợi của đảng viên gắn chặt với sự sống còn của Đảng mà Đảng CSVN không thể tồn tại nếu không có Đảng CSTQ. Một bộ máy lãnh đạo không thỏa mãn ý muốn của TC rồi sẽ ra sao? Sự can thiệp của TC vào bộ máy lãnh đạo VN đã có từ quá khứ, ngay cả thời kỳ chưa lệ thuộc vào chúng như bây giờ. Trường hợp đảng CSVN phải loại Ủy viên Bộ chính trị, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, một nhà lãnh đạo cứng rắn với TQ là một ví dụ điển hình. Trước đại hội gần 1 tháng, ngay sau khi ông Nguyễn Sinh Hùng đi thăm TQ, TC đã thông qua đạo luật cho phép chống khủng bố ở nước ngoài. Điều này làm cho nhiều người Việt Nam lo ngại có thể có một “Lê Chiêu Thống” nào đó sang cầu viện và đấy là cái cớ hợp pháp để TC kéo quân vào xâm lược nước ta. Cái bóng đen TC lúc nào cũng lởn vởn trên bầu trời chính trị Việt nam.
Thử hỏi trong số 1510 đại biểu tham dự đại hội kỳ này, tìm được mấy ai tâm huyết với dân, với nước, nhất là trong bối cảnh đó. Họ không đại biểu cho nguyện vọng của dân mà chỉ muốn an phận để hưởng lộc.
Ông Dũng làm thì dở. Người ta chê ông nhiều thứ, đặc biệt là điều hành kinh tế. Ông sinh ra nhiều tập đoàn, nhiều “quả đấm thép” toàn đấm vào mặt nhân dân. Nhưng thử hỏi trong cái cơ chế chính trị hiện nay, nếu ai đó ngồi vào ghế thủ tướng VN thì liệu làm gì được hơn. Họ sẽ “bị khống chế bởi nguyên tắc đảng trị, bị bó rọ trong thể chế độc tài, bị cột chặt vào mục tiêu quyền lực đảng hơn lợi ích nước” (Tuyên bố của các tổ chức chính trị và dân sự độc lập tại Việt Nam nhân đại hội đảng cộng sản lần thứ 12). Người ta còn kết tội ông chủ trương bắt bớ, trấn áp phong trào dân chủ, bỏ tù nhiều người hoạt động dân chủ, tất nhiên không thể bỏ qua vai trò của Bộ trưởng công an. Những tuyên bố mạnh mẽ của ông về chủ quyền Tổ quốc được cho là chống TQ bằng mồm (thực ra, chống bằng mồm vẫn còn hơn là không dám nói).
Sau Hội nghị 13, người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không nghĩ ông Trọng tái đắc cử Tổng bí thư. Điều này được dự đoán ngay từ khi ông được bầu làm tổng bí thư lần đầu. Thế nhưng điều không ai tưởng tượng nổi đã xảy ra.
Mọi việc đã diễn ra đúng như ông Trọng sắp đặt, không xảy ra binh biến như nhiều người đồn đoán. Có lẽ đây là thành công đầu tiên của ông Trọng mà lại thành công vang dội đến thế, tất nhiên là với ông. Lần đầu tiên bằng Tiến sĩ Xây dựng Đảng của ông phát huy tác dụng.
Trong dư luận, người ta cho rằng ông Trọng đã thắng ông Dũng. Nhưng thua thắng là phải có hai bên tham chiến. Về danh chính ngôn thuận, ở đại hội này, ông Dũng không có động thái nào gọi là đánh nhau với ông Trọng, đấy cũng là một thuận lợi cho ông Trọng. Trong khi đó, ông Trọng đã nỗ lực tìm mọi cách để lèo lái đại hội theo ý ông và đã đạt được một cách quá mỹ mãn. Ngoài ra, cũng nên nhắc lại, tại Hội nghị 6 ông Trọng và ông Sang muốn kỷ luật ông Dũng. Mọi việc đã thống nhất ở Bộ chính trị nhưng khi ra đến BCHTW thì họ bỏ phiếu không đồng ý kỷ luật ông. Từ đó ông có biệt danh là “đồng chí X”.
Thế nhưng dù tự nguyện hay buộc phải rút, dù ông Dũng có nuối tiếc đi chăng nữa thì kết cục vẫn là tốt nhất cho ông, trong khi nhiều người bảo ông Trọng dại. Tuy nhiên, đằng sau chuyện ông Dũng rút để cho đại hội “thành công tốt đẹp”, “tập trung phiếu cho đồng chí Trọng” còn nhiều bàn tán, nào là ông Dũng thua mưu ông Trọng, nào là có một sự thỏa thuận ngầm, nào là ông chủ quan, tin vào phe cánh của mình nhưng bị phản… Lại có bình luận cho rằng, vị trí Tổng bí thư họ không muốn cho ông Dũng làm, nhưng không tìm ra ai hoặc ai khác khó bề mà cạnh tranh được với ông Dũng (ví dụ ông Đinh Thế Huynh) nên để ông Trọng cứ ngồi tạm vào đấy theo kiểu câu giờ. Rồi bằng việc xin rút, với một người thao lược và tham vọng như ông Dũng, liệu ông đã rời chính trường thực sự chưa?
Tuy nhiên, khác với số đông, có ý kiến cho rằng kết quả ông Trọng làm tổng bí thư sẽ tốt hơn cho tiến trình dân chủ hóa. Đấy là ý kiến của cô Huỳnh Phương Trang, ủy viên Trung ương đảng Việt Tân. Cô giải thích: “Kết quả Đại hội 12 phải làm cho ĐCSVN yếu đi. Tôi mong người Tổng bí thư họ chọn phải là một người không có khả năng để cầm chịch nội bộ. Người thiếu khả năng đó chính là ông Trọng. Ông Trọng lên không đồng nghĩa mọi việc sẽ như cũ, vì ĐCSVN đã không còn như cũ nữa, đang chia rẽ, tranh giành và ông Trọng không có khả năng cầm chịch. Nếu ông Dũng lên thì tôi nhìn thấy một Putin vì quyền lực của ông Dũng quá mạnh. Mà đã là Putin rồi thì cái khối độc tài đó sẽ mạnh hơn”.
Đó là một ý kiến khá sắc sảo.
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu
Việc ông Dũng xin rút không tái cử có vẻ logic với lời giải thích của ông khi đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn ông về vấn đề từ chức: “Tôi còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, chịu sự lãnh đạo quản lý của Đảng. Trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi nhận chức vụ gì. Là một cán bộ Đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng. Tôi nghĩ Đảng hiểu tôi, tổ chức hiểu tôi. Đảng đã quyết định phân công tôi làm Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu làm Thủ tướng và tôi sẵn sàng chấp nhận. Gần cả cuộc đời theo Đảng, tôi không có chạy, tôi cũng không có xin, tôi cũng không có từ chối thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng và nhà nước phân công. Tôi sẽ thực hiện và tiếp tục thực hiện những gì Đảng phân công như trong suốt 51 năm qua".
Nay ông đã quá tuổi theo qui định của Đảng thì ông xin rút. Ấy là vẫn nói theo danh chính, chứ còn thực tâm ông có muốn hay tìm cách quay trở lại không thì không biết được, hoặc không thể nói vì “không có cơ sở”.
Tự nhiên, tôi liên tưởng đến câu chuyện giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm:
Đặng Trần Thường là người có văn tài. Khi Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Ngô Thì Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm, không có tư cách kẻ sĩ, Ngô Thì Nhậm mắng: “Ở đây cần người có tài có đức, còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác”.
Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về. Thường vào Nam, phò Nguyễn Phúc Ánh, được thăng đến Binh Bộ Thượng Thư.
Sau khi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ, Ngô Thì Nhậm cùng các quan văn võ của nhà Tây Sơn bị giải về Hà Nội để xử phạt. Ở đây ông gặp lại Đặng Trần Thường.
Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường đắc chí ra vế câu đối khiêu khích:
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Ngô Thì Nhậm đáp:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Phải chăng, ông Dũng rút vì ông biết “thế thời phải thế”
Dù sao thì ông Dũng đã ra đi trong tư thế khá đàng hoàng: ông là người đầu tiên xin rút. Ông lại được giới thiệu trở lại với số đề cử nhiều nhất và như đã nói, được dư luận cổ vũ nhiều hơn hẳn. Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị TW 10 cách đây 1 năm, ông lấy lại được tín nhiệm với số phiếu cao nhất. Cầu thủ bóng đá phải biết rời sân cỏ khi sự nghiệp của anh ta không thể hơn được nữa, Trong chính trường cũng nên thế. Ông Dũng ra đi, để lại một nền kinh tế nát bét và cái chế độ cũng nát bét cho ông Trọng và ê kíp của ông gánh. Ông Dũng hãy cứ ngồi uống cà phê mà cười khẩy, hứng lên thì kích đểu mấy câu: “tưởng mỡ lắm đấy mà húp”. Nói “mỡ” là theo nghĩa bóng, là sự lo toan chèo chống, là sự đối phó với điều tiếng chỉ trích, mai mỉa của dư luận, còn theo nghĩa đen, đúng là nhiều “mỡ” thật.
Chuyện đi, ở không chỉ có hai ông. Những ông ở lại chưa chắc đã sung sướng gì. Mỗi khi cúi đầu trước thiên triều, dân chúng nó lại lôi ông Dũng ra so rồi chửi. Rằng: Ông Dũng dù sao cũng nói được mấy câu khảng khái, chứ ông chỉ biết vâng dạ, báo, bẩm.
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi (thơ Chế Lan Viên)
Đại hội 12 đã bầu một ông già, không thể nào già hơn, sờ soạng dẫn dắt dân tộc này đi đến nơi không biết nó ở đâu, hình thù ra sao vì thế chắc chắn không bao giờ đến. Ông là thủ lĩnh của phái thân Trung Quốc, giờ đây khi đối trọng của ông là Nguyễn Tấn Dũng không còn, ông thoải mái lèo lái con đường đi của dân tộc này. Người ta nghĩ đến những cam kết giữa hai đảng ở Hội nghị Thành Đô hiện nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật mà lo lắng cho số phận của đất nước, của dân tộc. Liệu rồi Việt Nam có trở thành một khu tự trị hay một tỉnh của TQ? Số phận Việt Nam rồi có giống như Chiêm Quốc, số phận dân tộc Việt có như “giống dân Hời” trong thơ Chế Lan Viên?
1/2/2016
NTT
Bài bình luận gần đây